Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 28/10
Hà Nội công bố 23 dự án bị thu hồi đất; Bộ Xây dựng yêu cầu rà soát thị trường bất động sản; Thị trường BĐS cuối năm 2022: Nguồn cung sôi động nhưng nguồn cầu là “ẩn số”... là tin BĐS nổi bật trong ngày hôm nay.
Bộ Xây dựng yêu cầu rà soát thị trường bất động sản
Theo Bộ Xây dựng, một số cá nhân, doanh nghiệp bất động sản có sai phạm trong hoạt động huy động vốn, trái phiếu, cổ phiếu đã bị xử lý gây ảnh hưởng đến thị trường và niềm tin của nhà đầu tư.
Đánh giá về thị trường bất động sản quý III vừa qua, Bộ Xây dựng cho biết, tình hình kinh tế - xã hội trong quý này tiếp tục giữ được sự ổn định khi tăng trưởng GDP vẫn đạt được kết quả tốt, chỉ số lạm phát cơ bản vẫn được kiểm soát, các ngành kinh tế nhìn chung có sự phục hồi và tăng trưởng tốt.
Trong quý III, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ thông qua việc ban hành nhiều các cơ chế chính sách đã giúp thị trường bất động sản điều chỉnh.
Tại các địa phương không còn tình trạng tăng "nóng", sốt cục bộ như những tháng đầu năm.
Nhiều địa phương đã có các giải pháp kịp thời để kiểm tra, ngăn chặn việc chia tách, "phân lô, bán nền" tại các khu vực chưa được phép đầu tư, thiếu hệ thống hạ tầng.
Hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản, các tổ chức, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản được tăng cường kiểm soát.
Các địa phương đã kịp thời chấn chỉnh hành vi mua bán trao tay, "thổi giá" gây nhiễu loạn thông tin thị trường bất động sản.
Các tồn tại, bất cập của thị trường bất động sản đã từng bước được khắc phục. Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản vẫn còn có nhiều khó khăn, bất cập, chưa thực sự lành mạnh, bền vững.
Đơn cử, nguồn cung về bất động sản chưa có sự cải thiện nhiều. Nguồn cung về nhà ở thương mại từ các dự án mới được bổ sung không nhiều. Nguồn cung nhà ở trong quý chủ yếu vẫn từ những dự án đã được triển khai và đang được mở bán. Nguồn cung nhà ở xã hội rất hạn chế, căn hộ giá rẻ hầu như không ghi nhận nguồn cung mở bán mới trong quý.
Sốt đất tràn về nông thôn, nông dân cứ giữ rồi bỏ hoang trong khi doanh nghiệp "khát" đất sản xuất, kinh doanh
Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại Quốc hội sáng 28/10, đại biểu Nguyễn Văn Huy – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp.
Đại biểu Nguyễn Văn Huy cho biết, nông nghiệp, nông dân, nông thôn là 3 thành tố có vai trò, vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở, lực lượng to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội. Song qua báo cáo cũng thấy còn những trăn trở, đó là trong thời kỳ khó khăn của đại dịch Covid-19 thì lĩnh vực nông nghiệp được xem là trụ đỡ của nền kinh tế, tuy nhiên lĩnh vực nông, lâm, thủy sản chỉ chiếm khoảng 4% trong tổng mức tăng chung của cả nền kinh tế.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cùng với việc đánh giá những thành tựu to lớn đã đạt được sau gần 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X cũng đã chỉ rõ những hạn chế, tồn tại, đó là thu hút đầu tư cho phát triển nông nghiệp, dịch vụ ở nông thôn gặp nhiều khó khăn, vật tư nông nghiệp vẫn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, nông nghiệp phát triển còn thiếu bền vững, tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm, tổ chức sản xuất, kinh doanh chủ yếu vẫn dựa vào nông hộ nhỏ, thiếu liên kết, việc tích tụ, tập trung đất đai cho sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn còn nhiều khó khăn.
Hiện nay, cơn sốt đất cũng đã tràn cả về nông thôn, giá đất tăng cao nên cơ hội cho việc tích tụ và tập trung đất đai lại càng khó khăn hơn nữa. Cùng với đó là tâm lý lâu đời người nông dân giữ đất dù đã ly hương, đề phòng bất trắc, coi đất đai như một cuốn sổ bảo hiểm. Người nông dân thì cứ giữ đất rồi bỏ hoang, trong khi doanh nghiệp thì thiếu đất sản xuất, kinh doanh.
Thị trường BĐS cuối năm 2022: Nguồn cung sôi động nhưng nguồn cầu là “ẩn số”
Những tháng cuối năm, thị trường bất động sản bước vào mùa cao điểm bán hàng với hàng loạt dự án của các ông lớn. Theo báo cáo SSI Research mới công bố, CTCP Vinhomes (Mã CK: VHM) đã chính thức ra mắt dự án The Crown giai đoạn 3 của Vinhomes Ocean Park. Theo đó, VHM có thể mở bán 1.000 căn hộ đầu tiên trong số 8.500 căn hộ thuộc phân khu thấp tầng của dự án Vinhomes Ocean Park 3 - The Crown với giá bán từ 7,4 tỷ đồng đến 25 tỷ đồng mỗi căn.
Tiếp đến, Vinhomes cũng sẽ bàn giao khoảng 45% trong tổng số 12.600 căn tại dự án Vinhomes Ocean Park 2 - The Empire và các sản phẩm tại dự án Ocean Park và Smart City vào nửa cuối năm nay. Theo Savills, Vinhomes Ocean Park và Vinhomes Smart City chiếm 66% nguồn cung mới và 55% số lượng căn bán bán được của toàn thị trường trong quý III/2022.
Trước đó, vào ngày 22/7, Tập đoàn Hưng Thịnh đã ra mắt dự án Hanoi Melody Residences nằm trong trong khuôn viên khu đô thị mới Tây Nam hồ Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai. Trong đợt mở bán lần đầu, giá nhà tại đây giao động từ 47-58 triệu đồng/m² tùy căn, tùy diện tích (đã bao gồm VAT). Theo bảng giá hiện tại, N04 đang có giá bình quân cao nhất dự án, giao động từ 50-58 triệu đồng/m².
Bên cạnh đó, báo cáo của Colliers Việt Nam mới đây chỉ ra, trong quý cuối năm 2022, thị trường bất động sản sẽ đón nguồn cung mới đến từ các chủ đầu tư Novaland, LDG Group, Centana, Bamboo Capital, Masterise Home... Cụ thể, dự án đóng góp nguồn cung lớn nhất là LDG Riverside (TP.Thủ Đức) với 2.000 căn. Tiếp đó là dự án Centana Điền Phúc Thành (TP.Thủ Đức) với 1.720 căn hộ. Thứ ba là dự án Stella Võ Văn Kiệt (quận Bình Tân) với 1.200 căn….
Cũng trong quý IV/2022, thị trường TP.HCM dự kiến đón thêm nguồn cung mới từ loạt dự án như D-Aqua (quận 8) của DHA với 652 căn; Salto Residence - Phase 2 (TP.Thủ Đức) của SCC với 483 căn; The Metropole - Giai đoạn 4 (TP.Thủ Đức) của Sơn Kim Land với 200 căn; De La Sol (quận 4) của Capitaland với 193 căn; King Crown Infinity - giai đoạn 3 (TP.Thủ Đức)…
Hà Nội công bố 23 dự án bị thu hồi đất
Theo Sở TN&MT, trong số 23 dự án mà UBND thành phố đã có quyết định thu hồi đất, địa bàn huyện Thạch Thất có số lượng nhiều nhất, gồm: Dự án Xây dựng khu biệt thự nhà vườn (xã Tiến Xuân) do Công ty Cổ phần An Lạc làm chủ đầu tư; Dự án xây dựng trường đại học tại địa bàn huyện Thạch Thất, trường Đại học Hòa Bình làm chủ đầu tư; Dự án xây dựng biệt thự nhà vườn, Công ty Xây dựng Trường Giang làm chủ đầu tư; Dự án biệt thự nhà vườn, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Thương mại quốc tế Như Thành;
Dự án xây dựng xưởng sơ chế và lắp giáp giới thiệu sản phẩm tại huyện Thạch Thất, Công ty TNHH Thiên Hưng làm chủ đầu tư; Nhà máy sản xuất cọc bê tông (xã Tiến Xuân), Công ty Cổ phần Licogi 13 - nền móng xây dựng làm chủ đầu tư; Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu biệt thự Sunny light (xã Yên Bình), chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Ánh Dương; Dự án Khu nhà ở cho cán bộ giáo viên, do trường Đại học Hòa Bình làm chủ đầu tư; Dự án xây dựng trung tâm thương mại - dịch vụ (xã Tiến Xuân), do Công ty TNHH Thương mại Tuổi trẻ làm chủ đầu tư.
Tại huyện Mê Linh, các dự án chậm triển khai gồm: Dự án khu đô thị mới BMC (xã Đại Thịnh), chủ đầu tư là Công ty Vật liệu xây dựng và lắp ráp thương mại; Khu đô thị mới Prime Group – Khu đô thị sinh thái Đại Thịnh (xã Đại Thịnh), chủ đầu tư là Công ty CP Prime Group; Dự án khu đô thị mới Việt Á (xã Thanh Lâm), Công ty CP Tập đoàn đầu tư thương mại công nghiệp Việt Á làm chủ đầu tư; Dự án khu đô thị mới Vinalines (xã Đại Thịnh – Thanh Lâm – Tráng Việt), Công ty CP Bất động sản Vinalines Vĩnh Phúc làm chủ đầu tư.
Ngoài ra, một số địa bàn khác cũng có dự án chậm triển khai bị UBND Thành phố Hà Nội ban hành quyết định thu hồi đất, gồm: Dự án cải tạo xây dựng Tòa nhà văn phòng số 69 Nguyễn Du, chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành; Dự án đầu tư xây dựng kinh doanh khai thác chợ lâm sản Thượng Cát, phường Thượng Cát (quận Bắc Từ Liêm), do Công ty TNHH MTV đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội làm chủ đầu tư; Dự án bãi đỗ xe tĩnh, khu đất bãi sông Hồng, phường Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm), Công ty CP Xây dựng và hỗ trợ phát triển vận tải Phúc An làm chủ đầu tư.
Huyền Diệu