Thứ năm, 25/04/2024 04:32 (GMT+7)
Thứ tư, 03/08/2022 17:55 (GMT+7)

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 3/8

Theo dõi KTMT trên

Thêm diễn biến "nóng" vụ trúng đấu giá đất Thủ Thiêm; Tháo gỡ khó khăn, giải phóng nguồn lực đất đai để phát triển; Hà Nội xây 5 khu nhà ở xã hội tập trung quy mô 280 ha… là tin BĐS nổi bật trong ngày hôm nay.

Tháo gỡ khó khăn, giải phóng nguồn lực đất đai để phát triển

Chủ trương, chính sách, pháp luật về đất đai đặc biệt quan trọng đối với sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước. Vì vậy, cấp thiết phải sớm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về đất đai để phát huy nguồn lực tài nguyên đặc biệt này cho phát triển kinh tế - xã hội.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 3/8 - Ảnh 1
Sớm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về đất đai sẽ giúp phát huy được nguồn lực đất đai, tránh để hoang hóa, lãng phí. (Ảnh minh họa: Internet).

Trước sự phát triển nhanh chóng của đời sống kinh tế - xã hội kèm theo sự gia tăng nhu cầu sử dụng đất, trong điều kiện quỹ đất có hạn, đất đai ngày càng khan hiếm và có giá trị, đòi hỏi Nhà nước phải tăng cường quản lý chặt chẽ để sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả cao.

Đầu năm 2018, để xử lý trình trạng lãng phí đất đai, chậm đưa đất vào sử dụng, Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 01/CT- TTg ngày 03/01/2018, yêu cầu các địa phương tập trung chỉ đạo xử lý các dự án đã được giao đất, cho thuê đất không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng; các dự án chậm giải phóng mặt bằng. Bộ này cũng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương rà soát, xử lý, công khai vi phạm trên Cổng thông tin điện tử và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Các địa phương đã tích cực tổ chức kiểm tra, rà soát, xử lý các dự án chậm.

Theo Bộ TN&MT, đến nay qua kết quả rà soát, tổng hợp báo cáo của các địa phương, cả nước có 916 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng, với diện tích là 27.968 ha. Trong đó: Dự án đã thu hồi đất và đã chấm dứt hoạt động là 172/916 dự án (với diện tích 6.922 ha); 219/916 dự án đã xử lý gia hạn sử dụng đất (với diện tích 1.566ha). Hiện nay, đang xử lý 113/916 dự án (diện tích 1.211 ha) và chưa xử lý 412/916 dự án (với diện tích 18.269 ha).

Thêm diễn biến "nóng" vụ trúng đấu giá đất Thủ Thiêm

Cục Thuế TP.HCM đang chờ UBND TP.HCM hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá đất Thủ Thiêm để thu hồi thông báo tiền sử dụng đất, lệ phí trước bạ với các khu đất trên.

Liên quan đến vụ đấu giá đất Thủ Thiêm (TP.HCM), Bộ Tài chính vừa có thông tin báo chí cập nhật tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế của 2 doanh nghiệp trúng đấu giá và hướng xử lý của cơ quan thuế trong trường hợp 2 doanh nghiệp này chưa nộp tiền vào ngân sách Nhà nước.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 3/8 - Ảnh 2
Toàn cảnh 4 lô đất được đấu giá tại Thủ Thiêm. (Ảnh: Hải Long).

Cụ thể, Bộ Tài chính cho biết ngày 7/7, Cục Thuế TP.HCM đã có công văn gửi UBND TP, các Sở Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Tài chính, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản và Trung tâm phát triển quỹ đất về việc Công ty cổ phần Dream Republic, Công ty cổ phần Sheen Mega không nộp đủ tiền vào ngân sách Nhà nước theo quy định tại hợp đồng mua bán tài sản đấu giá.

Theo đó, khi có quyết định thu hồi quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá, Cục Thuế TP.HCM sẽ thu hồi thông báo tiền sử dụng đất, thông báo lệ phí trước bạ đối với các khu đất nêu trên.

Đối với 20% số tiền do các công ty đặt cọc đã được Trung tâm Phát triển quỹ đất chuyển vào tài khoản của Chi cục Thuế TP Thủ Đức ngày 11/1 và số tiền Cục Thuế thu được do trích từ tài khoản ngân hàng khi thực hiện cưỡng chế theo Luật Quản lý thuế đối với nợ quá hạn 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp, Cục Thuế TP.HCM kiến nghị Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường có ý kiến báo cáo UBND TP.HCM để xử lý, chỉ đạo Cục Thuế thực hiện.

Đến nay, Cục Thuế TP.HCM đang chờ quyết định hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất của UBND TP.HCM để thu hồi thông báo tiền sử dụng đất, thông báo lệ phí trước bạ và ý kiến chỉ đạo với khoản 20% tiền đặt cọc và số tiền Cục Thuế thu được do cưỡng chế đối với khoản nợ quá hạn 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp.

Hà Nội xây 5 khu nhà ở xã hội tập trung quy mô 280 ha

4 huyện ngoại thành là Đông Anh, Thanh Trì, Thường Tín và Gia Lâm được TP Hà Nội bố trí xây 5 xây khu nhà ở xã hội tập trung quy mô 280 ha.

Thông tin tại hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp do Chính phủ tổ chức mới đây, ông Dương Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội - cho biết, thành phố (TP) đang triển khai 5 khu nhà ở xã hội tập trung hiện đại với quy mô khoảng 280 ha.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 3/8 - Ảnh 3
Một dự án nhà ở xã hội tại huyện Quốc Oai. (Ảnh: Hà Phong).

Cụ thể, Hà Nội đã bố trí ở khu vực Đông Anh khoảng 84ha và 100ha, khu vực Thanh Trì, Thường Tín quy mô cũng là 4 ha và một khu vực huyện Gia Lâm quy mô 55 ha. Dự kiến thời gian tới, các dự án sẽ hoàn thành bảo đảm quy mô, công suất khoảng 2,3 triệu m2 sàn, tương đương 38.000 căn hộ.

Cũng theo ông Tuấn, giai đoạn 2016-2020, TP Hà Nội đã hoàn thành 25 dự án với khoảng 1,25 triệu m2 sàn và 52 dự án đang triển khai với khoảng 4,14 triệu m2 sàn.

TP cũng đang tập trung chỉ đạo hoàn thành 19 dự án với khoảng 1,2 triệu m2 sàn giai đoạn 2021-2025; tiếp tục triển khai 38 dự án còn lại dự kiến hoàn thành giai đoạn sau năm 2025. Tổng thể, Hà Nội đã triển khai 52 dự án, cộng 5 khu nhà ở xã hội tập trung là 57 dự án trên toàn địa bàn.

Ngoài ra, theo Phó Chủ tịch TP Hà Nội Dương Văn Tuấn, thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục nghiên cứu 3-5 địa điểm để phát triển khu nhà ở xã hội độc lập, tập trung để thực hiện nhu cầu nhà ở xã hội nói chung và nhu cầu nhà ở cho công nhân, người lao động tại các khu vực công nghiệp khác trên địa bàn.

Về định hướng phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030, tổng nhu cầu sàn nhà ở xã hội đến 2030 trên địa bàn thành phố là khoảng 6,8 triệu m2 sàn nhà ở, tương đương 113.000 căn hộ và vốn xây dựng nhà ở xã hội khoảng 12.500 tỷ đồng.

Chung cư cũ đang ghi nhận hiện tượng tăng giá mạnh

Thị phần chung cư cũ đang ghi nhận hiện tượng tăng giá mạnh. Hiện tượng này xảy ra chủ yếu đối với dự án đã bàn giao từ hơn 10 năm đến 5 năm trở lại đây. Song nhiều người lo ngại về chất lượng của công trình cũng như thời hạn sử dụng khi dự thảo về quy định mới niên hạn chung cư dự kiến chỉ 50-70 năm?

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 3/8 - Ảnh 4
Ảnh minh họa.

Các tổ chức nghiên cứu thị trường địa ốc mới đây đều đưa ra loạt dữ liệu liên quan tới sự khan hiếm nguồn cung bất động sản. Báo cáo đánh giá thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm 2022 của Viện Kinh tế Xây dựng (Bộ Xây dựng) ghi nhận, nguồn cung mới của tất cả các phân khúc trong 6 tháng đầu năm đều hạn chế, giá bán bất động sản tiếp tục tăng mạnh từ đất nền đến căn hộ, biệt thự...

Báo cáo nghiên cứu thị trường bất động sản nhà ở 6 tháng đầu năm 2022 của Viện nghiên cứu kinh tế - tài chính - bất động sản Datxanh Services cho thấy, nguồn cung căn hộ tại Hà Nội vẫn duy trì tình trạng khan hiếm. Trong quý II/2022, thành phố ghi nhận khoảng 3.400 sản phẩm mới được bổ sung vào thị trường, giảm 28% theo quý. Nguồn cung sơ cấp cũng giảm 43% so với cùng kỳ năm trước, với 7.700 sản phẩm.

Thực tế giá dự án căn hộ chung cư mới đều ghi nhận ở ngưỡng cao. Một số tòa chung cư tại Nam Từ Liêm, dọc trục đại lộ Thăng Long đang được chào bán với mức giá 45-60 triệu đồng/m2. Trong khi đó, dự án Hoàng Thành Pearl (thuộc khu vực Mỹ Đình) đang xây dựng và chào ra mức giá trung bình 55 triệu đồng/m2.

Với mức giá cao, để sở hữu căn hộ chung cư mới, người mua phải bỏ ra khoảng 2-3 tỷ đồng cho căn hộ diện tích 55-70 m2. Trong khi đó, muốn sở hữu căn 3 phòng ngủ, người mua chi khoảng 3,5-4,5 tỷ đồng.

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 3/8. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Giá nhà tăng liên tiếp 19 quý, mua nhà rẻ chỉ có trên tivi
Thời gian qua, thị trường bất động sản đang bị đẩy giá lên cao ở hầu hết các phần khúc. Nếu tình trạng này vẫn diễn ra thì nhu cầu mua nhà ở thực của người dân sẽ không được đáp ứng mà chỉ là cơ hội cho hiện tượng đầu cơ.

Tin mới