Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng TP.HCM chỉ ra vấn đề của Sacombank tại dự án Bệnh viện Ngọc Tâm
Quy trình thẩm định, kiểm tra, giám sát của Sacombank – CN Bình Thạnh khi cho doanh nghiệp vay vốn với tài sản thế chấp là khu đất xây dựng Bệnh viện Ngọc Tâm có nhiều thiếu sót, chỉ nhằm “hợp thức hoá” Luật các Tổ chức Tín dụng.
Mập mờ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Năm 2007, UBND TP.HCM có quyết định giao khu đất rộng 2,9 ha tại KDC Thạnh Mỹ Lợi, TP.Thủ Đức cho Công ty CP Đầu tư Thương mại Đặng Trần do đại gia Đặng Phước Dừa làm chủ thực hiện dự án Bệnh viện Ngọc Tâm. Khi đó, cơ quan chức năng TP.HCM đã thực hiện các quy định khuyến khích dự án đầu tư xã hội hoá trong lĩnh vực y tế để Công ty CP Đầu tư Thương mại Đặng Trần chỉ đóng tiền giá trị đất bằng với giá tiền bồi thường giải phóng mặt bằng là 22,2 tỉ đồng. Còn lại tiền sử dụng đất được Hội đồng Thẩm định Bồi thường TP.HCM xác định là 9,2 tỉ đồng nhưng được miễn đóng, do căn cứ theo Điều 12 Nghị định 198 năm 2004 của Chính phủ.
Sở Tài chính TP.HCM xác định, số tiện 22,2 tỉ đồng mà Công ty CP Đầu tư Thương mại Đặng Trần đã nộp vào ngân sách là một phần nghĩa vụ tài chính công ty phải thực hiện khi được giao khu đất đã được giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng kỹ thuật để thực hiện dự án, không phải là tiền sử dụng đất.
Tuy nhiên, khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty CP Đầu tư Thương mại Đặng Trần, phòng Quản lý sử dụng đất (nay là Phòng Quản lý đất đai, Sở TN&MT TP.HCM) đã tham mưu để ông Trần Thế Ngọc – thời điểm đó là Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM ký cấp Giấy chứng nhận số AI 334094 ngày 10/8/2007 cho Công ty CP Đầu tư Thương mại Đặng Trần chỉ thể hiện “giao đất có thu tiền sử dụng đất” mà đúng ra phải là “giao đất có thu tiền sử dụng đất nhưng được miễn”. Điều này là không thực hiện đúng ý kiến của UBND TP.HCM.
Theo quy định tại Mục 2, Điều 173 Luật Đất đai quy định: “Tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất không có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê quyền sử dụng đất; Thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; Không được bồi thường về đất khi nhà nước thu hồi đất”. Nhưng ông Dừa đã nhiều lần mang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất AI 334094 đi thế chấp vay vốn tại Sacombank – CN Bình Thạnh và góp vốn kinh doanh với Công ty CP Bệnh viện Ngọc Tâm (cũng do ông Đặng Phước Dừa và người thân làm chủ).
Sacombank chỉ kiểm tra, giám sát vốn vay lấy lệ
Trong giai đoạn 2014 – 2016, ông Dừa và con ông với tư các là đại diện Công ty CP Bệnh viện Ngọc Tâm dùng chính sổ đỏ dự án Bệnh viện Ngọc Tâm đem thế chấp vay Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín – Chinh nhánh Bình Thạnh (Sacombank - CN Bình Thạnh) số tiền hàng trăm tỉ đồng để góp vốn đầu tư dự án, nhưng không phải là dự án Bệnh viện Ngọc Tâm mà là một dự án bất động sản khác ở Đồng Nai.
Cụ thể, tại biên bản họp HĐQT Công ty CP Bệnh viện Ngọc Tâm giai đoạn giữa năm 2014 thông qua nội dung để ông Đặng Phước Dừa – Chủ tịch HĐQT làm đại diện Công ty vay vốn đầu tư tại Sacombank – CN Bình Thạnh số tiền 150 tỉ đồng. Tài sản thế chấp là khu đất xây dựng dự án Bệnh viện Ngọc Tâm. Tuy nhiên, mục đích vay vốn lại là lấy tiền đầu tư dự án A1 – C1 – KĐT Dầu Giây (huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai).
Cũng trong năm 2014, khu đất xây dựng Bệnh viện Ngọc Tâm một lần nữa được lấy làm tài sản đảm bảo để vay thêm số tiền 55 tỉ đồng tại Sacombank – CN Bình Thạnh. Đến năm 2016, lãnh đạo Công ty CP Bệnh viện Ngọc Tâm tiếp tục lấy khi đất này để vay thêm số tiền 68 tỉ đồng tại Sacombank – CN Bình Thành. Tổng 3 lần vay, Sacombank – CN Bình Thạnh đã giải ngân số tiền 273 tỉ đồng.
Được biết, giai đoạn năm 2014, ông Đặng Phước Dừa cũng là lãnh đạo của Sacombank.
Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng TP.HCM đã chỉ ra, quá trình nhận thế chấp và cho vay của Sacombank – CN Bình Thạnh chưa căn cứ và tình hình hoạt động kinh doanh và tài chính của đơn vị góp vốn khi đánh giá, tính toán nguồn trả nợ và hoàn trả vốn góp cho cả 3 lần vay thế chấp dù dự án có hiệu quả hay không.
Sacombank – CN Bình Thạnh không thu thập báo cáo tài chính, thẩm định tình hình tài chính của bên vay mà chỉ căn cứ vào hợp đồng hợp tác kinh doanh hưởng lợi tức để xem xét và quyết định cho vay khi khách hàng không có khả năng tài chính đảm bảo trả nợ trong thời hạn cam kết là chưa đúng Khoản 3 Điều 7 Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc ban hành Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hành.
Thời điểm Sacombank – CN Bình Thạnh thẩm định cho Công ty CP Bệnh viện Ngọc Tâm vay vốn theo phương án “góp vốn đầu tư dự án” trong khi giấy phép đăng ký kinh doanh của Công ty CP Bệnh viện Ngọc Tâm không đăng ký hoạt động góp vốn đầu tư dự án.
Sacombank – CN Bình Thạnh thẩm định nguồn trả nợ căn cứ lợi tức và hoàn trả vốn góp được thoả thuận tại hợp đòng hợp tác, nhưng việc đánh giá chưa căn cứ vào tình hình hoạt động kinh doanh và tài chính của đơn vị góp vốn và chưa căn cứ vào hiệu quả hoạt động cụ thể của phương án hợp tác là chưa chặt chẽ, chưa đầu đủ theo Khoản 2 Điều 15 Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc ban hành Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hành.
Sacombank – CN Bình Thạnh có kiểm tra, giám sát vốn vay định kỳ đối với các khoản vay của Công ty CP Bệnh viện Ngọc Tâm nhưng việc kiểm tra chỉ nhằm hợp thức hoá công tác kiểm tra là chưa thực hiện đúng Khoản 4, Điều 94 Luật các Tổ chức Tín dụng 47/2010/QH12 ngày 16/6/2010.
Trước những vấn đề trên, Thanh tra TP.HCM đã kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo Giám đốc Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh TP.HCM kiến nghị Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng TP.HCM (Cục II) có biện pháp xử lý đối với các sai phạm của Sacombank – CN Bình Thạnh.
Quốc Dũng