Đông Nam Á trong cuộc chiến với than đá
Trong khi các nước phát triển đang loại bỏ dần than đá khỏi sản xuất điện thì tại Đông Nam Á, than đá vẫn được cho là một nguồn năng lượng chính trong nhiều năm tới.
Theo nhiều nghiên cứu, ô nhiễm do các nhà máy nhiệt điện than gây ra có thể dẫn ảnh hưởng đến môi trường xung quanh và gây ra những vấn đề cho sức khỏe con người từ các bệnh hô hấp, tim mạch cho đến các bệnh mạch não.
Cứ mỗi bốn tấn than được đốt lại sản sinh ra một tấn tro bay. Các nghiên cứu ước tính một tấn tro bay có thể bay trong trên phạm vi 150.000km2. Tro bay có thể bay với tốc độ 40-50km nếu thuận chiều gió. Sau lắng xuống, nó sẽ gây thoái hóa đất đai, ô nhiễm nguồn nước và không khí trầm trọng cũng như các bệnh ở cây trồng, động vật và cả con người.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), phơi nhiễm các vi hạt sẽ làm tăng nguy cơ tử vong ở những người mắc bệnh tim, bệnh đường hô hấp và ung thư phổi. Một nghiên cứu được thực hiện tại Mỹ cho thấy rằng xỉ tro (thải ra từ các nhà máy nhiệt điện than) được chôn dưới lòng đất, đã gây ô nhiễm nguồn nước.
Một nghiên cứu của Đại học Stuttgart (Đức) ước tính ô nhiễm không khí do các nhà máy nhiệt điện than gây ra đã dẫn đến 22.300 trường hợp tử vong sớm ở Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2010.
Đáng nói, trong khi các nước phát triển đang loại bỏ dần than đá khỏi sản xuất điện thì tại Đông Nam Á, than đá vẫn được cho là một nguồn năng lượng chính trong nhiều năm tới và việc sử dụng than đá sẽ đạt đỉnh vào năm 2027.
Theo báo cáo của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), khí nhà kính trong bầu khí quyển khu vực này đã đạt đến một mức cao kỷ lục, và có thể sẽ đối mặt với nguy cơ nhiệt độ và mực nước biển gia tăng, cũng có với đó là nhiều sự gián đoạn trong hệ sinh thái biển và đất liền.
Mặc dù cả 10 quốc gia ASEAN đã phê chuẩn Thỏa thuận Paris, nhưng nhu cầu năng lượng trong khu vực sẽ tăng tới 60% vào năm 2040.
Mức sử dụng than của Việt Nam đã tăng 75% từ năm 2012 đến 2017, nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới theo Trung tâm Ash của Trường Harvard Kennedy.
Tại Philippines, bốn công ty năng lượng lớn nhất có kế hoạch tăng gấp đôi công suất điện than hiện tại của đất nước trong vòng 6 năm tới.
Chính phủ Indonesia đặt mục tiêu sản xuất 23% lượng điện từ các nguồn tái tạo, nhưng cho đến nay mới chỉ đạt được 12% do phụ thuộc nhiều vào than đá.
Jacqueline Tao, một nhà nghiên cứu tại Wood Mackenzie, cho rằng nhu cầu điện đang tăng lên và những vấn đề khả năng tài chính trong khu vực có nghĩa là công suất phát điện từ than đá sẽ chỉ bắt đầu bình ổn sau năm 2030.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã chỉ ra rằng nhu cầu toàn cầu về than đá tăng 0,7% trong 2 năm 2017 - 2018. IEA ước tính trong vòng 20 năm tới, nhu cầu về than đá sẽ tiếp tục tăng do tính sẵn có và chi phí phải chăng của nguồn nhiên liệu này.
IEA cho rằng các quốc gia Đông Nam Á, Ấn Độ và các nước đang phát triển khác sẽ là trung tâm của nhu cầu về than đá trong vòng 25 năm tới. Vào năm 2040, điện sản xuất từ than đá sẽ tăng từ mức 35% hiện nay lên 40%, trong khi tỉ trọng phát điện từ khí tự nhiên giảm từ 30% đến 45%.
