Thứ hai, 11/11/2024 04:29 (GMT+7)
Thứ hai, 31/10/2022 18:50 (GMT+7)

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 31/10

Theo dõi KTMT trên

Chung cư đã qua sử dụng bỗng "ngáo" giá; Bộ trưởng Xây dựng: Bán nhà "2 giá" nhằm trốn thuế còn phổ biến; Bộ trưởng Xây dựng: Bán nhà "2 giá" nhằm trốn thuế còn phổ biến... là tin BĐS nổi bật trong ngày hôm nay.

Chung cư đã qua sử dụng bỗng "ngáo" giá

Nhiều chủ nhà đưa ra mức giá cao với kỳ vọng thu khoản lời lớn. Nhưng đến nửa năm rao bán, căn nhà vẫn chưa tìm được chủ mới. Thậm chí có căn hộ rao giá cao, khách mua nhà cũng từ chối tới xem.

Nguồn cung khan hiếm, giá chung cư mới tăng mạnh, thị trường chung cư đã qua sử dụng bất ngờ trở nên sôi động khi lượng cầu tăng mạnh. Khảo sát thực tế, tại các dự án chung cư cũ, mức giá tăng trung bình từ 10-30%.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 31/10 - Ảnh 1
Ảnh minh họa

Nhiều chủ nhà thấy giá chung cư tăng đột biến, cũng chào bán với mức giá "trên trời".

Mua căn chung cư 3 phòng ngủ ở cạnh cổng chào Thiên Đường Bảo Sơn vào tháng 4/2021 với mức giá 1,85 tỷ đồng, vợ chồng anh M. bỏ thêm 100 triệu đồng để tu sửa căn nhà.

Một năm sau, anh M. thấy giá chung cư ở dự án đang ở tăng chóng mặt. Những căn 2 phòng ngủ vào thời điểm Tết 2022 có giá 1,4 tỷ đồng đã tăng lên tới 1,7 tỷ đồng. Có căn 2 phòng ngủ diện tích gần 80 m2 chạm giá 1,835 tỷ đồng bao gồm cả nội thất.

Nghĩ thời điểm này bán dễ dàng được giá, anh M. bàn với vợ bán nhà. Mức giá mà anh rao bán là 2,5 tỷ đồng cho căn hộ 83 m2, tương đương với mức giá 30 triệu đồng/m2. Mức giá mà vợ chồng anh M. rao cho một căn hộ nằm ở Hoài Đức, Hà Nội tương đương với giá căn hộ chung cư cũ tại Mỹ Đình.

Tuy nhiên, sau hơn 3 tháng rao bán, căn nhà của anh M. vẫn chưa có người chốt mua. Một môi giới rao bán nhà cho M. tiết lộ thêm, khách xem ảnh và giá nhà đều kêu đắt. Lượng người đến xem nhà không cao.

Bộ trưởng Xây dựng: Bán nhà "2 giá" nhằm trốn thuế còn phổ biến

Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, hiện tượng "2 giá", kê khai thấp hơn giá giao dịch thực nhằm trốn thuế trong giao dịch kinh doanh bất động sản còn khá phổ biến.

Liên quan tới thị trường bất động sản, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, trong năm 2021, thị trường bất động sản vẫn có nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh nhưng đã từng bước khắc phục, thích ứng, chuyển trạng thái linh hoạt để duy trì tương đối ổn định, không rơi vào trạng thái đóng băng mà chỉ suy giảm ở một số chỉ số.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 31/10 - Ảnh 2
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị. (Ảnh: Tiến Tuấn).

Thị trường bất động sản trong 9 tháng tiếp tục gặp khó khăn trong việc huy động các nguồn vốn và khan hiếm về nguồn cung. Nguồn cung về nhà ở từ các dự án mới được bổ sung không nhiều, nguồn cung nhà ở mới trong 9 tháng chủ yếu vẫn đến từ những dự án đã được triển khai và đang được mở bán.

Lũy kế, tổng lượng giao dịch với căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền 9 tháng tăng so cao với cùng kỳ năm 2021, nhưng đã có xu hướng chững lại và giảm mạnh vào quý III năm nay. Giá bất động sản vẫn ở mức cao so với khả năng chi trả của đại đa số người dân.

Đáng chú ý, theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, cơ cấu sản phẩm bất động sản chưa phù hợp: Phổ biến là bất động sản ở các phân khúc nhà ở trung, cao cấp, bất động sản du lịch có biểu hiện dư thừa, nhiều phân khúc đã vượt dự báo đến năm 2025.

Trong khi đó lại thiếu trầm trọng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và nhà ở thương mại giá phù hợp cho đối tượng thu nhập thấp, thu nhập trung bình.

Địa ốc trong cơn sóng ngầm giảm giá

Một tháng nay, thị trường bất động sản TP.HCM chứng kiến làn sóng hạ giá rao bán các tài sản với mức giảm, chiết khấu lên cao chưa từng có (giảm 44-50% giá niêm yết). Trước đó hồi tháng 7, hiện tượng giảm giá chỉ mới xuất hiện ở nhóm ít các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ. Nhưng sang tháng 10, cơn sóng ngầm giảm giá đang có dấu hiệu mạnh dần. Sau gần một thập kỷ thăng trầm (kể từ đáy khủng hoảng bất động sản gần nhất năm 2013), thị trường sơ cấp và thứ cấp lần đầu tiên đồng loạt ghi nhận cả giảm giá trực tiếp (nhà đầu tư đói vốn hạ giá thoát hàng) lẫn gián tiếp (chủ đầu tư chiết khấu, ưu đãi).

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 31/10 - Ảnh 3
Thị trường bất động sản khu Đông TP.HCM. (Ảnh: Quỳnh Trần)

3 tuần trước, anh Niên, nhà đầu tư căn hộ tại dự án đại đô thị trên địa bàn quận 9 cũ, nay là TP Thủ Đức vừa thoát hàng căn hộ với giá 1,8 tỷ đồng, giảm hơn 500 triệu đồng so với khi mua vào cách đây gần 2 năm. Anh kẹt vốn, mất khả năng trả nợ ngân hàng, không đủ dòng tiền xoay xở khi thanh khoản thị trường yếu và lãi suất cho vay trên đà tăng. Anh Niên cho biết, nếu tính cả thuế và phí môi giới, sau khi thoát hàng căn hộ, mức lỗ lên đến 30% giá trị tài sản.

Trong khi đó, tại huyện Cần Giờ, một nhà đầu tư cũng xả hàng xong lô đất thổ cư 600 m2, vị trí mặt tiền ở thị trấn Cần Thạnh với mức giảm từ 21 tỷ đồng chào bán quý đầu năm xuống còn 18 tỷ đồng cho khách hàng thanh toán nhanh. Nhà đầu tư này giải thích, giảm giá bán vì cần tiền mặt cơ cấu lại dòng vốn, thực tế bán 18 tỷ đồng tài sản này biên lợi nhuận đã giảm từ 50% xuống còn 20% (đã trừ thuế, các chi phí tài chính).

Chia sẻ với báo chí, ông Châu, một môi giới có thâm niên trên 10 năm tại TP.HCM và vùng phụ cận, nhìn nhận, các hiện tượng giảm giá trực tiếp lẫn gián tiếp vừa qua đang phân hóa thị trường một cách mạnh mẽ. Nhóm khách hàng có sẵn tiền mặt mua tài sản chiết khấu khủng lúc này xem như lợi trước mắt tiền tỷ. Ngược lại, những khách hàng đã mua trước đó gặp bất lợi khi tài sản đang nắm giữ bất ngờ rớt giá.

Đoàn giám sát của Quốc hội: Còn tình trạng bán rẻ đất công

Sáng 31/10, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Đoàn giám sát của Quốc hội đã trình bày báo cáo về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021".

Báo cáo cho thấy, công tác chuẩn bị đầu tư, lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư các dự án còn nhiều tồn tại, bất cập. Hàng nghìn dự án chậm tiến độ và có xu hướng tăng lên qua các năm.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 31/10 - Ảnh 4
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Nguyễn Phú Cường. (Ảnh: danviet)

Tổng hợp báo cáo chưa đầy đủ của các Bộ, ngành, địa phương năm 2016 có 1.448 dự án chậm tiến độ, năm 2017 là 1.609 dự án, năm 2018 là 1.778 dự án, năm 2019 là 1.878 dự án, năm 2020 là 1.867 dự án, năm 2021 là 1.962 dự án.

Trong đó, hầu hết dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm đều chậm tiến độ.

Hàng nghìn dự án phải điều chỉnh quyết định đầu tư, có dự án điều chỉnh nhiều lần, tổng mức đầu tư điều chỉnh cao gấp nhiều lần so với tổng mức đầu tư phê duyệt ban đầu. Hàng trăm dự án vi phạm thủ tục đầu tư.

Hàng nghìn dự án có thất thoát, lãng phí, trong đó: Năm 2016 là 590 dự án, năm 2017 là 840 dự án, năm 2018 là 422 dự án, năm 2019 là 125 dự án, năm 2020 là 923 dự án, năm 2021 là 185 dự án.

Huyền Diệu

Bạn đang đọc bài viết Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 31/10. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới