Thứ bảy, 27/04/2024 02:17 (GMT+7)
Thứ sáu, 13/12/2019 10:16 (GMT+7)

Doanh nghiệp miền Trung tồn đọng nợ thuế 'khủng'

Theo dõi KTMT trên

Trong những năm qua, một số doanh nghiệp tại miền Trung nợ thuế, chây ỳ nhiều năm gây tồn đọng số nợ thuế khủng lên đến hàng trăm tỉ đồng, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách của các địa phương.

Tổng Giám đốc Bavico Đinh Tiến Sử bị bắt ở Huế khi đang trốn nã
Quảng Bình: Tặng bò cho người gần 100 tuổi nuôi để… thoát nghèo?

Hàng hoạt doanh nghiệp nợ thuế "khủng"

Cục thuế tỉnh Quảng Bình cho biết, tính đến hết quý 3 năm 2019, trên toàn tỉnh Quảng Bình đã có 79 doanh nghiệp nợ thuế với số tiền hàng trăm tỉ đồng. Trong đó, nhiều công ty nợ hàng chục tỉ đồng và thời gian nợ đọng dài kỷ lục, khiến nguồn thu ngân sách của địa phương bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Điển hình như Công ty cổ phần Khai thác sản xuất bột đá chất lượng Cao Linh Thành (Tầng 6, Số 5 Quang Trung, Phường Hải Đình, Thành phố Đồng Hới) nợ 65 tỉ đồng; Công ty cổ phần Sản xuất vật liệu và Xây dựng Cosevco (334, đường Quang Trung, thị xã Ba Đồn) nợ 56,6 tỉ đồng; Công ty THNH một thành viên Công nghiệp tàu thủy Quảng Bình (tiểu khu 5, thị trấn Quán Hàu, Huyện Quảng Ninh) nợ 26,3 tỉ đồng; Công ty TNHH Việt Hà (thôn Tân Lý, xã Hải Trạch, huyện Bố Trạch) nợ 12,5 tỉ đồng; Công ty Cổ phần Khoáng sản Hoàng Long (thôn Đồng Dương, xã Bảo Ninh, TP.Đồng Hới) nợ 10,3 tỉ đồng…

Đặc biệt, từ đầu năm 2017, Cục thuế tỉnh Quảng Bình đã công bố danh sách các đơn vị nợ thuế kéo dài lên các phương tiện thông tin đại chúng để tăng tính răn đe.

Doanh nghiệp miền Trung tồn đọng nợ thuế 'khủng' - Ảnh 1

Danh sách các doanh nghiệp tại tỉnh Quảng Bình chây ỳ, nợ thuế "khủng".

Không chỉ có vậy, tại thành phố lớn như Đà Nẵng, hiện có 62 doanh nghiệp nợ thuế quá hạn, tính đến tháng 10/2019, số tiền nợ thuế của các doanh nghiệp đã lên đến 77,4 tỉ đồng.

Trong đó, 62/62 doanh nghiệp là nợ quá hạn cưỡng chế và 47/62 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh có địa chỉ tại Đà Nẵng. Có 49 doanh nghiệp phát sinh nợ tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Đà Nẵng, 6 doanh nghiệp tại Chi cục Hải quan Quản lý hàng đầu tư – gia công, 5 doanh nghiệp tại Chi cục Kiểm tra sau thông quan và 2 doanh nghiệp tại Chi cục Hải quan KCN Hòa Khánh – Liên Chiểu.

Đặc biệt, có 32/62 doanh nghiệp nợ thuế hơn 1 tỉ đồng. Trong đó, nợ nhiều nhất là 1 doanh nghiệp có địa chỉ đăng ký kinh doanh tại TP. Hồ Chí Minh với số nợ thuế hơn 7 tỉ đồng và 1 doanh nghiệp địa chỉ tại Đà Nẵng nợ thuế hơn 6,3 tỉ đồng.

Xử lý thế nào?

Theo quy định của pháp luật, với hành vi chây ỳ, chậm nộp tiền thuế của các doanh nghiệp sẽ bị xử lý hành chính, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về thuế. Trước đây theo quy định tại Luật quản lý thuế 2006, tiền chậm nộp thuế là khoản tiền mang tính chất tiền phạt, hành vi chậm nộp thuế của các doanh nghiệp sẽ bị xử phạt hành chính.

Theo Luật quản lý thuế 2006, về xử phạt đối với hành vi chậm nộp tiền thuế quy định: “Người nộp thuế có hành vi chậm nộp tiền thuế so với thời hạn quy định, thời hạn gia hạn nộp thuế, thời hạn ghi trong thông báo của cơ quan quản lý thuế, thời hạn trong quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế thì phải nộp đủ tiền thuế và bị xử phạt 0,05% mỗi ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp”. Tuy nhiên, từ ngày 01/07/2013, là thời điểm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế (hay còn được gọi là Luật Quản lý thuế sửa đổi năm 2012) có hiệu lực, tiền chậm nộp tiền thuế không còn là khoản tiền phạt mà chỉ yêu cầu doanh nghiệp (người nộp thuế) nộp tiền chậm nộp.

Trao đổi với PV Kinh tế Môi trường, ông Nguyễn Văn Tứ - Phòng doanh nghiệp Công ty luật Công Khánh (TP.Huế) cho biết, việc xử lý hành vi chậm nộp thuế sẽ theo trình tự xử lý nợ thuế của Tổng Cục thuế. Trước tiên để Doanh nghiệp (người nộp thuế) phải tự nguyện nộp đúng hạn thông báo về thời hạn nộp thuế nếu hết hạn mà người nộp thuế vẫn cố tình chây ỳ, chậm nộp thì cơ quan quản lý thuế phải cưỡng chế buộc các doanh nghiệp phải đóng thuế.

Sau khi hết thời hạn nộp thuế theo quyết định hành chính về thuế mà doanh nghiệp vẫn cố tình chây ỳ, chậm nộp thuế thì doanh nghiệp sẽ bị cưỡng chế bằng các biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật để buộc các doanh nghiệp phải thi hành quyết định hành chính của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, theo quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính quy định tại Điều 2, Thông tư 215/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013.

“Ngoài ra, doanh nghiệp chậm nộp thuế theo đúng thời hạn còn bị công khai thông tin vi phạm pháp luật về thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, thương hiệu của doanh nghiệp. Trong quá trình xử phạt vi phạm hành chính về thuế, doanh nghiệp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu người có thẩm quyền xử phạt hành chính xét thấy doanh nghiệp vi phạm pháp luật về thuế có dấu hiệu tội phạm và chuyển hồ sơ cho cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết”- ông Nguyễn Văn tứ nói.

Như vậy, doanh nghiệp cố tình chậm nộp thuế, chây ỳ trong việc nộp thuế tùy vào mức độ hành vi có thể bị xử phạt hành chính, bị áp dụng các biện pháp bảo đảm cưỡng chế thi hành quyết định hành chính hoặc bị xử lý hình sự nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Trường Sơn - Đại Nghĩa

Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp miền Trung tồn đọng nợ thuế 'khủng'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới