Đường sắt Cát Linh-Hà Đông sẽ vận hành thương mại cuối tháng Tư
Bộ Giao thông Vận tải đang rốt ráo phối hợp chặt chẽ với Hà Nội giải quyết các vấn đề liên quan đến đảm bảo an toàn giao thông nhằm hoàn thành thủ tục bàn giao dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông.
Trao đổi với VietnamPlus vào chiều tối nay (ngày 9/4), Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định Bộ Giao thông Vận tải sẽ bàn giao dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông cho Hà Nội nhanh nhất ngay trong tháng 4/2021, để đến cuối tháng này có thể vận hành thương mại.
Theo Bộ trưởng Thể, Bộ Giao thông Vận tải đang rốt ráo phối hợp chặt chẽ với Hà Nội giải quyết các vấn đề liên quan đến đảm bảo an toàn giao thông nhằm hoàn thành thủ tục bàn giao dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông.
Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã thống nhất từ ngày 31/3 giao Ban Quản lý dự án đường sắt và Công ty Metro Hà Nội bắt đầu công tác kiểm đếm tiếp nhận hồ sơ, tài liệu, tài sản (thời gian dự kiến từ 3-4 tuần) đối với dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông.
Được biết, Tư vấn ACT (Pháp) đã kiểm tra, đánh giá toàn bộ phạm vi công việc (bao gồm công trình và thiết bị). Trong tháng 1/2021, tư vấn ACT đã phát hành chứng nhận kiểm tra kèm theo báo cáo về phần hệ thống thiết bị tư vấn nêu ra 16 khuyến nghị bao gồm nhóm liên quan đến hồ sơ tài liệu; nhóm liên quan đến thiết kế cần khắc phục hiện trường và có thể tiếp tục cải tiến, nâng cao mức độ an toàn trong tương lai; nhóm liên quan đến sự sẵn sàng vận hành của các nhân sự. Đây là những khuyến nghị mang tính phòng ngừa rủi ro trong quá trình vận hành, khai thác.
Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đang chỉ đạo Ban Quản lý dự án đường sắt khẩn trương khắc phục các khuyến nghị, hoàn tất các thủ tục theo ý kiến của Tư vấn ACT thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư và Tổng thầu Trung Quốc phải thực hiện.
Bộ Giao thông Vận tải làm việc với thành phố Hà Nội hoàn thiện các khuyến nghị thuộc trách nhiệm của Đơn vị vận hành khai thác (Công ty Metro Hà Nội) như sự sẵn sàng vận hành (gồm mức độ thuần thục của nhân sự vận hành; bổ sung vào quy trình vận hành thao tác cho các nhân viên, tăng số lượng nhân viên; bổ sung diễn tập trong tình huống bất ngờ); biện pháp sơ tán hành khách trong trường hợp khẩn cấp.
Riêng đối với các nội dung đầu tư xây dựng các hạng mục nhằm nâng cao an toàn trong quá trình khai thác, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Hà Nội thống nhất thực hiện đầu tư để tổng hợp gửi ACT, phục vụ cho công tác đánh giá cuối cùng./.
Đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông có chiều dài tuyến đi trên cao là 13,5km (từ Cát Linh đi Hà Đông) 12 nhà ga trên cao. Đoàn tàu chạy với vận tốc thiết kế tối đa 80km/giờ, vận tốc bình quân khai thác 35km/giờ, khai thác với tần suất vận chuyển khoảng 2 phút/chuyến.
Theo tính toán, đoàn tàu đi từ đầu ga Cát Linh đến ga Yên Nghĩa sẽ mất 23 phút với 12 nhà ga, thời gian chạy từ ga này đến ga kia là khoảng 1 phút với quãng dừng khoảng 30-45 giây.
Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông được khởi công vào tháng 10/2011 do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 886 triệu USD (khoảng hơn 20.000 tỉ đồng).
Việt Hùng