Thứ sáu, 26/04/2024 16:07 (GMT+7)
Thứ sáu, 29/07/2022 18:00 (GMT+7)

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 29/7

Theo dõi KTMT trên

Khan hiếm nguồn cung, giá chào bán biệt thự du lịch ở Đà Nẵng dự kiến ở mức cao; Nhà đầu tư đang có tâm lý dè chừng, chờ giá bất động sản giảm; Doanh nghiệp địa ốc xoay xở ra sao khi khó tiếp cận vốn vay?… là tin BĐS nổi bật trong ngày hôm nay.

Khan hiếm nguồn cung, giá chào bán biệt thự du lịch ở Đà Nẵng dự kiến ở mức cao

Tại báo cáo về tình hình thị trường bất động sản tại Đà Nẵng, CBRE Việt Nam nhận định thị trường bất động sản Đà Nẵng chứng kiến sự suy giảm nặng nề do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng bị ngưng trệ khi hoạt động du lịch "đóng băng".

Kể từ giai đoạn mở cửa đầu năm 2022 đến nay, Đà Nẵng dần lấy lại đà phát triển khi chú trọng hơđô thị thông minh với kỳ vọng đưa thành phố vào bản đồ đô thị sống và nghỉ dưỡng đẳng cấp.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 29/7 - Ảnh 1
Các dự án tương lai đều là dự án có thương hiệu cao cấp và dự kiến được chào bán ở mức khá cao.

Tuy nhiên, nguồn cung mới của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng bán còn khá khan hiếm. Trong nửa đầu năm nay, chỉ có thêm một dự án căn hộ du lịch (condotel) mới được ghi nhận. Tổng nguồn cung condotel tại Đà Nẵng là 7.384 căn hộ (16 dự án) và tổng nguồn cung biệt thự du lịch bán là 2.533 căn (13 dự án).

Trong vòng 3 năm trở lại đây, thị trường condotel vẫn có thêm một số dự án mới mở bán. Giá bán trung bình hiện đạt 2.431 USD/m2. Tỷ lệ bán hàng lũy kế tính đến 6 tháng đầu năm 2022 được ghi nhận ở mức gần 85%.

Từ tháng 8/2021, Đà Nẵng đã chính thức ngừng cấp phép cho các dự án condotel mới nhằm giải quyết tình trạng mất cân đối cung – cầu sau thời gian dài tăng trưởng nóng. Như vậy, số lượng dự án condotel mở bán trong tương lai dự kiến khá ít và nguồn cung mới chủ yếu đến từ các dự án đã được cấp phép từ trước hoặc những giai đoạn mở bán tiếp theo. Đà Nẵng sẽ có thêm khoảng 1.800 căn condotel trong giai đoạn 2022-2024.

Nhà đầu tư đang có tâm lý dè chừng, chờ giá bất động sản giảm

Thị trường bất động sản đang đối mặt với nhiều khó khăn, theo đó nghịch lý đã xuất hiện người bán nhiều nhưng vắng người mua. Đa phần hiện nay những người cầm tiền mặt đang có tâm lý dè chừng hoặc đợi giá giảm sâu hơn.

Trong thời gian 2 tháng trở lại đây, một văn phòng bất động sản tại Bắc giang tiết lộ, đã có khoảng 40 người gọi tới nhờ rao bán hộ đất nền. Lý do mà họ đưa ra đa phần là: “Bán gấp, cần tiền để đầu tư mảng khác”.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 29/7 - Ảnh 2
Ảnh minh họa

Chủ văn phòng môi giới này chia sẻ, người nhờ bán thì nhiều. Họ thậm chí trả hoa hồng mạnh tay vài chục triệu, có thể đến trăm triệu. Cùng đó là mức cắt lỗ 10-15% so với thời điểm sốt đất. Tuy nhiên, thời gian qua thị trường trong khu vực cũng chững lại nên người bán nhiều nhưng người mua rất ít.

“Tôi đã cho tất cả anh em đăng tải liên tục trên các hội nhóm bất động sản, diễn đàn về nhà đất, chạy quảng cáo, thậm chí là gọi điện chào mời lại khách cũ nhưng mọi người đều nói thời điểm này chưa muốn xuống tiền. Người nhờ bán thì nhiều nhưng người mua vắng”, vị này nói.

Theo anh Thanh Tùng, chủ phòng giao dịch bất động sản tại Hà Nội, diễn biến người bán nhiều hơn người mua không chỉ diễn ra ở khu vực vùng ven Hà Nội mà tại nhiều tỉnh thành, tình trạng này khá phổ biến, nhất là trong khoảng 2 tháng trở lại đây.

Anh Tùng cho biết, có 3 lý do khiến tình trạng này xuất hiện. Đầu tiên, người bán đang nhu cầu đẩy hàng đi vì không có khả năng cầm cự do nợ tiền ngân hàng lâu. Ngoài ra, họ lo ngại thị trường còn chững và đóng băng. Thứ hai, về phía người mua, họ cũng tâm lý dè dặt, xem chừng, cẩn trọng chờ diễn biến của thị trường. Hoặc, có người đang chờ thị trường xuất hiện sản phẩm giảm sâu hơn nữa để vào tiền.  Anh Tùng nhận định, hiện tượng nhiều người bán, ít người mua sẽ còn kéo dài trong thời gian tới.

