Thứ bảy, 27/07/2024 06:25 (GMT+7)
Thứ tư, 14/09/2022 17:55 (GMT+7)

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 14/9

Theo dõi KTMT trên

Thị trường bất động sản chờ 'ấm lên' sau nới room tín dụng; Doanh nghiệp bất động sản trở lại đường đua trái phiếu doanh nghiệp; Bộ Xây dựng đề xuất 2 phương án sở hữu nhà chung cư có thời hạn... là tin BĐS nổi bật trong ngày hôm nay.

Thị trường bất động sản chờ 'ấm lên' sau nới room tín dụng

Các chuyên gia đều đánh giá việc nới room tín dụng sẽ có ý nghĩa tích cực tới thị trường bất động sản, đặc biệt là các dự án nhà ở, sắp bàn giao đến khách hàng.

Quyết định "nới room" tín dụng của Ngân hàng Nhà nước đồng nghĩa với việc các ngân hàng thương mại để bơm thêm ra thị trường khoảng 457.000 tỷ đồng theo mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 14%.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 14/9 - Ảnh 1
Việc nới room tín dụng sẽ có ý nghĩa tích cực tới thị trường bất động sản. 

"Đây là một động thái bẻ khóa tiền tệ tích cực, giúp trực tiếp bơm nguồn tiền vào nền kinh tế hậu Covid-19, từ đó tiếp sức cho các lĩnh vực và ngành nghề bao gồm dịch vụ, sản xuất, kinh doanh và bất động sản", TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, đánh giá.

Ông nhấn mạnh việc nới "room" tín dụng được kỳ vọng sẽ giúp thị trường bất động sản phục hồi và tái phát triển.

Ông Cấn Văn Lực cho rằng người dân và doanh nghiệp phải đa dạng hóa nguồn vốn ngoài kênh tín dụng ngân hàng như trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, đầu tư nước ngoài...

"Thời gian tới, khả năng phục hồi của thị trường bất động sản sẽ tùy từng phân khúc. Bất động sản du lịch nghỉ dưỡng sẽ cần thêm thời gian khi du lịch quốc tế mở cửa mạnh mẽ hơn còn phân khúc bất động sản nhà ở, khu công nghiệp sẽ bắt đầu phục hồi bởi khi đó dòng vốn tín dụng, huy động vốn từ trái phiếu, cổ phiếu được thuận lợi hơn", vị chuyên gia nhận định.

Doanh nghiệp bất động sản trở lại đường đua trái phiếu doanh nghiệp

Theo Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 8 năm nay, có 26 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ và 1 đợt phát hành ra công chúng với tổng giá trị 14.230 tỷ đồng.

Trong đó, nhóm ngân hàng thương mại đứng đầu về giá trị phát hành với giá trị là 11.730 tỷ đồng.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 14/9 - Ảnh 2
Phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ và 1 đợt phát hành ra công chúng với tổng giá trị 14.230 tỷ đồng.

Nhóm các doanh nghiệp bất động sản đứng thứ hai, phát hành là 1.800 tỷ đồng. Ở nhóm này, có 2 đợt phát hành từ Công ty cổ phần Fuji Nutri Food và Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền.

Về kế hoạch phát hành sắp tới, Tập Đoàn Đất Xanh đã phê duyệt phương án phát trái phiếu chuyển đổi ra thị trường quốc tế với tổng giá trị phát hành tối đa 300 triệu USD. Công ty cổ phần Miền Đông cũng đã phê duyệt phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ kỳ hạn 3 năm, lãi suất cố định 12%/năm với giá trị phát hành không quá 70 tỷ đồng.

Tính từ đầu năm đến hết tháng 8 năm nay, có tổng cộng 2 đợt phát hành ra quốc tế của Tập đoàn Vingroup trị giá 625 triệu USD, 18 đợt phát hành ra công chúng với giá trị 9.296 tỷ đồng (chiếm 4% tổng giá trị phát hành) và 344 đợt phát hành riêng lẻ trị giá xấp xỉ 211.300 tỷ đồng (chiếm 96%). Giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng giảm gần 20% so với cùng kỳ năm trước và giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ giảm 40% so với cùng kỳ năm trước.

Nhóm ngân hàng đang dẫn đầu về giá trị phát hành với tổng giá trị đạt gần 119,633 tỷ đồng, tương đương 54,2% tổng giá trị phát hành. Nhóm bất động sản đứng ở vị trí thứ hai với 47.060 tỷ đồng, chiếm 21,3%.

Phát triển nhà ở xã hội: Bắc Giang liệu có làm trái quy định pháp luật?

Luật Nhà ở 2014, Nghị định 49/2021/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 100/2015/NĐ-CP đã quy định rõ 10 đối tượng được mua, thuê mua, thuê nhà ở xã hội. Tuy nhiên, tại Bắc Giang vấn đề này lại chưa được đảm bảo đúng quy định pháp luật. Đây liệu có phải là căn nguyên khiến các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn nảy sinh tiêu cực? Dự án Evergreen Bắc Giang (Thị trấn Nếnh – Việt Yên) là một trường hợp như thế.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 14/9 - Ảnh 3
Dự án nhà ở xã hội Evergreen Bắc Giang chuẩn bị cất nóc nhưng mới có 27 hồ sơ xin mua.

Phát triển nhà ở xã hội là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Nhiều năm qua, nhờ các khuyến khích của pháp luật trong đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhiều doanh nghiệp đã bỏ vốn tham gia đầu tư, góp phần đáng kể trong việc tạo ra nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp theo quy định được có nhà ở.

Tại Bắc Giang, việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội đã được quan tâm và đây cũng là tỉnh tạo ra nhiều nhà ở xã hội nhằm ổn định đời sống của các đối tượng, đặc biệt là công nhân trong các khu công nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế, cũng còn một số vấn đề mà UBND tỉnh và các ngành liên quan cần phải quan tâm xử lý.

Theo quy định tại Điều 49, Luật Nhà ở 2014 và Nghị định 49/2021NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về quản lý phát triển nhà ở xã hội quy định các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội:

“Các đối tượng sau đây nếu đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 51 của Luật này thì được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội: 1. Người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; 2. Hộ gia đình nghèo và cận nghèo tại khu vực nông thôn; 3. Hộ gia đình tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu; 4. Người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị; 5. Người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp;

6. Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân; 7. Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức; 8. Các đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ theo quy định tại khoản 5 Điều 81 của Luật này; 9. Học sinh, sinh viên các học viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề; học sinh trường dân tộc nội trú công lập được sử dụng nhà ở trong thời gian học tập”; 10. Hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở”.

Bộ Xây dựng đề xuất 2 phương án sở hữu nhà chung cư có thời hạn

Tại dự thảo lần hai của Luật Nhà ở sửa đổi, Bộ Xây dựng đề xuất 2 phương án quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư.

Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến đối với dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Trong đó, đối với quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư, Bộ đề xuất 2 phương án.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 14/9 - Ảnh 4
Ảnh minh họa

Phương án 1: Bổ sung mới quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư được xác định căn cứ vào thời hạn sử dụng của công trình theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Phương án 2: Giữ nguyên như quy định hiện hành (không quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư, người mua nhà chung cư được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ổn định, lâu dài).

Cụ thể, ở phương án 1, giống quan điểm mà Bộ đưa ra cách đây 4 tháng gây chú ý dư luận về thời hạn sử dụng chung cư 50-70 năm.

Bộ Xây dựng đề xuất, thời hạn sở hữu nhà chung cư áp dụng với chung cư thương mại, chung cư xã hội, tái định cư, chung cư công vụ.

Thời hạn sở hữu nhà được xác định theo của công trình nêu trong hồ sơ thiết kế đã thẩm định, và được tính từ khi nghiệm thu toàn bộ công trình đưa vào sử dụng.

Khi thẩm định hồ sơ thiết kế, cơ quan có thẩm quyền phải ghi rõ thời hạn sử dụng chung cư. Thời hạn sở hữu nhà chung cư cũng phải ghi rõ trong hợp đồng mua bán căn hộ.

Tuy nhiên, với các nhà chung cư được cấp giấy phép xây dựng hoặc có văn bản thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở (đối với trường hợp miễn giấy phép xây dựng) trước ngày Luật này có hiệu lực, người dân được sở hữu không thời hạn như quy định cũ.

Tại dự thảo, Bộ Xây dựng bổ sung điều mới, nêu chi tiết 2 phương án đối với nhà chung cư còn thời hạn sở hữu và hết thời hạn sở hữu.

Huyền Diệu

Bạn đang đọc bài viết Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 14/9. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

LỜI ĐIẾU đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn Lời điếu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng do đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Trưởng Ban Lễ tang đọc tại Lễ Truy điệu ngày 26/7/2024.
Thực hành ESG: Không dễ để triển khai!
Dù các doanh nghiệp Việt Nam nhận thức được tầm quan trọng của bộ tiêu chuẩn đo lường các yếu tố liên quan đến định hướng chiến lược và hoạt động phát triển bền vững (ESG) nhưng thực tiễn thực hành lại đang gặp nhiều khó khăn.