Chủ nhật, 28/04/2024 04:13 (GMT+7)
Thứ hai, 20/11/2023 07:00 (GMT+7)

Đừng nhầm tưởng biển là “thùng rác khổng lồ không đáy”

Theo dõi KTMT trên

Khả năng làm sạch ô nhiễm của biển có hạn, chính vì thế ta cần phải suy nghĩ kỹ lưỡng trước khi thải ra biển bất cứ thứ gì. Ở Việt Nam, bảo vệ biển, không xả rác bừa bãi chính là tự bảo vệ cuộc sống và tương lai con em chúng ta.

Vì sao không nên biến biển thành thùng rác?

Hàng năm loài người thải ra biển hơn 10 triệu tấn dầu bẩn, trong đó có khoảng 5 triệu tấn được thải ra qua các dòng sông và các khu công nghiệp ven biển, khoảng 1 triệu tấn do rửa khoang chứa của các tàu chở dầu và dầu bẩn của các tàu thuyền khác thải ra. 

Hàng ngày, con người còn không ngừng đổ ra biển một khối lượng lớn các chất thải công nghiệp như kim loại nặng, thuốc trừ sâu, nước thải công nghiệp và sinh hoạt, chất thải thể rắn và các chất thải phóng xạ, v.v... 

Đừng nhầm tưởng biển là “thùng rác khổng lồ không đáy” - Ảnh 1
Ô nhiễm môi trường biển đang ngày càng gia tăng. 

Biển trở thành một thùng rác khổng lồ không đáy. Biển rộng mênh mông và sâu thẳm, có thể làm trong sạch rất nhiều chất ô nhiễm do con người đổ vào. Nhưng nếu con người không ngừng đổ vào biển các loại chất thải với khối lượng rất lớn và liên tục như vậy thì biển dù rộng lớn đến mấy cũng không thể chịu nổi.

Trong thập kỷ 70, ở vùng biển Đại Tây Dương và biển Bắc đã có hàng chục vạn chim biển và vô số cá biển chết vì ô nhiễm dầu. Con rùa biển lớn nhất thế giới nặng hơn 900 kg tìm thấy ở bờ biển xứ Gan bị tắc ruột chết vì một chiếc túi nilon khổ 15x22cm. Các kim loại nặng đổ ra biển sẽ tích tụ trong cơ thể sinh vật biển. Khi con người ăn những con cá có kim loại nặng sẽ bị nhiễm độc. Chất thải phóng xạ đổ ra biển còn đáng lo ngại hơn. Các chất phóng xạ này trực tiếp tham gia vào quá trình hoạt động thay đổi sự sống của sinh vật hải dương, qua đó xâm nhập vào cơ thể con người, làm tăng nguy cơ bị bệnh ung thư.

Tóm lại, loài người coi biển cả là thùng rác thì rốt cuộc những rác rưởi đó sẽ quay lại gây tai hoạ cho con người. Chúng ta cần biết rằng, khả năng tự làm sạch các chất ô nhiễm của biển là có hạn, bởi vậy con người cần phải xử lý trước khi đổ ra biển các chất nước thải, khí thải, rác rưởi... Không nên vì tiết kiệm công của mà đổ bừa ra biển, hậu quả sẽ còn lớn hơn nhiều.

Biển Việt Nam đứng trước nguy cơ bị ô nhiễm như thế nào?

Biển Việt Nam nhận các chất gây ô nhiễm từ hai nguồn chính là lục địa và từ biển. Các chất gây ô nhiễm chủ yếu là dầu, hoá chất bảo vệ thực vật, chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp.

Đừng nhầm tưởng biển là “thùng rác khổng lồ không đáy” - Ảnh 2
Vào năm 2020, Việt Nam là 1 trong những quốc gia xả rác thải nhựa ra biển nhiều nhất thế giới. (Ảnh: Lekima Hùng)

Việt Nam có khoảng 13 hệ sinh thái chính ở biển và đới bờ. Các hệ sinh thái này rất dễ bị tổn thương bởi tác động ô nhiễm, đặc biệt là ô nhiễm dầu. Theo thống kê của Cục Môi trường (Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường), kể từ năm 1989 đến nay có gần 20 vụ tràn dầu lớn nhỏ được ghi nhận. Điển hình là:

  • Sự cố Quy Nhơn ngày 10/8/1989, hơn 200 tấn dầu FO đã tràn ra Vịnh Quy Nhơn.
  • Sự cố Bạch Hổ ngày 26/11/1992, khoảng 300- 700 tấn dầu thô đã tràn ra biển do đứt đường ống mềm.
  • Sự cố ngoài khơi Vũng Tàu ngày 20/9/1993, 2000 tấn bột mì và 200 tấn dầu FO và DO đã loang ra một vùng rộng lớn khoảng 640km2.

Thiệt hại kinh tế ước tính lên đến hàng trăm tỷ đồng. Hơn nữa, hàng năm khoảng 200 triệu tấn dầu thô của các nước vận chuyển thông qua vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đến Nhật Bản và Hàn Quốc, đang tạo nguy cơ không nhỏ về sự cố tràn dầu. 

Ô nhiễm và suy thoái môi trường biển đang không ngừng gia tăng với tính chất ngày càng nghiêm trọng gây ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường sinh thái và sức khoẻ của con người. Hãy nói không với rác thải nhựa và chung tay giữ gìn môi trường biển vì một Việt Nam xanh - sạch - đẹp.

Nhật Hạ

Bạn đang đọc bài viết Đừng nhầm tưởng biển là “thùng rác khổng lồ không đáy”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới