Thứ hai, 25/11/2024 22:14 (GMT+7)
Thứ năm, 29/12/2022 18:50 (GMT+7)

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 29/12

Theo dõi KTMT trên

Hà Nội: Thu hồi đất thêm 4 dự án “ôm đất”, chậm tiến độ; Những kịch bản sáng tối về thị trường bất động sản năm 2023; Năm đào thải nhân sự địa ốc nhiều nhất thập kỷ... là tin BĐS nổi bật trong ngày hôm nay.

Những kịch bản sáng tối về thị trường bất động sản năm 2023

Theo giới chuyên gia, 2023 vẫn là một năm khó khăn của thị trường bất động sản, tuy nhiên vẫn có những kịch bản tích cực có thể xảy ra.

Theo ông Trần Kim Chung - Nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, việc Ngân hàng Nhà nước tăng tín dụng lên 1,5-2% thời điểm cuối năm đã tạo thêm một nguồn vốn đáng kể cho thị trường đang khát vốn trầm trọng. Dù có thể chưa tạo nên những biến chuyển lớn nhưng đây cũng là yếu tố kích hoạt sự ấm lên của thị trường thời gian tới, đặc biệt là sau dịp Tết Nguyên đán.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 29/12 - Ảnh 1
Thị trường bất động sản 2023 có nhiều kịch bản trái chiều. (Ảnh minh họa: Hà Phong).

Dự báo về kịch bản bất động sản năm 2023, ông Chung đưa ra 3 kịch bản, trong đó có cả kịch bản sáng và tối.

Kịch bản thứ nhất, thị trường sẽ được điều chỉnh theo hướng thực chất. Tức là thị trường sẽ có sự cân đối về tính chất sản phẩm được đưa ra thị trường, có thể các dòng hạng sang, cao cấp sẽ giảm tỷ trọng trên thị trường. Ông cho rằng, đây là kịch bản có khả năng xảy ra nhất.

Với kịch bản thứ hai, khi 3 bộ luật là Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản được ban hành và thông qua trong năm tới cùng với nguồn vốn tín dụng được mở, vốn FDI tiếp tục đổ mạnh vào Việt Nam sẽ kích hoạt một chu kì mới đi lên. Thị trường bất động sản sẽ vượt qua điểm lõm. Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, tính hiện thực của kịch bản này khá thấp vì có nhiều điều kiện nằm ngoài khả năng của nền kinh tế Việt Nam.

Năm đào thải nhân sự địa ốc nhiều nhất thập kỷ

Năm qua, các công ty địa ốc chuyên nghiệp đào thải 40-50% nhân viên sale, có đơn vị quy mô nhỏ cắt 70%, nhiều chủ đầu tư cũng giảm 25% lao động để vượt khó.

Thông tin cho biết, tại hơn 10 công ty bất động sản đang hoạt động trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh phía Nam cho thấy, tính đến tháng 12, tình trạng sa thải nhân sự ngành địa ốc diễn ra phổ biến và chưa có dấu hiệu dừng lại. Lượng nhân sự rời khỏi thị trường hai quý cuối năm (quý III và IV) ước tính lên đến hàng nghìn người, trong đó nhiều nhất thuộc bộ phận kinh doanh, sale bán hàng - hậu mãi, marketing và pháp chế (lo thủ tục pháp lý).

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 29/12 - Ảnh 2
Các bất động sản nội đô TP.HCM dọc theo đại lộ Võ Văn Kiệt. (Ảnh: Quỳnh Trần)

Các doanh nghiệp môi giới (phân phối) hoặc chủ đầu tư có bố trí bộ phận môi giới bán hàng có tỷ trọng sa thải 50% nhân sự trở lên bằng nhiều hình thức: dừng ký hợp đồng tạm thời trong 3-6 tháng, thôi việc, giữ chế độ cộng tác viên, nợ lương nhưng chưa xác định thời hạn chi trả...

Một số đơn vị quy mô dưới 50 nhân viên thuộc nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ thậm chí còn chấm dứt hợp đồng với 70% người lao động do không còn nguồn lực cầm cự. Trong khi đó, các chủ đầu tư có bộ máy tinh gọn hơn - chỉ nuôi đội ngũ phát triển dự án - ghi nhận tỷ lệ cắt giảm 20-25% song song với giảm lương theo cấp bậc.

Hà Nội: Thu hồi đất thêm 4 dự án “ôm đất”, chậm tiến độ

Hà Nội công bố thêm 4 dự án có quyết định thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất hoặc chấm dứt giao đất, cho thuê đất hoặc chấm dứt hoạt động dự án đầu tư thuộc địa bàn quận Đống Đa, huyện Mê Linh, huyện Ba Vì và thị xã Sơn Tây.

