Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 21/9
Chính phủ chỉ đạo rà soát các bất cập của hệ thống thông tin đất đai; Nghịch cảnh: bất động sản rơi vào cảnh ế ẩm, giá vẫn cao; Giá căn hộ chung cư Hà Nội cao gấp 3 lần TP.HCM... là tin BĐS nổi bật trong ngày hôm nay.
Chính phủ chỉ đạo rà soát các bất cập của hệ thống thông tin đất đai
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, tổng hợp các vướng mắc, bất cập trong thực tế liên quan đến hệ thống thông tin đất đai...
Văn phòng Chính phủ mới đây đã ban hành công văn truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát các quy định pháp luật có liên quan đến hệ thống thông tin đất đai đã được ban hành kể từ khi Luật đất đai năm 2013 có hiệu lực đến nay.
Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, tổng hợp các vướng mắc, bất cập trong thực tế liên quan đến hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn quản lý nhà nước (chia sẻ, kết nối dữ liệu, đầu tư, bảo mật…), trên cơ sở đó, căn cứ quy định của pháp luật hiện hành chủ động giải quyết theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải pháp phù hợp nhằm giải quyết các bất cập này trước khi Luật đất đai (sửa đổi) được ban hành, có hiệu lực thi hành.
Nghị Quyết số 19-NQ/TW ngày 31/10/2012 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại đã xác định mục tiêu: "Ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu, hạ tầng thông tin về đất đai và tài sản gắn liền với đất theo hướng hiện đại, công khai, minh bạch, phục vụ đa mục tiêu; từng bước chuyển sang giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai".
Nghịch cảnh: Bất động sản rơi vào cảnh ế ẩm, giá vẫn cao
Chuyên gia cho rằng, thị trường bất động sản hiện nay giảm sút cả về cung và lượng giao dịch, lượng cung mới được đưa vào thị trường cũng như số lượng dự án được mới được đầu tư, xây dựng ngày một hạn chế và chưa có dấu hiệu cải thiện.
Nhận định về những vấn đề của thị trường bất động sản (BĐS) hiện nay, ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam chia sẻ với báo chí, thị trường giảm sút cả về cung và lượng giao dịch, lượng cung mới được đưa vào thị trường cũng như số lượng dự án được mới được đầu tư, xây dựng ngày một hạn chế và chưa có dấu hiệu cải thiện.
Tuy nhiên, nhu cầu nhìn chung vẫn cao, bất động sản vẫn dành được nhiều sự quan tâm của khách hàng, nhà đầu tư ngay cả trong những giai đoạn khó khăn, dịch bệnh,... nên giá vẫn tăng cả về sản phẩm bán và cho thuê. Tỷ lệ hấp thụ giảm sút rõ rệt do không tìm được sản phẩm phù hợp, giá cao.
Theo thống kê của Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS), tổng nguồn cung căn hộ mới năm 2018 là gần 180.000 sản phẩm mới nhưng sang năm 2019 đã giảm xuống còn gần 110.000, năm 2020 chỉ còn hơn 90.000 sản phẩm.
Năm 2021, thời điểm thị trường chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, nhiều dự án phải ngừng thi công cũng như các vướng mắc về cơ chế chính sách vẫn chưa được tháo gỡ một cách triệt để khiến nguồn cung căn hộ mới tiếp tục giảm xuống còn hơn 50.000 sản phẩm.
Sơ bộ 9 tháng đầu năm 2022 cũng cho thấy, có hơn 32.200 sản phẩm mới được chào bán, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ lệ hấp thụ các căn hộ giảm sút, chỉ ở mức gần 48%, thấp hơn 3,2 điểm % so với năm 2021. Riêng trong quý III/2022, chỉ có khoảng 9.500 căn hộ được đưa ra thị trường, giảm 23% so với quý II/2022.
Theo ông Đính, kể từ năm 2018 đến nay, chính sách tín dụng cùng những quyết định của các cơ quan, ban ngành trong việc kiểm soát thị trường BĐS, đặc biệt liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp BĐS đã khiến nguồn cung BĐS sụt giảm nghiêm trọng.
Giá căn hộ chung cư Hà Nội cao gấp 3 lần TP.HCM
Sau sốt đất, thị trường đất nền chững lại, qua đó đẩy giá mặt bằng chung của các phân khúc khác như chung cư lên cao, đặc biệt tại 2 thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM.
Thời gian qua, mặt bằng giá rao bán căn hộ chung cư ở Hà Nội và TP.HCM tăng cao.
Theo ghi nhận của báo chí, tại Hà Nội, nơi tập trung nhiều dự án chung cư tầm trung như quận Cầu, Thanh Xuân, giá căn hộ đã đưa vào sử dụng 3-5 năm nay đều có mức rao bán từ 42 đến 50 triệu đồng/m2. Đơn cử như, khu vực đường Lê Văn Lương, các dự án chung cư mới ở vài năm rao bán đều có mức giá 50-60 triệu đồng/m2.
Căn hộ phân khúc trung cấp tại các dự án chung cư mới trên địa bàn quận Hoàng Mai, Nam Từ Liêm có giá khoảng 36-45 triệu đồng/m2. Phân khúc căn hộ cao cấp cũng có xu hướng tăng. Cá biệt, một dự án tại quận Tây Hồ có giá khoảng 75 triệu đồng/m2 hay dự án tại quận Hoàn Kiếm có giá khoảng 325 triệu đồng/m2.
Còn tại TP.HCM, dự án chung cư cao cấp có giá bán khoảng 170-300 triệu đồng/m2.
Liên quan tới giá bán chung cư, dữ liệu lớn của một đơn vị chuyên thống kê thị trường ghi nhận trong 8 tháng năm nay vừa công bố cho thấy, nhu cầu tìm kiếm căn hộ chung cư tại Hà Nội và TP.HCM đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, lượt tìm mua chung cư Hà Nội và TP.HCM tăng lần lượt 9% và 4%. Lượt tìm thuê chung cư tại 2 thành phố này còn tăng mạnh hơn, lần lượt là 25% và 48%.
Mức độ quan tâm đến bất động sản: TP.HCM tăng mạnh hơn Hà Nội
Theo dữ liệu lớn của Batdongsan.com.vn, mức độ quan tâm đến bất động sản (BĐS) tại TP.HCM trong 8 tháng đầu năm 2022 tăng 17% so với cùng kỳ năm trước, trong khi chỉ số này của Hà Nội là 4%.
Theo Batdongsan.com.vn, trong 8 tháng đầu năm 2022, thị trường BĐS miền Nam, đặc biệt là tại TP.HCM chứng kiến lượng quan tâm đang tăng mạnh hơn so với nhiều tỉnh phía Bắc.
Trong khi lượt tìm kiếm BĐS toàn thị trường Hà Nội chỉ tăng 4% trong 8 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm 2021, thì TP.HCM đạt mức tăng 17% và tăng ở hầu hết các loại hình.
Cụ thể, mức độ quan tâm đến chung cư, nhà riêng và đất của TP.HCM tăng lần lượt là 17%, 9% và 8%.
Lý giải xu hướng này, ông Nguyễn Quốc Anh- Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn cho rằng phần lớn nhà đầu tư BĐS ở miền Nam đến từ miền Bắc, trong 2 năm dịch bệnh vừa qua, họ đã rút tiền về đầu tư vào các khu vực lân cận khiến cho sự quan tâm đối với BĐS phía Bắc tăng khá mạnh.
Khi lượng quan tâm tăng, BĐS miền Bắc bị đẩy mặt bằng giá lên cao, dòng tiền của nhà đầu tư sau đó lại tìm đến những khu vực có mặt bằng giá ổn định hơn như miền Trung và vào đến miền Nam.
Huyền Diệu