Điều ước người dân Cái Đôi Vàm ngày Tết Nhâm Dần 2022
Làng nghề làm khô biển Cái Đôi Vàm đang tấp nập chuẩn bị cung cấp hàng phục vụ Tết Nhâm Dần 2022. Năm nay nhiều khó khăn, lượng hàng và lượng khác đều giảm đáng kể so với các năm.
Mong sức mua tăng trong ngày giáp Tết
Làng nghề Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau) có từ lâu đời. Do ở đây gần cửa biển nên khi hộ dân đánh bắt, ngoài bán sản phẩm tươi, họ còn làm khô dự trữ lại để bán tăng thu nhập.
Xuất phát từ việc kinh doanh mặt hàng cá khô có lợi nhuận, từ đó người dân ở trong vùng phát triển từ mô hình nhỏ đến nay đã có nhiều cơ sở lớn. Từ tiêu thụ sản phẩm trong tỉnh, nay họ đã vươn xa ra ngoài tỉnh, thậm chí là xuất khẩu.
Để chuẩn bị cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, nhiều cơ sở trên địa bàn đã đẩy mạnh sản xuất cách đây hơn 1 tháng để chủ động nguồn hàng.
Năm nay, thời tiết nắng nhiều, tương đối thuận lợi cho việc làm khô, tuy nhiên do dịch bệnh Covid-19 hạn chế việc tập trung đông người nên cũng ảnh hưởng nhiều đến các công đoạn sản xuất của bà con.
Trước đây vào thời điểm cận Tết, trung bình mỗi ngày 1 cơ sở có thể tiêu thụ từ 500 kg đến 3 tấn khô thành phẩm. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh thị trường tiêu thụ sụt giảm nên sản lượng bán ra giảm nhiều so với mọi năm.
Ông Lê Văn Hoàng, chủ cơ sở sản xuất khô tại khóm 4, thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân cho biết: “Thời điểm dịch bệnh mới bùng phát, các mặt hàng khô mặn như cá đù bán rất hút hàng, thậm chí cung không đủ cầu. Tuy nhiên, đến cận Tết sức mua giảm mạnh khoảng 50% so với trước đây.
Hiện cơ sở chủ yếu bán sỉ cho các mối quen Sóc Trăng, Cần Thơ… Từ nay đến Tết Nguyên đán mong rằng sức mua thị trường sẽ tiếp tục tăng để bà con làm khô ở đây có thêm nguồn thu nhập để đón Tết đủ đầy hơn”.
Mặt hàng chủ lực thiếu nguồn cung
Một trong những mặt hàng làm xao xuyến lòng người, đậm đà hương vị quê biển của làng nghề Cái Đôi Vàm là cá khô khoai. Sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ KH&CN cấp chứng nhận bảo hộ sản phẩm tập thể vào tháng 4/2017.
Để có được mặt hàng mang thương hiệu này, người dân trong vùng có những bí quyết riêng về cách muối ướp đá, cách phơi, thời gian phơi… làm sao cho cá còn nguyên chất, sạch sẽ và phơi trên giàn, đón nắng đầy đủ. Thực hiện quy trình bảo quản hợp lý để đảm bảo chất lượng.
Cá khoai đánh bắt về được sơ chế và ướp thêm một ít muối để khử tanh, tăng thời gian lưu trữ. Cá không cần lọc thịt hay phải bỏ xương, chỉ cần ướp và phơi nắng biển cho săn khô.
Người dân sẽ móc hai hàm răng của cá vào nhau và đặt trên những cây sào tre hoặc vỉ tre để phơi. Dùng sào, vỉ tre phơi giúp ánh nắng tiếp cận được nhiều bề mặt cá sẽ khô nhanh và đều hơn. Sau vài ba ngày nắng đẹp là có khô cá khoai thành phẩm.
Năm nay mặt hàng cá khoai thiếu nguồn cung. Nếu như trước đây, thời điểm này, nguồn lợi cá khoai đánh bắt được rất dồi dào để phục vụ cho việc làm khô, thì hiện tại cá khoai tươi rất khan hiếm gây khó khăn trong việc sản xuất khô khoai trên địa bàn.
Anh Điêu Thanh Tùng, chủ cơ sở sản xuất khô tại khóm 4, thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân cho biết: “Trước giờ, cá khô khoai ở đây nổi tiếng xa gần được nhiều người biết đến, nhưng năm nay ghe biển đánh bắt không có nên đến thời điểm này gia đình tôi vẫn chưa thể làm khô khoai bán ra thị trường. Không riêng gia đình tôi mà nhiều cơ sở sản xuất khô khác cũng chung tình trạng tương tự. Giờ gia đình chỉ chủ yếu sản xuất các loại khô khác như khô mực, cá mối, cá đù… để bù vào phần thiếu hụt cá khoai”.
Chủ tịch UBND thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân Trần Quốc Yên, cho biết: “Trên địa bàn thị trấn Cái Đôi Vàm có khoảng 23 hộ đăng ký nhãn hiệu tập thể cá khô khoai Cái Đôi Vàm, thường vào khoảng tháng 10 âm lịch nguồn cá khoai đã rất dồi dào để phục vụ thị trường Tết.
Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, nhất là năm nay sản lượng cá khoai tươi sụt giảm mạnh gây ảnh hưởng đến việc sản xuất khô của bà con. Nhưng bù lại, sản lượng các mặt hàng khác vẫn khá dồi dào để phục vụ thị trường Tết. Mặt hàng cá khô ngoài tiêu thụ trong tỉnh còn xuất đi các tỉnh An Giang, TP.HCM, Hà Nội và xuất sang Trung Quốc”.
Huy Thanh (t/h)