Thứ tư, 24/04/2024 11:48 (GMT+7)
Thứ tư, 21/07/2021 08:50 (GMT+7)

IEA: Lượng khí thải toàn cầu sẽ tăng kỷ lục vào 2023

Theo dõi KTMT trên

Ngày 20/7, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo, lượng khí thải carbon toàn cầu sẽ tăng lên mức cao chưa từng thấy vào năm 2023 bởi hiện thế giới chỉ dành 2% quỹ hỗ trợ phục hồi sau đại dịch Covid-19 vào các dự án năng lượng sạch.

Các nước đã phân bổ hơn 16.000 tỉ USD khắc phục hậu quả do đại dịch Covid-19, chủ yếu dưới hình thức hỗ trợ tài chính khẩn cấp cho người lao động và doanh nghiệp. Tuy nhiên, báo cáo theo dõi phục hồi bền vững của IEA cho thấy chỉ có 380 tỉ USD được dành để triển khai các dự án năng lượng sạch.

Cơ quan này cho rằng nếu Chính phủ các nước hiện thực hóa kế hoạch chi tiêu như trên, lượng khí thải carbon trên toàn cầu sẽ tăng lên mức cao kỷ lục vào năm 2023 và tiếp tục tăng trong những năm sau đó.

IEA: Lượng khí thải toàn cầu sẽ tăng kỷ lục vào 2023 - Ảnh 1
Nhà máy điện Ratcliffe-on-Soar tại Nottinghamshire, Anh. (Nguồn: PA)

Theo IEA, các phương án đầu tư do Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) công bố dự kiến đáp ứng 60% khoản chi cần thiết để đạt được các mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt toàn cầu theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015.

Đối với các nước đang phát triển, tỉ lệ này giảm xuống chỉ còn 20% do các nước bị tác động mạnh bởi dịch Covid-19 ưu tiên dành ngân sách cho phúc lợi xã hội và y tế khẩn cấp hơn là đầu tư bền vững.

IEA cho rằng tất cả các quốc gia đều đang bỏ lỡ cơ hội dành công quỹ và quỹ tư nhân cho các dự án “xanh” mang lại lợi ích về cả kinh tế, sức khỏe và khí hậu.

Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol cho biết, khoản đầu tư của thế giới vào năng lượng sạch hiện nay không những chưa đạt mức cần thiết để tiến tới mục tiêu đạt mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ này, mà còn không đủ để ngăn lượng khí thải toàn cầu tăng lên mức cao mới.

IEA hối thúc Chính phủ các nước tăng cường chi tiêu ngân sách và nhanh chóng triển khai chính sách hiệu quả nhằm thực hiện các cam kết theo Hiệp định Paris, trong đó có việc các nước phát triển hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển.

CO2 là khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhiều nhất do con người tạo ra. Sau khi được phát thải, khí CO2 tồn tại trong khí quyển và đại dương trong hàng nghìn năm.

Con người phát thải khí CO2 từ hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch (than đá, dầu mỏ) được sử dụng trong giao thông vận tải, phát điện, xây dựng, chặt phá rừng, làm nông nghiệp... Khí thải gây hiệu ứng nhà kính cản bức xạ nhiệt từ Trái Đất vào vũ trụ, do vậy góp phần làm cho Trái Đất ấm lên.

Trước đó, Cơ quan Khí quyển và đại dương Mỹ (NOAA) cho biết trạm nghiên cứu khí quyển đặt ở Hawaii đã ghi nhận nồng độ tập trung của khí CO2 tăng ở mức cao nhất kể từ khi cơ quan này thực hiện các biện pháp đo đạc chính xác từ năm 1958.

Theo NOAA, dữ liệu đo được từ Đài quan sát Mauna Loa ở Hawaii cho thấy nồng độ CO2 trong khí quyển trong tháng 5/2021 ở mức trung bình là 419 phần triệu (ppp), tăng so với 417 ppm trong tháng 5/2020.

Nhà khoa học cấp cao thuộc Phòng thí nghiệm giám sát toàn cầu của NOAA, ông Pieter Tans nói: "Chúng ta đang thải thêm gần 40 tỉ tấn khối khí CO2 vào bầu khí quyển mỗi năm. Lượng khí thải này xuất phát từ việc chúng ta khai thác tài nguyên ở Trái Đất, đốt chúng và thải vào bầu khí quyển từ năm này sang năm khác.

Nếu chúng ta muốn tránh được thảm họa do biến đổi khí hậu gây ra thì ưu tiên hàng đầu phải là giảm lượng khí thải CO2 gây ô nhiễm trong thời gian sớm nhất có thể".

Theo NOAA, đại dịch Covid-19 khiến nhiều quốc gia trên thế giới hạn chế đi lại và áp đặt biện pháp phong tỏa cũng như hạn chế, hầu như không tác động đến lượng khí thải gây hiệu ứng đang gia tăng hiện nay.

Luật khí hậu của EU chính thức có hiệu lực

Luật khí hậu đã được các nước thành viên EU thông qua vào ngày 28/6, đặt ra mục tiêu tham vọng mang tính ràng buộc pháp lý của khối này trong việc trung hòa khí thải carbon vào năm 2050. Luật cũng quy định việc cắt giảm lượng khí thải vào năm 2030 ít nhất là 55% so với năm 1990.

Các chính sách định hình lại ngành công nghiệp, năng lượng, giao thông vận tải và nhà ở nhằm giảm nhanh hơn lượng khí thải CO2 để đáp ứng được mục tiêu đề ra.

Đề xuất sẽ bao gồm các mục tiêu tham vọng hơn về năng lượng tái tạo, cải cách thị trường carbon của EU và siết chặt tiêu chuẩn về khí thải đối với các ô tô mới.

Phần lớn các luật hiện hành của EU hướng tới thực hiện mục tiêu mà khối này đề ra trước đây là giảm 40% lượng khí thải đến năm 2030. Do vậy, các luật này cần phải sửa đổi để đáp ứng các mục tiêu mới đề ra về giảm lượng khí thải.

Minh Phương (T/h)

Bạn đang đọc bài viết IEA: Lượng khí thải toàn cầu sẽ tăng kỷ lục vào 2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới