Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 20/9
Bắc Ninh bổ sung nhiều khu công nghiệp vào kế hoạch sử dụng đất; Nhà liền thổ ế khách; Hà Nội xem xét tạm cấp ngân sách kiểm định chung cư cũ... là tin BĐS nổi bật trong ngày hôm nay.
Bắc Ninh bổ sung nhiều khu công nghiệp vào kế hoạch sử dụng đất
Tỉnh Bắc Ninh vừa bổ sung 7 dự án khu công nghiệp và cụm công nghiệp vào kế hoạch sử dụng đất năm nay.
UBND tỉnh Bắc Ninh vừa có quyết định phê duyệt bổ sung 107 dự án, diện tích 644 ha vào kế hoạch sử dụng đất năm nay của các huyện, thành phố.
Trong lĩnh vực công nghiệp, tỉnh bổ sung 7 dự án, bao gồm 5 khu công nghiệp và 2 cụm công nghiệp.
Các khu công nghiệp bao gồm VSIP Bắc Ninh II quy mô 82 ha do Công ty TNHH VSIP Bắc Ninh làm nhà đầu tư; Quế Võ II giai đoạn 1 quy mô 30 ha; Yên Phong II-A do Công ty Hạ tầng Western Pacific làm nhà đầu tư, có quy mô 30 ha; Thuận Thành 1 do Tổng Công ty Viglacera làm nhà đầu tư, quy mô 40 ha; Thuận Thành III - khu B do Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Quý Bắc Ninh làm nhà đầu tư, quy mô 130 ha.
Các cụm công nghiệp bao gồm cụm công nghiệp Vạn Ninh - Cao Đức do Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Kết cấu Hạ tầng Nam Bắc Ninh làm nhà đầu tư, có quy mô 44 ha và cụm công nghiệp đa nghề Đông Thọ giai đoạn 2 bổ sung do Công ty Địa ốc Sông Hồng làm nhà đầu tư với quy mô 7,5 ha.
Trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, 4 dự án được đăng ký bổ sung mới, bao gồm: Khu thương mại dịch vụ của Công ty Thương mại Dịch vụ Ample Sun tại huyện Thuận Thành, quy mô 0,5 ha; khu chợ và dịch vụ thương mại của Công ty TNHH Khánh Sơn Bắc Ninh tại huyện Gia Bình có quy mô 1,4 ha; khu thương mại dịch vụ tổng hợp của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Tổng hợp Tiến Đạt có quy mô 4,6 ha tại huyện Yên Phong; khu thương mại dịch vụ do UBND huyện Quế Võ làm chủ đầu tư quy mô 1 ha.
Nhà liền thổ ế khách
Tháng 8, thành phố chỉ bán được 4 căn nhà phố, biệt thự xây sẵn trên thị trường sơ cấp, mức thấp nhất kể từ đầu năm.
Báo cáo thị trường nhà phố, biệt thự tại TP.HCM do DKRA Việt Nam vừa công bố cho biết, trong tháng 8, nguồn cung và lượng tiêu thụ thị trường nhà liền thổ giảm 23 lần so với tháng 7 và kéo dài chu kỳ ế ẩm kể từ tháng 4 đến nay.
Cụ thể, tháng qua, toàn thành phố có 66 sản phẩm nhà phố, biệt thự thuộc 2 dự án mới được tung ra thị trường nhưng chỉ tiêu thụ được 4 căn, tương đương 6% rổ hàng. Mức thanh khoản này kém xa so với tháng 5-6 (bán 23-40 căn) và thấp hơn 70 lần so với tháng 4 (bán 282 căn).
Suốt 4 tháng qua, thị trường nhà phố, biệt thự tại khu Đông TP.HCM có xu hướng điều chỉnh thanh khoản khá mạnh.
Giám đốc một công ty bất động sản đang phát triển dự án nhà phố, biệt thự xây sẵn trên địa bàn TP.Thủ Đức xác nhận, trong tháng 5-6 doanh số bán hàng đã bắt đầu xuống thấp dưới mức trung bình. Tình hình khó khăn hơn vào tháng 7-8 (tháng 7 Âm lịch), khi giao dịch đình trệ toàn bộ. Mua bán thứ cấp tại dự án này cũng ghi nhận bằng 0 trong hai tháng gần đây.
Trong khi đó, ông Chính, môi giới chuyên phân khúc nhà phố, biệt thự xây sẵn tại quận 2, 9 cũ, nay thuộc TP.Thủ Đức cho hay, kể từ tháng 4 đến nay, quá trình chạy booking của các dự án đang kéo dài từ một đến hai quý, tăng gấp đôi so với mức phổ biến trước đây chỉ rumo không quá 3 tháng.
