Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 9/8
Giá nhà đất cao, người mua gặp khó; Nhà phố thương mại ế khách; TP.HCM sẽ đấu giá lại 4 lô đất tại Thủ Thiêm bị bỏ cọc ; Dự chi hơn 3.000 tỷ đồng GPMB dự án vành đai 4 qua huyện Mê Linh... là tin BĐS nổi bật trong ngày hôm nay.
Giá nhà đất cao, người mua gặp khó
Giá nhà đất liên tục tăng và cao hơn so với thu nhập khiến cho nhiều người, nhất là lao động thu nhập thấp tại các đô thị, công nhân khu công nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận và tạo lập chỗ ở.
Cách đây 10 năm, vợ chồng bà Q - ông Đ (Bắc Giang) cùng 2 người con trai mới lớn bỏ lại đồi vải và vài sào ruộng để Nam tiến lập nghiệp, với nhiều hi vọng về “miền đất hứa”.
Tuy nhiên, dù đã cố gắng tăng ca hàng tuần trong các khu công nghiệp ở Bình Dương, tiêu pha dè sẻn, thậm chí nhiều năm không về quê đón Tết, nhưng gia đình ông Đ vẫn không thể mua nổi một căn nhà ở xã hội tại Bình Dương vì giá nhà cao và liên tục tăng.
“Giá nhà xã hội cho công nhân, hay nhà thương mại giá rẻ ở các khu vực như Bình Dương, ven TP.HCM, Đồng Nai và các thành phố lớn quá cao, cách quá xa thu nhập của công nhân và người lao động như chúng tôi, nên việc có nhà với chúng tôi thực sự rất xa vời”, ông Đ chia sẻ.
Câu chuyện nhà ở của gia đình bà Q, ông Đ cũng chính là nỗi lòng của nhiều người lao động tại các thành phố lớn hiện tại. Bởi theo các báo cáo, hiện nay giá bất động sản, đặc biệt là nhà ở, đất ở liên tục tăng và cao hơn so với thu nhập của người dân.
Theo đó, nghiên cứu thị trường của CBRE Việt Nam chỉ ra, so với mức giá cách đây 2 năm, hiện giá nhà không chỉ tăng giá cục bộ ở một vài dự án, mà nhiều khu vực đã hình thành mặt bằng giá mới.
Cụ thể căn hộ chung cư khu vực Cầu Giấy, Thanh Xuân, Mỹ Đình... ở mức 30-40 triệu đồng/m2 năm 2020, hiện nay được đẩy lên 45-60 triệu đồng/m2. Các khu vực ngoại thành như Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, trước đây thường ở mức 18 - 20 triệu đồng/m2, nay đã dần tiệm cận mức 30 triệu đồng/m2, thậm chí có dự án giá lên đến 60 triệu đồng/m2... và không có dấu hiệu “hạ nhiệt”.
Đáng chú ý, dự án nhà ở thương mại giá dưới 25 triệu đồng/m2 cũng gần như “mất hút” khỏi thị trường Hà Nội.
Nhà phố thương mại ế khách
Thời điểm hiện tại, trong khi kinh doanh tại các trung tâm thương mại đã trở lại tương đối tấp nập, thì mặt bằng kinh doanh shophouse (nhà phố thương mại) vẫn trong tình cảnh đìu hiu, vắng khách vì giá thuê cao.
Bên cạnh đó, việc người dân thay đổi hành vi mua sắm, khách thuê không còn mặn mà với dòng sản phẩm này.
Theo khảo sát thực tế của phóng viên, hoạt động kinh doanh đối với dòng sản phẩm shophouse tại các khu đô thị mới hay dự án tổ hợp thương mại, nhà ở trên địa bàn Hà Nội thời gian gần đây tương đối trầm lắng. Không khó để bắt gặp hàng loạt những dãy shophouse treo biển cho thuê nhiều tháng nhưng không có khách thuê.
Có thể kể đến như tại Khu đô thị Geleximco Lê Trọng Tấn (Hà Đông), dự án Làng Việt kiều châu Âu - Euroland (Hà Đông), dự án The Eden Rose (Thanh Trì), dự án Sunshine Riverside (Tây Hồ) hay dự án Hope Residences (Long Biên)... với mức giá chào thuê dao động từ 20 - 65 triệu đồng/tháng/căn tùy vào vị trí.
Tương tự Hà Nội, tại các đô thị lớn việc kinh doanh mặt bằng shophouse cũng không mấy khả quan. Theo số liệu báo cáo thị trường từ Hội Môi giới bất động sản (BĐS Việt Nam, tại TP.HCM, trái ngược với không khí náo nhiệt, đông đúc ở những trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, là sự đìu hiu của shophouse. Nằm trên đường Nguyễn Hữu Thọ sầm uất, khu shophouse của dự án Sunrise City hầu như vắng bóng người thuê, vì khó khăn trong việc gửi xe khách hàng.
Hay khu vực Thủ Thiêm, các căn shophouse dọc theo trục đường Nguyễn Cơ Thạch đang rao giá thuê từ 120-140 triệu đồng/tháng, bằng một nửa với giá trước dịch Covid-19 nhưng vẫn không có khách hỏi thuê. Trong khu vực Cát Lái, tình hình cũng tương tự khi mỗi căn shophouse chào giá chỉ 15-20 triệu đồng/tháng nhưng vắng khách...
