Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 31/5
Quy hoạch đô thị có sự chồng chéo, Bộ trưởng Xây dựng nói gì? Những cú lừa siêu đỉnh của môi giới bất động sản, đưa khách vào “tròng” rồi tìm cách moi tiền; Cuộc chiến giá căn hộ tại TP.HCM: Kẻ tám lạng… là tin BĐS nổi bật trong ngày hôm nay.
Hà Nội được tách thửa thành dự án độc lập nhưng nhất định phải có điều kiện này
UBND TP Hà Nội quy định về điều kiện, tiêu chí, quy mô, tỷ lệ của thửa đất để tách thành dự án độc lập, trong đó các cạnh của thửa đất từ 10m trở lên (đối với đất thương mại, dịch vụ và đất khác) hoặc 20 m trở lên (đối với đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp).
Mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh ký ban hành Quyết định số 22/2022/QĐ-UBND về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 11/2017/QĐ-UBND về một số nội dung thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn thành phố Hà Nội…
Theo đó, UBND thành phố bổ sung một số nội dung thực hiện đối với dự án sử dụng đất thông qua hình thức nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Về điều kiện, tiêu chí, quy mô, tỷ lệ của thửa đất để tách thành dự án độc lập, thành phố quy định: phải liền thừa, không bị chia cắt; có vị trí ít nhất 01 mặt tiếp giáp với tuyến đường hiện có, hoặc tuyến đường theo quy hoạch, có khả năng kết nối với hạ tầng kỹ thuật chung khu vực. Có kích thước các cạnh của thửa đất từ 10 m trở lên (đối với đất thương mại, dịch vụ và đất khác) hoặc 20 m trở lên (đối với đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp).
Đồng thời phải có diện tích nằm ngoài chỉ giới đường đỏ tối thiểu từ 200 m2 trở lên (đối với đất thương mại, dịch vụ và đất khác) hoặc 400 m2 trở lên (đối với đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp) và chiếm từ 10% trở lên so với diện tích khu đất thực hiện dự án...
Trong quyết định này, UBND thành phố quyết định sửa đổi Điều 4 (Lập danh mục các công trình, dự án thu hồi đất; danh mục các công trình, dự án sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng vào mục đích khác; kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện).
Quy hoạch đô thị có sự chồng chéo, Bộ trưởng Xây dựng nói gì?
Trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã chỉ ra một số quy định chưa đồng bộ, thống nhất và không còn phù hợp với thực tiễn của Luật Quy hoạch nhưng chưa được sửa đổi.
Chiều 30/5, Quốc hội tiếp tục thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.
Theo Bộ Xây dựng, tính đến tháng 05/2022, tổng số đô thị cả nước là 870 đô thị, Tỷ lệ lập quy hoạch chung đô thị đạt 100%. Trong đó, Quy hoạch phân khu tại các đô thị loại I, loại đặc biệt đạt khoảng 78%; quy hoạch chi tiết đạt khoảng 40% so với diện tích đất xây dựng đô thị. Quy hoạch vùng huyện hiện đạt tỷ lệ khoảng 35%. Quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới trên cả nước đạt gần 100% (99,8%).
Về quy hoạch xây dựng các khu chức năng cơ bản hiện nay các khu kinh tế ven biển; các khu kinh tế cửa khẩu; hay các khu chức năng khác như khu du lịch, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu giáo dục - đào tạo… sau khi được thành lập đều được phê duyệt quy hoạch xây dựng theo quy định.
Như vậy, kể từ sau khi Luật Quy hoạch được ban hành và có hiệu lực, các loại quy hoạch theo pháp luật chuyên ngành về xây dựng và đô thị đã và vẫn tiếp tục phát huy vai trò quan trọng, là cơ sở đầu tiên cho việc lập các dự án đầu tư, định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội các vùng và địa phương.
Về ý kiến quy hoạch chung đô thị lập theo Luật Quy hoạch đô thị, quy hoạch tỉnh lập cho các thành phố trực thuộc Trung ương theo Luật Quy hoạch năm 2017 có sự trùng lắp, chồng chéo, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, theo quy định tại Khoản 8, Điều 3 Luật Quy hoạch, quy hoạch tỉnh là quy hoạch cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng không gian, các hoạt động kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, kết cấu hạ tầng, phân bố đất đai, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên cơ sở kết nối quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.
Những cú lừa siêu đỉnh của môi giới bất động sản, đưa khách vào “tròng” rồi tìm cách moi tiền
Chuyện khách mua BĐS bị môi giới hay công ty BĐS dùng các “chiêu thức” để lừa tiền không còn hiếm trên thị trường BĐS. Trong đó, chiêu trò đánh vào tâm lý của người mua sợ lỡ mất cơ hội kiếm tiền được xem là phổ biến nhất.
Mới đây, bà T.T.N (66 tuổi, ngụ Q.Tân Phú, Tp.HCM) đã bị một môi giới của công ty Vạn An Phát dùng "chiêu trò" lừa gần 600 triệu đồng - số tiền con cháu cho bà làm của để dành.
Được biết, vào khoảng 5/2020 vì có nhu cầu mua đất ở Tp.HCM nên bà N đã lên mạng Internet tìm hiểu và đọc được một bài quảng cáo bán nền đất ở quận 2. Bà N sau đó lên hệ môi giới tên M theo số điện thoại trên mạng dẫn đi xem đất. Tuy nhiên, thay vì chở xuống quận 2 như lời hứa, môi giới này dẫn bà N xuống huyện Trảng Bom, Đồng Nai. Dù không đồng ý mua nhưng bà N liên tục bị môi giới xúm vào năn nỉ đóng tiền giữ chỗ, với lời hứa, đất này giá tăng nhanh và sẽ bán ra trong vòng 1 tuần, cứ đóng giữ chỗ 50 triệu đồng, nếu không mua nữa sẽ hoàn lại tiền. Vì tin môi giới, bà N chuyển giữ chỗ 50 triệu.
Sau đó, về nhà suy nghĩ, bà N không muốn mua nữa nên tìm môi giới lấy lại số tiền trên nhưng liên tục bị hẹn lên xuống rồi im bặt.
Sau đó khoảng 5 tháng, bà N lại tiếp tục đọc được thông bán bán đất nền giá rẻ tại Q.9. Cũng như lần trước, liên hệ đến số điện thoại theo hướng dẫn, bà N được môi giới hứa dẫn đi xem đất. Lần này tiếp tục là một nhân viên môi giới khác của công ty cũ trước đó bà mua đất. Dù đã từ chối, nhưng nhân viên này hứa dẫn bà N xuống quận 9, nếu sai sẽ đền bà 1 chỉ vàng.
Tiếp tục tin lời môi giới, bà N lên xe và môi giới này dẫn bà xuống huyện Thống Nhất, Đồng Nai để xem nền đất 120m2 với giá 1,9 tỷ đồng. Họ đưa cho bà N. xem một loạt hình ảnh quảng cáo mơ hồ về dự án và liên tục nói đây là mức giá rẻ nhất khu vực.
Nói thêm về các chiêu trò, Tổng Thư ký Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho biết thêm hiện nhiều dự án đang có hiện tượng làm giá. Tức khi một số sản phẩm được bán ra có người mua ngay, qua đó tạo lập một mức giá mới. Hiện có một số dự án, người ta định phân khúc, định giá ở một mức khá cao, thậm chí rất cao nếu như những người không có đủ thông tin, không có khả năng phân tích đánh giá, bị tác động tâm lý đám đông lao vào đầu tư. Tại đây, những người tư có tiềm lực thực sự, vay đầu tư những dự án này rất nguy hiểm bởi nguy cơ gánh khoản nợ lớn.
Cuộc chiến giá căn hộ tại TP.HCM: Kẻ tám lạng, người nửa cân!
Những động thái “siết chặt” của thị trường BĐS gần như không mấy tác động đến chiều gia tăng giá của thị trường căn hộ TP.HCM – nơi nguồn cung mới chỉ “đếm trên đầu ngón tay”.
Có lẽ, động thái "siết chặt" đối với thị trường BĐS từ thuế đến tín dụng… đã và đang gây ra những hiệu ứng ngược, khi mà giá căn hộ vẫn chiều hướng gia tăng, thậm chí tăng mạnh hơn trong bối cảnh khan nguồn cung mới. Nhiều giả thuyết đặt ra, nếu giá BĐS vẫn trên đà tăng cùng với các động thái siết của thị trường BĐS thì cơ hội để sở hữu nhà ở của người dân ngày càng thu hẹp.
Có thể thấy, từ đầu năm đến nay, tại TP.HCM chỉ một số dự án căn hộ mới ra thị trường. Mặt bằng giá trung bình từ 50 triệu đồng/m2 trở lên. Dù mức giá này đã tăng so với cùng kì năm ngoái nhưng thanh khoản ghi nhận ổn định bởi nguồn cung không đa dạng để người mua lựa chọn.
Chẳng hạn, tại khu Nam hiện có khu căn hộ biệt lập cao cấp Flora Panorama thuộc KĐT Mizuki Park chào giá trên dưới 50 triệu đồng/m2. Trong khi đó, tại khu Tây, khu căn hộ biệt lập cao cấp Flora thuộc Akari City giai đoạn 2 cũng "một mình một trận" trên thị trường, với mức giá bán dưới 48 triệu đồng/m2.
Tại khu Đông – vốn là nơi có nguồn cung dồi dào nhất TP.HCM thì từ đầu năm đến nay cũng chỉ một vài dự án căn hộ chào sân. Chẳng hạn, dự án Fiato Premier quy mô 400 căn hộ được giới thiệu mức giá từ 55 triệu đồng/m2. Hiện khu này chuẩn bị chào sân các sản phẩm shophouse khối đế với khoảng 50 căn. Hay, một số dự án đã bán trước đó như Urban Green, MT Eastmark City cũng là nguồn cung mới "nhỏ giọt" trên thị trường BĐS khu vực này.
"Theo tôi, không nên dùng từ "siết". Vấn đề ở đây không phải là siết hay thắt chặt hoặc kiểm soát,… mà thay vào đó phải lành mạnh hóa, không phải bóp nghẹt. Bởi vốn tín dụng ngân hàng thực ra không phải là nguồn vốn phù hợp cho bất động sản, cả kể về kỳ hạn, rủi ro và thế chấp. Nhưng rõ ràng hiện nay các doanh nghiệp không có phương án khác mà phải tìm đến các kênh huy động vốn khác như cổ phiếu, trái phiếu", TS Vũ Đình Ánh nhấn mạnh.
Bùi Hằng