Thứ sáu, 29/03/2024 18:25 (GMT+7)
Thứ năm, 08/04/2021 10:26 (GMT+7)

Đông Nam Á 'điểm nóng' ô nhiễm rác thải nhựa

Theo dõi KTMT trên

Việc tiêu thụ quá nhiều nhựa, đi kèm với khả năng quản lý chất thải nhựa yếu kém, đang trở thành mối đe dọa lớn, khiến các bãi đất tràn ngập rác thải, làm tắc nghẽn dòng chảy ở các sông và đe dọa hệ sinh thái biển.

Điểm nóng của rác thải nhựa

Khu vực Đông Nam Á đã nổi lên như một điểm nóng về ô nhiễm nhựa do tốc độ đô thị hóa nhanh chóng và tầng lớp trung lưu gia tăng mạnh mẽ. Đây là tầng lớp tiêu dùng có tốc độ sử dụng các sản phẩm nhựa và bao bì ngày càng tăng do tính tiện lợi và linh hoạt. 

Tuy nhiên, do nền tảng hạ tầng quản lý chất thải ở địa phương vẫn chưa theo kịp nên đã dẫn đến tình trạng một lượng lớn chất thải đang được xử lý không đúng cách. Ở Thái Lan, Philippines và Malaysia, có đến hơn 75% giá trị vật chất của nhựa đáng lẽ có thể tái chế bị mất đi - tương đương 6 tỉ USD mỗi năm. Tình trạng này xảy ra khi nhựa sử dụng một lần bị loại bỏ thay vì được thu hồi và tái chế, theo một loạt nghiên cứu mang tính bước ngoặt của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG).

Ở những quốc gia này, tỉ lệ nhựa có thể tái chế được thu hồi và tái chế lại chỉ chiếm khoảng 18-28%, gây ra tình trạng rác thải bao bì nhựa không chỉ gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm bãi biển và ven đường, mà giá trị đối với các nền kinh tế cũng bị mất đi.

Đông Nam Á 'điểm nóng' ô nhiễm rác thải nhựa - Ảnh 1
Bãi biển của các nước Đông Nam Á ngập trong rác thải nhựa.

Thêm vào đó, sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 đã làm tình hình trầm trọng hơn do xu hướng tiêu thụ khẩu trang, chai dung dịch vệ sinh và bao bì giao hàng trực tuyến ngày càng tăng. Bên cạnh đó, đại dịch cũng đang làm trì hoãn lệnh cấm sử dụng đồ nhựa tại nhiều quốc gia. Ở Philippines, rác thải từ các dịch vụ cung cấp thực phẩm và hoạt động thương mại điện tử đang dần trở thành mối quan ngại đối các nhà bảo vệ môi trường. Họ lo ngại người tiêu dùng sẽ phải lại dựa vào các dịch vụ cung cấp nhu yếu phẩm sau khi chính phủ Philippines tái áp đặt các biện pháp phong tỏa vùng thủ đô Manila và các tỉnh lân cận từ ngày 4/8/2020 do đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh trở lại. 

Trước đó, một số thành phố thuộc vùng thủ đô Manila đã giảm quy mô cuộc chiến chống rác thải nhựa. Chẳng hạn, thành phố Parañaque hoãn việc thực thi lệnh cấm dùng đồ nhựa sử dụng một lần từ tháng 6/2020 sang tháng 1/2021 do các doanh nghiệp than phiền những khó khăn khi tuân theo lệnh cấm trong lúc đối mặt tác động kinh tế từ biện pháp phong tỏa, theo SCMP.

Ngoài ra, thành phố Quezon, thành phố lớn nhất của Philippines với 3 triệu dân, cũng đã nới lỏng chính sách chống sử dụng đồ nhựa dùng một lần. Thay vì áp dụng lệnh cấm hoàn toàn từ tháng 7/2020, chính quyền thành phố cho phép sử dụng hết sản phẩm nhựa dùng để đựng, đóng gói còn trong kho miễn họ có thông báo cho giới chức quản lý chất thải và bảo vệ môi trường.

Tương tự, chính phủ Thái Lan từ đầu năm 2020 bắt đầu thực hiện lệnh cấm dùng túi nhựa sử dụng một lần tại các cửa hàng lớn và các nhà bán lẻ sẽ hướng tới một lệnh cấm hoàn toàn vào năm 2021 nhằm giảm nạn ô nhiễm rác thải nhựa ở nước này trong những năm gần đây. Tuy nhiên, Thái Lan cũng có khuynh hướng sử dụng lại đồ nhựa dùng một lần kể từ khi bắt đầu áp đặt lệnh phong tỏa hồi tháng 3/2020. Trích dẫn dữ liệu từ Viện nghiên cứu Môi trường Thái Lan, bà Pichmol Rugrod thuộc tổ chức Greenpeace (hòa bình xanh) ở Đông Nam Á, cho hay lượng rác thải từ đồ nhựa dùng một lần trung bình 2.115 tấn/ngày trước khi lệnh phong tỏa được áp dụng tăng lên hơn 3.400 tấn/ngày trong tháng 4/2020. Tính cả nước Thái Lan, lượng rác thải nhựa tăng từ 5.000 tấn/ngày lên 6.300 tấn, theo SCMP.