Còn tại Đà Nẵng, tình cảnh bi đát hơn khi một số khu shophouse có giá hàng chục tỷ đồng/căn nhưng đang bị bỏ hoang như dự án trên trục đường Hoàng Thị Lan - Nguyễn Sinh Sắc (quận Liên Chiểu); dự án Hala Jade (quận Hải Châu), ngay bên cạnh Lotte Mart - trung tâm mua sắm lớn nhất nhì Đà Nẵng dù ở vị trí đắc địa bậc nhất khu vực trung tâm Đà Nẵng với nhiều tiện ích xung quanh nhưng rất vắng vẻ.
TP.HCM sẽ đấu giá lại 4 lô đất tại Thủ Thiêm bị bỏ cọc
Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM cho biết các sở, ngành Thành phố đang nghiên cứu để tiếp tục tái đấu giá đất với 4 lô đất tại Thủ Thiêm bị bỏ cọc.
Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM cho biết, hiện nay các sở, ngành của TP.HCM đang báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố để phê duyệt kế hoạch, sau đó sẽ công khai tiến độ và đưa ra đấu giá lại các lô đất tại Thủ Thiêm.
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, sau đợt đấu giá đất Thủ Thiêm, TP.HCM đã chỉ đạo rà soát để xây dựng một kế hoạch, có phương án cụ thể và lộ trình đấu giá cũng như kiểm tra trình tự, thủ tục một cách chặt chẽ. Điều này nhằm đảm bảo các doanh nghiệp trúng đấu giá sẽ đưa các khu đất trúng đấu giá vào sử dụng đúng theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Trước đó, vào ngày 10/12/2021, TP.HCM đã tổ chức đấu giá thành công 4 lô đất Thủ Thiêm với số tiền đấu giá hơn 37.000 tỉ đồng, trong đó lô 3.12 mỗi mét vuông trúng đấu giá đạt kỷ lục 2,4 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau khi đấu giá, cả 4 doanh nghiệp trúng đấu giá đều bỏ cọc. Hiện các lô đất chưa có chủ mới và TP.HCM đang nghiên cứu để tiếp tục tái đấu giá.
Mới đây, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.HCM Phan Văn Mãi cũng cho biết sau thời điểm 2 doanh nghiệp đấu giá đất Thủ Thiêm quá hạn 180 ngày, địa phương đã giao các sở ngành chuyên môn tham mưu về việc hủy kết quả trúng đấu giá.
Theo đó, Cục Thuế TP.HCM đã có Công văn số 8076/CTTPHCM-QLĐ kiến nghị UBND thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Tư pháp; Sở Tài chính; Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản và Trung tâm phát triển quỹ đất về việc Công ty cổ phần Dream Republic, Công ty cổ phần Sheen Mega không nộp đủ tiền vào ngân sách Nhà nước theo quy định tại hợp đồng mua bán tài sản đấu giá.
Dự chi hơn 3.000 tỷ đồng GPMB dự án vành đai 4 qua huyện Mê Linh
Diện tích đất tái định cư cần quy hoạch cho dự án vành đai 4 qua huyện Mê Linh là 17,5 ha, trong đó xã Văn Khê 7,5 ha tại thôn Khê Ngoại, xã Đại Thịnh 6,5 tại thôn Nội Đồng và xã Kim Hoa 3,5 ha tại thôn Kim Tiền.
Đường vành đai 4 vùng Thủ đô dài 112,8 km, trong đó đoạn đi qua Hà Nội dài 58,2 km. Hồ sơ chỉ giới đường đỏ tuyến vành đai 4 trên địa bàn TP Hà Nội được chia làm 4 đoạn.
Cụ thể, đoạn 1 từ cầu Hồng Hà đến quốc lộ 18 (dài khoảng 11 km); đoạn 2 từ cầu Hồng Hà đến quốc lộ 32 (khoảng 9,6 km); đoạn 3 từ quốc lộ 32 đến quốc lộ 6 (khoảng 17,77 km); đoạn 4 từ quốc lộ 6 đến cầu Mễ Sở có tổng chiều dài khoảng 19,5 km.
Vừa qua, các đơn vị thuộc UBND TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị công bố chỉ giới đường đỏ tuyến đường vành đai 4, đoạn từ cầu Hồng Hà đến quốc lộ 18, tỷ lệ 1/500, tại các huyện Mê Linh và Sóc Sơn.
Tuyến đường có bề rộng mặt cắt ngang 120 m bao gồm thành phần đường cao tốc ở giữa 6 làn xe, đường song hành (đường đô thị) hai bên và các hành lang để bố trí cây xanh, các công trình hạ tầng kỹ thuật và dự trữ cho tuyến đường sắt quốc gia vành đai.
Dọc theo đoạn tuyến đường vành đai 4 từ cầu Hồng Hà đến quốc lộ 18 có 5 nút giao khác mức, bao gồm hai nút giao liên thông với quốc lộ 18 (cao tốc Hà Nội - Lào Cai), đường trục trung tâm đô thị Mê Linh và ba nút giao trực thông với các tuyến đường liên khu vực rộng 48 m Tiền Phong - Tự Lập, đường chính đô thị rộng 68 m phía nam tuyến đường sắt quốc gia Hà Nội - Lào Cai hiện có và quốc lộ 2.
Các nút giao liên thông với quốc lộ 18 và trục trung tâm đô thị Mê Linh sẽ được triển khai đầu tư xây dựng ngay cùng với đường vành đai 4 (các nút giao còn lại sẽ triển khai thực hiện theo dự án riêng), được xác định chính thức chỉ giới đường đỏ tại hồ sơ này.
Theo đại diện Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội, chỉ giới đường đỏ tuyến đường vành đai 4 được xác định trên cơ sở tim đường quy hoạch, mặt cắt ngang đường, các thông số kỹ thuật, kích thước, kết hợp với nội suy và các điều kiện khống chế cụ thể được xác định chi tiết trên bản vẽ.
Huyền Diệu