Thứ sáu, 29/03/2024 03:42 (GMT+7)
Thứ bảy, 30/04/2022 13:00 (GMT+7)

Du lịch Kon Plong và Thủy điện Thượng Kon Tum

Theo dõi KTMT trên

Kon Plong và thị trấn du lịch Măng Đen – Đà Lạt thứ 2 của Tây Nguyên.

Kon Plông là huyện miền núi nằm ở phía đông bắc tỉnh Kon Tum, có vị trí địa lý: phía đông giáp huyện Sơn Hà và huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi; phía tây giáp huyện Tu Mơ Rông; phía tây nam giáp huyện Kon Rẫy; phía nam giáp huyện Kbang, tỉnh Gia Lai; phía bắc giáp huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Huyện Kon Plông có diện tích 1.371,2 km², dân số năm 2019 là 26.025 người, trong đó: dân số thành thị là 4.966 người chiếm 19% và dân số nông thôn là 21.059 người, mật độ dân số đạt 20 người/km².

Du lịch Kon Plong và Thủy điện Thượng Kon Tum - Ảnh 1
Tượng Đức Mẹ Chùa Khánh Lâm.

Kon Plông là một huyện nghèo; nhưng có độ che phủ của rừng đạt 78% diện tích đất tự nhiên, cao nhất toàn quốc. Rừng ở đây còn lưu giữ nhiều loại gỗ quí hiếm như pơ mu, thông tre, dổi, hoàng đàn trắng, xoan đào, xá xị, sơn huyết. Măng Đen hiện nay là thị trấn duy nhất thuộc huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, được mệnh danh là “Đà Lạt thứ hai” của Tây Nguyên; nằm cách trung tâm thành phố Kon Tum 60 Km. Các địa điểm di tích danh lam thắng cảnh tham quan đặc sắc hiện nay của Kon Plong gồm: tượng đài Đức Mẹ Maria, chùa Khánh Lâm, thác Pa Sỹ, hồ Đắk Ke.

Du lịch Kon Plong và Thủy điện Thượng Kon Tum - Ảnh 2
Chùa Khánh Lâm.
Du lịch Kon Plong và Thủy điện Thượng Kon Tum - Ảnh 3
Thác Pa Sỹ.
Du lịch Kon Plong và Thủy điện Thượng Kon Tum - Ảnh 4
Hồ Đắc Ke.

Măng Đen là vùng đất cổ có cấu tạo địa chất và được hình thành trong thời gian dài và phức tạp, với các đá gốc có tuổi Tiền Cambri cách đây khoảng 2.500 triệu năm. Vào cuối Kỷ Đệ Tam, Măng Đen chịu ảnh hưởng của vận động uốn nếp Himalaya. Sang Kỷ Đệ Tứ, các hoạt động kiến tạo theo các đứt gãy cổ làm cho Măng Đen nâng lên cùng với sự phun trào bazan,. Măng Đen cùng với núi Ngọc Linh thuộc hệ thống núi Trường Sơn với địa hình đa dạng và khí hậu nhiệt đới gió mùa cao nguyên ôn hòa mát mẻ, có dải đất đỏ bazan màu mỡ, chứa tầng quặng bauxite chất lượng tốt.

Ngày 5/2/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định số 298/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng du lịch sinh thái Măng Đen và quy hoạch huyện Kon Plong đến năm 2030. Theo đó, ranh giới quy hoạch là toàn bộ diện tích huyện Kon Plong 138.116 ha, là vùng nằm trong quy hoạch du lịch quốc gia đến năm 2030, quy mô dân số đến năm 2030 là 40.000 người; với 4 vùng du lịch chính: đô thị Kon plong và 5 trung tâm du lịch chính: đô thị Kon Plong, khu du lịch Đăk Tăng – Măng Bút, khu du lịch Đăk Nên, khu du lịch Ngọc Tem, khu du lịch xã hHiếu – Pờ Ê (sơ đồ định hướng phát triển không gian).

Du lịch Kon Plong và Thủy điện Thượng Kon Tum - Ảnh 5
Sơ đồ định hướng phát triển không gian du lịch theo Quyết định 298/QĐ-TTg.

