Thứ năm, 09/05/2024 03:37 (GMT+7)
Thứ năm, 15/09/2022 17:50 (GMT+7)

Đồng Tháp: Để đàn sếu đầu đỏ trở về

Theo dõi KTMT trên

Để phục hồi đàn Sếu trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, UBND tỉnh Đồng Tháp đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép nhập khẩu 2 cá thể Sếu đầu đỏ từ Lào để đưa về Vườn Quốc gia Tràm Chim chăm sóc.

Thông tin với báo chí chiều ngày 14/9, lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Minh Tuấn đã ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến về việc tiếp nhận 2 cá thể Sếu đầu đỏ từ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.

Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, ngày 5/9/2022, UBND tỉnh Đồng Tháp tiếp nhận văn bản số 066/CTW RC của Giám đốc Tổ chức Bảo tồn Động vật hoang dã Lào về việc quyên góp 2 cá thể Sếu đầu đỏ cho Chương trình nhân giống Sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim, huyện Tam Nông với mục đích bảo tồn, nhân nuôi và phát triển.

Đồng Tháp: Để đàn sếu đầu đỏ trở về - Ảnh 1
Tỉnh Đồng Tháp mong muốn nhận 2 cá thể Sếu đầu đỏ từ Lao để chăm sóc, phát triển

Đại diện UBND tỉnh Đồng Tháp cho hay, những năm qua, tỉnh Đồng Tháp đã quan tâm công tác bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt là Vườn Quốc gia Tràm Chim - nơi sinh sống của nhiều loài chim quý, hiếm, trong đó có Sếu đầu đỏ. Đồng thời, UBND tỉnh Đồng Tháp đã chỉ đạo Vườn Quốc gia Tràm Chim thực hiện các biện pháp cải tạo, phục hồi môi trường sinh thái. Ngày 16/4/2021, tại Vườn Quốc gia Tràm Chim ghi nhận 1 gia đình Sếu đầu đỏ (Grus antigone sharpii) gồm 3 cá thể về tại bãi năng thuộc phân khu A4.  

Chính vì vậy, UBND tỉnh Đồng Tháp nhận thấy môi trường sinh thái tại VQG Tràm Chim đang phục hồi và phát triển, đảm bảo đủ điều kiện cho việc bảo tồn, nhân nuôi, phát triển loài Sếu đầu đỏ, sau đó tái thả lại môi trường tự nhiên tại Vườn Quốc gia Tràm Chim. Do đó, việc đưa loài chim quý hiếm này trở lại đây là phù hợp với sinh cảnh sống của loài, góp phần cùng cộng đồng quốc tế bảo tồn, bảo vệ và phát triển bền vững Sếu đầu đỏ.

Sếu đầu đỏ phương Đông là loài di cư có điểm nổi bật là phần đầu, cổ trụi lông, màu đỏ; vằn trên cánh và đuôi màu xám. Mỏ và trước đỉnh đầu của sếu màu xanh sừng, chân đỏ. Con trưởng thành cao 1,5-1,8 m, sải cánh 2,2-2,5 m, nặng 8-10 kg.

Số liệu quan trắc hàng năm của Hội sếu quốc tế cho thấy đàn sếu phương Đông chủ yếu ở Việt Nam và Campuchia đã giảm hơn 80% trong 10 năm trở lại đây, hiện chỉ còn khoảng 160 con, tỷ lệ giảm trung bình 8% mỗi năm. Với tốc độ suy giảm nhanh như như vậy, tổ chức này dự báo tương lai không xa đàn sếu phương Đông có thể hoàn toàn biến mất.

Do đó, để phục hồi đàn Sếu trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, UBND tỉnh Đồng Tháp đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép nhập khẩu 2 cá thể Sếu đầu đỏ từ Nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào trong trường hợp đặc biệt, nhằm phục vụ công tác bảo tồn, nhân nuôi, phát triển và tái thả lại môi trường tự nhiên tại Vườn Quốc gia Tràm Chim. Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Đồng Tháp sẽ giao các ngành liên quan làm việc với Cơ quan thẩm quyền thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và phía đối tác Lào để tiến hành các thủ tục nhập khẩu, tiếp nhận Sếu đầu đỏ theo quy định pháp luật trong nước và Điều ước quốc tế.

Cũng theo UBND tỉnh Đồng Tháp, do sếu đầu đỏ là biểu tượng của Vườn Quốc gia Tràm Chim, việc đưa loài này trở lại Vườn Quốc gia Tràm Chim là phù hợp, góp phần cùng cộng đồng quốc tế bảo tồn, bảo vệ và phát triển bền vững sếu đầu đỏ nên tỉnh Đồng Tháp đồng ý, thống nhất tiếp nhận việc quyên góp 2 con sếu đầu đỏ từ Tổ chức Bảo tồn Động vật hoang dã Lào.

Thông tin về loài Sếu đầu đỏ, lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp cho hay, sếu đầu đỏ là loài chim quý hiếm (thuộc Nhóm IB theo quy định tại Nghị định số 84/2021/NĐ-CPngày 22 tháng 9 năm 2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/1/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm) và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, đồng thời thuộc Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).

Đồng Tháp: Để đàn sếu đầu đỏ trở về - Ảnh 2
Vườn Quốc gia Tràm Chim đủ điều kiện về môi trường tự nhiên để chăm sóc, phát triển Sếu đầu đỏ

Thông tin với báo chí, Tiến sĩ Trần Triết - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP. HCM, thành viên Hội Sếu quốc tế tại Mỹ cho biết, vườn thú Viêng Chăn Lào có nuôi 2 con sếu đầu đỏ nhưng hiện gặp một số khó khăn. Do đó, họ liên lạc với Hội Sếu quốc tế tại Mỹ nhờ tìm giúp nơi thích hợp để tiếp tục chăm sóc cặp sếu.

"Ngay sau đó, Hội Sếu quốc tế tại Mỹ đã liên lạc với tỉnh Đồng Tháp để đưa cặp sếu về Vườn Quốc gia Tràm Chim. Hai con sếu này khoảng 20 năm tuổi, nặng 5-6 kg, khi về Đồng Tháp chủ yếu phục vụ mục tiêu bảo tồn, bảo vệ và giáo dục môi trường. Thông thường, sếu đầu đỏ khi nuôi ở Vườn thú Viêng Chăn Lào có thể sống từ 40-50 năm, ở môi trường tự nhiên, có thể sống được 30 năm", Tiến sĩ Trần Triết thông tin.

Cũng theo thông tin từ tỉnh Đồng Tháp, dự kiến trong tháng 9 này, đoàn công tác của tỉnh Đồng Tháp sẽ sang Thái Lan thống nhất nội dung hợp tác chuyển trứng sếu về Vườn quốc gia Tràm Chim để gầy lại đàn sếu. Nếu thuận lợi, địa phương sẽ đạt được thoả thuận chuyển giao trứng sếu đưa về nước trong năm nay.

Đồng thời, Vườn quốc gia Tràm Chim chuẩn bị cơ sở vật chất để ấp trứng (khoảng 30 ngày), nuôi và huấn luyện con non theo quy trình chuyển giao. Vài năm sau, sếu đầu tiên sẽ được thả ra tự nhiên. Dự án tính toán mỗi năm thả thành công 10 con, trong 10 năm vườn có 100 con sếu. Với số lượng như vậy, đàn sếu có thể tự sinh sản ngoài tự nhiên với mức độ đa dạng, duy trì quần thể.

Đây là lần đầu tiên Đồng Tháp có dự án nuôi ấp đối với sếu đầu đỏ, vì từ trước đến nay loài chim này thường sinh nở ở Campuchia sau đó di cư về Vườn Quốc gia Tràm Chim từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Vườn quốc gia này rộng 7.500 ha, là khu đất ngập nước, được công nhận là khu Ramsar thứ 2.000 thế giới và thứ tư của Việt Nam. Nơi đây từng ghi nhận nhiều sếu - động vật nằm trong sách đỏ cần bảo tồn - nhất Đông Nam Á, có lúc hơn nghìn con vào những năm 1990.

Tuy nhiên, gần đây, số lượng sếu về Vườn Quốc gia Tràm Chim ngày giảm mạnh. Thống kê, những năm 2014-2016 có 14-23 con về mỗi năm. Năm 2017 chỉ có 3 con. Năm 2018, có 9 con và năm sau là 11 con về vườn. Đáng chú ý năm 2020 và 2022 không có con sếu nào về.

Xuân Hồng

Bạn đang đọc bài viết Đồng Tháp: Để đàn sếu đầu đỏ trở về. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

“Xanh hóa” bao bì thực phẩm, nói dễ khó làm!
“Xanh hóa” bao bì thực phẩm không chỉ là xu hướng mà còn là sự chuyển đổi chiến lược của các doanh nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu về môi trường. Tuy nhiên, quá trình xanh hóa đòi hỏi nguồn vốn, thời gian, cũng như nâng cao trình độ nguồn nhân lực.