Thứ hai, 25/11/2024 04:19 (GMT+7)
Thứ hai, 20/12/2021 18:00 (GMT+7)

GDP Việt Nam được VCBS dự báo tăng trưởng năm 2022 thấp nhất 6,8%

Theo dõi KTMT trên

Việt Nam được cho là đang đi đúng hướng trong quá trình thích ứng an toàn với dịch bệnh Covid-19 với thành tựu đáng kể trong chương trình tiêm chủng, Chứng khoán VCBS dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 có thể sẽ đạt khoảng 6,8-7,2%.

VCBS vừa báo cáo triển vọng Việt Nam 2022 tiếp tục duy trì dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm nay khoảng 2,1-2,45%, khi hoạt động kinh tế phục hồi và Chính phủ cho thấy phản ứng nhanh trong điều hành nền kinh tế.

GDP Việt Nam được VCBS dự báo tăng trưởng năm 2022 thấp nhất 6,8% - Ảnh 1

VCBS dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2022 thấp nhất 6,8%. (Ảnh minh họa)

Các chuyên gia VCBS nhận định, xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế trong khi sản xuất và tiêu dùng cho thấy đà phục hồi lạc quan trong tháng 10 và 11. Bên cạnh đó, dòng vốn FDI tăng trở lại, kết hợp với các chính sách tài khóa - tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế kịp thời là yếu tố quan trọng để duy trì động lực tăng trưởng trong phần còn lại của năm 2021.

GDP Việt Nam được VCBS dự báo tăng trưởng năm 2022 thấp nhất 6,8% - Ảnh 2
Nhiều yếu tố tiếp sức cho đà phục hồi kinh tế những tháng cuối năm. (Nguồn: VCBS)

Sang năm 2022, đà phục hồi của nền kinh tế tiếp tục trong bối cảnh tăng trưởng chi tiêu công tăng tạo tác động tích cực lên chi tiêu tiêu dùng và đầu tư tư nhân. Cầu tiêu dùng qua đó cũng dần được phục hồi.

Đặc biệt hơn, chương trình phục hồi kinh tế - xã hội của Chính phủ dự kiến sẽ bao gồm gói kích thích kinh tế với quy mô hợp lý hướng vào đúng lĩnh vực và trước Tết Nguyên đán, qua đó đưa Việt Nam theo kịp tốc độ hồi phục của thế giới.

Cùng với diễn biến toàn cầu, Việt Nam dự báo tiếp tục được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết cũng như xu hướng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia châu Á.

Mặt khác, rủi ro cho nền kinh tế là nguy cơ tốc độ phục hồi toàn cầu chậm lại, làm giảm triển vọng kim ngạch xuất nhập khẩu. Ngoài ra, diễn biến của đại dịch và một số xu hướng sau đại dịch như chuyển đổi xanh… cũng cần được theo dõi.

Về vấn đề cân nhắc tất cả yếu tố triển vọng và rủi ro, VCBS đưa ra dự báo tăng trưởng GDP 2022 của Việt Nam trong khoảng 6,8-7,2%, đồng thời nhận định gói kích thích kinh tế cùng với các định hướng chính sách Chính phủ là điều kiện tiên quyết cho phục hồi và tăng trưởng.

GDP Việt Nam được VCBS dự báo tăng trưởng năm 2022 thấp nhất 6,8% - Ảnh 3
VCBS dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 khoảng 6,8-7,2%. Nguồn: VCBS

Lạm phát được dự báo trong tầm kiểm soát

Với nền tảng lạm phát ổn định dưới mức 2% trong 11 tháng năm 2021, bước sang năm 2022, các nhà hoạch định vẫn có trong tay công cụ ổn định mặt bằng giá thông qua chính sách tiền tệ linh hoạt và thông điệp định hướng nhất quán.

Các chuyên gia VCBS nhận định, xu hướng lương thực thực phẩm tăng giá trên toàn cầu không phải mối quan ngại quá lớn do Việt Nam có thế mạnh nông nghiệp, hoàn toàn chủ động và có khả năng kiểm soát nguồn cung. Bên cạnh đó, giá cả của các loại hàng hóa dịch vụ công, điện, nước, y tế trong khả năng điều hành và kiểm soát của Chính phủ.

Mặc dù vậy, VCBS chỉ ra một số yếu tố gây áp lực tăng nhất định với lạm phát trong năm 2022 như câu tiêu dùng cải thiện, nhất là ở nhóm tiêu dùng không thiết yếu, giá nguyên vật liệu đầu vào ở mức cao và có khả năng duy trì mặt bằng cao như vậy trong ít nhất nửa đầu năm, nhóm y tế cũng có áp lực tăng khi nhu cầu chữa trị và công tác dự phòng dịch tễ được đẩy lên.

