Thứ năm, 25/04/2024 16:00 (GMT+7)
Thứ ba, 02/08/2022 16:05 (GMT+7)

“Đổi pin lấy cây” - Hành động nhỏ vì môi trường xanh

Theo dõi KTMT trên

Việc thu gom pin đổi lấy cây xanh giúp hình thành thói quen không vứt chất thải nguy hại bừa bãi ra môi trường, nâng cao ý thức cho cộng đồng trong việc làm tái sinh các sản phẩm pin đã hết niên hạn sử dụng cũng như phân loại rác thải điện tử.

Theo Báo cáo của Viện Khoa học và Công nghệ môi trường (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội), lượng chất thải điện tử ở Việt Nam mỗi năm tăng khoảng 100.000 tấn, chủ yếu phát sinh từ hộ gia đình (đồ gia dụng điện tử), văn phòng (máy tính, máy  photocopy,...). Với sự phát triển của ngành công nghệ chóng mặt như hiện nay, rác điện tử đang có tốc độ tăng rất nhanh so với các loại rác thải khác.

Pin được liệt kê vào danh mục rác thải độc hại, lượng thủy ngân có trong một cục pin có thể làm ô nhiễm 500 lít nước hoặc 1 m3 đất trong 50 năm. Khi các nguồn ô nhiễm từ pin xâm nhập vào cơ thể sẽ gây ra nhiều bệnh nguy hiểm cho con người như: tổn thương não, gây còi xương, chậm lớn ở trẻ, huyết áp cao đối với người lớn, tổn hại máu và xương, thậm chí là vô sinh và giảm đi các chức năng của thận... Do đó, pin và rác thải điện tử nếu không được thu gom và xử lý đúng cách, sẽ ảnh hưởng một cách toàn diện tới môi trường và con người cả trực tiếp và gián tiếp.

“Đổi pin lấy cây” - Hành động nhỏ vì môi trường xanh - Ảnh 1
50.000 viên pin đã được thu gom và hơn 2.000 người tham gia hoạt động "đổi pin lấy cây" chỉ sau 2 ngày tổ chức.

“Đổi pin lấy cây” là một hoạt động ý nghĩa, nhằm mục tiêu nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc làm tái sinh các sản phẩm pin đã hết niên hạn sử dụng cũng như phân loại rác thải điện tử. Đây là hoạt động có ý nghĩa trong việc góp phần bảo vệ môi trường, thu hút sự tham gia của rất nhiều người, đặc biệt là giới trẻ.

Tại TP.HCM, hoạt động đổi pin lấy cây xanh xuất phát từ dự án "Nhà nhiều Lá" do anh Hoàng Quý Bình và những người bạn đang học tập, sinh sống tại TP.HCM thành lập. Dự án thường xuyên tổ chức các hoạt động xã hội, văn hóa, giáo dục và môi trường.

Được biết, nhóm "Nhà nhiều Lá" do tổ chức Green Life TP.HCM sáng lập là một trong các nhóm đang triển khai chương trình “Đổi pin lấy cây”. Hoạt động này đã được nhiều bạn trẻ hưởng ứng nhiệt tình khi thu gom pin cũ trong gia đình, trong trường học và cả nơi làm việc để mang đến cho chương trình.

Được tổ chức hàng tháng nhằm lan tỏa lối sống xanh, ý thức việc tái sinh pin đã hết hạn sử dụng, hiện nhóm đang thu gom được 50.000 viên pin và có hơn 2.000 người tham gia chỉ sau 2 ngày tổ chức.

Anh Hoàng Quý Bình (người khởi xướng dự án "Nhà nhiều Lá") chia sẻ: “Thông qua chương trình này chúng mình mong muốn mọi người sẽ hiểu hơn về tác hại của pin cũng như có những hành động thiết thực hơn cho môi trường, ví dụ như thu gom pin, giảm thiểu nhựa, trồng thêm cây xanh”. 

Sau khi đổi pin và chọn được cây xanh yêu thích, người tham gia sẽ được các tình nguyện viên hỗ trợ trồng cây vào chậu. Pin sau khi thu gom sẽ được chuyển đến Công ty môi trường Á Châu để có thể xử lý và tái chế.

“Đổi pin lấy cây” - Hành động nhỏ vì môi trường xanh - Ảnh 2
Đoàn thanh niên Viễn thông Trà Vinh tổ chức hoạt động “đổi pin lấy cây xanh” nhằm lan tỏa lối sống xanh trong cộng đồng, góp phần giảm thiểu tác động xấu đến môi trường sống.

Không chỉ diễn ra ở TP.HCM, hoạt động “đổi pin lấy cây” còn được triển khai tại nhiều địa phương trên cả nước. Trong đó, tại Trà Vinh, hưởng ứng Tháng hành động “Vì môi trường năm 2021”, Đoàn thanh niên Viễn thông Trà Vinh đã tổ chức hoạt động “Đổi pin lấy cây xanh” nhằm lan tỏa lối sống xanh trong cộng đồng, góp phần giảm thiểu tác động xấu đến môi trường sống. Sự kiện “Đổi pin lấy cây xanh” được tổ chức với mong muốn cán bộ công nhân viên hình thành thói quen xử lý pin và rác thải điện tử một cách khoa học thay vì ném chúng vào thùng rác.

Theo bạn Nguyễn Chí Thanh (phụ trách chương trình “Đổi pin lấy cây”) cho biết, sau 9 ngày diễn ra sự kiện, chương trình đã thu nhận hàng trăm pin các loại từ các anh chị em VNPT địa bàn Trà Vinh. Cứ với 10 viên pin sẽ nhận được 1 cây xanh (mỗi cá nhân nhận tối đa 1 cây).

Bên cạnh đó, Hội xương rồng và cây mọng nước (Quảng Nam - Đà Nẵng) cũng vừa tổ chức chương trình Đổi pin cũ lấy cây xanh nhận được sự ủng hộ, quan tâm của nhiều người dân, trong đó có nhiều em nhỏ.  

Chị Võ Thị Quỳnh Hoa (SN 1988, trú phường An Sơn, TP.Tam Kỳ), chủ nhân của ý tưởng chia sẻ, bản thân từng làm về môi trường nên hiểu rõ tác hại rất lớn từ việc thải pin cũ trực tiếp ra môi trường. Một viên pin cũ nếu không được xử lý và vứt bỏ ra môi trường sẽ làm ô nhiễm 1m3 đất và 500 lít nước trong 50 năm.

“Người dân chúng ta dường như không để ý đến sự nguy hại đó, cứ nghĩ 1 - 2 viên pin tiểu sẽ không ảnh hưởng gì đến môi trường nên khi dùng xong lại vứt vào thùng rác. Có người hiểu được thì gom lại nhưng cũng không biết xử lý thế nào, vì thế, tôi nghĩ cần làm việc gì đó nâng cao ý thức này cho cộng đồng, để mỗi người sẽ trách nhiệm hơn với cuộc sống của chính mình và con cháu mai sau”, chị Hoa chia sẻ.

Theo người dân, việc thu pin đổi lấy những cây xương rồng để chăm sóc cũng giúp cho trẻ em hình thành thói quen không vứt chất thải nguy hại bừa bãi ra môi trường,  thêm yêu thiên nhiên, môi trường hơn. Họ không cần nhận lấy cây hay chậu gì cả, chỉ mong số pin được xử lý đúng quy định, bảo vệ được môi trường.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết “Đổi pin lấy cây” - Hành động nhỏ vì môi trường xanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thái Bình: Đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh lúa gạo bền vững
UBND tỉnh Thái Bình vừa có văn bản yêu cầu các huyện, thành phố quan tâm một cách thiết thực, quản lý và sử dụng có hiệu quả cao quỹ đất sản xuất lúa của địa phương không để lãng phí nguồn lực đất đai. Đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh lúa, gạo bền vững.
Khai thác du lịch bền vững Công viên địa chất Lạng Sơn
UBND tỉnh Lạng Sơn đã trình bộ hồ sơ lên UNESCO công nhận Công viên địa chất Lạng Sơn là Công viên địa chất toàn cầu, dự kiến cơ bản xong trước tháng 7/2024. Qua đó hướng tới mở cửa cho công chúng tham quan, khai thác phát triển du lịch bền vững.
Vị thế Việt Nam nhìn từ “tài sản” tự nhiên
Quả thực viết một bài báo ngắn về một đề tài lớn như vậy rất khó. Hơn nữa tôi chỉ là công dân bình thường làm gì có tầm nhìn đủ bao quát để tìm và chỉ ra những vị thế tài sản tự nhiên của Việt Nam.

Tin mới

Hiến giọt máu đào, trao đời sự sống
Đây là chủ đề của chương trình hiến máu tình nguyện, được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức ngày 24/4.