Thứ tư, 24/04/2024 00:28 (GMT+7)
Thứ năm, 22/12/2022 15:05 (GMT+7)

Kinh doanh thua lỗ kéo dài, EVN đề muốn tăng giá điện để "cứu thân"

Theo dõi KTMT trên

Trong những năm gần đây, đặc biệt trong năm 2022, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) liên tục kinh doanh thua lỗ mà nguyên nhân chính được chỉ ra do giá điện bị “kìm hãm” không tăng, trong khi chi phí nguyên liệu tăng phi mã.

Biến động giá nhiên liệu làm ảnh hưởng lớn đến doanh thu

Năm 2022, nền kinh tế đã hồi phục và phát triển mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19, nên nhu cầu điện tăng trưởng 8,6% so cùng kỳ năm 2021. Trong năm này, doanh thu toàn Tập đoàn Điện lực Việt Nam vượt kế hoạch, ước đạt 460,73 nghìn tỷ đồng, tăng 4,31% so năm 2021. Doanh thu Công ty Mẹ EVN ước đạt 385,3 nghìn tỷ đồng, đạt 101% kế hoạch và tăng 11,28% so năm 2021.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, do biến động giá nhiên liệu (than, dầu, khí) thế giới làm cho chi phí mua điện của EVN tăng cao đã ảnh hưởng đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022, khiến tập đoàn này ước lỗ 31.360 tỷ đồng sau khi đã quyết liệt thực hiện các giải pháp quản trị, cắt giảm hàng loạt các chi phí.

Kinh doanh thua lỗ kéo dài, EVN đề muốn tăng giá điện để "cứu thân" - Ảnh 1
Biến động giá nhiên liệu làm ảnh hưởng lớn đến doanh thu của EVN.

Trước tình hình này EVN nhận định sẽ khó khăn trong việc cân đối được dòng tiền để thanh toán chi phí mua điện cho các đơn vị phát điện, ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của các nhà máy điện và do đó ảnh hưởng đến việc đảm bảo cung cấp điện.

Nguy hiểm hơn là việc cắt giảm chi phí sửa chữa lớn sẽ ảnh hưởng lớn đến an toàn vận hành hệ thống điện các năm tới. Ngoài ra, với kết quả kinh doanh này còn gây khó khăn lớn trong việc huy động vốn, cân đối nguồn vốn để đầu tư các dự án điện, sửa chữa bảo dưỡng các công trình điện để đảm bảo cung ứng điện.

Tại Hội nghị triển khai Quyết định số 1479/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch huy động các nguồn lực của các Tập đoàn, Tổng công ty tham gia các hoạt động, dự án đóng góp vào chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, ông Trần Đình Nhân - Tổng giám đốc EVN nêu hàng loạt nguyên nhân dẫn tới lợi nhuận âm của Tập đoàn như giá chi phí đầu vào, giá khí, giá dầu, giá than tăng đều tăng so với đầu năm 2021, đồng thời nhấn mạnh vào việc giá bán điện vẫn giữ bình ổn từ suốt năm 2019 đến nay.

Để đóng góp hiệu quả vào chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, lãnh đạo EVN kiến nghị áp dụng cơ chế thị trường cho giá điện. Cụ thể, khi các yếu tố đầu vào tăng thì giá điện tăng và ngược lại một cách kịp thời theo một cơ chế tự động, tương tự như cơ chế điều chỉnh giá xăng dầu.

Bên cạnh đó, lãnh đạo EVN cũng kiến nghị Chính phủ xem xét giao EVN và các tổng công ty phát điện triển khai các dự án nguồn điện quan trọng, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng; Kiến nghị Chính phủ có cơ chế, chính sách để các dự án nguồn điện, lưới điện quan trọng vì an ninh quốc gia thuộc danh mục ưu tiên của Nhà nước được sử dụng vốn vay ODA và cho EVN vay lại không chịu rủi ro tín dụng. Các cấp có thẩm quyền sớm phê duyệt Quy hoạch điện VIII, để EVN cũng như các nhà đầu tư có cơ sở triển khai các dự án nguồn, lưới điện đảm bảo việc cung ứng điện trong những năm tới.

