Chủ nhật, 24/11/2024 07:20 (GMT+7)
Thứ năm, 28/09/2023 14:47 (GMT+7)

ESG - cánh cửa kết nối doanh nghiệp Việt với thế giới

Theo dõi KTMT trên

ESG (môi trường, xã hội, quản trị doanh nghiệp) là bộ tiêu chuẩn đánh giá hoạt động của một công ty mà các nhà đầu tư và đối tác thương mại sử dụng để đánh giá mức độ rủi ro và tính bền vững của một doanh nghiệp phục vụ cho mục đích đầu tư.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, ESG đã trở thành một phần không thể thiếu của chiến lược kinh doanh cho các quỹ đầu tư và doanh nghiệp trên khắp thế giới.

ESG - cánh cửa kết nối doanh nghiệp Việt với thế giới - Ảnh 1
Lễ kí kết Biên bản ghi nhớ giữa VinaCapital với Ngân hàng Công nghiệp Hàn Quốc.

Có thể thấy rằng ESG là một yếu tố quan trọng và không thể bỏ qua đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi muốn bán hàng cho các đối tác quốc tế. Việc thực hành ESG sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường, và tạo ra giá trị bền vững cho xã hội và môi trường.

Để thực hành ESG hiệu quả, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải có sự cam kết của lãnh đạo, có nguồn lực và kiến thức phù hợp, có sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước và các tổ chức phi chính phủ và có sự minh bạch và kiểm toán định kỳ. Chỉ khi đó, ESG mới có thể trở thành một chiến lược kinh doanh thông minh và chiến thắng cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Vũ Chí Công - Giám đốc ESG, Tập đoàn VinaCapital

 PRI - sáng kiến đầu tư có trách nhiệm được thúc đẩy thành lập bởi Liên hợp quốc vào năm 2005, tính đến cuối năm 2021 đã thu hút được gần 4.000 thành viên tham gia. Những thành viên này là các quỹ đầu tư và các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực tài chính với tổng số vốn đang quản lý khoảng hơn 121 nghìn tỷ USD. Điều đó có nghĩa là, toàn bộ các quỹ đầu tư này đã và đang áp dụng các tiêu chí đánh giá ESG vào quá trình ra quyết định của mình ở một mức độ nào đó. Và tỷ lệ này sẽ ngày càng tăng lên.

ESG không chỉ giúp các doanh nghiệp thu hút vốn đầu tư mà còn giúp họ mở rộng thị trường xuất khẩu và tạo ra cơ hội kinh doanh mới với các đối tác quốc tế. Các tiêu chí ESG đặc biệt quan trọng khi giao dịch với các thị trường phát triển, nơi các tiêu chuẩn này được coi là tiêu chuẩn tối thiểu để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Những nguyên tắc và chính sách về đầu tư có trách nhiệm, truy xuất nguồn gốc và mua sắm bền vững ngày càng trở nên quan trọng đối với các đối tác và bạn hàng của chúng ta.

Một số ví dụ tiêu biểu như Quy định Chống phá rừng châu Âu (EUDR) yêu cầu các mặt hàng tiêu dùng phải trải qua quá trình thẩm định nghiêm ngặt về chống phá rừng mới được gia nhập thị trường các nước thuộc liên minh châu Âu. Một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực của chúng ta như cà phê, ca cao, cao su và đồ gỗ nội thất sẽ bị ảnh hưởng lớn bởi quy định này. Hoặc Cơ chế điều chỉnh

các-bon xuyên biên giới (CBAM) của liên minh châu Âu sẽ áp dụng thuế phát thải các-bon lên các ngành hàng nhập khẩu vào thị trường này. Điều đó có nghĩa là, nếu các doanh nghiệp của chúng ta chủ động và hành động sớm để thích ứng thì sẽ tạo ra được lợi thế cạnh tranh rất lớn. Nếu không, chúng ta sẽ bị bỏ lại trong những cuộc cạnh tranh toàn cầu sắp tới.

Năm 2022, thống kê của IMF cho thấy tổng giá trị GDP của Việt Nam là 413,8 tỷ USD. Trong khi đó, theo Tổng cục Hải quan, tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong cùng năm đạt 371,3 tỷ USD và theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tổng vốn FDI đăng kí vào Việt Nam đạt gần 27,7 tỷ USD. Những con số nói trên cho thấy mức độ phụ thuộc của nền kinh tế Việt Nam đối với nguồn vốn đầu tư FDI và nguồn thu từ thương mại quốc tế là rất lớn. Như vậy có thể thấy, đối với các doanh nghiệp Việt Nam, việc sớm áp dụng các nguyên tắc ESG không chỉ mang lại lợi ích về bền vững mà còn là yếu tố quan trọng để thu hút đầu tư và xuất khẩu hàng hóa. Doanh nghiệp có thực hành và báo cáo ESG tốt sẽ có nhiều lợi ích hơn trong việc tiếp cận các nguồn vốn và đầu ra cho sản phẩm của mình. Bên cạnh đó, việc thực hành tốt ESG của từng doanh nghiệp khi trở thành một làn sóng sẽ góp phần tạo dựng hình ảnh thị trường Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư và các đối tác quốc tế.

