Đồng Nai: Hiện thực hóa kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030
Tỉnh Đồng Nai dự kiến triển khai gần 80 chương trình, dự án ưu tiên ứng phó với BĐKH trên toàn địa bàn. Những hoạt động này nằm trong Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH tỉnh Đồng Nai, giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mới đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi đã ban hành kế hoạch triển khai gần 80 chương trình, dự án ưu tiên ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) trong thời gian tới.
Cụ thể, giai đoạn 2021-2025, Đồng Nai sẽ thực hiện 41 chương trình, dự án thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó có: Chương trình phát triển nông nghiệp bền vững; kế hoạch tái cơ cấu lại ngành Nông nghiệp; rà soát, đánh giá hiện trạng và xây dựng kế hoạch phát triển hệ thống kênh mương thủy lợi gắn với xây dựng nông thôn mới; lập danh mục các vùng hạn chế khai thác nước dưới đất và lập bản đồ phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai…
6 chương trình, dự án giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, trong đó có: Kiểm soát khí thải các phương tiện giao thông cơ giới; kế hoạch hành động giảm phát thải từ phá rừng và suy thoái rừng; nghiên cứu, xây dựng mô hình khu công nghiệp sinh thái, cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng; thí điểm lắp đặt thiết bị Sewsaver (thiết bị tiết kiệm điện) cho máy may công nghiệp.
Sang giai đoạn 2025-2030, tỉnh dự kiến thực hiện 18 chương trình, dự án thích ứng với biến đổi khí hậu và 11 chương trình, dự án giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Việc triển khai các chương trình, dự án ưu tiên này nhằm mục tiêu tăng cường năng lực về thích ứng, phòng chống thiên tai, ngập lụt, giảm phát thải khí nhà kính, tăng trưởng xanh; quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên bền vững góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Trước đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Quyết định số 2728 về việc ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Đồng Nai, giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu của chung của Kế hoạch là xác định được các thách thức và cơ hội của BĐKH đối với quá trình phát triển các ngành, lĩnh vực; các giải pháp ưu tiên nhằm thích ứng với BĐKH, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050; rà soát, điều chỉnh bổ sung yếu tố BĐKH trong chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển của ngành, lĩnh vực và địa phương; tăng cường năng lực về thích ứng, phòng, chống thiên tai, ngập lụt, giảm phát thải khí nhà kính, tăng trưởng xanh đối với đội ngũ cán bộ công chức các cấp, doanh nghiệp và cộng đồng; quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên bền vững và hiệu quả, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo Kế hoạch, trong giai đoạn 2021-2030, tỉnh Đồng Nai sẽ xây dựng Hệ thống giám sát và đánh giá các hoạt động thích ứng với BĐKH của tỉnh; nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực cảnh báo, chủ động phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với BĐKH; phòng ngừa và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường; bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.
Thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách, chiến lược tăng trưởng xanh, thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với tình hình trong nước và quốc tế; quy hoạch, quản lý và khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước và tài nguyên đất đai; đưa giảm nhẹ khí nhà kính và hấp thụ khí nhà kính thành các chỉ tiêu trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh...
Trong giai đoạn 2030-2050, trên cơ sở kết quả đạt được của giai đoạn 2021-2030, tỉnh Đồng Nai sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống giám sát và đánh giá BĐKH của tỉnh; đánh giá mức độ rủi ro và tính dễ bị tổn thương, tăng cường năng lực thích ứng với BĐKH, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, phát triển bền vững trong bối cảnh BĐKH và an toàn trước thiên tai; thực hiện lồng ghép thích ứng với BĐKH trong tất cả các hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh.
Cùng với đó, tỉnh Đồng Nai sẽ xây dựng các chương trình, dự án liên quan đến thích ứng với BĐKH cho từng ngành, từng lĩnh vực, góp phần vào việc ứng phó với BĐKH hiệu quả; đẩy mạnh hoạt động sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng; tăng cường ứng dụng công nghệ mới ít phát thải khí nhà kính trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp; thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng các nhiên liệu phát thải carbon thấp; ứng dụng sâu rộng sản xuất sạch hơn trong các cơ sở sản xuất; giảm nhẹ phát thải và hấp thụ khí nhà kính thành các chỉ tiêu trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thanh Tùng