Thứ ba, 16/04/2024 13:21 (GMT+7)
Thứ ba, 03/11/2020 08:52 (GMT+7)

Dự báo sạt lở đất như thế nào?

Theo dõi KTMT trên

Trong thời gian mưa, lũ vừa qua, những thiệt hại lớn nhất, tang thương nhất chính là thiệt hại về người trong các vụ sạt, lở đất.

Kinh nghiệm từ Nhật Bản

Nhật Bản là quốc gia đứng đầu thế giới về việc chịu ảnh hưởng và kinh nghiệm ứng phó với thiên tai. Theo ông Yasuhiro Taraka, Chuyên gia JICA, Cố vấn quản lý rủi ro thiên tai của Nhật Bản, hiện nay Nhật Bản đang sử dụng 3 yếu tố để ứng phó với sạt lở đất. Cụ thể, đó là dữ liệu lịch sử ở khu vực; mạng lưới quan trắc lượng mưa tại một khu vực (tính được độ bão hòa trong đất); sau đó kết hợp với phân tích địa chất, địa hình để đưa ra cảnh báo, từ đó có phương án di dời dân ngay lập tức.

Dự báo sạt lở đất như thế nào? - Ảnh 1
Ông Yasuhiro Taraka, Chuyên gia JICA, Cố vấn quản lý rủi ro thiên tai của Nhật Bản - (Ảnh: VGP/Đỗ Hương)

Ông Taraka cho biết, Nhật Bản do độ dốc lớn, 70% diện tích trên độ cao nên thường xuyên xảy ra sạt lở đất. “Do địa hình dốc dễ dẫn đến sạt lở đất và lũ quét xảy ra nhiều lần nên chúng tôi cố gắng ngăn chặn ngay từ đầu không để xảy ra sạt lở”, ông Taraka nói.

Theo ông Taraka, vấn đề khó khăn là rất khó nhận biết khi nào và ở đâu có thể xảy ra sạt lở đất. “Có nhiều yếu tố gây ra sạt lở đất, phụ thuộc vào sự phân bổ mưa tại thời điểm đó và đặc điểm địa chất của từng vùng. Đầu tiên, chúng tôi quan tâm tới vấn đề sử dụng đất, tìm hiểu xem lượng mưa tại các vùng như thế nào, sau đó chia thành các vùng, vùng đỏ - vàng - xanh, tương đương độ cảnh báo nguy cơ các vùng mưa nhiều, có nguy cơ sạt lở cao. Dựa trên đó, với những vùng an toàn, địa phương có thể cho người dân sống tại đó”, ông Taraka phân tích.

Tại vùng nguy cơ cao, chính quyền địa phương sẽ có thông báo và kế hoạch di dời người dân khi có khả năng xảy ra sạt lở. Mỗi hộ gia đình cần biết rõ họ nằm ở vùng nào, vùng đỏ là nguy hiểm, vùng vàng là cận nguy hiểm.

Thứ hai là xây dựng hệ thống cảnh báo sớm, các trạm quan trắc lượng mưa được xây dựng nhiều để đo lượng mưa hằng giờ. Các trung tâm thủy văn có một hệ thống máy tính rất hiện đại để tính toán lượng mưa lũy tích và dựa trên đó ban hành các dự báo, cảnh báo. Hệ thống này sẽ cảnh báo cho người dân trong phạm vi 10.000 m2. Người dân trong phạm vi này sẽ được thông báo để di chuyển tới nơi an toàn.

“Cùng với đó, chúng tôi chú trọng tới các công trình để ngăn ngừa hiện tượng này. Dựa vào bản đồ cảnh báo nguy cơ để xây dựng các công trình (ví dụ như nổi tiếng nhất là đập Saboo để ngăn chặn bùn, đá), chúng tôi cũng xây dựng một số cơ sở hạ tầng để ngăn chặn hiện tượng sạt lở. Ở Nhật cũng có các biện pháp tản lượng nước mưa đổ xuống dưới để ngăn nước mưa không tràn xuống các sông gây lũ”, ông Taraka chia sẻ.

Theo thống kê của Chính phủ Nhật Bản, trong 10 năm qua ở nước này xảy ra 1.200 trận sạt lở đất gây thiệt hại nghiêm trọng. Trong khi đó, cách đây một thập niên. Nhật Bản thống kê xảy ra 770 vụ, số liệu này cho thấy các vụ sạt lở đất tăng rất nhiều so với thập niên trước đây.

Bước đầu phân vùng cảnh báo

Ông Trịnh Xuân Hòa, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho biết, năm 2012 đơn vị này bắt đầu thực hiện "Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo trượt lở đất đá các vùng núi Việt Nam". Đề án đã lập được 25/37 bản đồ hiện trạng cấp tỉnh, trong đó Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam đều là những tỉnh nguy cơ sạt lở cao, hoặc mật độ sạt lở tập trung ở một địa bàn rất cao.

Ngoài việc lập bản đồ hiện trạng các tỉnh, đề án còn lập được 15/37 bản đồ phân vùng cảnh báo sạt lở đến từng xã, với khoảng 15.000 điểm trượt lở và đang tiếp tục thực hiện. Dù bản đồ cảnh báo chưa hoàn thành, nhưng các cấp địa phương vẫn có thể dựa vào đó đưa ra phương án phòng tránh hợp lý, hạn chế được phần nào thiệt hại.

Ông Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, trong đợt thiên tai vừa rồi sạt lở đất diễn ra rất phức tạp. "Trên thế giới, những vùng có địa chất tương tự nước ta như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... đều có vùng địa lý núi cao, sườn dốc, mưa tập trung, nên cũng thường xuyên xảy ra tình trạng sạt lở đất, thiệt hại nghiêm trọng", ông Thành cho biết. Về kinh nghiệm quốc tế, muốn cảnh báo được sạt lở đất phải làm hết sức công phu, bài bản.

“Cái gì chúng ta nhìn thấy được thì chúng ta dễ phòng tránh, còn ở dưới đất thì chúng ta không nhìn thấy được. Do đó phải dựa vào các nghiên cứu đánh giá về địa hình, địa mạo, địa chất để từ đó nghiên cứu ra bản đồ nguy cơ sạt lở. Trên bản đồ nguy cơ sạt lở có thể thấy cả một huyện, hoặc một số xã trong huyện đó có những đứt gãy, có cấu trúc địa chất mà khi có những yếu tố kích hoạt thì có thể xảy ra sạt lở đất. Việc cần làm tiếp theo là cần tiếp tục làm bản đồ nguy cơ sạt lở dựa trên địa hình, địa mạo và cấu trúc địa chất một cách chi tiết, cụ thể”, ông Thành nói.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện trên thế giới đã phát triển công nghệ lắp các trạm cảnh báo. Tuy nhiên, chúng ta không thể lắp các trạm cảnh báo phủ trùm toàn bộ khu vực miền núi mà chỉ có thể ở những khu vực có nguy cơ cao, các khu vực người dân sinh sống, nơi tập trung cơ sở hạ tầng. Hiện nay, dựa trên bản đồ nguy cơ đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang khẩn trương chỉ đạo để làm sao tận dụng được tất cả thông tin đã có để cảnh báo được sát hơn.

"Hiện nay chúng ta đã cảnh báo đến huyện rồi, bây giờ sẽ cố gắng cảnh báo đến xã", ông Thành nhấn mạnh.

Theo quan điểm của lãnh đạo Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, giải pháp hữu hiệu nhất là lắp đặt hệ thống máy quan trắc đa thiên tai. Hệ thống này có thể đưa ra dự báo gần như sát với thực tế. Tuy nhiên, hiện cả nước mới có 10 máy. Do số điểm nguy cơ trượt lở rất nhiều nên việc lắp máy khắp nơi là không khả thi.

Trước mắt, ta có thể học hỏi kinh nghiệm của Thái Lan là trang bị cho mỗi làng, bản một cột đo mưa. Mưa đến một mức nhất định thì sơ tán dân. Phương pháp này vừa đỡ tốn kém và dễ triển khai.

Ngoài ra, bản đồ phân vùng cảnh báo đã được chuyển đến các địa phương, cơ quan quản lý cần dựa trên bản đồ này để nhận biết khu vực nguy cơ sạt trượt cao, không bố trí định cư, định canh.

Mỗi địa phương cần lập vùng an toàn để khi có thiên tai thì dễ dàng sơ tán dân. Đồng thời, quy hoạch sử dụng đất cần đặt mục tiêu bảo vệ rừng đầu nguồn lên đầu, trồng rừng ở những nơi thường trượt lở đất đá.

Đỗ Hương

Bạn đang đọc bài viết Dự báo sạt lở đất như thế nào?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Quảng Ninh: Khai mạc lễ hội truyền thống Bạch Đằng năm 2024
Lễ hội truyền thống Bạch Đằng, TX Quảng Yên là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, được tổ chức hàng năm, nhằm tri ân những cống hiến của các bậc tiền nhân, tiếp tục khẳng định ý nghĩa và giá trị lịch sử vĩ đại của chiến thắng Bạch Đằng lịch sử.

Tin mới