Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông phải bàn giao trước ngày 10/11
Trong cuộc làm việc với ngành giao thông, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu phải hoàn thành và bàn giao dự án đường sắt Cát Linh- Hà Đông cho Hà Nội trước ngày 10/11.
Báo cáo chung tình hình, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, trong tổng số 37 quy hoạch ngành quốc gia của cả nước, Bộ được giao lập 5 quy hoạch của 5 lĩnh vực. Đến thời điểm hiện nay, Hội đồng thẩm định nhà nước đã thẩm định thông qua cả 5 quy hoạch; Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 3 quy hoạch (đường bộ, cảng biển, đường sắt).
Dự kiến 10 tháng, Bộ GTVT giải ngân được 29.114 tỉ đồng, đạt 67,1%. Từ nay tới 31/1/2022, Bộ GTVT sẽ tiếp tục giải ngân khoảng 14.259 tỉ đồng. Về dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017-2020 gồm 11 dự án thành phần, với tổng chiều dài 652,86 km, năm 2021 hoàn thành 1 dự án, năm 2022 sẽ hoàn thành 4 dự án, năm 2023 hoàn thành 4 dự án, năm 2024 hoàn thành 2 dự án.
Về tình hình triển khai dự án BOT, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, đến nay, Bộ GTVT đã huy động được khoảng 218.022 tỉ đồng để đầu tư 69 dự án theo phương thức PPP (hoàn thành đưa vào khai thác 66 dự án với tổng mức đầu tư 206.509 tỉ đồng, đang triển khai đầu tư 3 dự án với tổng mức đầu tư 11.432 tỉ đồng).
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành bày tỏ vui mừng trước khí thế làm việc của Bộ GTVT trong thời điểm hiện nay. Đặc biệt, công tác lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch ngành quốc gia theo quy định của Luật Quy hoạch mới là nhiệm vụ khó khăn thì đến nay, Bộ GTVT đã “đi trước” các bộ, ngành trong lĩnh vực này, hoàn thành và được Hội đồng thẩm định nhà nước thông qua cả 5 quy hoạch ngành quốc gia (quy hoạch đường bộ, đường sắt, hàng không, cảng biển, đường thủy).
Đối với tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội), Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương hoàn thành các công đoạn còn lại, bàn giao cho TP.Hà Nội trước ngày 10/11/2021 để đưa vào khai thác, sử dụng.
Về nhiệm vụ trước mắt, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cần bảo đảm lưu thông hàng hóa, mở lại các tuyến giao thông như đường sắt, hàng không, đường bộ, vừa bảo đảm phòng chống dịch, vừa tạo điều kiện phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
“Bộ GTVT cần theo dõi hàng ngày, đánh giá hàng tuần để có giải pháp phù hợp với tình hình, không để dịch bệnh bùng phát phức tạp”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu.
Về nguyên nhân dự án chậm tiến độ, Bộ GTVT nêu rõ dự án chậm tiến độ, đội vốn khiến dư luận bức xúc. Cụ thể là việc giải phóng mặt bằng chậm; quy định của Việt Nam về hình thức hợp đồng EPC (thiết kế, cung cấp thiết bị và thi công) chưa rõ ràng, có nhiều khác biệt với thông lệ quốc tế nên hợp đồng EPC ký kết ban đầu chưa hoàn chỉnh, thiếu chặt chẽ, chưa đúng với bản chất hợp đồng EPC.
Ngoài ra, Việt Nam chưa lường hết các yêu cầu về kỹ thuật công nghệ. Các đơn vị tư vấn tham gia lập, thẩm tra dự án chưa có nhiều kinh nghiệm dẫn đến thiết kế cơ sở ban đầu sơ sài, chưa lường hết được quy mô, tính chất, công năng, phải điều chỉnh tại bước thiết kế kỹ thuật.
Cụ thể, dự án phải điều chỉnh nhà ga tăng từ 2-3 tầng, điều chỉnh vật liệu vỏ tàu, thay đổi vị trí bãi đúc dầm…. làm tăng tổng mức đầu tư lên 9.231 tỉ đồng.
Bộ GTVT cho biết, vướng mắc chủ yếu của dự án hiện nay là công tác thanh toán và việc thực hiện ý kiến kết luận của Kiểm toán Nhà nước. Những vướng mắc này đã ảnh hưởng đến tiến độ công tác nghiệm thu, bàn giao đưa dự án vào khai thác.
Năm 2018, dự án được Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư. Trên cơ sở kết luận của Kiểm toán Nhà nước, Bộ GTVT đã rà soát và xử lý các nội dung liên quan đến công tác quản lý tài chính, kế toán…
Tuy nhiên, do đây là dự án đường sắt đô thị đầu tiên tại Việt Nam và thực hiện theo hình thức EPC, việc thực hiện một số nội dung theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước có những khó khăn nhất định khi Tổng thầu EPC là nhà thầu nước ngoài được chỉ định trong Hiệp định vay, Tổng thầu cho rằng mình không có nghĩa vụ phải thực hiện các kết luận của Kiểm toán Nhà nước.
Tổng thầu cũng thiếu hợp tác và từ chối thực hiện, nhất là các nội dung liên quan đến chi phí bổ sung, phát sinh, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục theo yêu cầu của Kiểm toán Nhà nước.
Một khó khăn khác được Bộ GTVT cho biết là một số định mức đơn giá cho dự án đường sắt đô thị chưa được trong nước ban hành và không thể lập lại tại thời điểm dự án đã hoàn thành công tác thi công, xây dựng dẫn đến việc hoàn thiện theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước gặp nhiều khó khăn.
Chính phủ đang chỉ đạo Bộ GTVT tiếp tục tập trung rà soát các hạng mục công việc, hoàn tất thủ tục trong việc thực hiện kết luận Kiểm toán Nhà nước.
Xuân An