Như vậy, điều kiện thiên nhiên đặt biệt của huyện Kon Plong và thị trấn Măng Đen đã và đang tạo ra tiềm năng rất lớn trong phát triển kinh tế, nhất là du lịch; xứng đáng với mệnh danh Đà Lạt thứ 2 trên Tây Nguyên.

Thủy điện Thượng Kon Tum – thủy điện chuyển vùng nước từ Kon Tum xuống Quảng Ngãi

Thủy điện Thượng Kon Tum là công trình thủy điện có hồ nước trên dòng Đăk Snghé tại vùng đất xã Đăk Kôi huyện Kon Rẫy và xã Đăk Tăng huyện Kon Plông, nhà máy nằm trên sông Đăk Lô tại xã Đăk Tăng và Ngok Tem của huyện Kon Plông tỉnh Kon Tum. Thủy điện Thượng Kon Tum có công suất 220 MW với 2 tổ máy, sản lượng điện tối đa hàng năm 1094 triệu KWh khởi công tháng 9/2009, hoàn thành cuối năm 2020 với tổng vốn đầu tư là 9400 tỉ đồng [1]. Đây là dự án thủy điện chuyển vùng nước sau hai thủy điện trước đó là An Khê – Ca Nak (Plei Cu) và Serepok 3A (Đắc Lắc). Theo đó, nước từ sông Đăk Snghe chiếm 35% lượng nước sông Đăk Bla thuộc lưu vực sông Sê San, Tây Nguyên sẽ theo đường hầm dẫn nước dài 17 km với cột nước cao 937 m chảy xuống sông Đăk Lô, thuộc lưu vực sông Trà Khúc, tỉnh Quảng Ngãi. Thủy điện này sau khi tích nước tại đầu nguồn sông Đắk Snghé tạo thành hồ chứa rộng khoảng 7 km2, dung tích 145 triệu m3.

Du lịch Kon Plong và Thủy điện Thượng Kon Tum - Ảnh 6
Hồ chứa nước và đập tràn thủy điện Thượng Kon Tum tại xã Đăk Tăng, Kon Plong.

Dự án nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum do Công ty cổ phần thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh (VSH) làm chủ đầu tư. VSH đã ký hợp đồng thi công đường hầm dẫn nước với Liên doanh nhà thầu Trung Quốc, gồm: Viện Hoa Đông (Tập đoàn Thủy điện Trung Quốc) và Công ty TNHH Cục Đường sắt Trung Quốc số 18; thời gian thực hiện gói thầu là 42 tháng; tuy nhiên sau gần 40 tháng, khối lượng thi công mới chỉ đạt 24,3% khối lượng hợp đồng. Dự án đã phải tăng chi phí để tiến hành lựa chọn nhà thầu mới và phát sinh nhiều vấn đề trên công trường cần phải xử lý. Ngày 25/5/2016 hợp đồng chính thức được ký kết với ba nhà thầu mới gồm: CTCP Xây dựng 47 (mã C47-HoSE); CTCP Sông Đà 10 (mã SDT-HNX); Liên doanh C47 và Robbins, Hoa Kỳ.

Du lịch Kon Plong và Thủy điện Thượng Kon Tum - Ảnh 7
Vận hành Tuabin thủy điện Thượng Kon Tum tại xã Ngọc Tem, Kon Plong.

Tháng 3/2021 hồ thủy điện bắt đầu tích nước và vào lúc 14 giờ 55 ngày 24/3/2021, Tổ máy số 1 nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum đã được hòa lưới điện Quốc gia thành công. Theo tính toán khi nhà máy đi vào vận hành, sẽ đóng góp cho ngành điện một lượng điện từ 814 triệu KWh – 1 tỷ kWh/năm, nộp ngân sách hàng năm cho tỉnh Kon Tum 200 tỷ đồng.

