Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 8/11
TP.HCM: 413.000 hồ sơ mua bán, thế chấp nhà đất được xử lý trong 10 tháng; Doanh nghiệp bất động sản giảm nhân sự, có "ông lớn" phải cắt hơn 50%; Chủ tịch HoREA: Bất động sản nguy cơ suy thoái... là tin BĐS nổi bật trong ngày hôm nay.
Doanh nghiệp bất động sản giảm nhân sự, có "ông lớn" phải cắt hơn 50%
Trong một văn bản vừa được gửi Thủ tướng, lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) đã đề cập tới hàng loạt những khó khăn mà doanh nghiệp địa ốc phải đối mặt.
Một vấn đề đáng lưu ý được HoREA đề cập là chuyện cắt giảm nhân sự trong thời kỳ khó khăn của doanh nghiệp. Theo đơn vị này, có tập đoàn phải giảm đến 50% lực lượng lao động. Ngoài ra, không ít tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản phải thu hẹp quy mô đầu tư kinh doanh.
Trao đổi với báo chí, bà N.T.H - lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản lớn ở khu vực phía Nam tiết lộ, công ty đã lên kế hoạch điều chỉnh về nhân sự, thu nhập và nhiều kế hoạch đầu tư mở rộng phải tạm dừng lại. "Dù cố gắng xoay xở nhưng chúng tôi cũng khó lòng đứng ngoài khó khăn chung được. Việc cắt giảm nhân sự, thu nhập sẽ khó tránh, doanh nghiệp cần dự phòng nguồn lực", bà H chia sẻ.
Cũng theo bà, không chỉ dừng ở mức 50%, có doanh nghiệp còn phải "cắt" tới 70% số nhân sự. Việc lên kế hoạch giữ chân hay buộc lòng phải sa thải nhân viên sẽ tùy thuộc tình hình mỗi doanh nghiệp. "Thực tế sau 2 năm Covid-19, sức khỏe doanh nghiệp khá yếu ớt, khả năng chống chịu thấp", bà H nhận xét.
Trả lời báo chí mới đây về thông tin phải cắt giảm lượng lớn nhân sự, đại diện Novaland - một tập đoàn bất động sản lớn - cho biết đã quyết định tạm dừng nhân sự cho các dự án khi quyết định chuyển chiến lược phát triển sau này. Giải pháp này là tình thế để giải quyết những việc trước mắt, theo đại diện doanh nghiệp.
Chủ tịch HoREA: Bất động sản nguy cơ suy thoái
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng thị trường địa ốc hiện gặp rủi ro thanh khoản giảm sâu, có nguy cơ rơi vào đợt suy thoái.
Sáng 8/11, Văn phòng Chính phủ tổ chức cuộc họp về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản với sự tham dự của đại diện Bộ Xây dựng, HoREA và các doanh nghiệp địa ốc phía Nam.
Chia sẻ với báo chí bên lề cuộc họp, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho biết hiện nay thị trường bất động sản đang rất khó khăn và đứng trước khả năng rơi vào suy thoái. "Có không ít tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đang gặp rủi ro bị sụt giảm sâu thanh khoản, thậm chí có thể bị mất thanh khoản và phải thực hiện các biện pháp 'đau đớn' để tồn tại", ông Châu nói.
Theo ông, một số doanh nghiệp bất động sản đang thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh biểu hiện qua việc dừng, hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án, dừng triển khai các dự án mới, phát hành cổ phiếu tăng vốn và IPO. Điều này sẽ tác động đến sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế, trực tiếp làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, Chủ tịch HoREA cho biết nhiều doanh nghiệp bất động sản phải tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động (thậm chí có tập đoàn giảm đến 50% lực lượng lao động) tác động đến vấn đề an sinh xã hội, hoặc phải giảm lương, tác động đến cuộc sống người lao động.
Động thái của các nhà đầu tư “khôn ngoan” khi thị trường bất động sản nhiều biến động
Thị trường bất động sản nhiều khu vực đã có mức giá giảm sâu. Song, các nhà đầu nắm giữ tiền mặt thời điểm này, có xu hướng gửi tiền vào ngân hàng hưởng lãi suất và chờ đợi thị trường có mức giá hời hơn.
Sau thời gian thị trường bất động sản diễn biến sôi động, nửa năm trở lại đây, không khí u ám bao trùm toàn thị trường. Theo đó, lượng thanh khoản sụt giảm nhanh chóng, giá đất nền cũng có xu hướng đi xuống.
Bộ Xây dựng cho biết, giá giao dịch thứ cấp nhà ở riêng lẻ và đất nền trong Quý III có xu hướng giảm nhẹ, khoảng 2-3% so với quý trước. Một số khu vực có mức giá giao dịch giảm nhiều trong quý như: quận Hà Đông, huyện Thanh Trì, Hoài Đức (Hà Nội); quận 12, huyện Củ Chi (TP.HCM); huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu); quận Sơn Trà, Liên Chiểu (Đà Nẵng); TP.Biên Hòa, huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai).
Tuy nhiên, trước áp lực tài chính khi sử dụng đòn bẩy, thực tế, một bộ phận nhà đầu tư đã chấp nhận giảm giá khoảng 20-30% nhằm thoát hàng. Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa cho rằng, trước đây, thị trường bất động sản sôi động, nhiều nhà đầu tư lấy lợi nhuận có được để tiếp tục đầu tư các thương vụ khác. Bên cạnh đó, tình trạng nhà đầu tư đang bị mắc kẹt trong việc vay vốn đầu tư bất động sản khá phổ biến hiện nay.
Theo ông Quang, xu thế chung của thị trường là trầm lắng, càng khó khăn với bất động sản xa trung tâm hay sản phẩm hình thành trong tương lai. Ngay cả khi nhà đầu tư chấp nhận cắt lỗ, thanh khoản vẫn kém.
Ông Đỗ Quý Duy, người sáng lập câu lạc bộ Nhà đầu tư bất động sản NAC cho rằng, thị trường bất động rất nhiều năm mới gặp bối cảnh khó khăn. Không chỉ về nguồn cung, thanh khoản, mà cả về giá bán cũng như lực lượng lao động tham gia thị trường.
TP.HCM: 413.000 hồ sơ mua bán, thế chấp nhà đất được xử lý trong 10 tháng
Sở TN-MT TP.HCM đã giải quyết trên 413.000 hồ sơ cho các đối tượng mua bán, thế chấp nhà đất. Lượng giao dịch trên một phần bổ sung vốn cho hoạt động sản xuất và kinh doanh.
Sở TN-MT TP.HCM được UBND thành phố giao tập trung giải quyết hồ sơ mua bán bất động sản và hồ sơ thế chấp để tạo luồng tiền, tài chính cho thị trường nói chung. 10 tháng đầu năm 2022, tổng số hồ sơ mà Sở giải quyết cho 2 nhóm đối tượng trên là trên 413.000 hồ sơ, con số này tăng 43% so với 10 tháng đầu năm 2021.
Thông tin trên được ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT thông tin tại cuộc họp về tình hình kinh tế-xã hội 10 tháng đầu năm 2022 của TP.HCM. Theo ông Thắng, nhu cầu liên quan đến giao dịch bất động sản trên địa bàn TP.HCM hiện rất lớn. Có thể thấy, các dự án được giao dịch, thế chấp đối với nhà đất cũng là một phần nguồn vốn để phục vụ cho hoạt động sản xuất và kinh doanh trên địa bàn.
“Tỷ lệ giao dịch nhà đất tăng rất cao, theo sự chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, hiện nay, 21 chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai của các quận/huyện và TP.Thủ Đức đã liên thông với chi nhánh các Chi cục Thuế”, Giám đốc Sở TN-MT thông tin.
Do đó, cơ quan chức năng đang có một đầu mối tiếp nhận từ Sở TN-MT liên thông và thực hiện các hoạt động thu thuế bất động sản, phí trước bạ, hỗ trợ nhiều cho người dân so với những tháng đầu năm khi chưa tổ chức liên thông. Mô hình trên đã tạo nguồn thu lớn cho ngân sách thành phố, ước thu từ thuế bất động sản, phí trước bạ đạt trên 13.000 tỷ đồng.
Huyền Diệu