Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 1/11
TP.HCM: Trăn trở với những dự án "treo" kéo dài hàng thập kỷ; Đại biểu đề nghị truy giao dịch đáng ngờ của người có nhiều đất không phù hợp thu nhập; Địa ốc có thể trầm lắng kéo dài... là tin BĐS nổi bật trong ngày hôm nay.
TP.HCM: Trăn trở với những dự án "treo" kéo dài hàng thập kỷ
Việc tháo gỡ vướng mắc để tái khởi động các dự án “treo” tại TP.HCM nói riêng và nhiều địa phương trên cả nước nói chung vẫn đang là vấn đề nan giải của chính quyền địa phương.
Tại TP.HCM, tình trạng nhiều dự án, công trình xây dựng chậm tiến độ, chậm triển khai, thậm chí bị “treo” suốt hàng chục năm trời đang trở thành một “vấn nạn” khiến nguồn lực đất đai bị lãng phí, làm “nham nhở” bộ mặt đô thị và ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân sống trong vùng quy hoạch cũng như sự phát triển bền vững của thành phố.
Việc tháo gỡ vướng mắc để tái khởi động các dự án “treo” này tại TP.HCM nói riêng và nhiều địa phương trên cả nước nói chung vẫn đang là vấn đề nan giải của chính quyền địa phương.
Nằm sát trung tâm TP.HCM, dự án Khu đô thị Bình Quới-Thanh Đa ở quận Bình Thạnh luôn trong tình trạng um tùm cỏ dại, ao đầm, sình lầy nhếch nhác. Được phê duyệt quy hoạch từ năm 1992 với tổng diện tích gần 427 ha nằm trọn trên bán đảo Thanh Đa, tính đến nay, dự án này đã “treo” quy hoạch gần 30 năm.
Theo quy hoạch ban đầu, khu đô thị Bình Quới-Thanh Đa là một đô thị sinh thái hiện đại nhưng giữ đậm bản sắc dân tộc, bao gồm chức năng chính là công viên sinh thái cảnh quan thiên nhiên, kết hợp chức năng thương mại, công cộng dành cho dân số khoảng 80.000 người. Năm 2004, dự án được giao cho Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn đầu tư nhưng đơn vị này không triển khai được nên đến năm 2010, chính quyền TP.HCM thu hồi quyết định.
Đại biểu đề nghị truy giao dịch đáng ngờ của người có nhiều đất không phù hợp thu nhập
Theo nhiều đại biểu Quốc hội, lĩnh vực bất động sản có nguy cơ cao bị tội phạm rửa tiền tấn công các giao dịch bất động sản.
Phát biểu thảo luận dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) sáng ngày 1/11, đại biểu Thái Thị An Chung (đoàn Nghệ An) cho biết, việc quy định và thực thi các quy định về phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản là hết sức cần thiết. Việc này không chỉ để thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế mà còn góp phần quan trọng vào công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng.
Để góp phần hoàn thiện các quy định về phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản, bà Chung đề nghị bổ sung đối tượng báo cáo được quy định tại khoản 2 Điều 4 là tổ chức đấu giá tài sản bởi đấu giá là hình thức mua bán tài sản phổ biến, nhiều năm gần đây, hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất diễn ra rất sôi động.
"Nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất chiếm tỷ trọng lớn trong thu ngân sách ở địa phương. Do đó, cũng cần phải giám sát chặt chẽ dòng tiền tham gia đấu giá", bà Chung nêu.
Ý kiến về quy định giao dịch có giá trị lớn, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (đoàn Khánh Hòa) đề nghị nên quy định cụ thể quy định này trong luật để dễ theo dõi thực hiện và bảo đảm giá trị pháp lý. Trường hợp cần thiết thì mới giao cho Chính phủ, không nên giao cho Thủ tướng Chính phủ thay đổi mức này.
"Thực tế quy định mức giao dịch có giá trị lớn được Thủ tướng Chính phủ quy định trong 10 năm vừa qua cũng không thay đổi. Hiện nay mức giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo là 300 triệu đồng theo quy định tại Điều 3 Quyết định số 20 ngày 18/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định mức giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo", ông Thịnh nói và đề xuất, có thể xem xét tăng mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo có thể là 500 triệu đồng.
Địa ốc có thể trầm lắng kéo dài
Trước áp lực nghẽn vốn tín dụng, hụt vốn trái phiếu, thanh khoản lao dốc, bất động sản được dự báo ảm đạm từ nay đến năm 2023.
Trong quý III, nhiều đơn vị tư vấn khảo sát bất động sản cho biết dấu hiệu giảm tốc của thị trường mạnh dần (dù quý II đã bắt đầu điều chỉnh) và dự báo chu kỳ khó khăn có thể kéo dài trong nhiều quý tới. Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, 9 tháng đầu năm, giao dịch nhà đất sụt giảm 50% tùy theo dự án và khu vực. Thị trường có nguy cơ trầm lắng kéo dài khi các dòng vốn hỗ trợ đều ách tắc.
Cushman & Walkefied cho hay, thanh khoản nhà ở tại TP.HCM giảm hơn 50% khi nhu cầu thị trường chậm lại kể từ các tháng 7-8 trở đi. Còn theo Savills Việt Nam, quý III, tỷ lệ hấp thụ nhà chung cư tại TP.HCM chỉ đạt 15%, thấp nhất kể từ 2019. Hàng tồn kho căn hộ lớn nhất 4 năm, chiếm khoảng 66% nguồn cung sơ cấp. Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs) cũng cảnh báo tỷ lệ hấp thụ bất động sản trong quý III chỉ đạt 33,5%, lao dốc mạnh so với nửa đầu năm.
Phó giám đốc R&D DKRA Group Võ Hồng Thắng xác nhận, sức cầu của thị trường nhà ở (phân khúc chủ lực là căn hộ) sa sút trong quý III. Thị trường thứ cấp nhà đầu tư mua đi bán lại cũng đang trên đà giảm tốc mạnh. Trong khi đó, ở thị trường sơ cấp chủ đầu tư chào bán lần đầu, trên 90% chủ đầu tư có chính sách hỗ trợ thanh toán, ân hạn nợ gốc, thậm chí tăng mức chiết khấu lên cao để kích cầu. Ông Thắng dự báo, trong thời gian tới, thị trường thứ cấp có thể tiếp tục chuyển xấu, thanh khoản ảm đạm kéo dài.
Với dữ liệu trực tuyến, thị trường cũng có phản ứng kém khả quan. Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc của Batdongsan cho biết những thị trường lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ đều ghi nhận sự suy giảm mối quan tâm của người tìm kiếm bất động sản trực tuyến với mức giảm 14-19%, các loại hình bất động sản cũng giảm 9-50%.
“Tất tay” với đất nền, nhà đầu tư đang chật vật ra sao?
Không ít người có bao nhiêu tiền sẽ đổ hết vào đất chờ thời bán chênh. Tuy nhiên, thị trường rơi vào trầm lắng không thể rút chân khiến các nhà đầu tư phải đau đầu.
Trong lúc thị trường bất động sản sôi động, những câu nói: “Người đẻ chứ đất không đẻ”; “đất chỉ có tăng giá, không có chuyện giảm”... dường như đã trở thành chân lý của rất nhiều nhà đầu tư. Theo đó, không ít người cứ có tiền mang hết mua đất, chờ thời bán chênh.
Tuy nhiên, những chân lý ấy đã không còn đúng ở giai đoạn này khi thị trường bất động sản trong nửa năm gần đây rơi vào trầm lắng. Nguyên nhân do các chính sách tiền tệ có phần kiểm soát chặt hơn trước. Bên cạnh đó là áp lực lãi suất tăng cao đang đè nặng lên thị trường bất động sản. Do vậy, những nhà đầu tư đã dốc hết tài sản vào đất như đang “ngồi trên đống lửa”.
Thực tế, trong bối cảnh lãi suất ngân hàng liên tục tăng cao, không ít nhà đầu tư cũng tỏ ra e ngại thị trường sẽ tiếp tục xấu hơn. Do vậy, người có đất hiện nay đang muốn bán tài sản đi nhưng người có tiền vẫn do dự trong quyết định đầu tư.
Huyền Diệu