EU: Gian nan để có thể hoàn thành mục tiêu khí hậu năm 2030
Biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng phổ biến, theo xu hướng không thể đảo ngược. Các chuyên gia nhận định, với tốc độ như hiện nay, mục tiêu khí hậu năm 2030 của châu Âu sẽ chỉ có thể đạt được vào năm 2051.
Nghiên cứu mới đây được tiến hành bởi tổ chức Enel Foundation, tập đoàn European House-Ambrosetti (trụ sở tại Italia) và Công ty tiện ích hàng đầu châu Âu Enel chỉ ra rằng, nếu không đẩy mạnh các giải pháp chuyển dịch năng lượng cũng như cải thiện hiệu quả quản trị, châu Âu sẽ trễ hẹn hơn 20 năm với mục tiêu cắt giảm 55% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030.
Trước đó, Liên Hợp Quốc công bố một báo cáo cho thấy rõ mức độ nghiêm trọng của tình trạng nóng lên toàn cầu đang gần vượt mức giới hạn mà các nước cho là cần thiết, từ đó ngăn chặn những hậu quả nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.
Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng, ảnh hưởng của con người đã làm khí hậu nóng lên với tốc độ chưa từng có trong ít nhất 2.000 năm qua. Hồi năm 2019, nồng độ CO2 trong khí quyển cao hơn bất kỳ thời điểm nào trong ít nhất 2 triệu năm và nồng độ khí metan và nitơ oxit cao hơn bất kỳ thời điểm nào trong 800.000 năm qua.
Ngoài ra, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ các hoạt động của con người là nguyên nhân gây ra hiện tượng nóng lên khoảng 1,1 độ C trong giai đoạn 1850-1900, đồng thời, tính trung bình trong 20 năm tới, nhiệt độ toàn cầu dự kiến sẽ chạm hoặc vượt quá ngưỡng 1,5 độ C.
Đứng trước nguy cơ đó, vào tháng 7 vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) đã công bố bản dự thảo kế hoạch biến đổi khí hậu được xem là tham vọng nhất từ trước đến nay, nhằm chuyển những mục tiêu sinh thái xanh thành các hành động cụ thể.
Kế hoạch mang tên “Fit for 55” do Ủy ban châu Âu (EC) soạn thảo. bao gồm hàng chục dự thảo văn bản luật nhằm chuyển đổi nền kinh tế châu Âu từ phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch sang một thế giới không phát thải ròng, giảm mức ô nhiễm thấp và phương tiện giao thông chạy bằng pin. Từ đó đưa khối này đi đúng hướng trong tiến trình hiện thực hóa mục tiêu giảm ít nhất 55% lượng khí thải carbon vào năm 2030 so với mức năm 1990.
Theo đó, EU sẽ cần phải chi khoảng 3,6 nghìn tỉ euro (4,3 nghìn tỉ USD) cho các khoản đầu tư để đạt được những mục tiêu đặt ra cho năm 2030, và điều này có thể giúp GDP của khối tăng thêm hơn 8 nghìn tỉ euro.
Tuy nhiên, nghiên cứu cũng cảnh báo rằng, các quốc gia khối này cần phải nỗ lực hơn nữa nếu như muốn hiện thực hóa mức tăng trưởng nêu trên.
“EU cần phải tăng tốc và trang bị cho mình một hệ thống quản trị phù hợp với mức độ thách thức và có khả năng biến các ý định thành hành động cụ thể”, Francesco Starace, Giám đốc điều hành Enel nhấn mạnh.
Ông cũng cho cho biết, với tốc độ hiện tại thì phải đến năm 2043 châu Âu mới có thể đạt được mục tiêu cho năm 2030 là nâng tỉ trọng năng lượng tái tạo lên 40% trong tổng mức tiêu thụ cuối cùng, và thời hạn này là “quá trễ”.
Do đó, để thúc đẩy nhanh quá trình này, các nhà khoa học kêu gọi sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các quốc gia thành viên EU về chuyển dịch năng lượng, cũng như thông qua một hướng tiếp cận khu vực để giúp thúc đẩy hội nhập thị trường.
Lượng khí thải toàn cầu sẽ tăng kỷ lục vào 2023
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo, lượng khí thải carbon trên toàn cầu sẽ tăng lên mức cao chưa từng thấy vào năm 2023 và tiếp tục tăng trong những năm sau đó.
Nguyên nhân là do thế giới hiện chỉ dành 2% quỹ hỗ trợ phục hồi sau đại dịch Covid-19 vào các dự án năng lượng sạch. Các nước đã phân bổ hơn 16.000 tỉ USD khắc phục hậu quả do đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, báo cáo theo dõi phục hồi bền vững của IEA cho thấy chỉ có 380 tỉ USD được dành để triển khai các dự án năng lượng sạch.
"Khoản đầu tư của thế giới vào năng lượng sạch hiện nay không những chưa đạt mức cần thiết để tiến tới mục tiêu đạt mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ này, mà còn không đủ để ngăn lượng khí thải toàn cầu tăng lên mức cao mới", Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol nhận định.
Lan Anh (T/h)