Thứ sáu, 26/04/2024 12:29 (GMT+7)
Thứ ba, 02/08/2022 18:50 (GMT+7)

Điểm tin môi trường nổi bật ngày hôm nay 2/8

Theo dõi KTMT trên

Biển Đông có thể đón bão, áp thấp nhiệt đới vào tuần tới; Nghệ An: Xác định nguyên nhân sụt lún ở "thủ phủ" khoáng sản Quỳ Hợp; Hơn 5.300 vụ cháy xảy ra ở rừng Amazon trong tháng 7... là những tin tức môi trường nổi bật ngày hôm nay 2/8.

Biển Đông có thể đón bão, áp thấp nhiệt đới vào tuần tới

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo trong tháng này, 1-2 cơn bão, áp thấp nhiệt đới sẽ hình thành trên Biển Đông. Cơ quan khí tượng thủy văn đang theo dõi khả năng xuất hiện các nhiễu động có thể hình thành áp thấp nhiệt đới, bão trên Biển Đông trong 5 đến 7 ngày tới.

Theo số liệu thống kê 20 năm qua (2002-2021), trung bình 1 đến 2 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông trong tháng 8. Năm 2005 và 2020 ghi nhận 3 áp thấp nhiệt đới, bão trên Biển Đông, trong khi 2011 và năm 2015 không ghi nhận.

"Như vậy, xác suất đến 90% xuất hiện áp thấp nhiệt đới hoặc bão trong tháng 8", Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia thông tin.

Điểm tin môi trường nổi bật ngày hôm nay 2/8 - Ảnh 1
Trong tháng 8, 1-2 cơn bão, áp thấp nhiệt đới sẽ hình thành trên Biển Đông.

Một số cơn bão trong tháng 8 những năm gần đây như bão số 3 (Mindulle) đổ bộ vào khu vực Thanh Hóa - Nghệ An, gây gió mạnh cấp 8, giật cấp 10 ở Bạch Long Vĩ (Hải Phòng); gió mạnh cấp 10 ở Quỳnh Lưu và Hòn Ngư của Nghệ An và gió giật cấp 12 ở Quỳnh Lưu, cấp 13 ở Hòn Ngư. Bão số 5 (Kai Tak) với cường độ trên Biển Đông mạnh cấp 12, vịnh Bắc Bộ gió mạnh cấp 8, giật cấp 10, khu vực ven biển Quảng Ninh gió mạnh cấp 8, giật cấp 10.

Từ nay đến tháng 1/2023, dự báo Biển Đông có 9-11 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó khoảng 4-6 cơn bão khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.

Lào Cai ghi nhận đợt nắng nóng bất thường nhất trong 65 năm qua

Ngày 2/8, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Lào Cai cho biết, theo chuỗi số liệu quan trắc thu thập được trong vòng 65 năm qua, lần đầu tiên, địa phương này ghi nhận 3 đợt nắng nóng kéo dài chưa từng có tại các vùng thấp vào tháng 7/2022.

Hệ quả là nền nhiệt độ trung bình trong những ngày qua tại thành phố Lào Cai tăng cao đột ngột và đạt mốc kỷ lục 30,4 độ C (có những ngày nhiệt độ lên tới 39,2 độ C), cao hơn mức nhiệt trung bình nhiều năm tại thời điểm cùng kỳ tới 2,2 độ C.

Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Lào Cai cho biết, nguyên nhân gây ra hiện tượng này là do vùng áp thấp nóng phía Tây ảnh hưởng đến thời tiết Lào Cai nhiều và mạnh hơn tháng 7 các mùa hạ trước. Trước đó, vào tháng 7/2016, Lào Cai đón đợt nắng nóng nhất trong lịch sử với nhiệt độ trung bình/tháng lên mức 29,6 độ C. Tuy nhiên, còn thua kém về độ nóng tháng 7/2022 là 0,8 độ C. Ba đợt nắng nóng này kéo dài từ ngày 1 đến 5/7/2022 (đợt I). Đợt II dài nhất tới 9 ngày, xuất hiện vào ngày 10/7 và duy trì hết ngày 18/7/2022. Đợt 3 kéo dài 8 ngày, từ ngày 24 đến 31/7/2022. Đây là 3 đợt nắng nóng kéo dài chưa từng có tại Lào Cai, trung bình 7,3 ngày/đợt.

Trong khi đó, cao điểm nắng nóng hằng năm của Lào Cai dù trung bình từ 1-3 đợt, tuy nhiên thời gian có nắng nóng dài nhất chỉ duy trì 3-4 ngày. Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Lào Cai, trong tháng 8/2022, nền nhiệt tại địa phương này tiếp tục ở mức cao và sẽ đón nhận thêm 2 đợt nắng nóng nữa.

Đánh giá về sự dị thường của thời tiết tháng 7/2022 tại Lào Cai, các chuyên gia Khí tượng nhận định, chính sự biến đổi khí hậu toàn cầu đã gây ra hiện tượng trên, khí hậu biến đổi khiến thời tiết mọi vùng miền trên trái đất diễn biến ngày càng thất thường.

Nghệ An: Xác định nguyên nhân sụt lún ở "thủ phủ" khoáng sản Quỳ Hợp

Sau 1 thời gian khảo sát, đánh giá, liên đoàn địa chất Bắc Trung Bộ đã xác định được nguyên nhân dẫn đến tình trạng sụt lún, nứt nẻ nhà cửa ở xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An).

Theo đó, sáng ngày 1/8, UBND huyện Quỳ Hợp đã có buổi làm việc với Liên đoàn Địa chất Bắc Trung bộ về nguyên nhân gây ra việc sụt lún, nứt nẻ, đứt gãy nhà cửa của người dân các xã Châu Hồng, Châu Tiến và Liên Hiệp trong thời gian vừa qua.

Liên đoàn địa chất Bắc Trung Bộ kết luận, nguyên nhân xảy ra tình trạng sụt lún, nứt nẻ nhà cửa do là địa hình, địa mạo các xã khá phức tạp dẫn đến chế độ thuỷ văn, nước mặn và nước ngầm bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, điều kiện thời tiết khí hậu biến đổi thất thường, việc khai thác khoáng sản cũng đã tác động mạnh mẽ đến tầng chứa nước áp lực trong đới cát, phá vỡ lớp lớp sét cách nước nên dẫn đến sụt lún đất, nứt nẻ nhà cửa đặc biệt là nguồn nước ngầm bị ảnh hưởng nên khiến hàng trăm giếng khoan bị khô cạn nước.

Điểm tin môi trường nổi bật ngày hôm nay 2/8 - Ảnh 2
Nguyên nhân gây sụt lún, nứt nẻ nhà cửa do là địa hình, địa mạo các xã khá phức tạp dẫn đến chế độ thuỷ văn, nước mặn và nước ngầm bị ảnh hưởng. 

Dù đã xác định nguyên nhân gây sụt lún là do tụt nước ngầm nhưng nguyên nhân dẫn đến sụt nước ngầm thì Liên đoàn Địa chất Bắc Trung bộ vẫn chưa xác định được. Lãnh đạo UBND huyện Quỳ Hợp đề nghị các đơn vị tiếp tục nghiên cứu các giải pháp trước mắt và lâu dài để ổn định đời sống cho dân dân vùng sụt lún.

Được biết, trên địa bàn huyện Quỳ Hợp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Nghệ An đã cấp phép khai thác 8 mỏ đá trắng và quặng thiếc. Từ cuối năm 2020 - 2021, trên địa bàn xã Châu Hồng xuất hiện tình trạng sụt lún, nứt nẻ đất, nhà cửa của người dân. Đầu năm 2022 đến nay, hiện tượng này lan rộng đến nhà ở của các hộ dân, cơ quan, trường học của xã Châu Hồng và tình trạng này vẫn tiếp tục tái diễn. Đến nay, đã có 232 hộ dân ở xã Châu Hồng xuất hiện tình trạng sụt lún, nứt nẻ đất, nhà ở. Bên cạnh đó, 299 giếng nước của người dân, trạm y tế, trường học bị khô cạn.

Công bố Báo cáo Tài nguyên nước quốc gia giai đoạn 2016 - 2021

Bộ TN&MT vừa ban hành Văn bản số 4379/BTNMT-TNN về việc công bố Báo cáo tài nguyên nước quốc gia giai đoạn 2016 - 2021.

Báo cáo Tài nguyên nước quốc gia giai đoạn 2016- 2021 nhằm cung cấp một cách nhìn tổng quan về hiện trạng tài nguyên nước, việc khai thác, sử dụng nước, công tác quản lý tài nguyên nước ở Việt Nam cho giai đoạn 2016-2021. Đây là nguồn tài liệu quan trọng, thiết thực để các Bộ, ngành và địa phương khai thác, sử dụng trong quá trình hoạch định, xây dựng chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển.

Theo đó, Báo cáo Tài nguyên nước quốc gia giai đoạn 2016- 2021 bao gồm 5 Chương: Tổng quan về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội có tác động tới khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước; Hiện trạng tài nguyên nước; Hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước; Ô nhiễm, suy thoái, cạn kệt nguồn nước; Quản lý tài nguyên nước

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, thực hiện quy định Luật Tài nguyên nước, Bộ đã chỉ đạo và giao Cục Quản lý tài nguyên nước xây dựng Báo cáo tài nguyên nước quốc gia để cung cấp một cách tổng quan hiện trạng tài nguyên nước, việc khai thác, sử dụng nước và công tác quản lý tài nguyên nước ở Việt Nam trong giai đoạn 2016-2021. Trong quá trình xây dựng, Cơ quan soạn thảo đã tổng hợp các thông tin, số liệu (về khai thác, sử dụng nước; tình hình quản lý;...) do các Bộ liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh cung cấp, các thông tin, số liệu về khí tượng thủy văn, tài nguyên nước do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện để xây dựng Báo cáo này.

Theo đó, Báo cáo Tài nguyên nước quốc gia giai đoạn 2016- 2021 sẽ được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường để các Bộ, ngành và địa phương khai thác, sử dụng theo quy định tại Khoản 2 Điều 11 Thông tư số 31/2018/TT-BTNMT ngày 26/ 12/2018 của Bộ trưởng Bộ TN&MT quy định nội dung, biểu mẫu báo cáo tài nguyên nước.

Hơn 5.300 vụ cháy xảy ra ở rừng Amazon trong tháng 7

Theo số liệu chính thức được công bố ngày 1/8, trong tháng 7 vừa qua, số vụ cháy rừng ở Amazon (Brazil) đã tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là hồi chuông cảnh báo mới nhất cho khu rừng nhiệt đới là 'lá phổi' của hành tinh này.

Theo Cơ quan Vũ trụ Brazil (INPE), vệ tinh theo dõi đã phát hiện 5.373 đám cháy trong tháng 7 năm nay, tăng 396 vụ so với tháng 7/2021. Tuy nhiên, con số này đã giảm đáng kể so với mức kỷ lục 19.364 vụ vào tháng 7/2005.

Theo các chuyên gia, tháng 7 thường là thời điểm bắt đầu "mùa cháy rừng" ở Amazon, chủ yếu do nông dân và doanh nghiệp đốt rừng để giải phóng mặt bằng canh tác trong thời tiết khô nóng nên dễ dẫn đến cháy rừng.

Điểm tin môi trường nổi bật ngày hôm nay 2/8 - Ảnh 3
Theo Cơ quan Vũ trụ Brazil (INPE), hơn 5.300 vụ cháy xảy ra ở rừng Amazon trong tháng 7.

Theo INPE, 2022 là một năm đáng lo ngại đối với Amazon - khu vực đóng vai trò quan trọng nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu, khi xảy ra tổng cộng 12.906 vụ cháy rừng từ đầu năm tới nay, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong diễn biến khác, ít nhất 2 người đã thiệt mạng do cháy rừng mang tên McKinney, tại bang California (Mỹ). Đây là đám cháy lớn nhất xảy ra tại bang này kể từ đầu năm tới nay, đe dọa cuộc sống của 8.000 người. Hàng trăm nhân viên cứu hỏa phải đối mặt với nguy hiểm khi nỗ lực sơ tán người dân, kiểm soát đám cháy đang lan nhanh do thời tiết khô hạn, gió thổi mạnh theo nhiều hướng và cả sét đánh.

Ước tính, đám cháy đã thiêu rụi khoảng 22.000 ha đất, phá hủy hơn 100 công trình kiến trúc, bao gồm nhà ở, các cửa hàng và trung tâm cộng đồng. California, cùng với phần lớn miền Tây nước Mỹ, đang phải hứng chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất trong hơn 1.000 năm qua.

Biến đổi khí hậu khiến hạn hán trầm trọng hơn, các đám cháy rừng cũng vì thế mà lan nhanh và có sức tàn phá nghiêm trọng hơn, trong khi các hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng kéo dài, giông tố, sét đánh, gió thổi mạnh cũng cản trở công tác cứu hỏa.

Một đám cháy khác mang tên Oak, bùng phát gần Công viên Quốc gia Yosemite (California), phá phá hủy hàng chục tòa nhà và buộc hàng nghìn người phải sơ tán.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Điểm tin môi trường nổi bật ngày hôm nay 2/8. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới