Gặp mặt Khối Khoa học Kinh tế, Môi trường và Biến đổi Khí hậu lần III
PGS.TS Trương Mạnh Tiến khẳng định, Khối Khoa học Kinh tế, Môi trường và Biến đổi Khí hậu sẽ tiếp tục cố gắng, duy trì những hoạt động gắt kết, hỗ trợ các Hội, Hiệp hội thành viên.
Ngày 2/12, được sự đồng ý của PGS.TS Trương Mạnh Tiến - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), phụ trách Khối Khoa học Kinh tế, Môi trường và Biến đổi Khí hậu, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam đã tổ chức gặp mặt các Hội, Hiệp hội thành viên trong Khối.
Buổi gặp mặt có sự hiện diện của PGS.TS Trương Mạnh Tiến - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, phụ trách Khối Khoa học Kinh tế, Môi trường và Biến đổi Khí hậu, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường; bà Bùi Kim Tuyến - Trưởng ban Tư vấn phản biện và Giám định xã hội (VUSTA); PGS.TS Lưu Đức Hải - Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam; ông Trần Văn Lượng - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam; TS. Nguyễn Văn Bính, Chủ tịch Hội Kinh tế và Vận tải đường sắt Việt Nam; nhà báo Nguyễn Tường Quân - Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường, cùng nhiều lãnh đạo Hội, Hiệp hội trong Khối Khoa học Kinh tế, Môi trường và Biến đổi Khí hậu của VUSTA.
Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam ra mắt Khối
Mở đầu buổi gặp mặt, PGS.TS Trương Mạnh Tiến - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, phụ trách Khối Khoa học Kinh tế, Môi trường và Biến đổi Khí hậu đã giới thiệu qua về các thành viên trong Khối, đồng thời chào mừng Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Khối Khoa học Kinh tế, Môi trường và Biến đổi Khí hậu.
Nhiệm kỳ này của VUSTA đã quyết định thành lập các khối, cụm thi đua nhằm phát huy tối đa sức mạnh của các hội, hiệp hội. Theo PGS.TS Trương Mạnh Tiến, việc hình thành khối, cụm thi đua rất quan trọng, giúp những người làm chuyên môn, làm khoa học có điều kiện xích lại gần nhau hơn. Trên cơ sở đó, phát huy hết được sức mạnh tập thể, hướng tới ngày kỷ niệm 40 năm thành lập VUSTA.
"Tháng 3/2023, VUSTA sẽ tròn 40 tuổi, chúng ta cần xây dựng chương trình, kết hoạt hoạt động của Khối thi đua, phát động thi đua trong Khối để hướng đến ngày lễ lớn của Liên Hiệp hội. Việc kết nạp Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam là thành viên thứ 12 của Khối Khoa học Kinh tế, Môi trường và Biến đổi Khí hậu, đánh dấu sự phát triển lớn mạnh của Khối.
Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam hoạt động đến nay là 11 năm, đó là cả một chặng đường dài ghi nhận sự nỗ lực, cống hiến của Hiệp hội cho sự phát triển của ngành công nghiệp môi trường Việt Nam nói riêng và sự phát triển của đất nước nói chung", PGS.TS Trương Mạnh Tiến nhấn mạnh.
Bày tỏ niềm vui và sự trân trọng khi được trở thành thành viên của Khối Khoa học Kinh tế, Môi trường và Biến đổi Khí hậu (VUSTA), ông Trần Văn Lượng - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam khẳng định sẽ cùng ban lãnh đạo và các thành viên của Hiệp hội tiếp tục cố gắng, tích cực tham gia vào hoạt động chung của Khối và Liên Hiệp hội.
"Sau 11 năm hình thành và phát triển, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam có 7 đơn vị trực thuộc. Về mặt cơ cấu tổ chức, Hiệp hội đang bao trùm các hoạt động từ công tác truyền thông, quản lý cho đến các hoạt động nghiên cứu khoa học và kỹ thuật. Khái niệm khoa học công nghệ môi trường đã trở nên rõ rệt và được Quốc hội công nhận. Trong thời gian tới, Hiệp hội sẽ không chỉ bó hẹp trong hoạt động ngành nghề mà còn tích cực tham gia vào các hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật, chuyển giao ứng dụng công nghệ.
Rất vinh dự cho Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam khi được VUSTA công nhận là hội thành viên, đồng thời xếp vào Khối Khoa học Kinh tế, Môi trường và Biến đổi Khí hậu - nơi mà có những tiền bối, những nhà khoa học uyên bác, luôn sẵn sàng giúp đỡ và tạo điều kiện để Hiệp hội phát huy hết khả năng của mình", ông Trần Văn Lượng chia sẻ.
Ấn tượng từ Khối V
Chia sẻ tại buổi gặp mặt, bà Bùi Kim Tuyến - Trưởng ban Tư vấn phản biện và Giám định xã hội (VUSTA) cho biết, trước đây đã có nhiều nhóm hội liên kết với nhau để hợp tác, nhưng đến tháng 7/2022 mới chính thức hình thành các Khối thi đua. Kể từ đó đến nay, Khối Khoa học Kinh tế, Môi trường và Biến đổi Khí hậu là một trong những Khối hoạt động sôi nổi và tích cực nhất.
"Khối Khoa học Kinh tế, Môi trường và Biến đổi Khí hậu đã tổ chức được 3 buổi gặp mặt các Hội và Hiệp hội thành viên, trong khi đó có nhiều Khối chưa tổ chức được buổi gặp mặt nào, thậm chí còn chưa bầu ra được Khối trưởng. Lần đầu tiên được tham dự buổi gặp mặt của Khối V (Khối Khoa học Kinh tế, Môi trường và Biến đổi Khí hậu), cá nhân tôi rất ngưỡng mộ và ghi nhận sự nỗ lực và cố gắng của toàn Khối.
Ban Tư vấn phản biện và Giám định xã hội cũng được lãnh đạo Liên Hiệp hội giao nhiệm vụ tham mưu, đề xuất về hoạt động của các Khối thi đua, làm sao để phát huy sức mạnh chung của đội ngũ trí thức, cũng như sức mạnh chung của hệ thống Liên Hiệp hội, từ việc tư vấn phản biện, giám định xã hội, cho đến truyền thông phổ biến kiến thức, nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ... Vì vậy, xin trân trọng cảm ơn PGS.TS Trương Mạnh Tiến đã mời tham dự buổi gặp mặt đầy ý nghĩa này", Trưởng ban Tư vấn phản biện và Giám định xã hội (VUSTA) nhận định.
Theo bà Bùi Kim Tuyến, mỗi Khối thi đua đang theo một ngành, lĩnh vực chuyên môn nhất định, các thành viên trong Khối có mối quan hệ mật thiết với nhau. Vì vậy, trong thời gian tới, Khối Khoa học Kinh tế, Môi trường và Biến đổi Khí hậu có thể xem xét và tổ chức các hội thảo, hội nghị với các chủ đề sát với tôn chỉ, mục đích của Khối. Phía Liên Hiệp hội cũng hướng tới việc các Khối sẽ xác định một số định hướng và nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023. Ví dụ, về tư vấn phản biện, giám định xã hội thì sẽ đóng góp và bổ sung những vấn đề gì? Khối quan tâm đến vấn đề gì? Thứ hai, về truyền thông phổ biến kiến thức thì cụ thể là gì?.
"Nếu được thì Khối và các thành viên có thể tổ chức các hội nghị, hội thảo, đánh giá về một dự án Luật, dự án trọng điểm, hay góp ý theo chương trình Quốc hội thì rất tốt; hoặc triển khai chuỗi hoạt động hội thảo, hội nghị liên quan đến vấn đề đang được dư luận quan tâm. Các Hội và Hiệp hội trong Khối cũng có thể chia sẻ về khó khăn, thuận lợi trong quá trình hoạt động, hoặc thế mạnh của hội, làm sao để thời gian tới có thể hỗ trợ, hợp tác với nhau tốt hơn và hỗ trợ Liên Hiệp hội nhiều hơn.