Động đất Konplong và các hậu quả

Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống thiên tai với các ban ngành tỉnh Kon Tum và chủ đầu tư ngày 19/4/2022; TS. Nguyễn Xuân Anh - Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết: trong khoảng thời gian từ năm 1903 đến năm 2020, trên khu vực huyện Kon Plông và lân cận đã ghi nhận được 33 trận động đất có độ lớn từ 2,5 (M=2.5) trở lên, trong đó chỉ có hai trận động đất xảy vào năm 1937 (M = 3.9) và năm 2015 (M = 3.0). Nhưng từ tháng 4/2021 đến nay, các số liệu thống kê cho thấy hiện tượng động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông và lân cận, có tần xuất xảy ra thường xuyên và xu hướng mạnh dần. Cụ thể, từ năm 2021 đến nay ghi nhận 169 trận động đất có độ lớn từ M >=2.5 xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Đặc biệt trong các ngày 15 -18/4/2022 đã ghi nhận động đất xảy ra liên tục tại khu vực này với tổng số 22 trận động đất với độ lớn M = 2.5 đến 4.5. Theo người dân địa phương, các chấn động đã được ghi nhận từ thời điểm hồ thủy điện Thượng Kon Tum tích nước và ngày càng mạnh hơn khi nhà máy đi vào hoạt động. Bản đồ vị trí các trận động động đất tỉnh Kon Tum đến nay do Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống thiên tai thành lập được dẫn ra sau.

Du lịch Kon Plong và Thủy điện Thượng Kon Tum - Ảnh 8

Lý giải cho tình trạng này, các nhà khoa học hàng đầu Việt Nam về động đất như PGS. Cao Đình Triều, PGS. Nguyễn Hồng Phương, TS. Nguyễn Xuân Anh, v.v. đều cho rằng: đây là động đất kích thích do hồ chứa và nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum đi vào hoạt động. PGS. Cao Đình Triều còn cho rằng: động đất liên quan đến đới đứt gãy Rào Quán - A Lưới, một đới đứt gãy dịa chất lớn chạy từ Lào đến Quy Nhơn (Bình Định) đi qua thủy điện Thượng Kon Tum và đi qua cả thủy điện Sông Tranh 2. Trong thời gian tới, cường độ các trận động đất có thể lên đến 5-5,5 độ richter và chưa rõ sẽ chấm dứt bao giờ; có thể kéo dài như thủy điện Sông Tranh 2 từ 2012 đến nay hay không vẫn là câu hỏi chưa được giải đáp.

Theo phản ánh của chính quyền và nhân dân địa phương, các trận động đất ở Kon Plong đang tạo ra tác động tiêu cực nhiều mặt tới đời sống người dân địa phương. Theo báo Nhân dân [3], ‘trận động đất trưa ngày 18/4 với cường độ lên đến 4,5 độ richter là trận động đất lớn nhất trong 120 năm qua. Đây là hiện tượng bất thường khiến người dân sống trong khu vực tâm chấn tại huyện Kon Plông hoang mang, lo lắng. Còn với gần 170 hộ dân thôn Đăk Tăng, xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông sinh sống trên triền núi cao tại khu tái định cư thủy điện Thượng Kon Tum, nỗi sợ còn tăng thêm. Theo người dân xã Đăk Tăng, không chỉ riêng sáng sớm ngày 18/4, mà những ngày qua, tình trạng đất bỗng dưng rung lắc diễn ra nhiều. Có những ngày diễn ra nhiều lần và có cường độ lớn, làm cho đồ đạc trong nhà rơi xuống sàn, người dân lo sợ, bất an. Qua những trận động đất, gần đây đã xuất hiện những vết nứt, rạn kéo dài trên sàn nhà. Đặc biệt, nhiều ngôi nhà được xây dựng chênh vênh bên mép vực sâu nên rung chấn làm tăng nguy cơ sạt, đổ’. Theo Chủ tịch xã Măng Bút (huyện Kon Plông, Kon Tum): ‘từ ngày 15/4 đến nay trên địa bàn xã xảy ra nhiều lần rung chấn, trận rung chấn mạnh nhất diễn ra vào trua 18/4 với độ lớn là 4,5 độ (rung lắc cực mạnh), thời gian kéo dài 15 giây. Đến bây giờ chúng tôi thống kê chưa có thiệt hại về người và tài sản nhưng khiến người dân hoang mang’. Lãnh đạo UBND huyện Kon Plông cho biết: ‘từ đầu năm đến nay các trận động đất có độ mạnh tới 4,5 độ richter, sau rung chấn có tiếng nổ lớn trong lòng đất khiến người dân vô cùng hoang mang’.

Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, phòng thủ dân sự tỉnh Kon Tum cho biết: đã ghi nhận một số thiệt hại ban đầu do các trận động đất liên tục xảy ra gần đây. Tại xã Đăk Nên, nhiều dư chấn có tiếng động lớn trong lòng đất và làm rung chuyển nhà cửa của người dân, trụ sở làm việc của xã và các điểm trường học trên địa bàn xã. Tại Trường tiểu học ở xã Đăk Ring bị nứt vách tường phòng hiệu trưởng và các phòng học trong khuôn viên nhà trường, khu vực hành lang cũng có nhiều vết nứt. Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Đắk Nên, có một phòng ở do rung chấn quá lớn đã làm nứt, vách tường, hiện tại học sinh không ở được.

Tác động tiêu cực của các trận động đất kích thích do thủy điện Thượng Kon Tum tạo ra không chỉ ảnh hưởng ngắn hạn đến đời sống người dân địa phương, còn có thể tác động lâu dài và nhiều mặt đến phát triển kinh tế xã hội của huyện Kon Plong và tỉnh Kon Tum. Các tác động đó đặc biệt ảnh hưởng mạnh mẽ đến quy hoạch phát triển du lịch sinh thái Măng Đen đã được Thủ tướng Chính thông qua năm 2013 [5], gia tăng kinh phí xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật huyện Kon Plong và vùng phụ cận, làm giảm sức hút đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong việc xây dựng các dự án khai thác thế mạnh tài nguyên đa dạng của huyện Kon Plong và tỉnh Kon Tum.

Góc nhìn kinh tế môi trường với dự án thủy điện Thượng Kon Tum

Dù chưa có bài viết dự báo về khả năng xẩy ra động đất ở Kon Plong do xây dựng nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum; nhưng đã có nhiều bài viết trước đây đề cập về các tác động tiêu cực đến môi trường và tài nguyên huyện Kon Plong [2, 3] như: làm cạn kiệt dòng chảy các sông khu vực cao nguyên Măng Đen và giảm lưu lượng nước sông Dabla thuộc hệ thống sông Sê San, mất hàng trăm ha rừng nguyên sinh khu vực lòng hồ thủy điện, thay đổi môi trường các hệ sinh thái sông, v.v. Khảo sát của cố giáo sư Lê Văn Khoa và cộng sự năm 2012 cũng đã xây dựng được một báo cáo khoa học trình UBND tỉnh Kon Tum về tác động tiêu cực của các dự án thủy điện chuyển vùng nước như An Khê – Ca Nak và Serepok 3A. Tuy nhiên, các tiếng nói đó đã chưa làm thay đổi quyết tâm xây dựng thủy điện của chủ đầu tư và sự ủng hộ của chính quyền địa phương.

Với sản lượng điện hàng năm trung bình dự báo 1.000.000.000 KWh và giá bán cho EVN khoảng 500 VNĐ/Kwh, doanh thu hàng năm của thủy điện Thượng Kon Tum là 500 tỷ đồng, trong đó dự kiến nộp ngân sách cho tỉnh Kon Tum 200 tỷ đồng, thì hiệu quả đầu tư xây dựng thủy điện Thượng Kon Tum là không lớn. Lý do giá thành sản xuất và giá bán điện do thủy điện tạo ra thấp đã được phân tích trong bài báo của Lưu Đức Hải [6] là do các nhà đầu tư thủy điện được Nhà nước trợ thuế tài nguyên cho các chi phí tài nguyên (thuế sử dụng đất, mất rừng, khoáng sản, v.v.) chứa trong lòng hồ. Giá bán điện do thủy điện sản xuất theo quy định của Bộ Công thương chỉ được hạch toán dựa trên chi phí đầu tư xây dựng đập, hồ chứa, thiết bị phát điện và vận hành, bảo dưỡng thiết bị và đập.