Cụ thể, 4 dự án có quyết định thu hồi đất gồm: dự án Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn (Cụm Công nghiệp Cam Thượng, xã Cam Thượng, huyện Ba Vì) do Công ty CP Bê tông Vạn Trường Thành là chủ sử dụng đất; dự án Khai thác chợ Kim Liên (23 Lương Định Của, phường Kim Liên, quận Đống Đa) do Công ty CP Văn Phú – Invest là chủ sử dụng đất.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 29/12 - Ảnh 3
Hà Nội công khai 4 dự án có quyết định thu hồi đất.

Tiếp theo, 2 dự án còn lại thuộc diện thu hồi đất là dự án Khu nhà ở cao cấp Phương Viên (xã Tam Đồng, xã Đại Thịnh, xã Văn Khê, xã Thạch Đà, huyện Mê Linh) do Công ty CP Thương mại và Dịch vụ du lịch Phương Viên là chủ sử dụng đất. Và dự án Xây dựng xưởng sản xuất mành xuất khẩu (thị xã Sơn Tây) do Công ty TNHH Mành Trang Trí là chủ sở hữu đất.

Trước đó, ngày 24/10/2022, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội có văn bản số 8053/STNMT-TTr gửi UBND các quận, huyện, thị xã về việc công khai, minh bạch thông tin xử lý đối với 23 dự án có quyết định thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất hoặc chấm dứt hoạt động dự án đầu tư.

Hết tin 'đồn' lên quận, giá đất 5 huyện ngoại thành TP.HCM giảm mạnh

UBND TP.HCM cho rằng 5 huyện không vội đề xuất lên quận hoặc thành phố khi chưa đủ tiêu chuẩn, trong ngắn hạn có tác động một phần nhỏ đến thanh khoản và giá bán ở những khu vực này.

Công ty CP DKRA Group vừa có báo cáo về thị trường đất nền 5 huyện ngoại thành TP.HCM. Theo đó, đầu năm 2022, khi mở cửa lại nền kinh tế đã tạo đà cho sự hồi phục của thị trường bất động sản. Điều này tác động trực tiếp đến mặt bằng giá bất động sản trong đó có giá đất nền ở các huyện vùng ven TP.HCM, thanh khoản thị trường và mặt bằng giá đều ghi nhận tăng đáng kể so với cuối năm 2021. Trong đó, tăng mạnh nhất và có dấu hiệu sốt đất cục bộ ở huyện Hóc Môn và Củ Chi khi 2 địa phương có thông tin được quy hoạch lên thành phố, mức tăng ghi nhận 15-25% trong hơn một tháng.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 29/12 - Ảnh 4
Củ Chi là nơi có giá đất giảm mạnh nhất, từ 13-25%.

Tuy nhiên, thị trường đảo chiều và giảm mạnh từ cuối tháng 4/2022. Hiện tại giá bán đất nền dự án giảm trung bình khoảng 2-21% so với tháng 12/2021. Riêng mặt bằng giá đất nền hộ lẻ ghi nhận mức giảm lên đến 4-25% so với cùng kỳ 2021. Mức giảm ghi nhận cao nhất ở các huyện Hóc Môn 10-15%, Cần Giờ 11-18%, Củ Chi 13-25%. Thanh khoản thị trường giảm mạnh, chỉ bằng khoảng 25-30% so với đầu năm 2022.

Theo DKRA Group, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thị trường sụt giảm. Đầu tiên là sự tăng cường kiểm soát tín dụng vào bất động sản. Từ cuối tháng 4, cơ quan quản lý nhà nước đã tăng cường kiểm soát tín dụng vào bất động sản, gồm cả kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Doanh nghiệp bất động sản gặp khó trong việc tiếp cận nguồn vốn từ 2 kênh này dẫn đến nguồn cung sụt giảm, nhà đầu tư cá nhân khó tiếp cận vốn vay ngân hàng dẫn đến sức cầu của thị trường sụt giảm.

Huyền Diệu

Bạn đang đọc bài viết Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 29/12. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sẽ có hơn 30.000 căn hộ mới trong năm 2025
Thị trường chung cư Hà Nội trong năm 2025 sẽ có khoảng hơn 30.000 căn hộ mới - tương đương với giai đoạn cao điểm 2016 - 2019. Tuy nhiên, giá căn hộ mở mới sẽ trung bình đạt 72 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT và phí bảo trì).

Tin mới