Dự báo áp lực lạm phát tăng trong năm 2022 có thể đẩy lạm phát lên 4,0-4,5% cho cả năm nhưng vẫn trong tầm kiểm soát.

GDP Việt Nam được VCBS dự báo tăng trưởng năm 2022 thấp nhất 6,8% - Ảnh 4
Dự báo lạm phát năm 2022 có thể ở mức 4,0-4,5%. (Nguồn: VCBS)

Tỷ giá trao đổi ngoại tệ năm sau được dự báo, VCBS nhận định tiền Đồng có nguy cơ chịu áp lực trượt giá tương đối trước đồng bạc xanh với mức biến động tỷ giá không quá 2% cho cả năm 2022.

Đáng chú ý, ở trong nước, thị trường ngoại hối dự kiến vẫn có nhiều điểm sáng tích cực giúp ổn định tỷ giá khi Việt Nam tiếp tục là điểm hút dòng vốn đầu tư, đặc biệt là FDI nhờ nền tảng vĩ mô ổn định và triển vọng tăng trưởng khả quan. Cho đến nay, Ngân hàng Nhà nước vẫn thể hiện chính sách linh hoạt và nhất quán nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nói chung và tỷ giá nói riêng.

Ở thị trường quốc tế, xu hướng trung hòa chính sách tiền tệ nới lỏng của các ngân hàng Trung ương lớn dự kiến sẽ khiến tỷ giá chịu biến động nhất định. Theo VCBS, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trung hòa nhanh hơn ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hay ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) - mà xác suất xảy ra trường hợp này là tương đối cao - sẽ dẫn đến khả năng USD lên giá nhiều hơn so với các ngoại tệ khác, từ đó gây áp lực lên VND.

GDP Việt Nam được VCBS dự báo tăng trưởng năm 2022 thấp nhất 6,8% - Ảnh 5
Ngân hàng Nhà nước duy trì tỷ giá USD/VND ổn định trong nhiều tháng qua. (Nguồn: VCBS)

Tăng trưởng tín dụng mở rộng, lãi suất cho vay dự báo còn dư địa giảm

Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục định hướng chính sách nhất quán trong duy trì thanh khoản dồi dào cho nền kinh tế, giữ lãi suất huy động ở mặt bằng thấp, dành nguồn lực xử lý nợ xấu. Đồng thời yêu cầu các ngân hàng thương mại tiếp tục đồng hành, hỗ trợ nguồn vốn cho doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch.

GDP Việt Nam được VCBS dự báo tăng trưởng năm 2022 thấp nhất 6,8% - Ảnh 6
Lãi suất huy động ổn định ở mức thấp trong thời gian qua là tiền đề cho khả năng giảm thêm lãi suất cho vay trong thời gian tới. (Nguồn: VCBS)

Mặt bằng lãi suất cho vay với doanh nghiệp cũng được nhận định còn dư địa giảm thêm khi dòng vốn đầu tư vào Việt Nam dồi dào tạo điều kiện thuận lợi cho Ngân hàng Nhà nước chủ động điều tiết cung tiền và thanh khoản hợp lý khi cần thiết, trong khi lãi suất huy động và tỷ giá duy trì ở mức ổn định.

GDP Việt Nam được VCBS dự báo tăng trưởng năm 2022 thấp nhất 6,8% - Ảnh 7
Tăng trưởng tín dụng được dự báo ở mức 13-15% trong năm 2022. Nguồn: VCBS

Theo tín hiệu từ Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, trọng tâm của chính sách tiền tệ trong năm tới sẽ tập trung vào kiểm soát nợ xấu trong hệ thống ngân hàng. Do đó, VCBS dự báo có khả năng xuất hiện xu hướng phân hóa trong tăng trưởng tín dụng: Tín dụng tập trung vào các tổ chức tín dụng có chất lượng tài sản tốt nhưng kém khả quan với các tổ chức tín dụng chưa xử lý xong nợ tồn đọng, hoặc có mức nợ xấu báo động sau đại dịch.

Tăng trưởng tín dụng, dự báo trong năm 2022 có thể cao hơn năm 2021, ở mức 13-15%. Trong khi đó, mặt bằng lãi suất huy động có thể đi ngang, dự báo mức tăng nhẹ nếu có chỉ cục bộ và khoảng 0,5%.

Báo cáo triển vọng 2022 của VCBS nhấn mạnh: “Mặt bằng lãi suất được dự báo đi ngang trong biên độ hẹp. Áp lực tăng của lãi suất huy động, nếu có, được dự báo là không lớn”.

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết GDP Việt Nam được VCBS dự báo tăng trưởng năm 2022 thấp nhất 6,8%. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới