Thứ bảy, 20/04/2024 02:24 (GMT+7)
Thứ sáu, 22/04/2022 06:00 (GMT+7)

Đồng bằng sông Cửu Long: Hướng tới giải pháp ứng phó với xâm nhập mặn

Theo dõi KTMT trên

Đồng bằng sông Cửu Long đang trong giai đoạn của mùa khô 2021-2022, xâm nhập mặn diễn ra sớm, vào sâu nội địa do nước thượng nguồn giảm.

Ranh mặn 1g/l thậm chí 4g/l đang xâm lấn thêm vào hàng chục km và các tỉnh trong khu vực. Điều này, không chỉ ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là hoạt động sản xuất nông nghiệp mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nguồn nước sinh hoạt của người dân.

Tình hình xâm nhập mặn diễn ra sớm

Đồng bằng sông Cửu Long: Hướng tới giải pháp ứng phó với xâm nhập mặn - Ảnh 1
Siêu dự án cống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé hoàn thành giúp 5 tỉnh: Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng sản xuất thuận lợi trước tác động của biến đổi khí hậu.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, xu thế xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long trong mùa khô năm 2022 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm.

Từ tháng 2/2022, tại các một số điểm thuộc các tỉnh, thành phố như: Cần Thơ, Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Hậu Giang, Ðồng Tháp, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre… ranh mặn 4g/l (không dùng tưới cho cây ăn quả) đã xâm nhập sâu 50-65 km vào vào nội đồng khu vực nói trên làm ảnh hưởng tới sản xuất và đời sống của người dân.

Cũng như nhiều địa phương khác ở Đồng bằng sông Cửu Long, từ đầu tháng 2 đến đầu tháng 3/2022, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân ở nhiều điểm của huyện Long Mỹ và thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, nơi có nồng độ mặn ở mức 6‰. Theo dự báo của ngành chức năng tỉnh Hậu Giang, toàn tỉnh có khoảng 50-60 nghìn ha lúa Đông Xuân năm 2021-2022, lúa Hè Thu năm 2022 và diện tích cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản ở huyện Long Mỹ và thành phố Vị Thanh có nguy cơ bị xâm nhập mặn và thiếu nước sinh hoạt cho người dân.

Tỉnh Bạc Liêu là tỉnh nằm ở cuối nguồn nước ngọt từ sông Mê Công, lại giáp với biển nên nguy cơ thiếu nước ngọt, xâm nhập mặn luôn ở mức cao.

Tại Cống âu thuyền Ninh Quới trên kênh xáng Quản Lộ – Phụng Hiệp (thuộc huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) từ đầu tháng 2/2022, việc đo độ mặn được thực hiện liên tục mỗi ngày. Độ mặn đo được có thời điểm lên đến hơn 9‰. Tuy nhiên, độ mặn này chỉ duy trì trong ngày 14/2, sau đó giảm dần xuống dưới 5 ‰, rồi hơn 2‰ ổn định trong những ngày gần đây. Cống Sáu Tàu, một trong những cống lấy nước ngọt cho vùng sản xuất lúa của tỉnh Bạc Liêu, cách Cống âu thuyền Ninh Quới khoảng 1 km, có thời điểm độ mặn cũng lên đến hơn 1‰.

Đài Khí tượng Thủy văn thành phố Cần Thơ cho hay, độ mặn đo được trên sông Hậu tại khu vực cảng Cái Cui (thuộc Phường Tân Phú, Quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ, giáp với tỉnh Hậu Giang) ngày 10/2/2022 lên đến 3,5‰, ngày 11/2/2022 là 3,2‰. Nước mặn tràn vào các kênh nội đồng ven sông Hậu ở quận Cái Răng.

Ông Nguyễn Văn Thanh, xã Thạch An, huyện Vĩnh Thạch, thành phố Cần Thơ cho hay, xâm nhập mặn có thời điểm diễn ra gay gắt, thêm vào đó là mục nước trên sông rạch xuống thấp gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp của người dân. Chúng tôi đã và đang phải nạo vét thủy lợi nội đồng nằm tích nước, khai thông dòng chảy để phục vụ việc bơm, tát nước phục vụ sản xuất.

Đồng bằng sông Cửu Long: Hướng tới giải pháp ứng phó với xâm nhập mặn - Ảnh 2
Cán bộ kỹ thuật Công ty THHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bến Tre kiểm tra độ mặn khu vực cống Trung Nhuận, huyện Giồng Trôm (Bến Tre). (Ảnh: Công Trí/TTXVN)

Trưởng phòng dự báo thủy văn Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Phùng Tiến Dũng cho biết, xu thế xâm nhập mặn từ ngày 21-30/4 ở Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục giảm dần. Độ mặn cao nhất tại các trạm ở mức thấp hơn độ mặn cao nhất tháng 4/2022 (1-3/4).

Đồng bằng sông Cửu Long: Hướng tới giải pháp ứng phó với xâm nhập mặn - Ảnh 3
Ông Phùng Tiến Dũng, Trưởng phòng Dự báo Thủy văn Trung bộ Tây Nguyên và Nam bộ, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia.

Tình hình xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long còn diễn biến phức tạp và phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Công. Triều cường còn nhiều biến động trong thời gian tới. Các địa phương ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần cập nhật kịp thời các thông tin dự báo khí tượng thủy văn và có các biện pháp chủ động phòng, chống xâm nhập mặn. Các địa phương cần tranh thủ tích trữ nước ngọt khi triều thấp phục vụ nông nghiệp và dân sinh.

Về nguyên nhân gây ra xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long, Tiến sĩ Tô Văn Trường, chuyên gia độc lập về tài nguyên nước và môi trường, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam cho biết, nguyên nhân chính gây ra xâm nhập mặn đối với Đồng bằng sông Cửu Long là vào các năm có thời tiết, khí hậu cực đoan, cường độ cực đoan càng mạnh, thời gian cực đoan càng kéo dài, không gian cực đoan càng mở rộng thì thiệt hại kinh tế – môi trường càng lớn.

Ngoài nguyên nhân chính, còn có các nguyên nhân phụ trợ khác tham gia tạo xâm nhập mặn tại khu vực trên như tác động của thượng nguồn, biến động môi trường, mức độ gia tăng của việc dùng nước trong sản xuất và đời sống,…

Giải pháp phòng, chống xâm nhập mặn cần chủ động

Tại Đồng bằng sông Cửu Long, trước tình hình xâm nhập mặn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long khẩn trương theo dõi chặt chẽ diễn biến, thông tin dự báo khí tượng thủy văn, tình hình xâm nhập mặn.

Ở các địa phương chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch phòng, chống thiếu nước, xâm nhập mặn cho mùa khô năm 2021-2022 với các kịch bản khả năng ảnh hưởng của thiếu nước, xâm nhập mặn phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, bao gồm cả các kịch bản ứng phó với xâm nhập mặn cực đoan như đã xảy ra các năm 2015-2016, 2019-2020.

Tại các tỉnh, thành phố khoanh vùng cụ thể các khu vực có khả năng bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn để chỉ đạo, triển khai giải pháp ứng phó phù hợp. Trường hợp xảy ra thiếu nước, xâm nhập mặn cần ưu tiên nguồn nước để cấp nước sinh hoạt cho người dân, chăn nuôi gia súc và tưới cho cây trồng có giá trị kinh tế cao; rà soát, khoanh vùng cây ăn trái có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn; tính toán, cân đối nguồn nước, tăng cường xây dựng các ao trữ nước phân tán, bảo đảm có đủ nguồn nước cung cấp cho nhu cầu tối thiểu, duy trì sức sống cho cây trồng.

Các đơn vị tăng cường thực hiện việc nạo vét kênh, rạch, đào ao, giếng, đắp đập tạm để trữ nước ngọt và ngăn mặn…; tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, nhất là các công trình giữ ngọt, kiểm soát mặn, hệ thống kênh mương, đường ống dẫn nước ở các vùng có nguy cơ cao xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Các địa phương tổ chức quan trắc, giám sát tình hình xâm nhập mặn tại các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng để kịp thời hướng dẫn người dân lấy nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt; tiếp tục tăng cường kết nối, mở rộng mạng lưới cấp nước từ đô thị sang khu vực nông thôn, bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân; sử dụng trang thiết bị phục vụ cấp và trữ nước hộ gia đình ở những khu vực bị hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, như bể, bồn, lu, túi đựng nước và các hình thức khác.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị các địa phương chủ động bố trí ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác để triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống thiếu nước, xâm nhập mặn…

Các địa phương thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống thiếu nước, xâm nhập mặn, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh mùa khô năm 2021-2022.

Theo dự báo từ Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dòng chảy trên thượng nguồn sông Mê Công tại trạm Kratie (Campuchia) và tại Tân Châu (Châu Đốc, An Giang) trong tháng 2 và tháng 3/2022, ranh mặn 4g/l có khả năng xâm nhập sâu 50-65 km.

Từ tháng 4/2022, mặn xâm nhập có xu thế giảm dần. Việc sản xuất ở khu vực mặn lẫn ngọt tại vùng ven biển các tỉnh: Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang có thể bị ảnh hưởng. Mặn bất thường, hạn hán gây thiếu nước có thể xảy ra ở các vùng chưa được kiểm soát mặn triệt để. Để đề phòng những rủi ro do hạn, mặn gây ra, cùng với các giải pháp đã và đang mang lại hiệu quả, các địa phương cần có kế hoạch chủ động sản xuất, bố trí mùa vụ, vận hành hệ thống công trình hợp lý.

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết Đồng bằng sông Cửu Long: Hướng tới giải pháp ứng phó với xâm nhập mặn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sắp đón mưa lớn
Theo Dự báo của Trung tâm khí tượng thuỷ văn quốc gia, đêm nay (17/4) Hà Nội sẽ đón mưa rào rải rác và có nơi có dông.

Tin mới