Thứ sáu, 03/05/2024 18:31 (GMT+7)
    Thứ hai, 28/02/2022 16:00 (GMT+7)

    Doanh nghiệp bất động sản cũng cần có chiến lược trong bối cảnh bình thường mới

    Theo dõi KTMT trên

    Mới đây những phân tích khá sắc nét của Vietnamreport đưa ra về “nguy” và “cơ”, điểm mạnh và yếu của thị trường cũng như của các doanh nghiệp bất động sản hiện nay.

    Việc sống chung với dịch bệnh không còn là điều xa lạ, các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) cũng cần có chiến lược mới để thích ứng dài hạn trong bối cảnh bình thường mới khi diễn biến dịch Covid-19 vẫn kéo dài.

    Thứ nhất là các doanh nghiệp BĐS lớn đã trải qua nhiều biến cố thị trường như khủng hoảng tài chính - tiền tệ châu Á năm 1997 hay khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008 nên cũng đã có “bản lĩnh vững vàng”, tạo nền tảng cho việc vượt qua khủng hoảng đại dịch Covid-19.

    Thứ hai, hầu hết các doanh nghiệp BĐS đều là các công ty cổ phần hoặc doanh nghiệp tư nhân nên rất năng động, uyển chuyển, linh hoạt trong việc thực hiện các hoạt động nhằm thích nghi với tình hình dịch bệnh. Các sáng tạo, đổi mới được thực hiện nhanh chóng giúp cộng đồng doanh nghiệp BĐS sớm lấy lại trạng thái kinh doanh thuận lợi.

    Doanh nghiệp bất động sản cũng cần có chiến lược trong bối cảnh bình thường mới - Ảnh 1
    Ảnh minh họa.

    Thứ ba, nguồn vốn xã hội dành cho BĐS là rất lớn và các doanh nghiệp BĐS của Việt Nam có thể huy động nhanh chóng nếu có chiến lược kinh doanh hiệu quả. Đa số các công ty cổ phần huy động từ nguồn vốn cổ đông (qua phát hành thêm cổ phiếu) hoặc đi vay ngân hàng. Mặc dù dịch bệnh phức tạp nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ trong hai năm qua đã giúp cho việc huy động vốn của các doanh nghiệp thuận lợi hơn.

    Trong thời gian 2 năm dịch bệnh vừa qua, thực tế các doanh nghiệp BĐS không ngừng nỗ lực tìm kiếm các giải pháp bán hàng sáng tạo trong tình hình mới nên mặc dù thị trường chịu nhiều ảnh hưởng nhưng số lượng giao dịch bước đầu ghi nhận được phục hồi tương đối ổn định.

    Các nhà đầu tư vẫn lựa chọn BĐS là kênh để hướng dòng vốn đầu tư lâu dài và đa dạng hóa, bảo toàn giá trị tài sản. Cùng với các gói kích thích kinh tế mới sắp được triển khai, tiềm năng tăng trưởng của thị trường BĐS là rất lớn khi cả bên cầu và bên cung đang trong giai đoạn tích lũy và đều sẵn sàng cho một giai đoạn bùng nổ giao dịch sôi động ở các năm tiếp theo.

    Bất cứ chu kỳ hoạt động kinh tế nào cũng có suy và thịnh. Suy có thể vì khủng hoảng kinh tế, chiến tranh, dịch bệnh… Với yếu tố dịch bệnh vừa qua cũng là bài học giúp doanh nghiệp xem lại chiến lược dài hạn để có thể thích ứng khi dịch bệnh kéo dài và cả hậu đại dịch, giới phân tích cho hay.

    Doanh nghiệp bất động sản cũng cần có chiến lược trong bối cảnh bình thường mới - Ảnh 2
    CEO Transform Architecture ông Thiện Dương.

    CEO Transform Architecture ông Thiện Dương cho biết, trong 2 năm qua, không ít nhà đầu tư đã chớp lấy cơ hội dịch bệnh để phát triển các dự án theo mô hình gần như không cần tiếp xúc. Thực tế đã có những dự án như vậy được triển khai và được thị trường đón nhận. “Mấu chốt ở đây là người Việt đang dần chấp nhận thực tế Covid-19 sẽ vẫn tồn tại cho đến khi phát triển thành công thuốc điều trị đặc hiệu căn bệnh này.

    Ông Thiện Dương nhìn nhận: Trong tương lai, có thể mọi người vẫn sẽ phải duy trì hình thức làm việc tại nhà, điều này kích thích mọi người có nhu cầu cao hơn về điều kiện sống, môi trường làm việc tại nhà được xem trọng hơn. Chính nhu cầu đó sẽ khiến xu hướng phát triển căn nhà phải thay đổi”.

    Vị trí vẫn sẽ là yếu tố cần quan tâm hàng đầu khi lựa chọn một BĐS. Tuy nhiên, trong bối cảnh đất đô thị đang ngày càng đắt đỏ, người trẻ nếu có nhu cầu mua nhà, họ muốn ở gần nơi có không khi tấp nập, tiện ích đa dạng và sôi động, gần các khu vực dễ giao lưu xã hội, các dịch vụ giải trí… Thế nhưng tài chính của người trẻ thì khó mua nhà trung tâm, vậy nên khi phát triển một dự án bất động sản nhắm đến đối tượng này, các chủ đầu tư cần phải có các tiện ích, quy mô để phục vụ cho nhu cầu đó, ông Thiện Dương phân tích

    Với các hộ gia đình, nhu cầu của họ về không gian sống cần rộng rãi hơn, có sân chơi cho trẻ em, có tiện ích bể bơi, khu thể thao ngoài trời, sân vườn, công viên, nhiều chủ đầu tư nên nắm bắt xu hướng này, phát triển các dự án với không gian tiện ích đa dạng hơn. Đây sẽ là chìa khóa giúp thu hút người mua nhà cho một dự án BĐS.

    Doanh nghiệp bất động sản cũng cần có chiến lược trong bối cảnh bình thường mới - Ảnh 3
    Giám đốc điều hành, người sáng lập Công ty Cổ phần Dịch vụ Bất động sản Sen Vàng bà Nguyễn Thị Bích Ngọc.

    Giám đốc điều hành, người sáng lập Công ty Cổ phần Dịch vụ Bất động sản Sen Vàng bà Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng cho hay: “Tôi cho rằng, cơ hội vẫn luôn mở ra với tất cả các thành viên thị trường, nhưng năm 2022, các yếu tố bất định như dịch bệnh vẫn còn, do đó các doanh nghiệp phải xây dựng tốt kịch bản sống chung cùng dịch bệnh và linh hoạt trong ứng phó, triển khai hoạt động sản xuất - kinh doanh, đặc biệt là cần đẩy mạnh chuyển đổi số và các phương án dự phòng, quản trị rủi ro.

    Tiếp xúc với các doanh nghiệp, tôi thấy nhiều hơn những sự tự tin và chắc chắn sẽ không có chuyện hoạt động sản xuất - kinh doanh đình trệ 100% như 2021. Bản thân mỗi doanh nghiệp đều đã lường trước những rủi ro, xây thêm nhiều kịch bản để chuẩn bị ứng phó và tăng trưởng”.

    Doanh nghiệp bất động sản cũng cần có chiến lược trong bối cảnh bình thường mới - Ảnh 4
    Ông Robert Vũ, CEO batdongsan.com.vn

    Ông Robert Vũ, CEO batdongsan.com.vn tại chương trình VRES trước đó cũng cho biết, trong 2 năm vừa qua, không chỉ tại thị trường Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới, khái niệm về tòa nhà lành mạnh và xu hướng tích hợp nhiều tiện ích trong một tòa nhà nhằm mang đến cho cư dân trải nghiệm tốt nhất, đồng thời giảm bớt nỗi lo Covid-19 đã bắt đầu xuất hiện.

    Việt Nam đang dần thích ứng với thực tế có thể sẽ sống chung dài hạn với Covid-19 khi mà độ phủ vaccine là chưa đủ để khống chế dịch bệnh. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp phát triển nhà ở nắm bắt nhu cầu thị trường, hướng đến triển khai các sản phẩm đáp ứng yêu cầu riêng tư, hạn chế sự tiếp xúc và đề cao yếu tố sức khỏe. Nhiều dự án đang trong quá trình phê duyệt đã điều chỉnh thêm các tính năng, tiện ích này vào sản phẩm của mình để thích ứng với thị trường.

    Trước đó, nhiều nguồn tin cho hay, số lượng doanh nghiệp kinh doanh BĐS thành lập mới trong 3 quý của năm 2021 tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là một trong những nội dung được Bộ Xây dựng công bố ngày 5/11 trong bản thông tin về nhà ở và thị trường BĐS quý III/2021.

    Thông tin của Bộ Xây dựng cho thấy trong 3 quý vừa qua, số lượng tạm dừng kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng là 6.171 doanh nghiệp chiếm 13,7%. Số lượng doanh nghiệp xây dựng chờ giải thể là 4.091 đơn vị, chiếm 12,6%.

    Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp kinh doanh BĐS thành lập mới tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trải qua 4 làn sóng dịch Covid-19, đặc biệt là làn sóng thứ 4 bùng phát mạnh từ mấy tháng nay khiến các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.

    Bộ Xây dựng nhận xét: Một số doanh nghiệp BĐS vẫn có lãi lớn và chủ yếu tập trung ở nhóm doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn chứng khoán. Còn các công ty địa ốc chưa lên sàn hầu như khó có được kết quả kinh doanh tích cực.

    Bùi Hằng (T/h)

    Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp bất động sản cũng cần có chiến lược trong bối cảnh bình thường mới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới