Doanh nghiệp kiến nghị gỡ khó cho thị trường kinh doanh xăng dầu
Hàng loạt doanh nghiệp xăng dầu kiến nghị cơ quan chức năng khi sửa đổi nghị định cần tháo gỡ nút thắt, để thị trường xăng dầu tránh nguy cơ rơi vào ngõ cụt.
Đồng loạt kêu lỗ
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu .
Bộ Công Thương vừa trình Chính phủ dự thảo 2 về việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2021 và Nghị định số 83/2014 về kinh doanh xăng dầu.
Tại Hội thảo, hàng loạt doanh nghiệp xăng dầu (từ doanh nghiệp nhập khẩu, đầu mối đến bán lẻ) đều “than” thua lỗ vì Nghị định 95 và Nghị định 83 về quản lý xăng dầu bó chặt trong kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp kiến nghị cơ quan chức năng khi sửa đổi nghị định cần tháo gỡ nút thắt, để thị trường xăng dầu tránh nguy cơ rơi vào ngõ cụt.
Cụ thể, đại diện doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, ông Hà Thanh Tùng, Công ty TNHH Thương mại Vận tải Xăng dầu Hà Giang cho biết, có giai đoạn, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu thua lỗ tới 900 tỷ đồng/tháng.
Tính từ tháng 3/2022 đến nay ước số lỗ có thể lên đến 3.000 đến 4.000 tỷ đồng. Trong khi đó, cả nước có 9.000 doanh nghiệp bán lẻ, với tổng vốn đầu tư lên tới 90 nghìn tỷ đồng, cao gấp 1,5 lần tổng tài sản của doanh nghiệp lớn nhất ngành xăng dầu. Cửa hàng bán lẻ sử dụng tới 27.000 lao động.
Đề xuất lợi nhuận định mức bán lẻ từ 2-2,5% giá bán lẻ
Ông Hà Thanh Tùng, Công ty TNHH Thương mại xăng dầu Hà Giang (Hà Giang), đề nghị đơn vị soạn thảo công nhận sự tồn tại của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, giúp doanh nghiệp bán lẻ có các quyền và nghĩa vụ bình đẳng như các thương nhân phân phối để đảm bảo sự công bằng.
Về chiết khấu, theo ông Tùng, do kinh doanh xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện nên lời hay lỗ vẫn phải bán hàng nếu ngừng bán phải có lý do chính đáng, nếu không sẽ bị phạt. Thời gian qua dù chịu mức chiết khấu bằng 0, thậm chí là chiết khấu âm nhưng doanh nghiệp bán lẻ vẫn phải duy trì kinh doanh.
"Do đó, doanh nghiệp bán lẻ bị kẹt, mọi sự cạnh tranh bị triệt tiêu. Trong khi đó, doanh nghiệp phân phối vừa nhập hàng để bán buôn, vừa có các cửa hàng bán lẻ để cạnh tranh với doanh nghiệp bán lẻ, qua đó được hưởng nhiều lợi ích như: Lợi nhuận định mức, chi phí kinh doanh định mức, chủ động được nguồn hàng, không bị xử phạt khi dừng bán hàng…", ông Tùng nhấn mạnh.
Kiến nghị với ban soạn thảo, ông Hà Thanh Tùng cho rằng cần ghi nhận lợi nhuận định mức, chi phí kinh doanh định mức ở khâu bán lẻ một cách hợp lý để đảm bảo không có phân biệt đối xử. Cụ thể, chi phí kinh doanh định mức ở khâu bán lẻ được từ 3-3,5% nhân với giá bán lẻ. Điều này tạo ra sự hài hòa lợi ích. Ngoài ra, ông Tùng đề xuất lợi nhuận định mức cho doanh nghiệp bán lẻ từ 2-2,5% giá bán lẻ.
Ông Lê Văn Báu, Giám đốc Công ty Dương Anh Thư (TP.HCM) cho rằng, thị trường chỉ bình ổn, khi nó được tự vận hành và từ đó để các doanh nghiệp có lãi. Doanh nghiệp bị lỗ kéo dài, không tồn tại được thì đương nhiên thị trường sẽ đứt nguồn cung.
“Điều quan trọng là phải quy định cụ thể chiết khấu cho các khâu, nếu không sẽ có tình trạng các đầu mối bắt tay với nhau đẩy chi phí, kèm theo đó là tình trạng chiết khấu luôn dưới điểm hòa vốn. Khi đó bất ổn thị trường sẽ lại xảy ra”, ông Báu nói.
Cùng quan điểm, ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc kiến nghị cần xác lập vị thế của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cao hơn. Bởi cộng đồng bán lẻ tư nhân đang chiếm thị phần lớn chuỗi cung ứng, nhất là phủ khắp cho vùng sâu, vùng xa mà doanh nghiệp nhà nước không thể kham nổi hết.
Góp ý tại Hội thảo, ông Giang Chấn Tây mong muốn việc có quy định rõ ràng về mức chiết khấu tối thiểu. "Cần xem chiết khấu như là phí xăng dầu, coi đây là công cụ để giúp doanh nghiệp bán lẻ hoạt động trong mọi tình huống biến động của giá xăng dầu trên thị trường thế giới", ông Tây bày tỏ quan điểm.
Giá xăng dầu cần được tính bình quân trong 20 ngày
Dưới góc độ là thương nhân đầu mối, ông Nguyễn Trọng Nam, Ban Chính sách kinh doanh, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Petrolimex cho rằng, kinh doanh xăng dầu là ngành nghề nhiều thành phần kinh tế tham gia, trong đó thương nhân đầu mối phải có trách nhiệm dự trữ tồn kho trong 20 ngày.
Tuy nhiên, hiện nay trong công thức giá chỉ tính 10 ngày, là biên độ giá quá ngắn nên nếu giá xuống thì lỗ tồn kho rất lớn. Đây chính là lý do khiến thương nhân đầu mối không đủ nguồn lực để chia sẻ lại thù lao chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ.
“Do đó, tại dự thảo sửa đổi Nghị định kinh doanh xăng dầu, việc thay đổi thời gian điều hành không quan trọng bằng việc phải bao quát được tình trạng giá lỗ do tồn kho”, ông Nam đề xuất, tức là tính giá trong 20 ngày.
Theo ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam (VINPA), hiệp hội đã có ý kiến với ban soạn thảo để góp ý cho việc sửa đổi các nghị định về kinh doanh xăng dầu.
Trong đó, VINPA cho rằng ít nhất phải sửa đổi 10 điều tại Nghị định 95. Cụ thể, hiện doanh nghiệp phải bảo đảm dự trữ lưu thông trong 20 ngày. Do đó, để đủ chi phí cho doanh nghiệp, không quan trọng việc điều hành giá xăng dầu trong 5 hay 7 ngày mà là giá xăng dầu phải tính bình quân trong 20 ngày tồn kho của doanh nghiệp đầu mối, theo đúng quy định lưu thông bắt buộc. Nếu không tính đủ trong 20 ngày, doanh nghiệp lỗ thì sẽ không còn tiền để chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ.
Cũng theo Chủ tịch VINPA, có đề xuất rút ngắn thời gian điều hành giá xuống còn 7 ngày nhằm tiệm cận giá thế giới nhưng chúng ta lại đang hành xử không theo mục tiêu đưa ra. Điển hình như khi giá lên cao thì dùng Quỹ bình ổn giá để bình ổn khiến thị trường và giá càng méo mó hơn.
“Giờ đề xuất rút thời gian điều chỉnh giá xuống còn 7 ngày/lần, khi giá dầu thế giới ở chu kỳ đó tăng 20-30% thì chúng ta có điều chỉnh tăng giá lên 30% hay không? Câu trả lời chắc chắn là không. Vậy phải tìm ra cái gốc để giải quyết vấn đề”, ông Bảo nói.
Lan Anh