Điện mặt trời, điện gió không kịp FIT sẽ chờ cơ chế đàm phán giá bán điện với EVN
Tính từ thời điểm hết hạn vận hành thương mại để hưởng giá ưu đãi đối với các dự án điện gió (FIT), sau 3 tháng Bộ Công Thương đã báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về cơ chế xác định giá bán điện.
Bộ Công Thương cho hay, đối với những dự án điện gió, điện mặt trời trong quy hoạch phát triển điện lực đã và đang triển khai đầu tư nhưng không kịp mốc thời gian được áp dụng cơ chế giá bán điện cố định (FIT) theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg (về điện mặt trời) và Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg (về điện gió), cần có cơ chế xác định giá bán điện phù hợp với quy định hiện hành.
Mới đây, ngày 27/1, Bộ Công Thương có văn bản số 17/BC-BCT báo cáo Thủ tướng Chính phủ và xin ý kiến chỉ đạo về cơ chế xác định giá bán điện gió, điện mặt trời đối với các dự án chuyển tiếp.
Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương dừng cấp chủ trương đầu tư đối với các dự án điện gió, điện mặt trời đã có trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia được duyệt nhưng chưa triển khai đến thời điểm ngày 26/1/2022, để chờ kết quả rà soát trong quá trình xây dựng hoàn thiện Quy hoạch điện VIII.
Đối với các dự án trong quy hoạch được phê duyệt, đã có chủ trương đầu tư đến thời điểm 26/1 nhưng chưa đủ điều kiện áp dụng cơ chế giá bán điện FIT theo Quyết định 13 và 39 nói trên, Bộ Công Thương đề nghị Thủ tướng cho phép chủ đầu tư được đàm phán với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để xác định giá mua bán điện.
Giá mua bán điện nằm trong khung giá phát điện do Bộ Công Thương ban hành. Chủ đầu tư sẽ ký hợp đồng mua bán điện với EVN theo quy định của Bộ Công Thương. Quy trình xây dựng khung giá, đàm phán hợp đồng, ký kết hợp đồng mua bán điện thực hiện theo quy định hiện hành.
Tính đến thời điểm báo cáo, công suất điện gió đã được bổ sung vào quy hoạch là 11.921MW. Có 146 dự án với tổng công suất 8.171,475 MW đã ký Hợp đồng mua bán điện (PPA). Còn lại 84 dự án và phần dự án với tổng công suất 3.980,265MW mới được công nhận vận hành thương mại (COD) trong giai đoạn từ 2011 đến hết 31/10/2021. Trong số đó có 15 dự án COD một phần với tổng công suất đã COD là 325,15MW và phần công suất chưa COD là 1.031,10 MW.
Về điện mặt trời, công suất đã được bổ sung vào quy hoạch là 15.400MW. Các dự án và phần dự án đã được EVN công nhận COD đến hết ngày 31/12/2020 là 148 dự án với tổng công suất 8.652,9MW.
Như Mekong ASEAN đã đưa tin, hai năm 2020 và 2021, các dự án điện gió trên toàn quốc đã gấp rút triển khai, thi công, chạy đua cho kịp thời hạn 31/10/2021 để được hưởng giá ưu đãi.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã "ngáng đường" khiến các dự án này gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong giai đoạn quý II và quý III năm 2021 khi hầu hết các địa phương thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Để "chạy nước rút" về được đích, nhiều chủ đầu tư và nhà thầu thi công đã phải "gồng" hết tài lực, nhân lực và vật lực. Nhưng vẫn có nhiều dự án bị "lỡ đò" và suốt thời gian qua họ lo đứng lo ngồi chuyện nhẹ thì vỡ kế hoạch tài chính, nặng hơn có lẽ phá sản.
Chia sẻ tại Tọa đàm "Dự án Điện gió Việt Nam - Hệ quả pháp lý của tác động Covid-19 đối với hợp đồng EPC", ông Lê Anh Tùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng, chia sẻ dự án điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng may mắn kịp về đích nhưng công ty đã phải tốn thêm rất nhiều chi phí, vốn đầu tư bị đội lên khá nhiều so với dự toán ban đầu. Trong khi suất đầu tư cho điện gió tại Việt Nam là khá lớn và các chủ đầu tư thường phải huy động vốn từ nguồn vay ngân hàng.
Tiến sĩ Hoàng Giang, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc TCT Pacifico Energy tại Việt Nam, chủ đầu tư Nhà máy điện gió Sunpro Bến Tre cho biết, dự án của ông không vay được ngân hàng mà nguồn vốn đầu tư là do công ty bỏ ra hoàn toàn. Vì vậy, nếu không được gia hạn thời gian để hưởng giá FIT hoặc không có cơ chế phù hợp, doanh nghiệp sẽ cực kỳ khó khăn.
Tại thời điểm chính sách đối với phát triển điện gió được quan tâm, giai đoạn 2011 - 2012, theo tính toán của các chuyên gia, suất đầu tư của dự án điện gió với công nghệ châu Âu là 2.250 USD/kW công suất. Còn nếu sử dụng công nghệ đến từ Trung Quốc, thì suất đầu tư sẽ là 1.700 USD/kW công suất. Theo tính toán của doanh nghiệp, hiện nay suất đầu tư trung bình tại các dự án hiện nay là 45 tỷ đồng/MW.
Đã có rất nhiều kiến nghị của các địa phương, doanh nghiệp, Hội năng lượng sạch Việt Nam, Hiệp hội điện gió, Hiệp hội điện gió toàn cầu... được gửi tới Chính phủ kiến nghị được xem xét gia hạn thời gian. Nhưng Bộ Công Thương vẫn giữ nguyên quan điểm việc kéo dài thời gian hưởng chính sách giá FIT là không phù hợp.
Ngoài ra, Bộ Công thương cũng kiến nghị Thủ tướng để bộ này được giao xây dựng và ban hành thông tư quy định phương pháp xây dựng khung giá phát điện và phương pháp xác định, hợp đồng mua bán điện đối với các nhà máy điện mặt trời, điện gió.
Ngày 10/9/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 37/2011/QĐ-TTg ngày 26/6/2011 quy định cơ chế khuyến khích phát triển điện gió tại Việt Nam. Quyết định này quy định thời hạn áp dụng giá mua bán điện gió với EVN áp dụng cho một phần hoặc toàn bộ nhà máy điện gió nối lưới được COD trước ngày 01/11/2021.
Tại khoản 7, Điều 1 Quyết định 39/2018/QĐ-TTg, Chính phủ giao Bộ Công Thương đề xuất, trình Thủ tướng xem xét, quyết định về cơ chế đấu giá phát triển điện gió, giá mua điện gió áp dụng từ ngày 01/11/2021.
Đối với điện mặt trời, ngày 06/4/2020, Thủ tướng ban hành Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam. Thời hạn áp dụng giá mua bán điện mặt trời với EVN, theo quy định tại Quyết định này, áp dụng cho một phần hoặc toàn bộ nhà máy điện mặt trời nối lưới COD trước ngày 01/1/2021.
Tại khoản 4, Điều 5 Quyết định 13/2020/QĐ-TTg quy định: “Giá bán điện từ các dự án điện mặt trời nối lưới không đáp ứng các điều kiện tại khoản 1 và khoản 3 Điều này được xác định thông qua cơ chế cạnh tranh”. Bộ Công Thương nghiên cứu hoàn chỉnh cơ chế đấu thầu các dự án điện mặt trời, lộ trình thực hiện và báo cáo Thủ tướng phê duyệt triển khai trên toàn quốc.
Bùi Hằng (T/h)