Thứ tư, 04/12/2024 02:53 (GMT+7)
Thứ tư, 25/01/2023 16:00 (GMT+7)

Đồng bằng sông Cửu Long hướng đến mục tiêu phát triển bền vững

Theo dõi KTMT trên

Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực có nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo...

Tuy nhiên, hiện nay khu vực đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức do biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và vấn đề nước ngọt. Trước những vấn đề cấp bách đang diễn ra, Đảng và Nhà nước đã đưa ra nhiều chủ trương, chính sách nhằm giúp Đồng bằng sông Cửu Long ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Đồng bằng sông Cửu Long hướng đến mục tiêu phát triển bền vững - Ảnh 1
Các dòng sông tại Đồng bằng sông Cửu Long đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu và hoạt động của con người

Phát huy hiệu quả các tiềm năng tự nhiên

Đồng bằng sông Cửu Long với diện tích tự nhiên 4.092,2 nghìn ha. Trong đó 2.575,2 nghìn ha đất dùng cho sản xuất nông nghiệp, chiếm 62,9% tổng diện tích đất tự nhiên của cả vùng. Phần lớn diện tích đồng bằng được bồi đắp phù sa hằng năm, rất màu mỡ, nhất là dải đất phù sa ngọt dọc sông Tiền và sông Hậu. Đồng bằng sông Cửu Long cũng có mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, tạo điều kiện thuận lợi cung cấp nước cho sản xuất lúa.

Với những lợi thế sẵn có về tự nhiên, Đồng bằng sông Cửu Long đã phát huy lợi thế trở thành vựa lúa số một cả nước khi đóng góp hơn 90% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam, góp phần khẳng định vai trò, vị thế xuất khẩu gạo tốp đầu thế giới của Việt Nam; phát triển được giống gạo ngon được thế giới công nhận; đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; tạo công ăn việc làm cho 65% dân cư nông thôn của vùng.

Bên cạnh việc phát triển lúa gạo, Đồng bằng sông Cửu Long cũng chiếm 70% lượng thủy sản nuôi trồng, 36,5% lượng trái cây của cả nước. Bên cạnh đó, Đồng bằng sông Cửu Long cũng có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, logictics và năng lượng tái tạo.

Đồng bằng sông Cửu Long hướng đến mục tiêu phát triển bền vững - Ảnh 2
 Hệ thống cống ngăn mặn đang phát huy hiệu quả, giúp người dân yên tâm phát triển nông nghiệp

Để phát huy những tiềm năng sẵn có của địa phương, các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã đưa nhiều kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nhằm phát huy được những tiềm năng sẵn có nhất là trong tình hình biến đổi khí hậu đang tác động xấu đến vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Bến Tre đã xác định rõ trong nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm về phát triển lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn mới của tỉnh là rà soát, điều chỉnh vùng nuôi, hình thức và đối tượng nuôi thủy sản phù hợp với định hướng thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn nuôi thủy sản với chế biến và xuất khẩu. Phát triển toàn diện kinh tế biển gắn với bảo vệ vùng biển, tài nguyên biển; xây dựng và triển khai Đề án thành lập khu kinh tế ven biển. Phấn đấu đến năm 2025, diện tích nuôi tôm biển đạt 41,5 ngàn ha, trong đó nuôi tôm biển ứng dụng công nghệ cao đạt 4 ngàn ha, sản lượng 114 ngàn tấn/năm.

Tại tỉnh Trà Vinh, để đối phó với biến đổi khí hậu và phát huy lợi thế các khu vực ven biển, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình phát triển kinh tế biển Trà Vinh giai đoạn 2021 - 2025, và định hưởng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, tập trung phát huy vùng nước mặn của huyện Duyên Hải, Cầu Ngang, Trà Cú, Châu Thành và thị xã Duyên Hải. Đây là vùng nuôi thủy sản có tiềm năng phát triển mạnh, nhất là nuôi tôm thâm canh mật độ cao gắn với chế biến thủy sản, với khoảng 37.500ha đất nuôi thủy sản, sản lượng hàng năm khoảng 127.000 tấn; trong đó sản lượng nuôi nước mặn, nước lợ chiếm khoảng 95%.

Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh Trà Vinh xác định, từ nay đến năm 2025, đẩy mạnh và tập trung rà soát lại diện tích nuôi cả trong đất liền và vùng bãi bồi ven biển. Phát triển nuôi trồng thủy sản ven biển theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu; lựa chọn các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, có khả năng cạnh tranh trên thị trường, trong đó tập trung vào các đối tượng nuôi thủy sản có tiềm năng thể mạnh, khả năng cạnh tranh của tỉnh. Nghiên cứu nâng cao chất lượng tôm giống; củng cố, sắp xếp, khôi phục lại các hợp tác xã nuôi nghêu hoạt động theo Luật Hợp tác xã.

Theo thông tin từ Sở Khoa học – Công nghệ tỉnh Sóc Trăng, nhằm phát triển thủy sản thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, sản xuất hàng hóa lớn gắn với công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phát triển bền vững và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; Để phát huy những tiềm năng sẵn có, ngày 10/9/2021, UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Kế hoạch số 140/KH-UBND về Thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

Tỉnh Sóc Trăng xác định mục tiêu đến năm 2030 là triển khai nghiêm túc, có chất lượng nhằm nâng cao công tác quản lý, điều hành và thực hiện có hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, định hướng, giải pháp Chiến lược đề ra. Phát triển thủy sản thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, sản xuất hàng hóa lớn gắn với công nghiệp hóa – hiện đại hóa, phát triển bền vững và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; xác lập cơ cấu và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, đảm bảo năng xuất, chất lượng và hiệu quả cao; xây dựng thương hiệu uy tín, khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế...

Đồng bằng sông Cửu Long hướng đến mục tiêu phát triển bền vững - Ảnh 3
Hạ tầng giao thông đang được Chính phù quan tâm đầu tư tại Đồng bằng sông Cửu Long

Thông tin về định hướng phát triển tỉnh Kiên Giang, đại diện UBND tỉnh Kiên Giang cho hay, từ nay đến năm 2030, tỉnh phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, phù hợp với điều kiện từng vùng sinh thái và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và nước biển dâng, nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng và giá trị sản phẩm. Hiệu quả kinh tế của ngành hàng này dựa trên việc tổ chức sản xuất phù hợp, đầu tư đồng bộ và áp dụng khoa học công nghệ tiến tiến vào toàn bộ chuỗi giá trị sản phẩm, đưa nuôi trồng thủy sản trở thành lĩnh vực có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng của ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trong khi đó, đại diện UBND TP. Cần Thơ cho biết, đơn vị đã có Tờ trình số 21-TTr/BCSÐ ngày 1/6/2022 về nhiệm vụ Quy hoạch tổng thể Ðồ án điều chỉnh quy hoạch chung của TP. Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu quan trọng nhất trong việc lập điều chỉnh quy hoạch là phấn đấu đến năm 2030, Cần Thơ sẽ trở thành thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng Ðồng bằng sông Cửu Long, là khu vực trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến hiện đại, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao; là đô thị hạt nhân vùng Đồng bằng sông Cửu Long; đời sống vật chất và tinh thần của người dân đạt mức cao.

Về tầm nhìn xa đến năm 2050, Cần Thơ mong muốn sẽ có bước đột phá hơn, trở thành thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc sông nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long và thuộc nhóm các thành phố phát triển Châu Á…

Khắc phục khó khăn do biến đổi khí hậu

Mặc dù có rất nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp, năng lượng sạch nhưng thực tế, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do tình hình biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng tình hình sản xuất của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung.

Trước những nguy cơ của biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới vùng Đồng bằng sông Cửu Long, từ 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120/NĐ-CP về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu; Quyết định số 33/QĐ-TTg ngày 07/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chiến lược thủy lợi Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tiếp đó, ngày 22/01/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-TTg về việc triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. 

Đồng bằng sông Cửu Long hướng đến mục tiêu phát triển bền vững - Ảnh 4
Nhiều chính sách thúc đẩy kinh tế của Đảng và Chính phủ đang giúp ĐBSCL phát triển kinh tế mạnh mẽ

Chính phủ và các bộ ngành cho rằng, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cần triển khai các biện pháp cần thiết để có thể lấy nước chủ động, không phụ thuộc vào việc xả nước của hồ thủy điện (nạo vét cửa lấy nước các trạm bơm, cống, kênh mương, lắp đặt và vận hành trạm bơm dã chiến,...); chủ động tích trữ nước trong các hồ, ao, vùng trũng thấp, kênh rạch,... để sử dụng trong thời kỳ cao điểm hạn hán, xâm nhập mặn; đào ao, giếng, đắp đập tạm để trữ nước ngọt và ngăn mặn; đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đưa vào khai thác các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, nhất là ở các vùng có nguy cơ cao xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn (thực hiện xuống giống đồng loạt, tập trung theo từng vùng, từng cánh đồng, trong khung thời vụ, sử dụng các giống lúa chống chịu được mặn, hạn, phèn,... theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Trước những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, đến nay các giải pháp đã phát huy hiệu quả. Nhiều công trình thủy lợi, hệ thống đê biển, đê sông để ứng phó với mực nước biển dâng cao đã được xây dựng và đưa vào vận hành như Dự án Cống Âu Thuyền Ninh Quới; 3 cống Vũng Liêm, Bông Bót, Tân Dinh thuộc Tiểu dự án Kiểm soát nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Nam Mang Thít, dự án ICRSL); Dự án Hệ thống thủy lợi Trạm bơm Xuân Hòa; Dự án Nạo vét Kênh Mây Phốp ngã hậu; 18 cống dự án Hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre giai đoạn 1, Dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé, Cống ngăn mặn Kênh Năm, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, Cống Âu thuyền Ninh Quới,… Ngoài ra, trên địa bàn 12 tỉnh thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long còn có hàng trăm hệ thống cống, công trình chống hạn, ngăn mặn khác.

Đồng bằng sông Cửu Long hướng đến mục tiêu phát triển bền vững - Ảnh 5
Xâm nhập mặn là bài toán nan giải với vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Với việc hoàn thành và đưa vào vận hành giai đoạn 1- Dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé mang lại hiệu quả trực tiếp, điều tiết nước (kiểm soát mặn, lợ, ngọt), tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững cho vùng hưởng lợi với diện tích tự nhiên hơn 384.000ha thuộc địa bàn 5 tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng (trong đó phần đất sản xuất nông nghiệp, thủy sản là gần 347ha). Ngoài ra, Dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé còn kết hợp với tuyến đê biển Tây tạo thành cụm công trình phòng, chống thiên tai, nước biển dâng do bão, giảm ngập lụt, úng do lún, sụt đất; giảm thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn vào mùa khô, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội trong vùng.

Ngoài việc xây dựng các công trình ngăn mặn, chứa ngọt để phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn thì hàng năm các tỉnh thành tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn tăng cường thực hiện việc nạo vét kênh, rạch, đào ao, giếng, đắp đập tạm để trữ nước ngọt và ngăn mặn, lắp đặt và vận hành trạm bơm dã chiến, quy hoạch trữ nước trong các ao, kênh, rạch; Xây dựng kịch bản ứng phó với xâm nhập mặn cực đoan, khoanh vùng cụ thể các khu vực có khả năng bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn để chỉ đạo, triển khai giải pháp ứng phó phù hợp; Nỗ lực tìm cách sống chung bằng cách “thuận thiên” để thích ứng như thực hiện chuyển đổi cơ cấu mùa vụ cây trồng, vật nuôi và tạo ra được những mô hình thành công (trồng lúa - nuôi tôm, trồng lúa - nuôi cá, trồng lúa chịu mặn, áp dụng mô hình “cánh đồng lớn”, kết hợp nuôi, trồng xen canh, khắc phục nguy cơ “trắng tay”, sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao, thời gian sinh trưởng ngắn, nhóm giống chịu mặn, phèn …). 

Nhiều thành tựu vượt bậc

Không chỉ là vựa lúa đảm bảo an ninh lương thực của cả nước, vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn có vị trí đặc biệt quan trọng về chính trị, quân sự nên Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để phát triển vùng trong những năm qua, đặc biệt là Nghị quyết số 21-NQ-TW ngày 20/1/2003 của Bộ Chính trị khóa IX về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế- xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh  vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2001-2010; Kết luận số 28-KL/TW ngày 14/8/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2011-2020.

Thời gian qua, nhằm tạo bước đột phá, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của toàn vùng, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 13/NQ-TW, khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bên canh đó, để đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách phát triển vùng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế chung của cả nước như: Quyết định số 939/QĐ-TTg ngày 19/7/2012 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020; Quyết định số 492/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 phê duyệt đề án thành lập vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Quyết định 26/2008/QĐ-TTg ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội đối với các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2010. Và gần đây là Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long…

Đồng bằng sông Cửu Long hướng đến mục tiêu phát triển bền vững - Ảnh 6
Vấn đề biến đổi khí hậu đang được nhiều địa phương tại Đồng bằng sông Cửu Long

Sau 4 năm triển khai Nghị quyết 120/NQ-CP, về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, Đồng bằng sông Cửu Long đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Nghị quyết 120/NQ-CP ra đời là quyết sách sống còn, đã xác định tầm nhìn dài hạn, yêu cầu thay đổi tư duy, kiến tạo phát triển bền vững, thịnh vượng, chuyển hóa những thách thức thành cơ hội để phát triển vùng, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, bảo đảm cuộc sống khá giả của người dân Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo GS - TS. Mai Trọng Nhuận, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu phân tích cho biết, nước biển dâng cũng như việc sử dụng nước thượng nguồn sẽ khiến hệ sinh thái mặn lợ ngày càng tăng, còn hệ sinh thái nước ngọt từ phía tây xuống ngày càng giảm. Đó là quy luật mà xưa nay chúng ta chưa tính đến đầy đủ để thiết kế, xây dựng chủ trương, chính sách, quy hoạch cho phù hợp. Đó cũng là quy luật mà chúng ta có thể nhìn thấy trước, bởi biến đổi khí hậu chưa dừng lại được vì cho đến khi giảm phát thải xuống bằng 0 thì đến năm 2050, biến đổi khí hậu mới bắt đầu mới giảm tác động. Vì vậy, chúng ta cần chủ động thích ứng, ứng phó mới đạt hiệu quả, góp phần làm giảm tổn thất, chi phí.

“Sự ra đời Nghị quyết 120/NQ-CP là minh chứng cụ thể cho việc chuyển từ thế bị động sang chủ động để dễ thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ động ứng phó với những biến động bất lợi từ bên ngoài, trong đó có cả dịch bệnh. Sự chủ động được thể hiện thông qua nhận thức, tư duy, đặc biệt là thông qua quy hoạch, kế hoạch và chiến lược để thích ứng”, GS - TS. Mai Trọng Nhuận nhận định.

Mới đây nhất, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định 287/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Quy hoạch nêu rõ sẽ tập trung phát triển hệ thống kết cấu giao thông vận tải đa phương thức kết nối liên vùng và quốc tế, trong đó chú trọng phát huy thế mạnh của vùng về giao thông thủy nội địa.

Đến năm 2030, đầu tư xây dựng mới và nâng cấp khoảng 830km đường bộ cao tốc; khoảng 4.000 km đường quốc lộ; 04 cảng hàng không; 13 cảng biển, 11 cụm cảng hành khách và 13 cụm cảng hàng hóa đường thủy nội địa.Đồng thời, đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch đồng bộ, kết nối giữa các khu và điểm du lịch trong vùng, liên vùng và quốc tế trong đó chú trọng phát triển hệ thống cảng du lịch trên sông Tiền, sông Hậu và cảng du lịch tàu biển tại các tỉnh ven biển.

Giai đoạn 2021-2030, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Chính phủ ưu tiên đầu tư các dự án trong vùng đồng bằng sông Cửu Long nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng và nâng tỷ trọng vốn đầu tư theo dân số từ 71,55% lên 129,21% so với bình quân chung cả nước.

Hiện nhóm dự án được Bộ Giao thông Vân tải quan tâm đặc biệt tại Đồng bằng sông Cửu Long là Cao tốc TP Hồ Chí Minh - Cà Mau; Cao tốc An Hữu – TP Cao Lãnh - Cầu Vàm Cống - Rạch Giá; Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - cảng Trần Đề (Sóc Trăng)...Về hàng hải, Bộ đã bố trí 937 tỷ đồng năm 2022 để thực hiện Giai đoạn 2 dự án Luồng cho tàu trọng tải lớn vào sông Hậu nhằm phát huy hiệu quả đồng bộ toàn dự án.

Theo thông tin từ Bộ Giao thông Vận tải, giai đoạn 2021-2025, Trung ương giải ngân khoảng 100.000 tỷ đồng cho đồng bằng sông Cửu Long thực hiện nhiều dự án giao thông quan trọng. Trong đó có dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận 2, công trình cầu Rạch Miễu 2, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông (dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau)… Cùng với tuyến cao tốc từ TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ, đến năm 2025, đồng bằng sông Cửu Long phấn đấu sẽ có khoảng 500 km đường cao tốc.

Với việc hàng loạt chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước được ban hành và đưa vào thực tiễn, Đồng bằng sông Cửu Long đã có sự thay đổi rõ rệt, đời sống người dân nông thôn được nâng cao, điều kiện sinh hoạt được cải thiện đáng kể. Các tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng trở thành điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư trong và ngoài nước với hàng loạt dự án lớn tạo đà phát triển cho kinh tế vùng.

Tại Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-TW của Bộ Chính trị về Phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu các cơ quan Trung ương xây dựng và tổ chức thật tốt quy hoạch phát triển vùng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo hướng xanh, bền vững và toàn diện; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, bảo đảm tích hợp, đa ngành; gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với phát triển công nghiệp và dịch vụ; giữa phát triển đô thị với xây dựng nông thôn mới; giữa phát triển kinh tế với quản lý tài nguyên, bảo vệ  môi trường; ứng phó với thiên tai và thích nghi với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn. Quy hoạch vùng đảm bảo hình thành được chuỗi giá trị ngành, sản phẩm vùng.

Thư

Bạn đang đọc bài viết Đồng bằng sông Cửu Long hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới