Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 5/8
Ngỡ ngàng với mức lãi khi bán chung cư cũ; Chuyên gia dự báo gì về bất động sản 2023?; Quy hoạch của TP.HCM đã lạc hậu… là tin BĐS nổi bật trong ngày hôm nay.
Ngỡ ngàng với mức lãi khi bán chung cư cũ
Nguồn cung nhà ở khan hiếm, khiến giá liên tục tăng phi mã. Thậm chí, những người sở hữu căn hộ cũ cũng ngỡ ngàng lãi lớn, bởi trước kia đa phần chung cư bán lại chủ nhà đều phải chịu lỗ.
Trong nhiều năm trở lại đây, nguồn cung nhà ở dần trở nên khan hiếm và lao dốc theo từng năm. Nguồn cung thiếu trầm trọng kéo theo giá căn hộ liên tục tăng cao không chỉ ở phân khúc sơ cấp, ngay cả chung cư cũ cũng tăng giá mạnh, nhiều người còn ngỡ ngàng vì lãi lớn.
Sau 1 tháng bán lại căn hộ chung cư cũ, chị Phương (Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn chưa hết ngỡ ngàng vì lãi đến vài trăm triệu so với cách đây 5 năm mua. Theo chị Phương, năm 2017, gia đình chị mua căn hộ chung cư có diện tích 75 m2 tại Cầu Giấy với mức giá khoảng 29 triệu đồng/m2, tương đương 2,2 tỷ đồng. Sau đó, gia đình chị chi thêm khoảng 100 triệu đồng để làm nội thất, tổng 2,3 tỷ đồng.
“Lúc đó chỉ nghĩ mua để ở, cũng không nghĩ gì tới lời lãi cả. Mấy năm nay làm ăn cũng ổn nên vợ chồng tôi đã mua nhà thổ cư để ở và có nhiều không gian sử dụng hơn. Vì bỏ không thì phí nên gia đình tôi mới rao bán nhưng bất ngờ là lãi lớn”, chị Phương vui vẻ nói.
Người phụ nữ này cho biết, tháng 7 vừa qua, chị đã sang nhượng căn hộ cho người khác với giá gần 2,6 tỷ đồng, lãi 300 triệu đồng so với lúc mua (đã trừ chi phí làm nội thất).
“Nhiều người cứ nói nhà chung cư chỉ giải quyết được nhu cầu chỗ ở, nhưng bây giờ mới thấy mức lãi cũng không hề nhỏ. Trong khi căn hộ này tôi đã sử dụng được 5 năm rồi. Trước đó, một số người bạn tôi bán chung cư để mua nhà đất đa phần đều phải chịu lỗ”, chị Phương nói.
Anh Nguyễn Trường (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng chia sẻ, mới đây, gia đình anh cũng lãi sau khi bán căn hộ chung cư của mình. Căn hộ được anh Trường mua năm 2017 với giá khoảng 1,8 tỷ đồng, có diện tích 78 m2, tương đương khoảng 23 triệu đồng/m2 và được sử dụng tới gần đây thì đã sang nhượng cho người khác.
“Lúc bán tôi cũng không nghĩ sẽ có lãi, căn hộ này trước kia tôi cũng mua lại từ người khác họ sử dụng được khoảng 1 năm thì bán. Tôi gọi môi giới đến nhờ họ định giá tôi cũng giật mình vì vượt kỳ vọng của gia đình”, anh Trường nói.
Chuyên gia dự báo gì về bất động sản 2023?
Theo các chuyên gia, sang đến năm 2023, thị trường bất động sản sẽ phục hồi cục bộ, xuất hiện đầu tư lướt sóng ở một số khu vực, các nhà đầu tư trung hạn bắt đầu giải ngân.
Mới chỉ cuối năm 2021, thị trường bất động sản ở các địa phương vẫn liên tục lên cơn sốt đất như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hòa Bình, vùng ven Hà Nội… Thậm chí nhà đầu tư trao tay nhau chỉ trong thời gian ngắn cũng lãi vài trăm triệu đồng.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, không còn diễn ra những cảnh nhà đầu tư xếp ô tô hàng dài để xem, mua đất nữa, thay vào đó là không khí trầm lắng bao trùm thị trường. Mặc dù bây giờ vẫn chưa xảy ra tình trạng bán tháo, nhưng hiện tượng lệch pha cung - cầu đã có, người mua ít nhưng người bán nhiều.
ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận R&D của DKRA Việt Nam cho hay, tính thanh khoản trên thị trường thứ cấp bất động sản giảm rõ từ năm 2020, và đang bao trùm rộng hơn từ đầu 2022. Tuy nhiên, thị trường vẫn có giao dịch chứ không hoàn toàn đóng băng.
Theo ông Hoàng, thị trường bất động sản đang có dấu hiệu "xì hơi" rõ nét. Trước khi nói đến câu chuyện, liệu thị trường đang chậm lại để bước vào chu kỳ tăng trưởng mới (bao gồm cả sốt đất trở lại) thì phải nhìn vào thực tế thị trường.
Cụ thể, hiện nay dù thanh khoản chậm, nhưng giá bất động sản vẫn tăng cao so với thu nhập của người dân. Bên cạnh đó, nguồn cung mới trong thời gian qua dù có thời điểm được cải thiện nhưng cơ bản vẫn rất thấp, thấp hơn nhiều so với 2019 trở về trước.
Quy hoạch của TP.HCM đã lạc hậu
Quy hoạch của TP.HCM làm cách đây hơn 10 năm giờ đây đã bộc lộ nhiều bất cập, lạc hậu so với thực tế. Đó là thông tin được ông Nguyễn Thanh Nhã - Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến Trúc TP.HCM nêu lên tại Phiên họp UBND TP.HCM về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7, 7 tháng đầu năm 2022 và nhiệm vụ, giải pháp tháng 8 năm 2022 ngày 4/8.
Quy hoạch chung của TP.HCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2010. Trên cơ sở này, thành phố đã quy hoạch 1/2.000 từ năm 2012-2013 để làm cơ sở pháp lý thực hiện công tác đầu tư, kêu gọi đầu tư, thu hồi đất… Song, so với 10 năm trước, quy hoạch này đã thể hiện rõ nhiều bất cập, lạc hậu.
Ông Nguyễn Thanh Nhã cho biết, những bất cập đã được chỉ rõ qua phản ánh của người dân và doanh nghiệp… Đó là bất cập về chức năng sử dụng đất đối với các khu vực trường học, bệnh viện, công viên, hệ thống giao thông và thành phố không thể xây nhà cao tầng trên tuyến đường nhỏ. Do đó, các địa phương cần rà soát lại quy hoạch, để tăng thêm đường sá, công viên, không gian công cộng…
Ông Nguyễn Thanh Nhã cho biết, những bất cập đã được chỉ rõ qua phản ánh của người dân và doanh nghiệp… Đó là bất cập về chức năng sử dụng đất đối với các khu vực trường học, bệnh viện, công viên, hệ thống giao thông và thành phố không thể xây nhà cao tầng trên tuyến đường nhỏ. Do đó, các địa phương cần rà soát lại quy hoạch, để tăng thêm đường sá, công viên, không gian công cộng…
Nợ xấu bất động sản tăng cao
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu lĩnh vực bất động sản lên đến 36,4 nghìn tỷ đồng, tăng 5% so với 31/12/2021. Điều này cảnh báo nhiều nguy cơ rủi ro có tác động tiêu cực đến thị trường.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tín dụng đến ngày 30/6/2022 tăng 9,35% so với cuối năm trước (tăng 16,69% so với cùng kỳ năm 2021). Đây là mức tăng 6 tháng đầu năm cao nhất trong vòng 10 năm qua, trong đó, số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tăng 3,21% so với cuối năm 2021 và chiếm 2,49% tổng dư nợ tín dụng (cùng kỳ 2021 giảm 4,67%, chiếm 2,27%).
Về tín dụng lĩnh vực bất động sản đến tháng 6/2022 đã đạt trên 2,36 triệu tỷ đồng, tăng 14,07% so với cuối năm 2021, chiếm 20,74% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống (cùng kỳ năm 2021 tăng 8,2%, chiếm 19,9%).
Trong đó, tín dụng đối với bất động sản kinh doanh tăng 8,19%, chiếm 33% dư nợ tín dụng; Tín dụng bất động sản phục vụ mục đích tự sử dụng tăng 17,2%, chiếm 67% dư nợ tín dụng lĩnh vực này.
Nợ xấu lĩnh vực bất động sản có nhiều biến động, lên tới 36,4 nghìn tỷ đồng, tăng 5% so với 31/12/2021, tỷ lệ nợ xấu là 1,54% (năm 2021 là 1,67%).
Theo Ngân hàng Nhà nước, thời gian qua, một số tổ chức tín dụng phản ánh hết “room” tín dụng là do các tổ chức tín dụng tăng tín dụng quá nhanh trong 6 tháng đầu năm. Việc từ chối cho vay đối với khách hàng không hẳn là do hết “room” mà còn có thể do phải đảm bảo các tỷ lệ an toàn, hoặc một số ngân hàng xếp hạng thấp không được tăng trưởng tín dụng cao...
Với bản chất hoạt động ngân hàng chủ yếu tập trung cho vay ngắn hạn, cho vay bổ sung vốn lưu động thì thường xuyên có nguồn thu nợ, cho vay. Tuy nhiên, một số tổ chức tín dụng chủ yếu cho vay trung dài hạn, tập trung vào lĩnh vực bất động sản thì thời gian quay vòng vốn chậm, không thu hồi được nợ nhanh, nên dẫn đến hết dư địa tăng trưởng tín dụng.
Bùi Hằng