Thứ hai, 09/09/2024 15:20 (GMT+7)
Thứ năm, 15/12/2022 15:50 (GMT+7)

Đốt rác phát điện: Giải pháp hữu hiệu cho việc xử lý rác thải tại Hải Phòng

Theo dõi KTMT trên

UBND TP.Hải Phòng đề xuất lựa chọn công nghệ đốt rác phát điện để xử lý chất thải rắn trong sinh hoạt bằng phương pháp đốt, thu hồi năng lượng trong bối cảnh việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt đang đặt ra những thử thách và nhiều bất cập.

Xây dựng 2 nhà máy đốt rác phát điện gần 5.000 tỷ đồng

Hải Phòng sẽ lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực để thực hiện đầu tư xây dựng 2 nhà máy xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt rác phát điện tại khu xử lý Đình Vũ (quận Hải An) và tại xã Trấn Dương (huyện Vĩnh Bảo).

Việc triển khai đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt rác phát điện được thực hiện theo Nghị quyết số 27/NQ-HĐND ngày 20/7/2022 của Hội đồng nhân dân TP.Hải Phòng. Nghị quyết này quy định về nhiệm vụ, giải pháp tổng thể thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn TP.Hải Phòng giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo kế hoạch, dự kiến nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt rác phát điện số 1 tại khu xử lý Đình Vũ có diện tích sử dụng đất khoảng 9 ha tại phường Đông Hải 2 (quận Hải An). Nhà máy có công suất xử lý (giai đoạn 1) là 1000 tấn/ngày, công suất phát điện khoảng 40 MW, trong đó, giai đoạn 1 có công suất 20 MW, giai đoạn 2 nâng công suất thêm 20 MW. Dự án đầu tư nhà máy tại Đình Vũ có tổng mức đầu tư dự kiện 2.498 tỷ đồng (giai đoạn 1) từ 100% vốn của doanh nghiệp, thời gian hoạt động 20-30 năm.

Đốt rác phát điện: Giải pháp hữu hiệu cho việc xử lý rác thải tại Hải Phòng - Ảnh 1
TP.Hải Phòng dự kiến triển khai đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt rác phát điện gần 5.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, nhà máy được đầu tư theo hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của Luật đấu thầu (trong đó bài thầu có lồng ghép một số yêu cầu theo phương thức PPP). Dự án đầu tư nhà máy tại Đình Vũ có tổng mức đầu tư dự kiện 2.498 tỷ đồng (giai đoạn 1) từ 100% vốn của doanh nghiệp, thời gian hoạt động 20-30 năm. Theo kế hoạch của Uỷ ban nhân dân TP.Hải Phòng, việc đầu tư này phải đảm bảo trong tháng 12/2025 sẽ hoàn thành xây dựng đưa vào vận hành nhà máy xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt rác số 1 tại khu xử lý Đình Vũ.

Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt rác phát điện số 2 có công suất 1000 tấn/ngày, công suất phát điện khoảng 20MW, tổng mức đầu tư 2.498 tỷ đồng từ 100% vốn doanh nghiệp, thời gian hoạt động 20-30 năm. Diện tích sử dụng đất của nhà máy khoảng 10-20 ha tại xã Trấn Dương (huyện Vĩnh Bảo) và cũng được đầu tư theo hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Dự kiến trong năm 2027, nhà máy sẽ hoàn thành đưa vào vận hành để có thể xử lý được 4.000 tấn rác/ngày.

Cũng theo kế hoạch, cả 2 nhà máy này đều sử dụng công nghệ đốt rác phát điện, xử lý chất thải rắn bằng phương pháp đốt, thu hồi năng lượng để phát điện.

Sở Tài nguyên & Môi trường Hải Phòng sẽ là cơ quan đầu mối, chủ trì lập hồ sơ đề xuất triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng 2 nhà máy xử lý chất thải rắn này. Đơn vị này chịu trách nhiệm tham mưu, hướng dẫn thực hiện các thủ tục về đất đai, môi trường, đồng thời theo dõi, đôn đốc các sở ngành, địa phương và doanh nghiệp trúng thầu triển khai thực hiện đúng tiến độ.