ESG là xu thế chung của thế giới nhưng còn mới ở Việt Nam nên việc tiếp cận và triển khai còn nhiều bỡ ngỡ là điều hoàn toàn dễ hiểu. Tuy nhiên, những sáng kiến về bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, áp dụng kinh tế tuần hoàn để giảm thiểu, tái chế và tái sử dụng chất thải thực ra đã được chúng ta áp dụng rất rộng rãi. Ví dụ, hơn 10 năm trước, rác thải nông nghiệp là gánh nặng rất lớn ở Việt Nam, nhưng ngày nay, phần lớn trong số đó có thể được sử dụng làm nguyên liệu để sản xuất viên nén sinh khối hoặc than sinh học, giúp giảm nhu cầu về năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch và trở thành một nguồn thu đáng kể cho doanh nghiệp. Hay việc chiết xuất chitosan và gelatin từ vỏ tôm, cá để ứng dụng trong lĩnh vực mỹ phẩm và dược phẩm; vải hữu cơ từ sợi lá dứa; giày da sản xuất từ chất thải cà phê là những ví dụ tiêu biểu cho thấy những cơ hội khi áp dụng kinh tế tuần hoàn và cơ hội có thể đến từ tất cả các lĩnh vực.

Thực hành ESG có giúp doanh nghiệp tăng lợi nhuận hay không phụ thuộc vào năng lực và thực hành của doanh nghiệp. Ví dụ, đối với một doanh nghiệp dệt may, chi phí sản xuất đến từ tiêu thụ năng lượng cho quá trình dệt nhuộm là rất lớn. Nếu doanh nghiệp có thể tối ưu hóa được lượng nhiên liệu sử dụng thì cũng chính là tiết kiệm được một lượng lớn chi phí sản xuất. Nhìn chung, chúng ta không nên hiểu rằng ESG là một khía cạnh tách rời để doanh nghiệp phải bổ sung nguồn lực “tập trung vào thực hành”, mà ESG bản chất là một hệ thống các yếu tố được lồng ghép xuyên suốt nhuần nhuyễn vào tầm nhìn, chiến lược, định hướng, văn hóa và các hoạt động sản xuất kinh doanh.

ESG - cánh cửa kết nối doanh nghiệp Việt với thế giới - Ảnh 2

Chúng ta nên coi thực hành ESG là một hành trình để doanh nghiệp phát triển bền vững và trường tồn. Đó là một quá trình liên tục tự đánh giá và cải thiện để ngày càng trở nên tốt hơn. Trong quá trình làm việc cùng các doanh nghiệp tại VinaCapital, có thể thấy mỗi doanh nghiệp sẽ có những đặc điểm rất riêng, câu chuyện rất riêng và hành trình thực hành ESG của từng doanh nghiệp vì vậy cũng sẽ khác biệt. Nhưng cách tiếp cận để đánh giá và triển khai một cách có hệ thống về cơ bản sẽ giống nhau:

Một là, ý thức về tầm quan trọng của ESG đối với chiến lược phát triển của doanh nghiệp cần đến từ bộ phận lãnh đạo cấp cao nhất. Nhận thức này sau đó sẽ được hiện thực hóa bằng những chính sách và chiến lược tích hợp ESG vào hoạt động kinh doanh hàng ngày của doanh nghiệp ở tất cả các cấp và các bộ phận. Vai trò của ban lãnh đạo luôn quan trọng đối với bất kì doanh nghiệp nào, đặc biệt là khi cần có sự thay đổi. Nếu một doanh nghiệp có hệ thống quản trị tốt và hội đồng quản trị có tầm nhìn dài hạn thì sẽ có những chiến lược phù hợp để giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường và nâng cao phúc lợi cho nhân viên.

Hai là, doanh nghiệp cần xây dựng bộ phận chuyên trách hoặc bán chuyên trách để điều phối và theo dõi quá trình thực hiện ESG của mình, và là đầu mối liên hệ giữa doanh nghiệp với các nhà đầu tư, đối tác thương mại về các thông tin liên quan đến ESG.

Ba là, doanh nghiệp cần thực hiện kiểm toán ESG nội bộ và đánh giá toàn diện các bộ phận, nhà máy để nhận diện các rủi ro chính về ESG và kế hoạch cải thiện. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp biết được mình đang ở đâu, gặp phải những vấn đề gì và lộ trình trước mắt như thế nào.

Bốn là, doanh nghiệp cần có hệ thống ghi chú, lưu trữ thông tin liên quan đến thực hành ESG của mình.

Như vậy, có thể thấy rằng ESG là một yếu tố quan trọng và không thể bỏ qua đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi muốn bán hàng cho các đối tác quốc tế. Việc thực hành ESG sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường, và tạo ra giá trị bền vững cho xã hội và môi trường. Tuy nhiên, để thực hành ESG hiệu quả, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải có sự cam kết của lãnh đạo, có nguồn lực và kiến thức phù hợp, có sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước và các tổ chức phi chính phủ và có sự minh bạch và kiểm toán định kỳ. Chỉ khi đó, ESG mới có thể trở thành một chiến lược kinh doanh thông minh và chiến thắng cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Bạn đang đọc bài viết ESG - cánh cửa kết nối doanh nghiệp Việt với thế giới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới