Thứ sáu, 26/04/2024 18:21 (GMT+7)
Thứ hai, 12/09/2022 19:45 (GMT+7)

Nguồn tài nguyên cát tại tỉnh Đồng Tháp đang ngày càng cạn kiệt do biến đổi khí hậu

Theo dõi KTMT trên

Theo đại diện Sở TN&MT tỉnh Đồng Tháp thông tin, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, lượng phù sa bồi đắp giảm khiến nguồn tài nguyên cát tại địa phương ngày càng cạn kiệt, hiện chỉ đáp ứng chưa tới 50% nhu cầu thực tế.

Đánh giá về trữ lượng cát tự nhiên trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, ông Huỳnh Văn Nguyên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Tháp (Sở TN&MT) nhận định, thực tế những năm gần đây, mùa lũ hàng năm rất nhỏ so với trước đây nên lượng phù sa (trầm tích cát sông) từ thượng nguồn về sông Hậu, sông Tiền giảm mạnh. Đồng thời, tình hình biến đổi khí hậu trên toàn cũng làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới lượng nước tại thượng nguồn về sông Tiền, sông Hậu, điều này dẫn đến lượng phù sa bồi đắp hàng năm cũng giảm.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đồng Tháp thông tin, hiện nay trữ lượng cát còn lại tại các khu mỏ tại tỉnh Đồng Tháp được cấp giấy phép khai thác rất ít. Thực tế, một số giấy phép (mỏ cát) đã hết trữ lượng, đạt cao trình cho phép theo quy hoạch đã phải dừng khai thác. “Thực trạng vật liệu cát còn lại trên địa bàn tỉnh theo phương án bảo vệ, khai thác và sử dụng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là 57,8 triệu m3. Như vậy, nguồn cát không thể đáp ứng đủ nhu cầu hiện nay”, ông Huỳnh Văn Nguyên cho hay.

Nguồn tài nguyên cát tại tỉnh Đồng Tháp đang ngày càng cạn kiệt do biến đổi khí hậu - Ảnh 1
Trữ lượng cát trên sông Tiền, sông Hậu suy giảm do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu

Năm 2022, UBND tỉnh Đồng Tháp cấp phép khai thác cát sông với công suất khai thác khoảng 6 triệu m3/năm và dự kiến sẽ tiếp tục cắt giảm dần sản lượng khai thác trong các năm tiếp theo. Ước tính năm 2023 sẽ tiếp tục giảm thêm khoảng 2 triệu m3.

Tuy nhiên, qua tổng hợp, nhu cầu cát của tỉnh Đồng Tháp năm 2022 – 2025 rất lớn, trung bình cần hơn 10 triệu m3/năm. Số liệu này chưa kể các công trình Trung ương qua địa bàn tỉnh, công trình ngoài tỉnh nhưng có yêu cầu cung cấp cát và công trình dân sinh trong tỉnh như cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh (1,44 triệu m3) và cao tốc An Hữu – Cao Lãnh (1,37 triệu m3).

Theo đại diện Sở TN&MT tỉnh Đồng Tháp, mặc dù trong năm 2022 khả năng cung ứng của tỉnh chỉ đạt khoảng 44,74% so với nhu cầu. Bên cạnh đó, trong năm 2021 và năm 2022, dù nguồn cung ứng cát trong tỉnh rất khan hiếm, UBND tỉnh Đồng Tháp cũng đã ưu tiên cung ứng cho công trình trọng điểm của Trung ương qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp là dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, với tổng khối lượng cung ứng ưu tiên 1,227 triệu m3 cát.

Ông Huỳnh Văn Nguyên cũng cho biết, vừa qua một số địa phương và Bộ Giao thông Vận tải đã đề nghị UBND tỉnh Đồng Tháp cung ứng cát cho các công trình bên ngoài tỉnh. Tuy nhiên, thực tế hiện cung và cầu đã mất cân đối rất lớn. Công trình có sử dụng cát ngày càng lớn trong khi nguồn tài nguyên cát ngày càng cạn kiệt, không thể đáp ứng nhu cầu. Do đó, việc tỉnh cân đối để có thể cung ứng cát cho các công trình bên ngoài địa phương gặp khó khăn.

Trước tình hình thiếu hụt nguồn cát san lấp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho rằng, cần khẩn trương tổ chức khảo sát các bãi bồi, cồn nổi trên toàn tuyến sông Hậu, sông Tiền để đưa vào nạo vét sớm, phục vụ chỉnh, trị dòng chảy, giảm sạt lở bờ sông, đồng thời tận dụng sản phẩm nguồn cát cho san lấp, kịp thời phục vụ các công trình giai đoạn 2022 - 2025.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, các cồn Linh (huyện Cao Lãnh) và cồn Đông Giang (huyện Châu Thành) dự báo có trữ lượng khoảng 4 triệu m3 cát.  Do đó, tỉnh Đồng Tháp kiến nghị giao Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Xây dựng đẩy nhanh nghiên cứu vật liệu khác thay thế cát nước ngọt (cát đồi, các nhiễm mặn, xỉ than...) để sử dụng làm vật liệu xây dựng, san lấp; rà soát các quy chuẩn về vật liệu san lấp theo hướng dễ huy động các nguồn san lắp phục vụ các công trình, nhất là công trình quốc gia, nhằm giảm áp lực cho các địa phương phải cung cấp cát nước ngọt.

Đồng thời, tỉnh Đồng Tháp kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long rà soát, huy động nguồn vật liệu san lấp để cung cấp đáp ứng nhu cầu chung trong khu vực hoặc cục bộ trong thời gian ngắn hỗ trợ nguồn vật liệu cát san lấp cho các dự án đường cao tốc của Trung ương để đủ đáp ứng cung cấp cho các công trình ngoài địa bàn tỉnh.

Theo Sở TN&MT tỉnh Đồng Tháp hiện tình hình sạt lở bờ sông diễn ra nhiều vị trí, kể cả các sông rạch nội đồng không có khai thác cát. Qua khảo sát trên sông Tiền, sông Hậu, tại những nơi có mỏ khai thác cát đều không có sạt lở bờ sông. Ngược lại, các vị trí sạt lở bờ sông lại xảy ra tại các khu vực không cấp phép khai thác và tại các vị trí sạt lở cho thấy phía bờ đối diện hình thành các bãi bồi lấn ra sông làm thay đổi dòng chảy nhưng chưa được nạo vét, chính trị kịp thời.

An Viên

Bạn đang đọc bài viết Nguồn tài nguyên cát tại tỉnh Đồng Tháp đang ngày càng cạn kiệt do biến đổi khí hậu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới