Đồng Nai: Giao đất cho Công ty Phú Việt Tín làm KDC Dầu Giây có đúng quy định?
UBND tỉnh Đồng Nai giao Sở TN&MT kiểm tra nguồn gốc khu đất rộng 148 ha giao cho Công ty Phú Việt Tín làm dự án KDC Dầu Giây có thuộc trường hợp phải đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định hay không?
Thanh toán 95% giá trị hợp đồng vẫn chưa nhận được đất
Ngày 29/3/2022, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức liên quan đến dự án KDC Giầu Dây nằm trên địa bàn huyện Thống Nhất, do Công ty TNHH Đầu tư Phú Việt Tín (Công ty Phú Việt Tín) làm chủ đầu tư. Kết luận này dựa trên buổi làm việc của cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai với ông Đặng Phước Dừa – Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Phú Việt Tín hôm 23/3.
Theo thông báo kết luận này, UBND tỉnh Đồng Nai giao Công an tỉnh có ý kiến bằng văn bản về tình hình vụ án hình sự lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản tại Công ty Phú Việt Tín có ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện dự án KDC Dầu Giây và việc thực hiện các thủ tục tiếp theo của dự án không?
UBND tỉnh Đồng Nai cũng giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, UBND huyện Thống Nhất và các đơn vị liên quan, rà soát nguồn gốc đất, toàn bộ hồ sơ dự án, nghiên cứu kỹ các quy định pháp luật về đất đai, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công qua từng thời kỳ và các quy định có liên quan để xem xét xác định diện tích đất của dự án có thuộc trường hợp phải đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định hay không?
Đồng thời, rà soát toàn bộ công tác khấu trừ tiền bồi thường vào tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai trước đây, đề xuất hướng xử lý, gửi Sở KH&ĐT trước ngày 10/4/2022 để tổng hợp.
Trên cơ sở văn bản ý kiến của Sở TN&MT, UBND tỉnh Đồng Nai giao Sở KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, rà soát toàn bộ hồ sơ, nghiên cứu ý kiến góp ý của Sở, ban ngành, địa phương; Đánh giá những tồn tại, khó khăn, vướng mắc của dự án, sự phù hợp quy định pháp luật có liên quan, làm cơ sở tham mưu đề xuất hướng xử lý tiếp theo đối với dự án, trình UBND tỉnh xử lý theo đúng quy định.
KDC Dầu Giây có diện tích 148 ha có nguồn gốc là đất rừng cao su thuộc khu vực quản lý của Nông trường Cao su An Lộc. Năm 2015, dự án được phê duyệt có diện tích khoảng 98 ha nhưng đến năm 2020 Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã ký Quyết định điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 nâng diện tích của Khu dân cư Dầu Giây từ 98ha lên thành 148 ha với quy mô dân số hơn 17.000 người.
Cũng liên quan đến dự án này, nhiều khách hàng đã thanh toán đủ 95% giá trị hợp đồng nhưng sau nhiều năm vẫn chưa nhận được nền đất và sổ tại dự án Khu dân cư Dầu Giây của Công ty Phú Việt Tín làm chủ đầu tư.
Không những thế, việc dự án được rao bán khi chưa đủ điều kiện cũng từng vướng phải việc khiếu nại của người dân đến UBND tỉnh Đồng Nai để thanh, kiểm tra nhưng chưa được thực hiện thì Công ty Phú Việt Tín lại xảy ra việc Chủ tịch HĐQT của Công ty là ông Đặng Phước Dừa gửi đơn tố cáo nguyên Tổng Giám đốc của công ty là ông Nguyễn Thuận vì để xảy ra nhiều sai phạm liên quan đến quá trình mua bán đất nền với khách hàng tại KDC Dầu Giây.
Tháng 2/2020, Công an tỉnh Đồng Nai đã bắt ông Nguyễn Thuận để điều tra và sau đó mời hơn 1.000 khách hàng của Công ty Phú Việt Tín đến Cơ quan Điều tra xác minh quá trình mua bán.
Đến nay, UBND tỉnh Đồng Nai đã ra Quyết định số 2022 thay thế các Quyết định điều chỉnh trước đây của UBND huyện Thống Nhất, cho thấy việc xây dựng cơ sở hạ tầng của dự án KDC Giầu Dây rất nhiều chi tiết không đúng với quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 mà UBND tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt.
Nguồn tiền nào làm dự án KDC Dầu Giây?
Liên quan nguồn vốn đầu tư vào dự án KDC Dầu Giây, trong nhiều văn bản của cơ quan chức năng UBND TP.HCM cho thấy nội dung, ông Đặng Phước Dừa và người thân đã dùng tiền thế chấp khu đất xây dựng dự án Bệnh viện Ngọc Tâm (TP. Thủ Đức, TP.HCM) tại Ngân hàng Sacomban – Chi nhánh Bình Thịnh để đầu tư vào Công ty Phú Việt Tín.
Theo đó, năm 2006, UBND TP.HCM giao khu đất có diện tích 3,2 ha cho Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Đặng Trần của ông Đặng Phước Dừa để xây dựng bệnh viện. Khi giao đất, UBND TP.HCM đã ghi rõ đây là đất công trình công cộng, chỉ dùng để đầu tư xây dựng bệnh viện theo chính sách kêu gọi xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực y tế của Chính phủ. Khi đó, UBND TP.HCM đã vận dụng mọi sự hỗ trợ, ưu đãi tối đa cho nhà đầu tư, cho phép công ty chỉ phải thực hiện một phần nghĩa vụ tài chính đối với khu đất đã được giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng.
Sau khi được cấp sỏ đỏ vào tháng 8/2007, ông Dừa và những cá nhân liên quan trong gia đình ông đã thực hiện các hợp đồng góp vốn, sang nhượng qua lại với Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Việt Tín và Công ty cổ phần Bệnh viện Ngọc Tâm để 3 lần vay Ngân hàng Sacombank – Chi nhánh Bình Thạnh, tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất xây dựng dự án Bệnh viện Ngọc Tâm.
Tại biên bản họp HĐQT Công ty cổ phần Bệnh viện Ngọc Tâm giai đoạn giữa năm 2014 thông qua nội dung để ông Đặng Phước Dừa – Chủ tịch HĐQT làm đại diện Công ty vay vốn đầu tư tại Sacombank – Chi nhánh Bình Thạnh số tiền 150 tỉ đồng. Tài sản thế chấp là khu đất xây dựng dự án Bệnh viện Ngọc Tâm. Tuy nhiên, mục đích vay vốn lại là lấy tiền đầu tư dự án KDC Dầu Giây (huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai).
Đến nay, sau gần 13 năm triển khai, dự án Bệnh viện Ngọc Tâm vẫn chỉ là đám cỏ hoang vu nằm sát UBND TP.Thủ Đức. Thanh tra TP.HCM khẳng định, Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Đặng Trần, Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Việt Tín, Công ty cổ phần Bệnh viện Ngọc Tâm của ông Dừa xin giao đất để đầu tư xây dựng bệnh viện nhưng không có năng lực để thực hiện dự án, không triển khai thực hiện mà chỉ lấy khu đất công đi góp vốn, chuyển nhượng lòng vòng, thế chấp, cầm cố để lấy tiền phục vụ vào mục đích khác.
Đại gia Đặng Phước Dừa là ai?
Ông Đặng Phước Dừa - một doanh nhân từng gắn liền tên tuổi với DongA Bank, Eximbank, Sacombank và Công ty CP Xuất nhập khẩu Vật tư Kỹ thuật (Rexco).
Năm 2014, ông Dừa đảm nhận vai trò là thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank). Nhưng tại thời điểm ngân hàng này gặp khó khăn, ông Dừa rời DongA Bank về làm tại Eximbank (thời điểm Eximbank đang rất huy hoàng)
Tuy nhiên, sau khi ông Dừa gia nhập vào HĐQT được 6 tháng, Eximbank bất ngờ công bố lỗ khủng đến hơn 600 tỉ đồng trong quý 4/2014. Đến năm 2015, ông Dừa thôi làm ở Eximbank.
Phạm Thạch