Ngoài ra, các nhà hoạt động vì môi trường ước tính Indonesia tạo ra 6,8 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm, tăng 5%/năm. Khoảng 48% số đó được đốt ngoài trời và gần 10% rò rỉ vào các con sông và biển, theo một báo cáo từ Diễn đàn Kinh tế thế giới. “Tình trạng lượng rác thải nhựa gia tăng chắc chắn gây lo lắng, nếu nó không được quản lý và bị rò rỉ vào môi trường. Thậm chí rác thải y tế dùng một lần, như khẩu trang, cũng đã xuất hiện trên các dòng sông ô nhiễm”, SCMP dẫn lời nhà vận động bảo vệ môi trường thuộc Greenpeace Indonesia cho hay.

Cần sự mở đường cho một tương lai bền vững hơn

Theo các chuyên gia, việc loại bỏ rác thải nhựa cần phải thay đổi, bằng cách chuyển đổi hình thức sử dụng và xử lý nhựa. Ngoài ra, các quốc gia này cũng cần chuyển sang mô hình kinh tế tuần hoàn nhằm tìm cách thiết kế những sản phẩm không tạo ra chất thải hoặc có thể được tái sử dụng và tái chế.

Các chính phủ có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển các tiêu chuẩn và chính sách để tăng cường nhu cầu đối với nhựa tái chế, tạo sân chơi cho các công ty toàn cầu và trong nước, giúp thúc đẩy nền kinh tế luân chuyển đối với nhựa.

Hướng tới mục tiêu này, Nhóm Ngân hàng Thế giới đang thúc đẩy “đầu tư thông minh vào nhựa” bằng cách phát triển các công cụ kinh tế sáng tạo, tạo cơ chế khuyến khích và xác định các khoản đầu tư trên các lĩnh vực kinh tế chính có thể giảm thiểu chất thải nhựa.

Đông Nam Á 'điểm nóng' ô nhiễm rác thải nhựa - Ảnh 2
Cần cơ chế khuyến khích và xác định các khoản đầu tư trên các lĩnh vực kinh tế chính có thể giảm thiểu chất thải nhựa. (Ảnh minh họa)

Các lựa chọn chính sách bao gồm giữ các nhà sản xuất và nhập khẩu hàng nhựa chịu trách nhiệm xử lý rác thải nhựa và các công cụ kinh tế, bao gồm cả thuế, để giúp loại bỏ các mặt hàng nhựa không cần thiết. Các chính sách, tiêu chuẩn và hướng dẫn phải được hài hòa thông qua các hành động cụ thể của khu vực phù hợp với các chương trình nghị sự quốc gia.

Để tạo ra một môi trường thuận lợi, điều đặc biệt quan trọng là phải xây dựng và thực hiện các tiêu chuẩn về hàm lượng nhựa tái chế cho các sản phẩm tiêu dùng chính. Điều này có thể giúp giảm giá nhựa tái chế và nhựa nguyên sinh, đồng thời tạo ra nhu cầu thị trường địa phương đối với các sản phẩm nhựa tái chế.

Khu vực tư nhân phải là đối tác quan trọng trong việc thúc đẩy các giải pháp cho thách thức nhựa. Những đổi mới về vật liệu, công nghệ và tài chính hàng đầu, đóng góp vào giáo dục và sự tham gia, đồng thời tăng cường các nỗ lực làm sạch.

Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế vòng tròn, khu vực tư nhân cần thúc đẩy các giải pháp thay thế thân thiện với môi trường cho nhựa và các mô hình kinh doanh sáng tạo để hỗ trợ tái sử dụng và tái chế. Điều này sẽ giúp các nhà đầu tư phù hợp với lợi ích của chính phủ và tạo ra giá trị từ nhựa đã qua sử dụng. Quan trọng nhất là điều đó sẽ mở đường cho một tương lai bền vững hơn.

Việt Nam đứng thứ 4 thế giới về xả rác thải nhựa

Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng rác thải nhựa nhiều nhất thế giới và đứng thứ 4 trên 20 quốc gia cao nhất với khoảng 0,28 – 0,73 triệu tấn/năm. Nhựa và nilon chiếm khoảng 8-12% chất thải rắn sinh hoạt. Mỗi hộ gia đình sử dụng 1kg túi nilon mỗi tháng. Mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và nilon ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM.

Dự tính đến 2050, khoảng 99% loài chim biển sẽ ăn nhựa. Rác thải nhựa sẽ gây hại cho hơn 600 loài động vật biển và 15% trong số đó gặp nguy hiểm do mắc vào rác thải nhựa hoặc bị ảnh hưởng đến đường tiêu hóa.

Hoài Thu

Bạn đang đọc bài viết Đông Nam Á 'điểm nóng' ô nhiễm rác thải nhựa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội “mạnh tay” xử lý ô nhiễm nước sông Cầu Bây
TP. Hà Nội sẽ không cấp phép môi trường, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường với các dự án, cơ sở không có biện pháp, công trình xử lý nước thải đảm bảo xử lý nước thải đạt quy chuẩn Việt Nam trước khi xả ra sông Cầu Bây.

Tin mới

GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.