Thứ ba, 07/05/2024 14:05 (GMT+7)
Thứ hai, 30/05/2022 18:53 (GMT+7)

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 30/5

Theo dõi KTMT trên

Hà Nội: Giá đất quanh đường vành đai 4 có nơi lên đến 150 triệu đồng/m2; Quốc hội chỉ rõ vì sao “ách tắc” quy hoạch; Thị trường bất động sản đang thiết lập một quỹ đạo mới… là tin BĐS nổi bật trong ngày hôm nay.

Hà Nội: Giá đất quanh đường vành đai 4 có nơi lên đến 150 triệu đồng/m2

Dù mới có quy hoạch đường vành đai 4 vùng Thủ đô, thị trường nhà đất gần tuyến đường này đã sôi động. Cá biệt, giá đất một số nơi huyện Hoài Đức đã ở mức 100-150 triệu đồng/m2.

Thời gian qua, thông tin triển khai đường vành đai 4 vùng Thủ đô đã nhanh chóng trở thành tâm điểm của nhà đầu tư bất động sản. Giá đất các vùng ven Hà Nội vì thế mà liên tục tăng "nóng".

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 30/5 - Ảnh 1

Đất nền gần đường Vành đai 4 vùng Thủ đô được giới đầu tư tìm mua nhiều thời gian qua (Ảnh: Hà Phong).

Ngay từ cuối năm ngoái, vợ chồng anh Nguyễn Văn Tiến (Hoàng Mai, Hà Nội) đã chủ động đi săn lùng đất ở khu vực gần tuyến đường vành đai 4 vùng Thủ đô. Tiêu chí lựa chọn đầu tư của anh Tiến là đất nền, có vị trí gần đường sắp triển khai này. Hiện tại, anh đang nắm trong tay tới 3 mảnh đất nền, tính theo giá thị trường, anh đang lãi gấp 1,5-2 lần so với giá mua trước đó.

"Dù thông tin triển khai tuyến đường này chưa được xác định nhưng khi có quy hoạch như hiện tại, thì đây là một cơ hội đầu tư bất động sản thích hợp. Giá đất có tăng nóng, nhưng đây là xu hướng tăng chung của thị trường", anh Tiến nói.

Theo báo cáo thị trường bất động sản của Bộ Xây dựng vừa qua, trong quý I, giá đất nền và nhà ở riêng lẻ có biên độ tăng cao hơn so với căn hộ chung cư, bình quân tăng khoảng 5-10% so với quý trước.

Tại Hà Nội, có nơi giá đất vùng ven tăng chóng mặt. Khu vực đầu cầu Nhật Tân phía Đông Anh có giá khoảng hơn 200 triệu đồng/m2 với những lô đẹp mặt đường lớn. Các khu vực đường vành đai 4 đi qua huyện Hoài Đức, gần cụm công nghiệp Dương Liễu, cầu vượt Song Phương giá hơn 100 triệu đồng/m2; khu vực gần dự án Vinhomes Wonder Park Đan Phượng giá khoảng 150 triệu đồng/m2.

Quốc hội chỉ rõ vì sao “ách tắc” quy hoạch

Sau hơn 5 tháng lên đề cương, nghiên cứu báo cáo và làm việc với bộ ngành, địa phương, Đoàn giám sát vừa báo cáo Quốc hội về kết quả đạt được và đặc biệt là nhận diện, chỉ rõ những nút thắt, điểm nghẽn trong thực hiện Luật Quy hoạch.

Quốc hội dành cả ngày làm việc hôm nay 30/5 để giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành. Phiên làm việc được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi.

Trình bày báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh – Phó trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát cho biết, thực hiện nghị quyết của Quốc hội, Đoàn giám sát đã xây dựng đề cương yêu cầu Chính phủ, các Bộ, ngành có liên quan và UBND, HĐND, Đoàn ĐBQH 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo phục vụ giám sát. Do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Đoàn giám sát đã tổ chức làm việc với 11 Bộ và 14 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Thị trường bất động sản đang thiết lập một quỹ đạo mới

Thị trường đang thiết lập một quỹ đạo mới với diễn biến bình ổn và phát triển bền vững hơn. Dù rằng, ở hiện tại, bất động sản đang đối mặt với kịch bản hạ nhiệt, sức mua sụt giảm.

Ôm 5 lô đất, rải rác tại các vùng ven Hà Nội, đến thời điểm hiện tại, anh Nhật (nhà đầu tư) cho biết: "Vẫn chôn vốn". Anh Nhật lắc đầu ngao ngán than: "Thị trường xuống lắm! Khó bán. Tôi rao mãi chưa ai chốt mua. Người mua ai cũng sợ thị trường lao dốc nên họ tâm lý phòng ngừa. Họ sợ mua lúc này, nếu thị trường đi xuống, tỷ lệ chôn vốn rất lớn".

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 30/5 - Ảnh 2
Nất động sản đang đối mặt với kịch bản hạ nhiệt, sức mua sụt giảm. (Ảnh minh họa)

Nhà đầu tư này chia sẻ thêm, những lô đất anh xuống tiền đều phải sử dụng đến 50% tiền vốn vay ngân hàng với khoản trả nợ gốc trong vòng 5 năm. Gánh nặng nợ, lãi hàng tháng tạo ra áp lực lớn cho anh Nhật.

Trường hợp của anh Nhật chỉ là một trong rất nhiều nhà đầu từ đang rơi vào tình cảnh, khó thoát hàng trong khi phải gồng lãi mỗi tháng.

Dự báo về thị trường trong thời gian tới, Cao Minh Thành nhận định, các sản phẩm và dự án nội đô hiện tại đang rất khan hiếm và ở mức giá cao. Điển hình như Hà Nội, trong nội đô hầu như là không có dự án mới. Xu thế thị trường sắp tới, các nhà đầu tư sẽ dịch chuyển danh mục đầu tư sang bất động sản nghỉ dưỡng, cụ thể là biệt thự nghỉ dưỡng. Với mức giá tiền tương đương so với các sản phẩm trong nội đô.

Bất động sản nghỉ dưỡng đang bù đắp phần nào cho sự khan hiếm nguồn cung. Cộng với trong tương lai gần Nhà nước và Chính phủ cũng đang sửa đổi luật một cách rõ ràng thống nhất cho bất động sản nghỉ dưỡng. "Theo tôi trong thời gian sắp tới cùng với tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát,  Việt Nam với lợi thế về phát triển du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng sẽ lên ngôi".

Những “vết xe đổ” của đấu giá đất, cần chế tài mạnh hơn?

2 công ty trúng đấu giá đất Thủ Thiêm là Công ty CP Dream Republic và Công ty CP Sheen Mega tiếp tục bị cơ quan thuế tính tiền chậm nộp theo quy định là 0,03% và cho đến nay, số tiền này đã lên đến hơn 150 tỷ đồng.

Nhìn lại việc đấu giá đất Thủ Thiêm thời gian qua, khiến nhiều người giật mình. Đây là vụ đấu giá đất gây tranh cãi nhiều nhất trên thị trường BĐS. Và, trước đó cũng không ít lần doanh nghiệp trúng đấu giá bỏ cọc.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 30/5 - Ảnh 3
Những “vết xe đổ” của đấu giá đất, cần chế tài mạnh hơn? (Ảnh: HV)

Theo thông tin mới nhất từ cục Thuế TP.HCM, 2 công ty trúng đấu giá đất Thủ Thiêm là Công ty CP Dream Republic và Công ty CP Sheen Mega tiếp tục bị cơ quan thuế tính tiền chậm nộp theo quy định là 0,03% và cho đến nay, số tiền này đã lên đến hơn 150 tỷ đồng. Tính đến ngày 17/5, tức sau 10 ngày kể từ khi Chi cục Thuế TP Thủ Đức ra quyết định cưỡng chế thuế với 2 công ty này, cơ quan Thuế vẫn chưa thu được tiền. Nguyên nhân do tài khoản ngân hàng của cả 2 doanh nghiệp này đều không có tiền.

Hơn 1 năm trở lại đây, thị trường chứng kiến sự bùng nổ của các phiên đấu giá đất tại các địa phương. Nhiều lô đất có mức giá đấu cao gấp nhiều lần giá khởi điểm, thu về cho ngân sách số tiền không nhỏ. Nhưng ngược lại cũng có nhiều lô đất bán thấp hơn giá quy định, sau đó lại được chuyển nhượng lòng vòng gây thất thoát.

Cùng với đó, nhiều địa phương đưa ra giá khởi điểm của tài sản đấu giá không sát với giá thị trường, đặc biệt là giá đất, dẫn đến tình trạng có những người không có nhu cầu vẫn tham gia đấu giá để đầu cơ, trục lợi hoặc có địa phương, khi chuẩn bị đấu giá đất thì chỉ ra thông tin cho doanh nghiệp "sân sau" chuẩn bị các điều kiện tham gia đấu giá.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà từng chỉ ra, tại một số địa phương có hiện tượng bỏ giá rất cao một số lô đất rồi bỏ cọc nhằm gây hiệu ứng tạo mặt bằng giá ảo để mua đi, bán lại nhiều lô đất đã trúng đấu giá khác hoặc bán ra các lô đất đã gom trong khu vực nhằm thu lợi. Một số nơi có hiện tượng thông đồng giữa tổ chức tư vấn định giá với người tham gia đấu giá để dìm giá...

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 30/5. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới