"Giảm rác thải - Thêm sống xanh"
Triển khai các sáng kiến vì môi trường nhận tài trợ từ dự án "Thanh niên vì Môi trường" của Quỹ Vì Tầm Vóc Việt và BAC A BANK.
Tại trường THCS Đồng Quang (Quốc Oai, Hà Nội), gần 500 em học sinh đã đem rác nhựa để đổi lấy vé tham gia “phòng thí nghiệm” STEM di động về môi trường. Các em được hiểu về các loại nhựa, đã biết nhựa cần tái sử dụng và tái chế, đã biết cách làm sạch túi nilon để tái sử dụng. Đây cũng là một trong 5 sáng kiến vì môi trường được Quỹ Vì Tầm Vóc Việt lựa chọn tài trợ trong năm nay.
Điểm chung của tất cả các bạn nhỏ từ 11 đến 15 tuổi là mong muốn tiếp tục có các hoạt động như này để các em có nhiều hiểu biết hơn về các vấn đề môi trường xung quanh mình. Em Nguyễn Thuỳ Dương, học sinh lớp 6B trường THCS Đồng Quang, lần đầu được trải nghiệm hoạt động thực hành “rừng nhiệt đới” cho biết: “Em thấy có nhiều điều thú vị hơn các buổi học trên lớp, em biết được cách bảo vệ rừng, bảo vệ động vật, và không xả rác ra môi trường”.
Bên cạnh mô hình “phòng thí nghiệm” STEM di động về môi trường, các sáng kiến khác cũng đã tổ chức các hoạt động thu hút được của nhiều bạn trẻ trên cả nước. Chuỗi sự kiện “Nhà Không Nhựa” của nhóm NGUOCInternational đã tổ chức thành công một hoạt động trải nghiệm và một tọa đàm với gần 200 người tham gia trực tiếp và trực tuyến.
Bạn Trần Hà Trang, thành viên Ban điều hành của nhóm NGUOCInternational chia sẻ: “Bọn em nhận ra các buổi toạ đàm trực tiếp mới là những buổi kết nối kết nối được với các bạn tham gia nhiều hơn, bên cạnh đó bọn em tổ chức kết hợp với phương thức trực tuyến bởi còn rất nhiều bạn trẻ ở các tỉnh thành khác ở nhiều nơi xa không thể tham gia trực tiếp được. Em cảm thấy rất vui và tự hào vì đã giúp các bạn có cơ hội tiếp cận với những kiến thức về môi trường như này và hy vọng rằng có thể hỗ trợ các bạn được hiện thực hoá kế hoạch các bạn đã đề ra, kết nối các bạn với nhau”.
Bạn Trần Thị Nguyệt và Đặng Thị Thuỳ Dung, sinh viên trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, đã cùng nhau tham gia toạ đàm nhằm tìm hiểu các thông tin về rác thải nhựa để thực hiện chuyên đề của mình. “Em rất quan tâm đến chất thải rắn, đặc biệt là rác thải nhựa. Bọn em là sinh viên năm thứ tư, đang làm chuyên đề về vấn đề này. Em đặc biệt ấn tượng với nội dung chuỗi thức ăn, cảm giác giống như được quay về hồi cấp 3. Rác thải nhựa không chỉ tác động đến con người mà còn đến hệ sinh thái và các loài sinh vật khác.”
Cũng qua buổi toạ đàm, bạn Thuỳ Dung đã biết việc giặt quần áo nhiều cũng thải ra rác nhựa bởi 75% các loại quần áo đang sử dụng làm từ polyester, tức là làm từ nhựa. Đây cũng là nguồn vi nhựa chính con người thải ra ngoài môi trường sau mỗi lần giặt quần áo: “Ngoài ra em cũng thay đổi thói quen mang ống hút sắt để sử dụng thay cho ống hút nhựa như trước.”
Tiến sĩ Ngô Thị Thuý Hường, giảng viên Đại học Phenikaa, đã có nhiều năm nghiên cứu về môi trường nhận thấy phần trăm số người biết về rác thải nhựa và cụ thể là biết về ô nhiễm vi nhựa đã tăng lên. Tuy nhiên, một thực trạng đáng buồn là những người lao động phổ thông lại biết về nhựa và ô nhiễm nhựa nhiều hơn so với sinh viên. Từ năm 2018 cho đến nay, ở Việt Nam có nhiều bước tiến lớn trong việc giảm thiểu rác thải nhựa bởi có những chính sách của nhà nước và truyền thông. Nhiều trường học, phong trào sinh viên được tổ chức, nên thanh niên, giới trẻ đã có hiểu biết về tác hại của rác thải nhựa và các hành động cụ thể được tăng lên đáng kể.
Tiến sĩ cũng đánh giá: “Các sáng kiến có ý nghĩa như này cần được nhân rộng. Việc nâng cao nhận thức nó quan trọng hơn rất nhiều so với những hô hào của truyền thông. Người trẻ cần nhận thức được những mối nguy hại thì người ta mới hành động”.
Bạn Nguyễn Xuân Dung, trưởng nhóm Mắt Xanh – Thanh niên vì môi trường, đồng thời là thành viên Ban tổ chức Sáng kiến vì môi trường 2022 chủ đề “Giảm rác thải - Thêm sống xanh” mong muốn lựa chọn các sáng kiến chất lượng đem đến giải pháp truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về ô nhiễm rác nhựa, mà còn thúc đẩy thanh niên thực hành xanh, tiết giảm - tái sử dụng - tái chế các sản xuất làm từ nhựa.
“Chương trình đã chọn ra 5 đề xuất đảm bảo tính sáng tạo, khả thi và có khả năng nhân rộng. 5 sáng kiến hiện đã đi vào giai đoạn triển khai với nhiều hoạt động đa dạng và ý nghĩa được thực hiện như làm thùng ủ phân compost từ các thùng sơn, đặt trạm tiếp nước nhằm khuyến khích sinh viên mang bình nước cá nhân thay vì mua nước đóng chai dùng một lần, tranh biện về môi trường, workshop chia sẻ lối sống xanh, tập huấn về thực hành xanh cho người khiếm thị…”
Sáng kiến vì môi trường năm 2022 với chủ đề “Giảm rác thải - Thêm sống xanh” được thiết lập và hoạt động nhằm nâng cao hiểu biết của cộng đồng, thúc đẩy sự tham gia thanh niên vào các hoạt động giảm rác thải nhựa và ô nhiễm nhựa tại các tỉnh thành trên toàn quốc. Ban tổ chức BTC đã nhận được gần 30 sáng kiến của thanh niên trên khắp cả nước gửi về, trải qua các vòng chấm điểm, BTC đã lựa chọn và tài trợ cho 5 sáng kiến xuất sắc nhất, với tổng giá trị lên đến 100.000.000 đồng. Sáng kiến vì môi trường năm 2022 được tài trợ bởi Ngân hàng TMCP Bắc Á và Công ty TNHH Nhựa tái chế Duy Tân, với sự đồng hành và hỗ trợ kỹ thuật của Quỹ Vì Tầm Vóc Việt và nhóm Mắt Xanh – Thanh niên vì môi trường.
5 sáng kiến với chủ đề “Giảm rác thải - Thêm sống xanh” được nhận tài trợ năm 2022 bao gồm: - “Phòng thí nghiệm” STEM di động về môi trường (Environment lab for Kid) – Nhóm ACCB - Green University Due – Nhóm Green University DUE - Sống xanh project – Nhóm HAMA - Chuỗi sự kiện truyền cảm hứng “Nhà Không Nhựa” – Nhóm NGUOCInternational - Giải pháp thực hành xanh cho người khiếm thị thành phố Từ Sơn – Bạn Nguyễn Đức Nghị |
Trần Linh