Du lịch Kon Plong và Thủy điện Thượng Kon Tum - Ảnh 9
Đoàn khảo sát thủy điện Thượng Kon Tum của cố giáo sư Lê Văn Khoa 2012.

Để ước tính thiệt hại du lịch, có thể nội suy từ một số số liệu về hiện trạng du lịch của Kon Plong và Đà Lạt khi xem Măng Đen là ‘Đà lạt thứ 2 của Tây Nguyên’ [3, 5, 7, 8]. Theo số liệu của [7], lượng khách du lịch đến với Đà Lạt trong giai đoạn 2010-2019 trình bày trong biểu đồ sau:

Du lịch Kon Plong và Thủy điện Thượng Kon Tum - Ảnh 10

Biểu đồ lượng khách du lịch đến Đà Lạt giai đoạn 2010-2019

Theo số liệu của trang web Báo nhân dân [8], doanh thu du lịch Đà Lạt giai đoạn 2015-2020 đạt 61.649 tỷ đồng. Như vậy, tính bình quân gia đoạn 2015-2020, lượng khách đến du lịch Đà Lạt hàng năm khoảng 4-4,5 triệu người và doanh thu hàng năm trên 10.000 tỷ đồng, chiếm tới 2/3 GDP của thành phố Đà Lạt. Nếu giả thiết, du lịch Kon Plong đạt được 10% quy mô du lịch Đà Lạt, có nghĩa là lượng du khách đến Kon Plong đạt khoảng 500.000 người / năm và doanh thu 1.000 tỷ đồng, thì doanh thu du lịch gấp hai lần doanh thu bán điện cho EVN của thủy điện Thượng Kon Tum. Cách ước lượng khác, nếu mỗi khách du lịch đến Kon Plong phải chi trả cho thời gian lưu trú tại các khu du lịch Kon Plong trong theo quy hoạch đạt 2-3 triệu đồng, thì doanh thu từ khách du lịch hàng năm của huyện Kon Plong sẽ đạt từ 12.000 – 15.000 tỷ đồng; lớn hơn hai lần doanh thu bán điện hàng năm của thủy điện Tượng Kon Tum.

Nguy cơ mất khu du lịch Măng Đen có tầm quan trọng quốc gia [5], được xem là Đà Lạt thứ 2 của Tây Nguyên do động đất kích thích vì xây dựng thủy điện Thượng Kon Tum có thể kéo dài, để đổi lấy 500 tỷ đồng doanh thu bán điện quả là quá đắt, nếu xét về kinh tế môi trường. Bài học này còn nguyên giá trị đối với tất cả các dự án đầu tư phát triển kinh tế xã hội khác của các địa phương, nếu nhà đầu tư và chính quyền chưa phân tích kỹ các hậu quả và nắm vững các nguyên lý khoa học kinh tế môi trường.  

Tài liệu tham khảo

  1. Khởi công xây dựng thủy điện Thượng Kon Tum. Trang tin ngành điện, 11/09/2009. Truy cập 12/12/2016.
  2. Thêm thủy điện... ngược đời. Báo Người Lao động, 06/07/2016. Truy cập 12/12/2016.
  3. Người dân Kon Tum bất an vì động đất. Báo nhân dân ngày 20/04/2022.
  4. Thủy điện Thượng Kon Tum “bức tử” các dòng sông trong mùa khô?. Tin Tây Nguyên, 18/12/2015. Truy cập 12/12/2016.
  5. Quyết định số 298/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng du lịch sinh thái Măng Đen và quy hoạch huyện Kon Plong đến năm 2030, ngày 5/2/2013.
  6. Lưu Đức Hải; Phát triển thủy điện ở Việt Nam và vấn đề chi phí tài nguyên môi trường; Tạp chí Kinh tế môi trường, số 6/2016, trang 99-106.
  7. https://360dalat.com/cam-nang/du-bao-luot-khach-du-lich-den-da-lat-trong-10-nam-toi-1226
  8. https://nhandan.vn › tin-tuc-du-lich, Thứ Năm, 30-07-2020, 19:42.

Lưu Đức Hải, Phạm Tiến Đức 

Bạn đang đọc bài viết Du lịch Kon Plong và Thủy điện Thượng Kon Tum. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công
Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.