Các Hội, Hiệp hội trong Khối có nhiều chuyên gia đầu ngành tham gia hoạt động, vì vậy cần xem xét đến việc xây dựng bộ cơ sở dữ liệu chuyên gia cho các Hội, Hiệp hội thành viên. Đó cũng là sản phẩm để chia sẻ cho nhiều cơ quan đơn vị. Bản thân các Bộ, ban ngành, cũng rất cần ý kiến độc lập của các chuyên gia. Hay như ở một số địa phương, họ cũng có những vấn đề cần tư vấn phản biện, nhưng lại rất lúng túng về khâu chuyên gia, không biết mời ai tham gia và liên hệ bằng cách nào", bà Bùi Kim Tuyến đề xuất.
Đề xuất thành lập Diễn đàn Khoa học Kinh tế Môi trường và Biến đổi khí hậu
Cũng tại buổi gặp mặt, các lãnh đạo Hội, Hiệp hội trong Khối cũng đưa ra những ý kiến đóng góp và đề xuất nhằm phát huy tối đa sức mạnh tập thể của toàn Khối. Trên cơ sở đó, hỗ trợ các Hội, Hiệp hội thành viên hoạt động ngày càng hiệu quả hơn.
Tiếp thu những ý kiến đóng góp từ đại diện Liên Hiệp hội và lãnh đạo Hội, Hiệp hội thành viên, PGS.TS Trương Mạnh Tiến khẳng định, Khối Khoa học Kinh tế, Môi trường và Biến đổi Khí hậu sẽ tiếp tục cố gắng, duy trì những hoạt động gắt kết, hỗ trợ các Hội, Hiệp hội thành viên, phát huy tối đa sức mạnh tập thể để hoàn thành nhiệm vụ mà Liên Hiệp hội giao phó.
“Chỉ một buổi gặp mặt mà chúng ta đã phát hiện ra rất nhiều vấn đề mà các Hội, Hiệp hội thành viên trong Khối có thể cùng nhau giải quyết và thực hiện. Có thể khẳng định việc thành lập Khối, cụm thi đua như thế này là hết sức cần thiết và quan trọng.
Tới đây, tôi đề nghị trong Khối chúng ta cần quyết tâm thành lập Diễn đàn Khoa học Kinh tế, Môi trường và Biến đổi khí hậu. Tại đó sẽ tập hợp lực lượng, các nhà khoa học hàng đầu để tham gia tư vấn, phản biện về các vấn đề mang tầm vĩ mô, ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội, của đất nước.
Tại Diễn đàn Khoa học Kinh tế Môi trường và Biến đổi khí hậu, các Hội, Hiệp hội thành viên có thể đưa ra các vấn đề cần sự hỗ trợ của tập thể. Không chỉ dừng lại cơ sở dữ liệu của chuyên gia trong nước, thậm chí còn có thể mở rộng ra với sự tham gia các các chuyên gia Quốc tế”, Khối trưởng Khối Khoa học Kinh tế, Môi trường và Biến đổi Khí hậu kỳ vọng.
Bên cạnh đó, PGS.TS Trương Mạnh Tiến cũng đề xuất phía Liên Hiệp hội xem xét về việc hỗ trợ một số Hội, Hiệp hội trực thuộc có một trụ sở tại tòa nhà của Liên Hiệp hội ở số 19, Duy Tân (Cầu Giấy, Hà Nội). Bởi trên thực tế, có nhiều Hội, Hiệp hội đang gặp rất nhiều khó khăn, khó có thể duy trì hoạt động một cách hiệu quả.
12 Hội trực thuộc Khối Khoa học Kinh tế, Môi trường và Biến đổi Khí hậu của VUSTA:
-Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam
-Hiệp Hội Năng lượng sạch Việt Nam
-Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam
-Hội KHKT Biển Việt Nam
-Hội Môi trường Giao thông Vận tải Việt Nam
-Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam
-Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam
-Hội Khí tượng Thủy văn Việt Nam.
- Hội Nuôi biển Việt Nam
- Hội KHCN sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam
- Hội Công nghiệp Môi trường Việt Nam
- Hội Kinh tế và Vận tải đường sắt Việt Nam
Hoàng Hải