Giá điện đã bị "nén" quá lâu

Theo chuyên gia Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh, việc giữ cho giá điện thấp quá lâu như vậy tạo ra rủi ro rất cao cho EVN trong việc giảm tín nhiệm về mặt tài chính. Hệ quả xấu có thể đến là EVN là không thể trả tiền mua điện cho các nhà đầu tư đúng hạn.

“Điều chỉnh giá điện là bước đầu tiên Chính phủ có thể làm. Song ở mức độ bao nhiêu thì vẫn phải tính toán cho phù hợp. Có điều nếu không điều chỉnh trong điều kiện biến động lớn như thế này thì không chỉ EVN khó và sau đó là câu chuyện thúc đẩy năng lượng tái tạo cũng như đầu tư tư nhân trong lĩnh vực thúc đẩy năng lượng sạch sẽ khó thành theo các mục tiêu của Chính phủ”, ông Sơn bày tỏ.

Dù vậy, chuyên gia này lưu ý: “Điều chắc chắn là chúng ta cũng không thể tăng quá nhiều được vì tăng quá nhiều cũng có cái tác động ngược lại với nền kinh tế”.

Ông Sơn nhấn mạnh, rất nhiều ngành hiện nay đang thâm dụng năng lượng. Vậy thì chi phí năng lượng đang là đầu vào quan trọng trong cấu phần chi phí sản xuất, đặc biệt như dệt may, thép, bảo quản nông sản...

“Đây là một bài toán cân bằng lợi ích cần các cơ quan quản lý cân nhắc, đánh giá sớm để đưa ra phương án tăng giá điện đảm bảo hài hòa được nhiều mục tiêu kinh tế - xã hội. Việc đánh giá tác động của tăng giá điện cần phải yêu cầu cả Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đồng thời có sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao để làm rõ câu chuyện rằng tại sao chúng ta phải tăng giá điện, tăng thì có thiệt hại gì nhưng nó cũng có lợi ích gì và cần phải có sự truyền thông phù hợp để người dân và doanh nghiệp hiểu được các nỗ lực của Chính phủ trong ổn định kinh tế xã hội trong giai đoạn khủng hoảng năng lượng toàn cầu này, để có sự đồng thuận về việc tại sao phải chia sẻ khó khăn với EVN”, ông Sơn nói.

Đồng quan điểm, PGS Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính), cũng cho rằng, đứng từ góc độ người tiêu dùng, không ai muốn tăng giá hàng hóa, nhất là những hàng hóa thiết yếu như điện, xăng dầu... Thế nhưng, giá điện đã bị nén quá lâu, lần điều chỉnh tăng gần đây nhất vào tháng 3/2019 trong khi các chi phí đầu vào tăng chóng mặt.

“Quyết định 24/2017 của Thủ tướng về cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân đã quy định rất rõ nếu các thông số chi phí đầu vào làm giá thành điện tăng tương ứng thì giá điện sẽ được điều chỉnh. EVN cũng đã nỗ lực giảm chi phí, giảm lương nhân viên để cân đối tài chính, giảm lỗ. Do đó, Chính phủ và Bộ Công Thương cần rà soát lại chi phí giá điện để có giải pháp phù hợp”, ông Long nói.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Kinh doanh thua lỗ kéo dài, EVN đề muốn tăng giá điện để "cứu thân". Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Các ngân hàng đặt mục tiêu cao trong năm 2024
Vừa qua, một số ngân hàng đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) với nhiều kế hoạch đáng chú ý liên quan đến việc tái cơ cấu, đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng vốn điều lệ.
Petrovietnam kinh doanh ra sao trong quý I?
Trong quý I/2024, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Trong đó, khai thác dầu thô đạt 2,54 triệu tấn, vượt 19,4% .

Tin mới

Hà Tĩnh khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024
Tối 21/4, tại quảng trường Hồ Tùng Mậu (Khu du lịch Thiên Cầm, Cẩm Xuyên), UBND tỉnh Hà Tĩnh đã long trọng tổ chức khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024 với chủ đề “Hà Tĩnh – Thanh âm ngày nắng mới”.