Theo ông Chính, các dự án nhà phố, biệt thự xây sẵn đang chọn điểm rơi bán hàng từ giữa tháng 9 hoặc ba tháng cuối năm để nhận đủ lượng booking mới dồn khách tổ chức mở bán. Do thời gian chờ quá dài, nhiều nhân viên sale không có nguồn thu từ phí môi giới bán hàng suốt hai quý vừa qua.
Nguyên nhân ế ẩm được các chuyên gia cho rằng, giá trị tài sản hàng chục tỷ đồng một căn nhà phố khiến khách mua nhà dù tiềm lực tài chính mạnh, ít nhiều vẫn cần khoản vay đối ứng. Việc kiểm soát tín dụng cộng thêm mùa thấp điểm tháng 7 Âm lịch đã khiến thanh khoản thị trường lao dốc.
Hà Nội xem xét tạm cấp ngân sách kiểm định chung cư cũ
Thời gian qua, tiến độ triển khai cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội còn chậm. Để đẩy nhanh tiến độ, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo xem xét tạm cấp ngân sách thành phố cho các quận, huyện để thực hiện kiểm định chung cư cũ năm 2022.
Việc triển khai cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ là vấn đề rất lớn, rất khó trong lĩnh vực quản lý đô thị của Hà Nội. Từ nhiều năm nay, mặc dù được các cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo, nhân dân chờ đợi, ủng hộ... nhưng quá trình thực hiện vẫn gặp nhiều khó khăn, lúng túng.
Nguyên nhân cơ bản là do các cơ chế, chính sách chưa hài hòa được lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước, xã hội. Bên cạnh đó, còn thiếu các quy định cụ thể về kiểm định, quy trình, tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư và hệ số K…
Để đẩy nhanh tiến độ, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh - Trưởng ban Chỉ đạo cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội yêu cầu các cơ quan chuyên môn của thành phố và cấp ủy, chính quyền địa phương cần tập trung kiểm định, đánh giá chất lượng và nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ làm cơ sở triển khai quy trình tiếp theo.
Sở Xây dựng khẩn trương hoàn thiện, trình UBND Thành phố Hà Nội xem xét, ban hành "Kế hoạch phát triển nhà ở phục vụ tái định cư, bố trí chỗ ở tạm thời cho các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư trong thời gian thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2021-2025".
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đề nghị các Phó trưởng Ban chỉ đạo xem xét tạm cấp ngân sách thành phố cho các quận, huyện để thực hiện kiểm định chung cư cũ năm 2022; tổ chức lập danh mục cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ để kêu gọi nhà đầu tư tham gia; đề xuất về việc thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bố trí chỗ ở tạm thời cho chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư; đề xuất hệ số K làm cơ sở xác định phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư phù hợp với từng dự án cụ thể.
Thành viên Ban chỉ đạo - Bí thư quận, huyện ủy, Chủ tịch UBND các quận, huyện nơi có nhà chung cư cũ có trách nhiệm lập danh sách và triển khai một số nhà chung cư cũ có điều kiện thuận lợi cho việc triển khai, có khả năng hoàn thành sớm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện.
Thời gian qua, tiến độ triển khai cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội còn chậm. Kết quả thực hiện đạt thấp do khó khăn, vướng mắc chủ quan và khách quan.
Thị trường chung cư “loạn giá”
Giá căn hộ trên thị trường sơ cấp tăng cao nên nhiều người đã tìm mua căn hộ ở thị trường thứ cấp. Ăn theo đà tăng giá, nhiều chủ nhà đã liên tục tăng giá chào bán trong thời gian ngắn khiến thị trường chung cư "loạn giá".
Chia sẻ về lý do thời gian qua căn hộ chung cư cũ sôi động cả về mức quan tâm và giá cả, bà Đỗ Thu Hằng - Giám đốc cao cấp của Savills Hà Nội cho biết, xuất hiện xu hướng người mua tìm mua căn hộ đã qua sử dụng bởi giá mua trên thị trường sơ cấp (còn gọi là mua trực tiếp từ chủ đầu tư) đang ở mức cao hơn so với thị trường thứ cấp (tức là căn hộ đã qua sử dụng).
Bà Hằng cho biết thêm, mọi người chấp nhận mua căn hộ đã qua sử dụng ngoài yếu tố giá hợp lý còn từ yếu tố họ có thể sử dụng được ngay hoặc họ kỳ vọng trong thời gian tới có sự tăng giá, trong khi các sản phẩm đầu tư khác không thực sự hấp dẫn bằng.
“Tuy nhiên, khi mua căn hộ đã qua sử dụng cần hết sức lưu ý về thời gian đã sử dụng. Nếu ở mức độ trong vòng khoảng 5 năm thì đầu tư căn hộ vẫn còn có những cơ hội. Còn nếu 10 năm, nhà đầu tư cần chú ý đến việc đầu tư ban đầu của tòa nhà đó có tốt hay không? Và nếu trên 10 năm, giá chung cư gần như ở mức chững”, bà Hằng chia sẻ.
Huyền Diệu