Doanh nghiệp địa ốc xoay xở ra sao khi khó tiếp cận vốn vay?

Lãnh đạo doanh nghiệp địa ốc cho hay, hiện nay các công ty không đặt hai chân vào tín dụng như ngân hàng, mà dịch chuyển sang nguồn vốn từ huy động trái phiếu.

Kể từ tháng 3/2022, chính sách “siết tín dụng bất động sản” đã được đồng loạt thực hiện nhằm hạ nhiệt những nơi sốt đất vốn được đẩy lên bằng dòng tiền đầu cơ.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 29/7 - Ảnh 3
Ảnh minh họa

Mặc dù gặp khó nhưng các chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp vẫn cho rằng chủ trương siết tín dụng là đúng. Tại buổi talkshow mới diễn ra gần đây, ông Phùng Quang Hải, Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Khải Hoàn Land khẳng định: “Chính phủ không siết bất động sản bất hợp lý. Rõ ràng, Nhà nước muốn dòng tiền vào bất động sản phải đúng, phải trúng”.

Đối với dự án có dấu hiệu thổi giá, có động thái sốt ảo, đơn cử như lân cận TP.HCM, vị trí không đắc địa, tiềm năng nhưng được thổi giá, nên đã ảnh hưởng đến việc tiếp cận nguồn vốn triển khai.

Ông Hải nhìn lại, năm 2016-2019 là giai đoạn phát triển kinh tế cao, nhưng từ 2019-2021 là giai đoạn khá dài do mặt bằng lãi suất thấp, đâu đó 5 - 6%, dòng tiền cư dân đổ vào tín dụng bất động sản mạnh mẽ, điều này là hợp lý.

Nhưng hiện nay, tình hình thay đổi, đặc biệt trong thời gian sắp tới sẽ có nhiều biến cố mới, các nhà phát triển bất động sản cần phải có góc nhìn thấu đáo và biết mình đang ở đâu, giữ đôi chân trên mặt đất để thích ứng với tình hình mới trong hoàn cảnh hiện tại.

Giá chung cư mới liên tục lập đỉnh, người dân TP.HCM tìm mua căn hộ cũ

Trong bối cảnh nguồn cung dự án chung cư mới khan hiếm và giá bán không ngừng tăng, để hiện thực hoá giấc mơ an cư, không ít người dân TP.HCM tìm đến phân khúc căn hộ cũ.

Sau hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, có thể nói tâm lý mua nhà của không ít người dân TP.HCM đã thay đổi. Thay vì cố tranh suất mua tại các dự án chung cư mới như trước đây, hiện nhiều người đã có xu hướng chọn mua căn hộ tại các chung cư cũ để hiện thực hoá giấc mơ an cư.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 29/7 - Ảnh 4
Người dân TP.HCM đang có xu hướng tìm mua chung cư cũ.

Thu nhập hàng tháng khoảng 12 triệu đồng, vợ chồng ông N.G.N (ngụ TP.Thủ Đức) vẫn đang chật vật tìm mua một căn hộ. Năm ngoái, khi tham khảo một chung cư tầm trung mới xây trên địa bàn TP.Thủ Đức, ông N. được biết giá bán đã 40 triệu đồng/m2. Một căn hộ chỉ 67m2 đã xấp xỉ 2,7 tỷ đồng, mức giá này vượt quá khả năng chi trả của gia đình ông.

Theo ông N, 2 năm qua, giá chung cư mới tại TP.Thủ Đức nói riêng và TP.HCM nói chung liên tục tăng cao. Thậm chí, giá chung cư mới ở Bình Dương, nhất là những khu vực giáp ranh TP.Thủ Đức, cũng đã vượt mức 40 triệu đồng/m2.

Với mức thu nhập trung bình như gia đình ông N, có thể nói để mua được căn hộ chung cư mới trên địa bàn TP.Thủ Đức vào thời điểm này thật không dễ. Phương án mua căn hộ chung cư cũ cũng đã được ông N. tính đến.

“Tầm 2 tỷ đồng, tôi có thể mua căn hộ 70m2 ở một chung cư cũ tại P.Linh Tây, TP.Thủ Đức. Chung cư này tuy cũ nhưng đã có sổ hồng. Vì khả năng tài chính có hạn nên tôi thấy đây là lựa chọn phù hợp trong thời buổi giá nhà leo thang như hiện nay”, ông N. nói.

Chấm dứt 5 năm ở trọ, vợ chồng ông P.V.T vừa ký hợp đồng mua một căn hộ 72m2 tại một chung cư cũ nằm trên trục đường Phạm Văn Đồng, TP.Thủ Đức với giá 2,1 tỷ đồng.

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 29/7. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Giá nhà tăng liên tiếp 19 quý, mua nhà rẻ chỉ có trên tivi
Thời gian qua, thị trường bất động sản đang bị đẩy giá lên cao ở hầu hết các phần khúc. Nếu tình trạng này vẫn diễn ra thì nhu cầu mua nhà ở thực của người dân sẽ không được đáp ứng mà chỉ là cơ hội cho hiện tượng đầu cơ.

Tin mới