Vấn đề nan giải nhiều năm qua

Thực tế, những năm gần đây, tại Hải Phòng, việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt đang đặt ra những thử thách và còn nhiều bất cập, chủ yếu là công nghệ chôn lấp vệ sinh tại đô thị và chôn lấp tại các bãi rác tại nông thôn. Bởi việc xử lý rác thải bằng phương pháp chôn lấp tuy giá thành xử lý và đầu tư xây dựng rẻ; xử lý được lượng lớn chất thải; không phải phân loại song lại bộc lộ nhược điểm như chiếm nhiều diện tích đất; thời gian phân hủy chậm, phát tán mùi, nước rỉ rác gây ô nhiễm môi trường.

Trong khi lượng rác thải ngày càng tăng thì việc xử lý rác thải hiện nay chủ yếu là chôn lấp. Theo UBND TP.Hải Phòng, hiện chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố Hải Phòng hiện được xử lý bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh chiếm đến 62%, chôn lấp tại bãi rác tạm là 32%. Trong khi lượng rác được xử lý bằng phương pháp chế biến phân vi sinh mới đạt 4%, đốt rác với quy mô nhỏ là 2%. Theo đó, ngoài huyện An Dương được Công ty Môi trường Đô thị Hải Phòng thu gom, xử lý tại khu xử lý chất thải Đình Vũ và huyện Thủy Nguyên, có một số xã được thu gom xử lý tại khu xử lý chất thải Minh Tân, khu xử lý rác thải Đình Vũ, Tràng Cát thì các huyện còn lại xử lý tại các bãi rác tạm.

Theo tính toán, trung bình mỗi ngày Hải Phòng có khoảng gần 1.000 tấn rác thải sinh hoạt đô thị và khoảng hơn 800 tấn rác thải sinh hoạt nông thôn. Tỷ lệ phát sinh lượng rác thải này tăng khoảng 10 - 15%/năm. 

Dự báo, đến năm 2025, mỗi ngày TP.Hải Phòng sẽ phải xử lý hơn 2.779 tấn/ngày, đến năm 2030 lượng rác thải sẽ lên đến 3.838 tấn/ngày. Có nghĩa là chỉ trong vòng 3 năm tới, các hệ thống xử lý rác thải hiện tại của Hải Phòng sẽ bị quá tải. Hải Phòng dự kiến đến năm 2025 sẽ đóng cửa, cải tạo phục hồi môi trường thêm 85 bãi rác tạm và đến 2030, đóng cửa toàn bộ bãi rác tạm trên địa bàn thành phố.

Trong khi đó, việc xử lý rác sinh hoạt bằng công nghệ đốt được xác định có những lợi thế như tỷ lệ chất thải sau khi đốt thấp, tiết kiệm quỹ đất sử dụng, có nguồn thu bù vào chi phí xử lý rác... Hầu hết khối lượng rác thải này đều được xử lý bằng phương pháp chôn lấp (chiếm 62%) tại 3 khu xử lý chôn lấp là: Khu xử lý chất thải rắn Tràng Cát, Khu xử lý chất thải rắn Đình Vũ và Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Gia Minh (chôn lấp theo phương pháp Fukouka - Nhật Bản).

Trên cơ sở đó, UBND TP.Hải Phòng đề xuất lựa chọn công nghệ đốt rác phát điện để xử lý chất thải rắn trong sinh hoạt. 

Theo lộ trình phát triển đô thị đến năm 2025, TP.Hải Phòng phấn đấu 100% chất thải rắn nguy hại được thu gom, xử lý; 97% chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý hợp vệ sinh giảm dần tỷ lệ chôn lấp trực tiếp; giảm 50% khối lượng nilon khó phân hủy sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại; 90 - 95% các bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt tại các đô thị đóng cửa được cải tạo, xử lý, tái sử dụng đất. Tới năm 2050, TP.Hải Phòng phấn đấu thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý tất cả các loại chất thải rắn phát sinh bằng những công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Đốt rác phát điện: Giải pháp hữu hiệu cho việc xử lý rác thải tại Hải Phòng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chủ xe VF 6: “Hoàn toàn tự tin đi xuyên Việt“
Sau hành trình du lịch từ Hà Nội vào Gia Lai bằng VinFast VF 6, anh Đỗ Hoàng Thái Bảo (Hà Nội) nhận thấy chiếc xe hoàn toàn có thể chạy xuyên Việt dễ dàng nhờ động cơ mạnh mẽ, hệ thống ADAS an toàn và phạm vi hoạt động vượt kỳ vọng.