Đông Nam Bộ: Còn nhiều khó khăn để doanh nghiệp phát triển kinh tế xanh
Kinh tế xanh là xu hướng phát triển trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Đông Nam Bộ với vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước luôn được khuyến khích tập trung hướng tới nền kinh tế xanh để phát triển bền vững.
Tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
Ngày 18/7, diễn ra Hội thảo Vùng khu vực Đông Nam Bộ về chủ đề "Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hướng tới nền kinh tế xanh và phát triển bền vững" do Liên đoàn Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức. Sự kiện là cơ hội để các tỉnh, thành trong khu vực chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, giải pháp thực hiện cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhấn mạnh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh không chỉ là yếu tố quan trọng để thu hút đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mà còn là nền tảng để xây dựng một nền kinh tế bền vững và thịnh vượng.
Một môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển, đổi mới và cạnh tranh lành mạnh. Khi môi trường kinh doanh được cải thiện, doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội hơn để mở rộng hoạt động, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Điều này không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp cho các doanh nghiệp mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế chung của cả nước. Sự phát triển của doanh nghiệp cũng kéo theo sự phát triển của cơ sở hạ tầng, dịch vụ công cộng và các tiện ích xã hội, từ đó tạo ra một môi trường sống tốt hơn cho cộng đồng.
Ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, hội thảo là cơ hội để các địa phương thảo luận giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bước đầu tiên hướng tới nền kinh tế xanh và phát triển bền vững.
Hội nghị gồm hai phiên thảo luận. Phiên đầu tiên tập trung vào chỉ số xanh cấp tỉnh và nâng cao chất lượng quản trị môi trường hướng tới phát triển bền vững. Phiên thứ hai thảo luận về các thực hành tốt trong cải thiện môi trường kinh doanh và liên kết vùng, hướng tới nền kinh tế xanh và phát triển bền vững.
Kinh tế xanh là tấm vé quan trọng trong việc hội nhập vào những thị trường lớn
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, kinh tế xanh hiện nay không chỉ là vấn đề “đạo đức” hay “văn hóa”, mà đã trở thành tấm vé quan trọng để thâm nhập vào các thị trường lớn. Ông cũng lưu ý rằng xu hướng chuyển đổi sang kinh tế xanh đang diễn ra rất nhanh và mạnh mẽ.
Các nhà đầu tư FDI đang kỳ vọng vào một khuôn khổ pháp lý ổn định tại Việt Nam để tiếp tục đầu tư. Nếu không có, họ buộc phải rời khỏi thị trường.
Khảo sát cho thấy nhiều doanh nghiệp vẫn phàn nàn về “gánh nặng’ từ việc thanh tra, kiểm tra trùng lặp. Mặc dù cải cách hành chính đã có tiến bộ ở giai đoạn thủ tục ban đầu, nhưng các thủ tục tiếp theo vẫn chưa đáp ứng được sự hài lòng của doanh nghiệp.
Ngoài ra, doanh nghiệp trong vùng còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận đất đai, với 69% doanh nghiệp được khảo sát cho biết sẽ hủy bỏ hoặc trì hoãn kế hoạch kinh doanh khi gặp trở ngại về thủ tục đất đai. Khảo sát của VCCI cũng chỉ ra rằng các sở ngành và chính quyền cấp huyện không thực hiện đúng chủ trương, chính sách của lãnh đạo tỉnh. Cần cải tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp và thúc đẩy sự năng động, tiên phong của bộ máy chính quyền.
Ông Bùi Quang Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đánh giá rằng trong thời gian qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế xanh, bao gồm nâng cao nhận thức, xây dựng hệ thống chính sách pháp luật và quy hoạch.
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những hạn chế như phân bổ nguồn lực chưa hợp lý, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao và chưa có cơ sở dữ liệu lớn tập trung. Đặc biệt, không gian đổi mới sáng tạo còn bị hạn chế và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Một số ý kiến cho rằng việc phát triển kinh tế xanh và các khu công nghiệp sinh thái gặp khó khăn do sự ngại thay đổi từ chính các doanh nghiệp. Tuy vậy, vùng Đông Nam Bộ vẫn có cơ hội lớn để khai thác kinh tế biển xanh và kinh tế số.
Ông Trần Việt Hà, Phó Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất TP.HCM, đề nghị cần có các giải pháp cụ thể để hỗ trợ và khuyến khích hình thành các khu công nghiệp sinh thái, chẳng hạn như miễn giảm phí thuê đất và hỗ trợ tài chính.
Một số đại biểu cũng nhấn mạnh rằng cần loại bỏ tư duy “tăng trưởng bằng mọi giá” và thu hút đầu tư “bằng mọi giá”. Thay vào đó, cần đưa tư duy phát triển bền vững và tăng trưởng xanh vào mọi hoạt động kinh tế, đặc biệt là trong thu hút đầu tư và phát triển kinh tế cảng, du lịch.
Lê Tuấn