Thứ sáu, 19/04/2024 00:49 (GMT+7)
Thứ bảy, 06/03/2021 06:30 (GMT+7)

Nỗi lo ô nhiễm rác thải nhựa thời Covid-19

Theo dõi KTMT trên

Trong nhiều tháng tháng qua, một phần do tập trung phòng chống dịch Covid-19, phong trào chống rác thải nhựa bị chững lại, thậm chí nhiều người dù nhận thức rõ tác hại của rác thải nhựa với môi trường nhưng vẫn quay lại thói quen lạm dụng sản phẩm nhựa.

Theo thống kê, mỗi ngày Việt Nam có khoảng 2.500 tấn rác thải nhựa thải ra môi trường. Từ đường sá, kênh rạch đến cả trước nhà dân. Đại dịch Covid-19 kéo đến, tưởng chừng chẳng liên quan nhưng đã khiến số lượng rác thải nhựa tăng lên từng ngày.

Nỗi lo ô nhiễm rác thải nhựa thời Covid-19 - Ảnh 1

Lượng rác thải nhựa gia tăng vì "đại dịch"

Khi con người bị "giam lỏng" trong nhà, họ đã chọn cách đặt đồ ăn qua mạng. Có rất ít người đếm được mỗi ngày đã sử dụng bao nhiêu túi nilon, hộp xốp trong thời buổi dịch bệnh. Việc này đã khiến cho lượng rác thải nhựa vốn đã nhiều nay lại càng nhiều thêm.

Trung bình, một đơn hàng giao đồ ăn qua mạng có thể tạo ra ít nhất 5 chất thải nhựa rắn, như túi nilon xách bên ngoài, hộp xốp/nhựa dẻo đựng đồ ăn, bịch gia vị, ly nhựa đựng nước giải khát và các dụng cụ ăn uống như ống hút, dao nĩa bằng nhựa.

Dịch vụ giao đồ ăn, cùng với các nền tảng mua sắm trực tuyến, đã phát triển nhanh chóng những năm gần đây - đặc biệt là ở các khu vực đô thị như Hà Nội, TP.HCM

Có thể nói đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi rất lớn hành vi tiêu dùng của người dân. Các nghị định cách ly xã hội đã làm bùng nổ mua sắm online. Theo một khảo sát, trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua, có đến 75% người dân sống ở TP.HCM và Hà Nội sử dụng dịch vụ mua đồ ăn trực tuyến. Việc đặt món và giao đồ ăn tận nơi nở rộ đã phần nào khiến lượng rác thải nhựa tăng lên đáng kể.

Về vấn đề này, ông Cao Văn Tuấn - Trưởng phòng Công nghệ môi trường và Kiểm tra chất lượng, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM, cho biết: "Covid-19 không làm cho tổng số lượng rác thải của TP tăng lên bởi sự giãn cách xã hội, tuy nhiên việc người dân quay lại thói quen sử dụng đồ dùng một lần đã khiến lượng rác thải nhựa tăng lên đáng kể trong những tháng gần đây".

Bên cạnh đó, đại dịch cũng kéo theo sự tăng lên chóng mặt của một loại rác thải, đó chính là rác thải y tế. Tuy chưa có thống kê cụ thể nhưng có thể thấy, từ khi dịch Covid-19 xuất hiện đến nay, số lượng vật tư y tế như khẩu trang, đồ bảo hộ được sử dụng tăng vọt. Có dùng chắc chắn sẽ có thải. Điều này tạo nên một áp lực không hề nhỏ đối với môi trường.

Đại dịch Covid-19 đã thay đổi nhiều thứ và làm cho nỗ lực chung tay giảm rác thải nhựa dường như bị dập tắt. Thói quen tiêu dùng thay đổi khiến nỗi lo bùng nổ rác thải nhựa chưa bao giờ cấp bách như hiện nay. Giải quyết vấn đề rác thải nhựa - một bài toán cũ nay lại càng khó hơn bởi sự ảnh hưởng của Covid-19 là không hề nhỏ.

Nỗi lo ô nhiễm rác thải nhựa thời Covid-19 - Ảnh 2
Đại dịch Covid-19 khiến lượng rác thải nhựa tăng lên đáng kể. (Ảnh minh họa)

Cùng chung tay hành động

Trên thực tế Việt Nam không phải quốc gia duy nhất đau đầu với bài toán nan giải: dùng hay không dùng rác thải nhựa. Hàng loạt thành phố lớn vốn cam kết với sứ mệnh giảm thiểu tiêu thụ nhựa bằng cách đưa những quy định này vào luật như New York hay London cũng phải nới lỏng chính sách này tạm thời trước quan ngại về rủi ro lây nhiễm cho cả nhân viên giao hàng và người tiêu dùng.

Tại Mỹ, dịch Covid-19 đã khiến cuộc chiến chống nhựa sử dụng một lần bị lãng quên. Trong lúc Bộ an ninh nội địa Mỹ yêu cầu tăng việc sản xuất nhựa sử dụng một lần, New York cùng nhiều bang khác đã tạm hoãn luật cấm sử dụng túi nilon trong mùa dịch.

Đại dịch Covid-19 đã khiến mọi người ưu tiên vấn đề vệ sinh hơn bảo vệ môi trường. Các nhóm vận động hành lang cho ngành nhựa cũng tranh thủ những lo ngại sức khỏe trong mùa dịch để tuyên truyền rằng nhựa sử dụng một lần là giải pháp hợp vệ sinh nhất so với các loại tái sử dụng. 

Lãnh đạo một số công ty nhựa ở Mỹ trấn an rằng xu hướng dùng nhựa sử dụng một lần sẽ kết thúc khi giá dầu lên cao và dịch bệnh qua đi.

Tuy nhiên, nhiều nhà bảo vệ môi trường tin rằng điều này sẽ trở nên trầm trọng hơn nếu COVID-19 làm suy thoái kinh tế. 

"Khi thu nhập của người ta bị ảnh hưởng, họ sẽ chẳng còn nghĩ gì nhiều tới chuyện bảo vệ môi trường. Lúc đó mọi người sẽ quay lại thói quen xấu cũ, bao gồm cả chuyện sử dụng đồ nhựa dùng một lần" - một nhà bảo vệ môi trường than thở.

Trước thực trạng rác thải nhựa ngày càng tăng sau mùa dịch, đã có nhiều hoạt động nhằm chung tay giảm thiểu nguồn rác thải này.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án "Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống rác thải nhựa giai đoạn 2021 - 2025". Đề án nhằm tăng cường phối hợp giữa các ban, bộ, ngành và địa phương cùng chung tay nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ứng xử trách nhiệm của toàn xã hội trong việc sử dụng, quản lý rác thải nhựa, bảo đảm phù hợp với thực tiễn và thực hiện có hiệu quả các mục tiêu chiến lược của Đảng, Nhà nước về quản lý và giảm thiểu rác thải nhựa. Thực hiện có hiệu quả các sáng kiến và cam kết của Việt Nam với quốc tế trong giải quyết các vấn đề rác thải nhựa mà trọng tâm là rác thải nhựa đại dương, bảo đảm ngăn ngừa việc xả rác thải nhựa từ các nguồn thải trên đất liền và các hoạt động trên biển, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về giảm thiểu rác thải nhựa xả thải ra môi trường.

 Hạn chế ra sao?

Việc giảm đồ nhựa dùng một lần đòi hỏi sự phối hợp của khách hàng, các quán ăn và công ty giao đồ ăn qua mạng.

Chẳng hạn các hàng quán chủ động không đưa nĩa, muỗng hay ống hút nhựa nếu khách không yêu cầu; chọn hộp đựng đồ ăn có thể phân hủy sinh học được làm bằng giấy hoặc bã mía; sử dụng loại hộp có nhiều ngăn để đựng chung cùng lúc nhiều thực phẩm thay vì đựng riêng.

Các công ty giao hàng có thể giảm giá đồ ăn hoặc thức uống nếu khách hàng chọn không lấy dao nĩa hay ống hút nhựa.

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, tái chế rác thải nhựa; hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến khích phát triển các sản phẩm, có thể phân hủy, tái sử dụng, thân thiện với môi trường; kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh và tăng trưởng xanh.

Giải pháp quan trọng nữa là không ngừng tuyên truyền, vận động, nhắc nhở người dân tiếp tục nâng cao nhận thức trong vấn đề bảo vệ môi trường, nhất là những chủ kinh doanh, tiểu thương trong các chợ dân sinh, cửa hàng. Có như vậy, đồ nhựa, túi nilon mới không có cơ hội xâm chiếm đời sống người dân và gây hại cho môi trường.

Thanh Thúy

Bạn đang đọc bài viết Nỗi lo ô nhiễm rác thải nhựa thời Covid-19. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới