Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 19/9
Động thái mới nhất của nhà đầu tư khi nới room tín dụng; Giá nhà đất liên tục tăng cao, Bộ Xây dựng nói gì?; Tòa nhà văn phòng nghìn tỷ trơ khung trên "đất vàng" Thủ đô... là tin BĐS nổi bật trong ngày hôm nay.
Động thái mới nhất của nhà đầu tư khi nới room tín dụng
Nới room tín dụng nhưng lãi suất cho vay tiếp tục tăng đang trở thành rào cản cho các nhà đầu tư BĐS.
Các chuyên gia đánh giá việc nới room tín dụng lần này của Ngân hàng Nhà nước vẫn là một nước đi thận trọng, nhằm kiểm soát lạm phát trong bối cảnh thanh khoản ngân hàng vẫn chưa có chuyển biến tích cực.
Với việc dòng tiền bơm vào ngân hàng không nhiều, các tổ chức tín dụng vẫn phải lựa chọn kỹ càng các đối tượng được vay, ưu tiên lĩnh vực, ngành nghề thiết yếu của nền kinh tế, lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ. Bất động sản không nằm trong nhóm được ưu tiên.
Có thể thấy, việc nới room tín dụng đang tạo tâm lý tích cực trên thị trường BĐS. Tuy nhiên, hiểu đúng thì room tín dụng được tăng thêm ưu tiên giải ngân cho các khoản vay phục vụ sản xuất kinh doanh hồi phục kinh tế, không phải chỉ dành cho bất động sản như nhiều người đang nghĩ. Tính đến hết tháng 6/2022, tổng dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản chiếm khoảng 20,74% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống, đạt hơn 2,36 triệu tỷ đồng, tăng 14,07% so với cuối năm 2021.
Cùng với đó, số tiền được giải ngân cho lĩnh vực bất động sản trong phần room được nới thêm cũng chỉ vừa đủ cho các chủ đầu tư lớn, các dự án lớn đang triển khai, các hồ sơ vay của cá nhân đã được cấp tín dụng đang "pending". Bên cạnh đó, vì nguồn cung tín dụng thấp hơn nhu cầu rất nhiều, các ngân hàng sẽ thẩm duyệt hồ sơ và chọn lọc khách vay kỹ hơn.
Giá nhà đất liên tục tăng cao, Bộ Xây dựng nói gì?
Bộ Xây dựng cho biết, dù kinh tế có sự sụt giảm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng giá bất động sản, nhà ở, đất nền không giảm mà vẫn tăng nhưng không đồng đều ở các khu vực, địa phương, phân khúc sản phẩm.
Theo Bộ Xây dựng, trong 6 tháng đầu năm 2022, giá căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền tăng so với thời điểm cuối năm 2021. Số liệu tổng hợp báo cáo từ các địa phương cho thấy giá giao dịch bất động sản tăng cao ở các thành phố lớn, có tốc độ đô thị hóa mạnh, thu hút nhiều vốn đầu tư, du lịch phát triển.
Bộ Xây dựng cho rằng, nguyên nhân tăng giá là do có sự chênh lệch về cung và cầu, nguồn cung bất động sản chưa đáp ứng nhu cầu đầu tư, mua để sử dụng của người dân; do ảnh hưởng của dịch bệnh, thời gian thực hiện dự án kéo dài, chi phí nguyên vật liệu đầu vào, lãi vay khi thực hiện dự án tăng lên; do dịch chuyển dòng vốn đầu tư từ các lĩnh vực khác dồn vào trú ẩn trong lĩnh vực bất động sản
Bộ Xây dựng cho biết, tại Hội nghị phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững hồi giữa tháng 7, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, định hướng giải pháp để quản lý, phát triển thị trường bất động sản an toàn, bền vững, lành mạnh.
Mới đây, ngày 29/8, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 13 về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; trong đó, yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiều giải pháp góp phần ổn định thị trường bất động sản, giá bất động sản. Trong chỉ thị, Thủ tướng nêu một số giải pháp đề xuất nhằm kiểm soát giá bất động sản để ổn định thị trường bất động sản.
Tòa nhà văn phòng nghìn tỷ trơ khung trên "đất vàng" Thủ đô
Nằm tại các vị trí đắc địa ở Thủ đô, dự án Trung tâm điều hành và giao dịch VICEM (Nam Từ Liêm, Hà Nội) lại xây dựng dở dang và bị bỏ hoang nhiều năm, gây lãng phí...
Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch VICEM (VICEM Tower) tại lô 10E6, Khu đô thị mới Cầu Giấy, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, được cấp phép năm 2011 và dự kiến hoàn thành 3 năm sau đó. Tuy nhiên, đến nay dự án này vẫn chỉ là công trình xây dựng dở dang, bỏ hoang.
Dự án được xây dựng theo quy mô hạng A trên diện tích gần 8.500 m2, bao gồm tòa nhà cao 31 tầng nổi và 4 tầng hầm, với tổng diện tích sàn là khoảng hơn 78.000 m2, trong đó phần nổi khoảng 54.000 m2, đáp ứng 200 chỗ đỗ xe ngầm.
Tổng mức đầu tư ban đầu của dự án là 1.952 tỷ đồng. Tuy nhiên sau đó số vốn đầu tư đã tăng lên 2.743 tỷ đồng (tăng thêm gần 800 tỷ đồng).
Vào tháng 6/2019, VICEM muốn xin bán lại trụ sở văn phòng trên và cho biết, đây là một trong những mục tiêu của doanh nghiệp trong việc tái cơ cấu theo yêu cầu của Chính phủ.
Với đề xuất trên, Bộ Xây dựng đã đồng ý về chủ trương sau khi có ý kiến đồng thuận của Văn phòng Chính phủ và các bộ ngành liên quan tuy nhiên theo Kiểm toán Nhà nước, VICEM chưa hoàn thành thủ tục, nội dung điều chỉnh phương án trình phê duyệt.
Quy hoạch đường vành đai tạo lực đẩy cho bất động sản
Tuyến vành đai 4 sắp được triển khai đi qua Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh đang được đánh giá là một động lực mới về hạ tầng đô thị tại vùng Thủ đô. Dự án có chiều dài 112,8 km, tổng mức đầu tư 85.800 tỷ đồng. Tháng 8 vừa qua, Chính phủ ban hành nghị quyết giao quyền nhiều hơn cho các địa phương cũng như rút ngắn thời gian triển khai các thủ tục với mục tiêu khởi công toàn tuyến vào tháng 6/2023, hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác năm 2027.
Cùng lúc đó, dự án vành đai 3,5 cũng tăng tốc trở lại khi TP.Hà Nội dự kiến rót thêm gần 2.500 tỷ đồng xây dựng nút giao với Đại lộ Thăng Long. Đoạn đường qua địa phận tỉnh Hưng Yên dài hơn 9,2 km cũng đang được đầu tư xây dựng đoạn từ Quốc lộ 5 đến Đường tỉnh 379. Dự kiến, đến hết năm 2025, gần 90% tuyến đường (tương đương 40,1 km) sẽ được đầu tư theo quy hoạch và sẽ khép kín khi cầu Ngọc Hồi hoàn thành, tạo sự kết nối 2 bờ Bắc - Nam sông Hồng.
Theo các chuyên gia, bộ đôi đường vành đai này không chỉ giúp hoàn thiện hệ thống đường bộ của vùng Thủ đô, kết nối xuyên suốt đến 10 địa phương phía Bắc, mà còn tiếp cận các khu vực kinh tế, các cửa ngõ hàng hải, hàng không xung quanh. Đồng thời, 2 tuyến đường sẽ mở ra những không gian phát triển mới đầy triển vọng trong tương lai, thúc đẩy hình thành các siêu đô thị mô hình đa cực, tạo sức hút dịch chuyển cư dân, giúp giảm tải cho nội đô Hà Nội.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, các tuyến vành đai được hình thành sẽ tạo ra sự thay đổi lớn. Khi các tuyến vành đai khép kín, hành lang công nghiệp sẽ phát triển, các khu công nghiệp được định hình rõ ràng, mạnh mẽ hơn. Bên cạnh đó, hoạt động vận tải và các tuyến logistic sẽ sôi động. Các đô thị, chuỗi đô thị đẳng cấp cao sẽ ra đời, tạo nên không gian kết nối tốt, nâng chuẩn sống của cư dân.
Huyền Diệu