Thứ bảy, 05/10/2024 23:18 (GMT+7)
Thứ bảy, 01/06/2024 17:30 (GMT+7)

Hướng vùng Đông Nam Bộ trở thành đầu mối giao thương quốc tế

Theo dõi KTMT trên

Theo định hướng, vùng Đông Nam Bộ sẽ đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, phát triển hạ tầng đồng bộ, kết nối vùng, liên vùng và quốc tế; trở thành đầu mối giao thương quốc tế.

Vùng Đông Nam bộ là trung tâm công nghiệp, cảng biển và logistics lớn nhất của cả nước, đảm nhận 45% tổng khối lượng hàng hóa và trên 60% khối lượng hàng container của hệ thống cảng biển Việt Nam.

Chính vì vậy, trong quy hoạch đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 của cả nước nói chung và ngành Giao thông vận tải (GT-VT) nói riêng tiếp tục xác định vùng Đông Nam bộ là đầu tàu kinh tế, là trung tâm công nghiệp, cảng biển, hàng không và logistics lớn của cả nước. Trong đó, ưu tiên hàng đầu chính là đầu tư mới hoặc nâng cấp các tuyến quốc lộ, đường cao tốc, đường vành đai nhằm gia tăng kết nối đồng bộ hạ tầng giao thông toàn khu vực.

Hiện, vùng Đông Nam bộ đã nâng cấp tuyến đường sắt đoạn từ Nha Trang – TP. Hồ Chí Minh; đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên,  Bến Thành -Tham Lương; nghiên cứu xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ, Biên Hòa - Vũng Tàu, Thủ Thiêm - Long Thành. 

Vùng Đông Nam bộ cũng đã đưa vào hoạt động các tuyến vận tải ven biển; đang triển khai cải tạo nâng cấp các cầu trên tuyến đường thủy phía Nam, nâng cấp hành lang đường thủy Bắc - Nam và Đông - Tây, kết nối với cảng Cái Mép; khai thác cảng biển trung chuyển quốc tế Cái Mép, nâng cấp tuyến luồng Cái Mép – Thị Vải vào khu bến cảng container và đang nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

Hướng vùng Đông Nam Bộ trở thành đầu mối giao thương quốc tế - Ảnh 1
Cảng nước sâu Cái Mép-Thị Vải ở thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu

Tại Đồng Nai, hiện nay, ngoài 3 tuyến quốc lộ đi qua địa bàn (QL1, QL51, QL56), Đồng Nai còn có nhiều tuyến giao thông trọng điểm quốc gia đi qua. Cụ thể, tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Đồng thời, Đồng Nai đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ mở rộng tuyến cao tốc này lên từ 10 - 12 làn xe nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao khi sân bay Long Thành đi vào khai thác.

Hướng vùng Đông Nam Bộ trở thành đầu mối giao thương quốc tế - Ảnh 2
Nút giao cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây

Bên cạnh đó, trên địa bàn cũng có nhiều tuyến cao tốc khác chuẩn bị xây dựng gồm Biên Hòa - Vũng Tàu (dự kiến hoàn thành năm 2026) và Dầu Giây - Liên Khương (kết nối Đồng Nai với Lâm Đồng) sắp sửa khởi công. Ngoài ra, đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh cũng đang được xây dựng, kết nối Đồng Nai với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.

Tại Bình Dương, đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đã hoàn thành hướng tuyến cao tốc và thẩm định hồ sơ thiết kế cơ sở. Theo dự kiến, dự án sẽ khởi công xây dựng vào dịp Quốc khánh 2/9. Bình Dương cũng đang triển khai nhiều dự án công trình giao thông trọng điểm kết nối vùng như đường Vành đai 3, 4 - TP Hồ Chí Minh, đường tạo lực Bắc Tân Uyên, Phú Giáo, Bàu Bàng; dự án nâng cấp mở rộng QL13, đường ĐT.746, đường Mỹ Phước Tân Vạn và xây dựng cầu Bạch Đằng 2 bắc qua sông Đồng Nai kết nối với TP Biên Hòa (Đồng Nai).

Hướng vùng Đông Nam Bộ trở thành đầu mối giao thương quốc tế - Ảnh 3
Đường Mỹ Phước-Tân Vạn dài 62km với 10 làn xe kết nối các khu công nghiệp tại Bình Dương.

Tại Tây Ninh, dự án cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài đã được Bộ Kế hoạch - Đầu tư hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Dự án cao tốc Gò Dầu - Xa Mát (giai đoạn 1 từ Gò Dầu đến TP Tây Ninh) cũng đang thực hiện các phương án tuyến và tài chính.

Ngoài ra, một số dự án giao thông đang tập trung thi công như đường liên tuyến kết nối vùng N8-787B-789; dự án nâng cấp, mở rộng đường ĐT.795, đường ĐT.794 đoạn từ ngã ba Kà Tum đến cầu Sài Gòn - giai đoạn 2…

Đối với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã đồng loạt khởi công nhiều dự án giao thông trọng điểm như dự án cầu Phước An, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường ven biển Vũng Tàu - Bình Châu.

Hay như tại Bình Phước đã thông qua nghị quyết thực hiện 2 tuyến cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) và cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành. Dự kiến cả 2 dự án này đều được khởi công năm nay.

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, Phan Văn Mãi cũng cho biết, qua nghiên cứu tiền khả thi, tổng chiều dài tuyến Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh khoảng 206,82km (Bà Rịa - Vũng Tàu 18,23km; Đồng Nai 45,54km; Bình Dương 47,45km; TP. Hồ Chí Minh 17,3km; Long An 78,3km). Tổng mức đầu tư (giai đoạn 1) khoảng 127.230 tỷ đồng, gồm phần xây dựng 78.074 tỷ đồng, phần giải phóng mặt bằng là 49.155 tỷ đồng.

“Đường Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh thuộc vùng Đông Nam bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và có tính kết nối giao thông liên vùng, để giải quyết lưu thông hàng hóa, giảm chi phí logistic”, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cũng cho rằng, vùng Đông Nam bộ cần ưu tiên nguồn lực để tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ theo các quy hoạch, dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư cho giao thông vùng Đông Nam bộ từ nay đến 2030 là khoảng 964 nghìn tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021-2025, đầu tư khoảng 304 nghìn tỷ đồng gồm: Ngân sách Trung ương bố trí trên 88 nghìn tỷ đồng, ngân sách địa phương bố trí hơn 47 nghìn tỷ đồng, vốn của doanh nghiệp nhà nước là 109 nghìn tỷ đồng và vốn huy động của nhà đầu tư là 59.346 tỷ đồng.

Vùng Đông Nam bộ sẽ phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; có chất lượng cuộc sống cao, có trình độ y tế, giáo dục thuộc nhóm dẫn đầu Đông Nam Á; môi trường sinh thái được bảo vệ, phát triển hiệu quả theo hướng kinh tế xanh; các giá trị, bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc được giữ gìn, phát huy.

Quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc; đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Tốc độ tăng trưởng tổng ngân sách trên địa bàn (GRDP) vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2031 - 2050 đạt khoảng 7,5%/năm, GRDP/người đến năm 2050 đạt khoảng 54.000 USD/người/năm.

Vùng Đông Nam bộ sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế vùng gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo đột phá nâng cao năng suất dựa trên khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Phát triển một số ngành công nghiệp, dịch vụ hiện đại, trở thành động lực tăng trưởng mới như: công nghiệp bán dẫn, sản xuất chip, dịch vụ tài chính (gắn với hình thành trung tâm tài chính quốc tế), logistics.

Tập trung phát triển vùng Đông Nam Bộ thành vùng động lực quốc gia, trở thành trung tâm kinh tế hàng đầu của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Xây dựng đô thị TP.HCM hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị, đủ sức cạnh tranh, hội nhập khu vực và quốc tế, có vai trò quan trọng trong mạng lưới đô thị của khu vực.

Vùng Đông Nam bộ được xác định là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, gồm Thành phố Hồ Chí Minh và 5 tỉnh: Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu.

Theo quy hoạch vùng Đông Nam bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, định hướng xây dựng Đông Nam Bộ trở thành vùng văn minh, hiện đại, phát triển năng động; là trung tâm hàng đầu của cả nước và khu vực Đông Nam Á về kinh tế, tài chính, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; giữ vai trò quan trọng trong liên kết và thúc đẩy phát triển các vùng khác trong cả nước.

Thuỳ Trinh

Bạn đang đọc bài viết Hướng vùng Đông Nam Bộ trở thành đầu mối giao thương quốc tế. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Nghỉ lễ đi du lịch “chữa lành môi trường”
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đang trở thành những vấn đề cấp bách, thì xu hướng du lịch “chữa lành môi trường” đang ngày càng phổ biến trên toàn thế giới.
Để điện gió ngoài khơi không còn “xa bờ"
Một trong những chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ Việt Nam là phát triển năng lượng tái tạo trong đó điện gió ngoài khơi được xác định là giải pháp đột phá trong chuyển dịch năng lượng, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Cộng sinh công nghiệp và một số khuyến nghị với Việt Nam
Tiềm năng cộng sinh công nghiệp (CSCN) tại doanh nghiệp trong các khu công nghiệp ở Việt Nam là lớn và đa dạng ở các loại hình cộng sinh khác nhau như cộng sinh phụ phẩm và chất thải mà còn có nhiều tiềm năng về các loại hình cộng sinh khác.

Tin mới