FAO: Giữ đất khỏe để đạt được mục tiêu khí hậu của thế giới
50% đất trồng trọt ở tất cả các châu lục đã trở nên quá mặn, tạo ra thách thức đáng kể cho hơn 1,5 tỉ người hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Thế giới sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nhờ lượng đất màu mỡ.
Thông số từ Bản đồ toàn cầu về các loại đất nhiễm mặn
Một thế giới thiếu đất canh tác là một thế giới có rất ít sự phát triển. Thế nhưng khoảng 20-50% đất trồng trọt ở tất cả các châu lục đã trở nên quá mặn, tạo ra thách thức đáng kể cho hơn 1,5 tỉ người hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Liên Hợp Quốc đã dành Ngày Đất thế giới năm nay cho vấn đề này với chủ đề “Ngăn chặn tình trạng nhiễm mặn đất, nâng cao năng suất đất”.
Hơn 833 triệu ha đất bị nhiễm mặn trên toàn cầu, tương đương 8,7% diện tích hành tinh. Mỗi năm đất bị nhiễm mặn chiếm tới 1,5 triệu ha đất canh tác. Thiệt hại năng suất nông nghiệp do đất nhiễm mặn ước tính là 31 tỉ USD/năm.
Đây là thông số từ Bản đồ toàn cầu về các loại đất nhiễm mặn, một công cụ do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) công bố vào tháng 10.
Bản đồ toàn cầu về các loại đất nhiễm mặn là dự án hợp tác với sự tham gia của 118 quốc gia và hàng trăm công ty thu thập dữ liệu. Bản đồ được công bố tại Hội nghị chuyên đề toàn cầu về đất nhiễm mặn.
FAO hy vọng sẽ cung cấp thông tin tốt hơn cho các nhà hoạch định chính sách trong quá trình giải quyết vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu và với các dự án thủy lợi.
Đây là dự án “mở đường” cho Ngày Đất thế giới 5/12 năm nay nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc duy trì hệ sinh thái lành mạnh và phúc lợi của con người bằng cách giải quyết những thách thức ngày càng gia tăng trong quản lý đất, chống nhiễm mặn đất, nâng cao nhận thức về đất và khuyến khích xã hội cải thiện chất lượng của đất.
Theo FAO, nhiễm mặn đất là một trong những mối đe dọa toàn cầu nghiêm trọng nhất đối với các vùng khô hạn và bán khô hạn, bởi đất tốt là điều kiện tiên quyết để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc và là nền tảng của Sáng kiến Bốn tốt hơn của FAO - Sản xuất tốt hơn, dinh dưỡng tốt hơn, môi trường tốt hơn và cuộc sống tốt hơn, để không ai bị bỏ lại phía sau.
Đất bị nhiễm mặn có tác động nghiêm trọng đến các chức năng của đất, chẳng hạn như giảm năng suất nông nghiệp, chất lượng nước, đa dạng sinh học đất và xói mòn đất.
Chất lượng đất suy giảm do muối làm giảm khả năng hoạt động như một bộ đệm và bộ lọc của đất chống lại các chất ô nhiễm.
Giữ đất khỏe để đạt được mục tiêu khí hậu của thế giới
Đất bị nhiễm mặn làm giảm cả khả năng cây trồng lấy nước và sự sẵn có của vi chất dinh dưỡng. Chúng cũng tập trung các ion độc hại đối với thực vật và có thể làm suy giảm cấu trúc của đất.
Đất có thể bị nhiễm mặn vì nhiều lý do như quản lý kém, sử dụng phân bón quá mức hoặc không phù hợp, phá rừng, nước biển dâng, mực nước ngầm ảnh hưởng đến tầng sinh môn hoặc nước biển xâm nhập vào nguồn nước ngầm sau đó được sử dụng để tưới.
Tình trạng biến đổi khí hậu cũng đang làm tăng vấn đề này, với các mô hình cho thấy vào cuối thế kỉ này, các vùng đất khô hạn trên toàn cầu có thể tăng tới 23% - chủ yếu ở các nước đang phát triển.
Việc giữ cho đất khỏe sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu khí hậu của thế giới.
Điều này không chỉ vì đất có khả năng lưu giữ đáng kể khí thải carbon mà còn giúp giảm thiểu các tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu như hạn hán, suy thoái và sa mạc hóa.
Ngoài ra, đất khỏe và phì nhiêu còn là trọng tâm trong việc xây dựng hệ thống lương thực bền vững cho tương lai.
Giới chuyên gia đã chỉ ra một số hướng tiếp cận để đảm bảo an ninh đất trồng. Trước hết, nhiệm vụ này cần hành động của nhiều bên liên quan xung quanh việc mở rộng quy mô nghiên cứu, ứng dụng khoa học và triển khai thực tiễn.
Một ví dụ là Liên minh Hành động vì an ninh đất (CA4SH), được đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh hệ thống lương thực Liên Hợp Quốc năm nay. Liên minh tập hợp cộng đồng nghiên cứu, nhiều quốc gia, khu vực tư nhân, nông dân và các tổ chức phát triển cùng chung nhận thức rằng an ninh lương thực phải bắt đầu từ đất.
Thứ hai, cần áp dụng một cách tiếp cận tổng thể đối với nghiên cứu đất để đảm bảo nghiên cứu sẽ được triển khai trên thực tế. Điều này bao gồm làm việc với các đối tác quốc tế, với nông dân và cộng đồng địa phương để tìm giải pháp cho những thách thức mà họ phải đối mặt.
Ví dụ, dự án Regreening Africa, do Tổ chức Nông Lâm Thế giới (ICRAF) đứng đầu và hợp tác với một số tổ chức phát triển quốc tế và địa phương, đặt mục tiêu khôi phục 1 triệu ha đất và cải thiện sinh kế của 500.000 hộ gia đình tại "Lục địa Đen".
Tương tự, cũng cần ủng hộ việc áp dụng công nghệ theo dõi tình trạng đất trên toàn thế giới, đặc biệt là ở những khu vực đang bị suy thoái, để xây dựng hệ thống lương thực có khả năng phục hồi và bền vững trước những thách thức của biến đổi khí hậu.
Cuối cùng, phải đảm bảo rằng những lợi ích to lớn và tác động tích cực của những công nghệ này đến được với nông dân và chính quyền địa phương, những người cần lợi ích này nhất.
Tương tự như sự sống phụ thuộc vào nước và oxy, sự bền vững của hệ thống thực phẩm toàn cầu không thể bỏ qua tầm quan trọng của đất khỏe. Nói cách khác, giữ cho đất khỏe chính là cơ sở để hướng tới một tương lai bền vững.
Nguyễn Linh (T/h)