Các nước như Philippines, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam và Pakistan sẽ phải nhập khẩu điện sản xuất bằng than đá từ những nước khác.
“Nếu khu vực này tiếp tục duy trì mức độ như vậy, hậu quả sẽ rất lớn”, IEA lưu ý. Tổ chức này cũng cảnh báo rằng số ca tử vong sớm hàng năm liên quan đến ô nhiễm không khí sẽ tăng từ 450.000 vào năm 2018 lên hơn 650.000 vào năm 2040.
Nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng tăng nhanh, các quốc gia trong khối ASEAN đang chuyển sang dùng nguyên liệu đốt từ than. Các nhà máy nhiệt điện đốt than cung cấp một nguồn điện năng chi phí thấp. Theo Kế hoạch hành động hợp tác năng lượng ASEAN (APAEC) giai đoạn 2016-2025, than đá dự kiến sẽ đáp ứng 40% nguồn cung năng lượng cho đến năm 2040.
Tỉ lệ nhập khẩu năng lượng của các quốc gia trong khối ASEAN cũng chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu đốt từ than. Ngành công nghiệp năng lượng Nhật Bản, một nhà nhập khẩu chính của khu vực, đã gia tăng sự phụ thuộc vào than kể từ sau thảm họa hạt nhân Fukushima.
Sự lệ thuộc gia tăng đối với nguyên liệu đốt từ than đã đặt khối ASEAN giữa ngã ba đường. Hiện tại, ASEAN chưa đủ khả năng để dựa vào các nguồn năng lượng thay thế khác, thân thiện môi trường hơn. Chi phí cho nguồn năng lượng gió và mặt trời cao hơn khoảng 29% so với năng lượng từ quá trình đốt than.
Đáng chú ý, thiếu khung pháp lý cũng là một rào cản lớn trong việc giới thiệu và phát triển các dự án năng lượng tái tạo. Dự đoán, điều này sẽ dẫn đến việc tỉ lệ sử dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất điện sẽ chỉ tăng từ mức 24% ở thời điểm hiện nay lên 30% vào năm 2040.
Hiện nay, ASEAN đang nỗ lực khuyến khích đầu tư tư nhân vào lĩnh vực năng lượng tái tạo để thay thế năng lượng hóa thạch. Nhưng các chuyên gia vẫn lưu ý rằng, khu vực này cần phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng sạch bên cạnh đẩy mạnh tính minh bạch của thị trường để các nhà đầu tư tư nhân có niềm tin tham gia mạnh mẽ vào cuộc đua năng lượng trong khu vực.
Trong khi đó, Trung Quốc, nước sử dụng điện than lớn nhất thế giới, dự định giảm 3% lượng than tiêu thụ vào năm 2023, theo báo cáo của IEA.
Tuy nhiên, ngay cả khi Trung Quốc tìm cách giảm ô nhiễm không khí độc hại trong nước, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn đang đầu tư ồ ạt vào các dự án điện than ở nước ngoài, đặc biệt là những địa điểm liên quan đến Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Các cường quốc kinh tế Đông Á như Nhật Bản và Hàn Quốc cũng bơm tiền vào loại nhiên liệu hóa thạch này.
Nhật Bản đã lên kế hoạch xây dựng các nhà máy điện than ở bờ biển khi nước này giảm phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân sau thảm họa Fukushima năm 2011. Tuy nhiên, chiến lược trên lại dấy lên nhiều phản ứng chính trị và xã hội từ phía công chúng.
Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã hủy bỏ kế hoạch xây dựng nhà máy điện than mới, Reuters đưa tin hồi tháng 4.
Mặc dù các nhà sản xuất than đá đang nỗ lực cho ra mắt công nghệ "than sạch" giúp giảm phát thải ô nhiễm vào khí quyển, tổ chức môi trường phi chính phủ Greenpeace cho biết các phương pháp này vẫn tạo ra ô nhiễm và không thể xử lí ở bên ngoài môi trường.
Nhật Hạ