EU kêu gọi nâng mục tiêu cắt giảm khí thải, hạn chế nóng lên toàn cầu
Trong năm nay, EU và Mỹ đều đặt ra các mục tiêu cao hơn nhằm cắt giảm lượng khí thải vào năm 2030. Theo đó, 27 quốc gia EU đưa mục tiêu này vào Luật Khí hậu được thông qua vào cuối tháng 6/2021.
Mới đây, các nhà ngoại giao hàng đầu tại Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi các nền kinh tế lớn nhất trên thế giới đặt ra các mục tiêu khí hậu tham vọng hơn, trong đó có mục tiêu cắt giảm khí thải nhà kính, tại Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về khí hậu diễn ra vào tháng 11 tới.
Trước đó, Liên Hợp Quốc công bố một báo cáo cho thấy rõ mức độ nghiêm trọng của tình trạng nóng lên toàn cầu đang gần vượt mức giới hạn mà các nước cho là cần thiết, từ đó ngăn chặn những hậu quả nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.
Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng, ảnh hưởng của con người đã làm khí hậu nóng lên với tốc độ chưa từng có trong ít nhất 2.000 năm qua. Hồi năm 2019, nồng độ CO2 trong khí quyển cao hơn bất kỳ thời điểm nào trong ít nhất 2 triệu năm và nồng độ khí metan và nitơ oxit cao hơn bất kỳ thời điểm nào trong 800.000 năm qua.
Nhiệt độ bề mặt toàn cầu đã tăng nhanh hơn kể từ năm 1970 so với bất kỳ khoảng thời gian 50 năm nào khác trong ít nhất 2.000 năm qua. Trong khi đó, mực nước biển trung bình toàn cầu đã tăng nhanh hơn kể từ năm 1900, hơn bất kỳ thế kỷ trước đó trong ít nhất 3.000 năm qua.
Ngoài ra, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ các hoạt động của con người là nguyên nhân gây ra hiện tượng nóng lên khoảng 1,1 độ C trong giai đoạn 1850-1900, đồng thời, tính trung bình trong 20 năm tới, nhiệt độ toàn cầu dự kiến sẽ chạm hoặc vượt quá ngưỡng 1,5 độ C
Theo đại diện cấp cao của EU phụ trách các vấn đề an ninh và chính sách đối ngoại Josep Borrell nhận định, thách thức với toàn cầu hiện nay là đảm bảo tất cả các nền kinh tế lớn đề ra các mục tiêu tham vọng cho năm 2030 tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tại thành phố Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh), cũng như các cam kết về trung hòa khí thải. Đây được xem là cơ hội vô cùng quan trọng để nhân loại có thể hạn chế những tác động tồi tệ nhất của hiện tượng ấm lên toàn cầu.
Trong năm nay, EU và Mỹ đều đặt ra các mục tiêu cao hơn nhằm cắt giảm lượng khí thải vào năm 2030. Đáng chú ý, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cam kết đưa Mỹ trở thành quốc gia không phát thải ròng vào năm 2050, trong khi 27 quốc gia EU đã đưa mục tiêu này vào luật khí hậu được thông qua vào cuối tháng 6/2021.
Trước đó, trong bối cảnh lượng khí thải metan trên toàn cầu đã đạt mức cao nhất trong lịch sử, việc cắt giảm khí thải này sẽ là đòn bẩy mạnh nhất để có thể làm chậm biến đổi khí hậu trong 25 năm tới.
Chính vì vậy, Liên Hợp Quốc kêu gọi các nước cần đảm bảo cắt giảm mạnh mẽ và vững bền lượng khí thải metan bên cạnh việc cắt giảm khí thải CO2 để đạt được mục tiêu đề ra trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Lan Anh (T/h)