Du lịch Cao Lãnh: Trải nghiệm bản sắc đồng quê sông nước
Nhận biết được tiềm năng, những năm qua TP. Cao lãnh chủ yếu tập trung phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp.
Năm 2024, TP. Cao Lãnh (Đồng Tháp) đã ghi nhận một thành tựu đáng kể trong lĩnh vực du lịch khi có tới 24 điểm du lịch cộng đồng được UBND tỉnh Đồng Tháp công nhận, mang đến một bức tranh đa dạng về các hoạt động du lịch. Trong đó, 7 điểm du lịch khai thác thế mạnh vườn cây ăn trái như xoài, mận, chôm chôm, nho, dâu... đã hoạt động hết sức hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương. Không chỉ được thưởng thức những trái cây tươi ngon, du khách còn có cơ hội trải nghiệm quy trình chăm sóc cây trái, tham gia thu hoạch và chế biến sản phẩm, mang về những kỷ niệm đáng nhớ. Việc phát triển du lịch cộng đồng đã góp phần tạo ra việc làm, tăng thu nhập cho người dân, giúp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Chủ động tập trung vào phát triển tiềm năng du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng
Điểm nhấn đặc biệt của Cao Lãnh chính là các mô hình phát triển nông nghiệp đô thị. Thành phố đã triển khai 9 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mang lại hiệu quả kinh tế và góp phần bảo vệ môi trường. Hiện tại, Cao Lãnh có khoảng 3.724 hecta trồng xoài, tập trung chủ yếu tại phường 6, phường 11, các xã Tân Thuận Ðông, Tân Thuận Tây, Tịnh Thới và Hòa An.
Một mô hình độc đáo khác của Cao Lãnh là trồng nho sử dụng phân hữu cơ du lịch tại xã Tân Thuận Ðông và xã Mỹ Ngãi. Du khách có thể tham quan vườn nho, tìm hiểu quy trình canh tác bền vững và thưởng thức những trái nho tươi ngon ngay tại vườn. Đây là một trải nghiệm thú vị và mới mẻ, thu hút nhiều du khách, đặc biệt là những ai quan tâm đến nông nghiệp sạch và du lịch sinh thái.
Không thể không nhắc đến mô hình kinh doanh trực tuyến “Cây xoài nhà tôi”, một ý tưởng sáng tạo giúp người tiêu dùng có thể sở hữu những cây xoài chất lượng từ Cao Lãnh. Hiện nay, mô hình này được triển khai tại 4 vườn xoài thuộc phường 6, các xã Tịnh Thới, Tân Thuận Tây và Hòa An. Khách hàng không chỉ được chọn mua những cây xoài mà còn có thể theo dõi quá trình phát triển của cây thông qua các kênh trực tuyến, tạo nên sự kết nối mật thiết giữa người tiêu dùng và người nông dân.
Ngoài ra, TP. Cao Lãnh còn chú trọng khôi phục và phát triển những loại cây trồng truyền thống. Điển hình là việc vận động 27 hộ dân ở xã Hòa An khôi phục và phát triển trồng mận Hòa An trên diện tích hơn 3,5 hecta. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc bảo tồn và phát triển các loại cây trồng đặc sản của địa phương.
Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa UBND TP. Cao Lãnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp và các chuyên gia, các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn đã có những bước tiến đáng kể. Sau một năm được khảo sát và tư vấn, các điểm như Vườn nho Phước Điền, Vườn nho Xuân Tươi, Tâm Quê Hội quán đã thu hút đông đảo du khách.
Xây dựng sản phẩm đặc trưng tạo bước tiến mới trong phát triển du lịch Cao Lãnh
Việc xây dựng sản phẩm đặc trưng như tour tham quan vườn nho, trải nghiệm làm rượu vang, hay các hoạt động văn hóa truyền thống đã giúp các điểm du lịch này nổi bật và thu hút khách du lịch.
Điển hình như Tâm Quê Hội quán tại xã Tân Thuận Tây. Hội quán này đã kết nối với tour du lịch Mỹ Phước Thành để phát triển các sản phẩm du lịch, trong đó nổi bật là sản xuất xoài theo hướng hữu cơ, trải nghiệm trồng rau trong nhà lưới và sản phẩm thảo mộc “Gừng - Tỏi - Ớt”. Nhờ vào các hoạt động này, Tâm Quê Hội quán đã đón và phục vụ khoảng 1.230 lượt khách du lịch chỉ sau một năm hoạt động, trong đó phần lớn du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, địa phương lân cận. Đây là minh chứng cho thấy sức hút của các sản phẩm du lịch nông nghiệp đặc trưng của Cao Lãnh.
Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ và Xã đoàn Tân Thuận Đông cũng đã tích cực tuyên truyền và vận động hội viên khởi nghiệp. Năm 2020, chị Nguyễn Thị Hồng Tươi ngụ ấp Đông Thạnh, xã Tân Thuận Đông đã đăng ký khởi nghiệp với mô hình trồng nho kết hợp du lịch. Với diện tích 1.000m², chị Tươi đã trồng hơn 200 cây nho, bao gồm 4 giống: nho đỏ, nho Hồng Ngọc, nho kẹo và nho dùng nấu rượu. Vườn nho Xuân Tươi nhanh chóng trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong và ngoài tỉnh, góp phần không nhỏ vào việc phát triển du lịch địa phương.
Các mô hình như Tâm Quê Hội quán và Vườn nho Xuân Tươi giúp du khách có những trải nghiệm thực tế về nông nghiệp và văn hóa địa phương. Du khách khi đến đây không chỉ được tham quan, chiêm ngưỡng cảnh đẹp mà còn được trực tiếp tham gia vào các hoạt động sản xuất, thu hoạch nông sản, hiểu thêm về quy trình canh tác bền vững và thưởng thức những sản phẩm tươi ngon ngay tại vườn.
Với đà phát triển này, Cao Lãnh hứa hẹn sẽ tiếp tục thu hút ngày càng nhiều du khách trong tương lai, đồng thời góp phần nâng cao đời sống kinh tế và xã hội cho người dân địa phương. Thành công của những mô hình du lịch nông nghiệp không chỉ nằm ở con số lượt khách mà còn ở sự lan tỏa của những giá trị bền vững và ý nghĩa mà chúng mang lại cho cộng đồng.
Thanh Trúc